12 thg 9, 2015

NHÂN ĐỌC THƠ TRỊNH MINH CHÂU

                                                                                    
Nhà thơ Trịnh Minh Châu
                      
                           HOÀNG TUẤN PHỔ

           




Đã lâu, tôi không gặp Trịnh Minh Châu, hôm nay bỗng nhận được tập thơ anh gửi tặng, đúng hơn, một quyển thơ dày đến 200 trang, và những 80 bài. Tôi với Châu cùng Hội văn nghệ Thanh Hóa, cùng hội nhưng không cùng thuyền. Con thuyền thơ anh dương buồm lộng gió đến mọi trời thơ, còn tôi, tôi chỉ là một chiếc bè văn ngược xuôi dòng sông Mã thác ghềnh. Trong tập thơ, Trịnh Minh Châu ghi lời đề tặng: "Kính tặng Nhà văn Hoàng Tuấn Phổ". Nhưng, 60 năm cầm bút, tôi không thành một "cái" gì cả. Năm 70 tuổi, tôi viết:




"Không bằng không cấp không không cả,
Nhá chữ, nhai văn, vỗ bụng cười!"
                                                                 (Tự trào tuổi Bảy mươi)

Đầu năm 2015, mừng thọ Bát tuần, tôi lại làm bài "Cười mình Tám mươi xuân":

"Vườn văn bóng xế cày thôi cuốc
Mẹt sách chợ trưa đứng lại ngồi!"

            Tóm lại, tôi chỉ muốn tôi là tôi, một cái tên "Hoàng Tuấn Phổ" trần trụi, đến nay còn cầm được bút như đã từng  cầm cày...

            Nghe nói chung quanh Trịnh Minh Châu, người ta đã thành Nhà thơ, Nhà văn "toàn quốc" cả, như truyện cổ tích, sau một đêm hóa thành triệu phú! Không biết điều ấy có làm anh suy nghĩ gì không? Riêng tôi, tôi nghĩ: Trịnh Minh Châu cũng như Hoàng Tuấn Phổ, chúng ta không là "nhà" gì thì có sao đâu? Anh vẫn làm thơ, tôi vẫn viết văn. Chỉ có thơ hay, thơ dở, làm gì có "thơ tỉnh lẻ" và "thơ trung ương"? Một nhà văn có tài của Thanh Hóa, Nguyễn Ngọc Liễn, thuở sinh thời, sau khi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, mừng rối rít, khoe với tôi: "Mình vừa được kết nạp!" Tôi cười vui: "Tôi thấy anh hôm nay chẳng có gì khác hôm qua!" Nguyễn Ngọc Liễn giương cao cặp kính cận trố mắt nhìn tôi: "Mày nói thật à?". Đến lượt nhà thơ Lê Tuấn Lộc, tổ chức hộ thảo "Thơ Lê Tuấn Lộc" (tại trường Đại học Hồng Đức), tha thiết mời tôi viết cho một bài. Mở đầu bài tham luận, tôi nói đại ý: Lê Tuấn Lộc từ một nhà thơ tỉnh lẻ đã trở thành nhà thơ toàn quốc. Nhưng không có nghĩa thơ anh lập tức trở thành "thơ toàn quốc"!

            Dù sao, Trịnh Minh Châu vẫn làm thơ và thơ Trịnh Minh Châu đúng là thơ thứ thiệt, bây giờ đang hiện hữu trong mắt tôi.

            "Trước biển Sầm Sơn" là một trong những bài thơ của Trịnh Minh Châu tôi thích, tưởng như "hư" mà "thực", ngỡ "thực" lại "hư",...tác giả nói mình mà nói người, mượn cái riêng để nói cái chung, tưởng là chuyện thơ, hóa ra chuyện đời:

"Trách chi gió bụi lẩn vào
Cả son phấn nữa ạt ào sóng xô...
...Ngập ngừng toát cả mồ hôi
Từng quen ao nhỏ một thời đi qua
Bây giờ đứng trước bao la
Buồn vui bề bộn ngóng xa trông gần...
...Xin về với biển người ơi
Sạch đi tù đọng một thời ao con!"

            Trong bài giới thiệu thơ Trịnh Minh Châu trên Đài Tiếng nói Việt Nam, cố Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi nhận xét rất đúng, thơ Trịnh Minh Châu "nhiều tầng ý nghĩa"...

            "Trước biển Sầm Sơn" là một trong những bài thơ như vậy. Chúng ta đã thoát khỏi một thời "ao nhỏ", nhưng chưa dám hay chưa đủ sức nhảy vào biển cả mênh mông để vẫy vùng, tắm táp cho "Sạch đi tù đọng một thời ao con"!

            Chung quan Trịnh Minh Châu, người ta hô hào "đổi mới thơ", "hiện đại thơ", tự "đánh phấn" thơ mình, "tô son" tên mình, để rồi lầm tưởng...Với Châu anh vẫn điềm tĩnh, kiên trì lối viết của mình, nên dễ bị xem thường là cũ, là khô...

            Tôi đọc ở đâu đó một bài thơ "Con cóc" viết về một "con cóc đổi mới", "con cóc hiện đại". Bài thơ "Con cóc" của văn học dân gian vốn rất hay, được tác giả "tân biên":

Con cóc trong hang,
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đó
Con cóc ngó đất
Con cóc trông trời
Con có thở dài...

            Tại sao con cóc thở dài? Cái thở dài ấy có lẽ hàm chứa một lời than kèm theo một câu hỏi: "Chao ôi! Trời đất bao lá quá! Choáng ngợp quá! Ta biết làm thế nào đây để thoát khỏi cái hang chật hẹp, tối tăm?" Tác giả viết tiếp:

Con cóc chép miệng
Con cóc nhảy đi...

            Chàng Cóc "chép miệng" vì may mắn, tình cờ con muỗi bay qua mũi mình chăng? Chắc không phải. Đó là cái tắc lưỡi "Cũng liều nhắm mắt đưa chân", cho nên "con cóc nhảy đi". Nhưng "nhảy đi đâu?". Cứ nhảy đại, đi bừa, không khéo lại nhảy tòm xuống cái "ao con" "tù đọng", hay ra đường cái đầy xe cộ nườm mượp kia? Tác giả bài thơ "Con cóc tân biên" cho thấy chàng cóc của mình lâm vào thế bế tắc, vì mất phương hướng hay không có phương hướng, và lẫn lộn năng khiếu với tài năng!?

            Bản lĩnh của Nhà thơ Trịnh Minh Châu, dù chỉ là một nhà thơ tỉnh lẻ, rất yêu thơ, say thơ, nhưng không bốc đồng; lấy trái tim mình thay cho la bàn, như người uống rượu, nồng nàn men cay mà vẫn tỉnh táo. Anh hay đến chùa, hiểu được giáo lý nhà Phật, đã "Khấn trước tượng chùa":

"...Khấn rằng thập loại chúng sinh
Không  không sắc sắc như kinh lời truyền
Thế gian không chức không quyền
Không thường dân chẳng bon chen lọc lừa
Không cung điện chẳng đền chùa
Tòa sen, ngai báu cũng là sắc không...
...Nếu như không phải Nam mô
Cứ vô vi khỏi ai thờ phụng nhau
Không ai vơ vét làm giàu
Không nghèo đói, chẳng kiếp đau luân hồi..."

            Bây giờ ngày càng nhiều khách lên chùa thắp hương khấn phật, xin ngài "phù hộ"...kẻ thăng quan tiến chức, người giàu sang phú quý, mấy ai như tác giả:

Nỉ non khấn phật mãi rồi
Đêm nằm mộng, tôi với tôi một mình(!)

            Không rõ đức Phật có báo mộng gì cho Trịnh Minh Châu hay không? Vì tiếng lòng của tác giả cũng là tiếng lòng của muôn người mộng ước thoát khỏi "kiếp đau luân hồi"!


                                                                                                HTP/Làng Đoài, 11/9/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét