11 thg 9, 2015

LÀNG HÒA VĂN CỦA TÔI


      HOÀNG TUẤN CÔNG

Làng Hòa Văn thuộcc 9 xã miền đồng lúa Tây sông Lý (xã Quảng Hoà, huyện Quảng Xương-Thanh Hóa) do Chiêu Văn Đại vương Trần Nhật Duật, Hoàng tử thứ 6, con vua Trần Thái tông cho lập năm 1281. Vì làng ở phía tây sông Lý, nên gọi là làng Đoài. Đời Nguyễn lấy chữ “Văn” trong Chiêu Văn thêm vào thành Văn Đoài, sau đổi tên Hoà Văn.

Nhà tôi ở ngay đầu làng Đoài. Buổi đầu, làng Đoài là vùng đất hoang rậm, đồng lầy, nước ngập, cày cáo, trăn rắn…chiếm cứ gò cao, các giống chim nước đầy đàn nơi ruộng trũng. Người đứng đầu tập hợp dân nghèo tổ chức khai phá là ông Lê Văn Bèo (tức Bìu), tiếp theo là ông Tổng, ông Yểng, ông Chung, mỗi ông phụ trách một khu vực. Những cánh đồng lớn mang tên các ông tổ: đồng Bèo, đồng Yểng, đồng Chung, sau năm 1945 còn ngập nước, chỉ cấy được một vụ lúa. Đặc biệt đồng bèo giống hình chảo, lúa mọc quanh rìa, còn lại hàng trăm mẫu, mùa mưa sóng vỗ ì ọp, cho làng nguồn thuỷ sản tự nhiên giàu có. Năm 1968, đào con mương tiêu thuỷ qua làng, đồng Bèo thành ruộng hai vụ chiêm mùa ăn chắc.


Làng Hoà Văn thuở mang tên Văn Đoài là một làng lớn gồm những 3 giáp: giáp Nhất, giáp Nhì, giáp Ba. Thời kỳ phong kiến, đầu làng là khu văn hoá truyền thống: ngôi đình ngói cột gỗ lim 7 gian đồ sộ, 5 gian nghè thờ thần Thành hoàng nguy nga; cây trôi kếch xù toả bóng mênh mông trùm mát rượi…Giếng Đình ngay cạnh gốc cổ thụ, có bậc lát gạch dẫn từ sân đình xuống. Những năm 1960, đình làng tôi bị phá dỡ để xây trường học.


Kiến trúc cũ đình nghè nay thành nhà công sở…Nhưng, khu di tích thắng cảnh nổi danh một thời không thể mất đi tất cả. Bái Cồn May-Phúc Chỉ còn đó, Cây Trôi - Giếng Cổ còn đây. Thời Hoà Văn chưa có tên, bái Cồn May rộng bao la mấy chục hecta nối liền một dải. Năm 1281, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật sau khi đánh thắng giặc Trịnh Giác Mật (vùng sông Đà), đem quân về bái Cồn May (mọc đầy cỏ may, giống cỏ đến nay vẫn còn mọc đầy bái Phúc Chỉ ) được dân trại, dân ấp kéo đến mang theo trâu, bò, gà lợn chúc mừng, khao quân. Ngài không nhận gì và chúc phúc lại dân chúng bằng cách cho phép chiêu mộ thêm người nghèo để lập làng. Làng Đoài, nơi có bái Cồn May, nơi Chiêu Văn vương ban phúc (Phúc Chỉ-nền phúc) khai sinh từ đó. Tương truyền, Chiêu Văn vương đứng trên gò cao tuyên bố lập làng, sau đó làng Đoài trồng cây trôi để ghi dấu thiêng, lưu lại muôn đời. Cây trôi này xứng đáng tượng trưng cho sức vóc, khí phách của người anh hùng dân tộc Trần Nhật Duật lập công đầu trong hai trận đánh thắng giặc Nguyên đời Trùng Hưng (1285-1286 ). Sau khi Chiêu Văn đại vương Trần Nhật Duật qua đời, bái Cồn May-Phúc Chỉ (ngay phía trước nhà tôi, chếch về bên trái) trở thành nơi làng hàng năm ngày mùng ba tháng ba (Âm lịch) cả vùng Văn Trinh tổ chức hội hè, tế lễ, tỏ lòng nhớ ơn Ngài…



Cách nhà tôi chừng độ 50m, hiện vẫn còn cây trôi (họ muỗm, kéo) khoảng hơn 700 tuổi, thân to 6 người dang tay ôm không xuể, u trếu mọc đầy, cho quả như quả xoài, to bằng quả trứng gà, ăn chua chua, ngọt ngọt. Những cái rễ trồi lên trên mặt đất như những con trăn cuộn khúc khổng lồ, phải ngửa cổ nhìn lên mới thấy cành lớn, cành nhỏ chi chít và tán lá xoè tàn lộng che kín một vòm trời. Cây trôi soi bóng xuống cái giếng cổ, cũng tương truyền được đào từ thuở cộng đồng làng Đoài nhóm họp, từng là nguồn nước mát trong lành như nguồn sữa quý nuôi bao thế hệ. Nay mặt nước giếng Đình bèo ong phủ kín, cây dại mọc đầy xung quanh.    

    
  Di sản của mấy trăm năm thời phong kiến nay đã thành hoang phế.


                                                                                Hoàng Tuấn Công/9/2015



2 nhận xét: