12 thg 9, 2015

Về hai chữ “đái” trong Từ điển của GS Nguyễn Lân

Đái mạch huyệt đồ (Hình vẽ minh họa vi trí
của "đái mạch". Vòng trên cùng là đái mạch.

    HOÀNG TUẤN CÔNG

Sách “Từ điển từ và ngữ Hán Việt” (NXB Từ điển bách khoa-2002) của GS Nguyễn Lân có giảng nghĩa hai từ: “ái đái” và “bạch đái”. Tuy nhiên, cả hai từ này đều bị GS Nguyễn Lân giảng sai về từ tố:

1-“Ái đái (đái: đội trên đầu) Thân thiết và tôn trọng (cũ) Tỏ lòng ái đái đối với ông thầy.”

Đúng là chữ “đái” (đọc chệch là “đới”) có một nghĩa là “đội”, (như: -Bất cộng đái (đới) thiên-Không đội trời chung)... Tuy nhiên “đái” trong từ “ái đái” 愛戴, (tự hình giống nhau) lại có nghĩa là “tôn kính”, chứ không có nghĩa “đội trên đầu” như GS Nguyễn Lân giảng. Để chứng minh điều này không khó:


-"Hán Việt tự điển" (Thiều Chửu): “đái : 1. Ðội, phàm để cái gì lên đầu mà đội đều gọi là đái. 2. Tôn kính, như [ái đái] 愛戴 yêu chuộng, yêu mà bốc người lên gọi là ái đái.”

-"Từ điển Hán Việt" (Trần Văn Chánh): “đới, đái : 1. Đội, đeo: 戴帽 [đái mạo tử] đội mũ; 戴眼鏡 (đái nhãn kính) đeo kính; 2. Kính (trọng), quý trọng: 愛戴 [ái đái] kính yêu; 擁戴 [ủng đái] ủng hộ và quý trọng.”

Như vậy, "đái" trong "ái đái" phải được hiểu theo nghĩa thứ hai mà Thiều Chửu và Trần Văn Chánh đã giảng. Có lẽ GS Nguyễn Lân suy đoán: vì "thân thiết và tôn trọng" nên mới "đội lên đầu" chăng?(1)

2. “Bạch đái (bạch: trắng, rõ ràng; đái: đeo lấy) Bệnh khí hư của phụ nữ: Một nguyên nhân của bệnh bạch đái là sự thiếu vệ sinh.”

Vị trí của "đái mạch", phía dưới đái mạch gọi chung là "đái hạ"

Chữ “đái” (động từ) có một nghĩa là “đeo” [như: đái đao  đeo dao; đái kiếm  đeo kiếm] như GS Nguyễn Lân giảng. Tuy nhiên, “đái” trong “bạch đái”  lại không có nghĩa là “đeo” [động từ] mà nghĩa là vành đai; đai thắt lưng [danh từ]cụ thể ở đây chỉ vùng (vòng) thắt lưng của người. Bệnh "bạch đái" (có được nói đến trong sách cổ "Hoàng Đế nội kinh tố vấn"-Tàu), Đông y còn gọi là "đái hạ"带下, bởi y lý cổ truyền cho rằng bệnh phát sinh ở vùng dưới "đái mạch huyệt" 带脉穴 (vị trí tương đương vùng dưới thắt lưng).

Vị trí của hai "đái mạch huyệt"

GS Nguyễn Lân giải thích "Một nguyên nhân của bệnh bạch đái là sự thiếu vệ sinh.” Tuy nhiên, đó chỉ là hiện tượng, không phải bản chất. Vì khí hư bạch đới chảy ra, đọng lại cửa âm đạo gây ngứa ngáy khó chịu, dẫn đến lở loét, khiến người ta nghĩ lầm bệnh do mất vệ sinh mà ra. Theo Đông y, bệnh "bạch đái" (hay bạch đới) chủ yếu do thấp tà xâm nhập, âm đạo thường xuyên chảy rỉ ra chất đặc, dính. Dựa vào màu sắc chất dịch, Đông y phân thành: bạch đới, hoàng đới, hắc đới, thanh đới, xích đới và xích bạch đới.

"Nam dược thần hiệu" của Đại y sư Tuệ Tĩnh xếp riêng một mục “Khí hư bạch đới” và giải thích: “Đàn bà ra khí hư hoặc trắng, đỏ cũng giống như chứng di tinh, bạch trọc của đàn ông đều do sẵn có bệnh thấp nhiệt, lại thêm vào mừng, giận, lo nghĩ, sinh đẻ, nuôi con, dâm dục và kinh chưa ra hết mà giao cấu, làm cho trọc khí thấm vào bàng quang, cho nên mới chảy ra vật uế tạp hoặc trắng, đỏ, vàng, xanh, đen, hoặc nhiều hoặc ít đến nỗi sắc mặt như người có bệnh hoàng đản (tức vàng da-HTC chú thích), eo lưng, bắp đùi đau nhức, ăn uống sút kém, tinh thần uể oải mà sinh ra bệnh.” (NXB Y học-Hà Nội-1972)

Theo nhà Dược học Đỗ Tất Lợi, cây bấn trắng (tên chữ: bạch đồng nữ) bấn đỏ (xích đồng nam) ở nhiều vùng nước ta với tên khác nhau, có thể dùng lá để chữa bệnh bạch đới. Chính bản thân Đỗ Tất Lợi và gia đình ông cũng có kinh nghiệm dùng rễ cây bấn Việt Nam để chữa bệnh khí hư bạch đới, hiệu quả tốt. (Xem "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam"-NXB Khoa học và kỹ thuật-Hà Nội 1972, tr.48)

Như vậy,"đái" trong "ái đái" 愛戴 có nghĩa là "tôn kính" chứ không phải là "đội trên đầu"; còn "đái" trong "bạch đái" là cách gọi vừa kết hợp mô tả triệu chứng bệnh "bạch" (chỉ khí hư màu trắng) và vị trí thấp tà xâm nhập, gây bệnh ở vùng "đái hạ" (-phía dưới thắt lưng, vòng qua trước bụng)(2) chứ không có nghĩa là "đeo lấy" như cách giải thích của GS Nguyễn Lân.

                                                       Hoàng Tuấn Công/9/2015

Chú thích:

(1)                 GS Nguyễn Lân đối dịch và giảng nghĩa từ “ái” trong “ái đái”thân thiết và tôn trọng” cũng chưa chính xác. Vì từ “ái đái” được hiểu như “kính yêu”. “Việt Nam tự điển” (Hội Khai trí tiến đức): “Ái đái: Yêu mến và tôn phục: Cả nước đều ái đái một người”. “Hán Việt từ điển” (Đào Duy Anh): “Ái đái: Thương yêu mà tôn trọng.”

(2)                  Vị trí này có "đái mạch huyệt" 带脉穴-huyệt mạch vùng thắt lưng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét