3 thg 6, 2014

THƠ LÊ LỢI, KHÔNG PHẢI THƠ NGUYỄN TRÃI

(Trao đổi với ông Trần Đắc Thọ)
Bia cổ Hào Tráng
                                          Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng

  Hoàng Tuấn Phổ

Chúng ta đều biết bài thơ khắc trên bia đá Hào-Tráng (sông Đà) là của vua Lê Lợi, nhưng mới đây, theo phát hiện của Trần Đắc Thọ, lại là của thi hào Nguyễn Trãi. Ông Thọ căn cứ vào câu “Hào khí tảo không thiên chướng vụ” đã có trong bài thơ Quá Hải  của Nguyễn Trãi, lại còn thấy trong bài thơ Hào Tráng của Lê Lợi. 

Ông Trần Đắc Thọ viết: “Đành rằng trong cuộc sống có “những tâm hồn lớn” gặp nhau, nhưng người ta gặp nhau trong ý nghĩa, tư tưởng mà không trong từng câu, từng chữ như thế này. Việc Nguyễn Trãi sử dụng (lại) một câu thơ cũ của mình là một câu chuyện bình thường. Nhưng Lê Lợi đường đường một đấng chí tôn lại làm một việc thiếu đường hoàng như vậy thì không ổn. Thư tịch cổ thường hay tôn vinh cá nhân các vị đế vương. Trong trường hợp này, thiết nghĩ cứ viết trung thực là Lê Lợi sai Nguyễn Trãi làm thơ khắc vào vách đá núi để kỷ niệm chiến thắng”. (Tạp chí Hán Nôm số (38) 1999.Tr.44)
Theo tôi, lập luận của ông Trần Đắc Thọ trong bài “Thơ Lê Lợi hay là thơ Nguyễn Trãi”  không thuyết phục.
Cứ giả thiết Lê Lợi sai Nguyễn  Trãi làm hộ thơ cho mình. Nhưng liệu Nguyễn Trãi có dám dùng lại thơ cũ của mình để ký tên bậc chí tôn vào đó ? Mà lại là thơ khắc trên vách đá, khi bị phát hiện thì Nguyễn Trãi khó thoát khỏi tội tày đình này chăng?
Chỗ dựa duy nhất của ông Trần Đắc Thọ là bài thơ Quá hải của Nguyễn Trãi. Ông Thọ viết rằng: bài thơ này “các nhà nghiên cứu cho ông (Nguyễn Trãi) đã làm hồi ông theo cha là Nguyễn Phi Khanh sang Trung Quốc khi cha ông bị giặc Minh bắt đi (1407)”. Các nhà nghiên cứu nào tài đoán mò như thế ? Quân Minh bắt giải về kinh đô Kim Lăng (Trung Quốc) hai vua Hồ và một cận thần quan trọng như Nguyễn Phi Khanh, họ đi đường thuỷ hay đường bộ ? Tài liệu nào ghi chép họ vượt qua biển Đông hay chỉ có chuyện Nguyễn Trãi tiễn cha đến ải Nam quan rồi phải trở về? Chúng ta đọc lại hai câu kết bài thơ “Quá hải” được ghi là của Nguyễn Trãi:
Biển chu tiễn ngã triều thiên khách
Trực giá kình nghê quá hải đông.
(Con thuyền nhỏ đưa ta làm khách chầu thiên tử
Cưỡi cá kình cá nghê mà vượt biển đông).
Thế là thơ nói về người đi sứ rồi (triều thiên khách). Nguyễn Trãi chưa hề đi sứ, cũng không thể dễ dàng vượt biển Đông đến Trung Quốc. Ông phải cải trang làm đầy tớ theo tiễn người cha mang tội chống lại giặc Minh, dù đi đường biển cũng chẳng có được phong thái ung dung của tác giả bài thơ Quá hải.
Lại xem thơ Đường luật, câu “phá” không thể giống câu “luận”. Câu “Hào khí tảo không thiên chướng vụ” ở vị trí câu “phá” của bài thơ Hào tráng thích hợp hơn ở vị trí câu “luận” của bài thơ Quá hải.  Giả sử Nguyễn Trãi có làm hộ thơ cho Lê Lợi, thì sao một tài thơ như ông lại đem câu “luận” trong bài thơ của mình gán ghép vào làm câu “phá” cho bài thơ Hào tráng ?  Nguyễn Trãi mà kém cỏi đến thế kia ư ?
Đến đây, ông Trần Đắc Thọ và bạn đọc hẳn phải chất vấn tôi rằng: cho dù bài Quá hải khó tin của Nguyễn Trãi, thì vấn đề khó hiểu của câu thơ “Hào khí tảo không thiên chướng vụ” vẫn còn đó! Tôi xin trả lời: Bài Hào tráng đã khắc ghi rõ ràng trên vách đá kèm ngày, tháng, năm cụ thể, còn bài Quá hải là thơ sưu tầm, không những tam sao thất bản mà lầm lẫn đầu Ngô mình Sở cũng là chuyện thường thấy. Khi bị hoạ tru di, thơ văn Nguyễn Trãi đều phải đem đốt hết, ai tàng trữ tất mắc tội với triều đình. Ba mươi năm sau, Lê Thánh Tông khai phục chức tước cho Nguyễn Trãi, sai người sưu tầm di cảo của ông thì không còn được mấy. Sau đó, chính tập di cảo này cũng bị mất ! Gần 400 năm trôi qua, biết bao vật đổi sao dời, ông Dương Bá Cung mới tiến hành sưu tầm lại thơ văn Nguyễn Trãi ! Trong bài tựa ở đầu bộ Ức Trai di tập, Dương Bá Cung viết: “Tôi thường đã có đi từ Nam ra Bắc, gặp người nào hạng sĩ phu tôi liền dò hỏi xem di cảo của Ức Trai  tiên sinh có còn sót lại ở đâu không? Tôi mong hoạ hoằn cũng có tìm được nhưng tiếc rằng sau khi binh lửa loạn ly, nhưng tác phẩm ấy không còn tụ tập được mấy!” (nhóm Trần Văn Giáp dịch).
Chúng ta khâm phục sự kiên tâm bền chí của Dương Bá Cung. Chúng ta cũng cảm ơn ông đã đem trả lại cho đời một tập di cảo vô giá. Nhưng chúng ta không vì thế mà không cẩn thận khi sử dụng tài liệu. Chính vì tinh thần khoa học, nhóm dịch thơ chữ Hán Nguyễn Trãi gồm các vị túc nho: Phan Võ, Lê Thước, Đào Phương Bình (Viện văn học), trong số 105 bài đã lọc ra 17 bài xếp vào phần “tồn nghi”, nghĩa là những bài mà các ông nghi ngờ không phải thơ Nguyễn Trãi. Theo ý tôi, trong số những bài các cụ thận trọng xếp vào “tồn nghi”, có những bài đã đủ sở cứ để khẳng định không phải là thơ Nguyễn Trãi. Tôi xin lấy bài Lãnh  noãn tịch làm ví dụ. Bài này có hai câu kết:
Cao đường bất thất ôn lương hậu
Khước hận thần hôn định tĩnh thì!
(Cha mẹ không thiếu sự quạt nồng ấp lạnh
Chỉ ân hận những khi sớm thăm tối viếng mà thôi!
(Nhóm Phan Võ dịch)
Theo tiểu sử Nguyễn Trãi, ông sinh năm 1380, bị mồ côi mẹ (bà Trần Thị Thái) khi chưa lên mười tuổi, nhưng tác giả bài thơ lại còn đủ cả cha mẹ và hai cụ sống phong lưu, đầy đủ!
Bài Quá hải tuy không bị nhóm dịch giả trên xếp vào loại “tồn nghi”, nhưng thực ra chúng ta đã đủ căn cứ để tin rằng nó không phải là thơ Nguyễn Trãi. Bên cạnh đó, cũng còn ít bài nữa, nếu chúng ta chưa có thể loại bỏ khỏi thơ chữ Hán Nguyễn Trãi một cách thẳng thừng thì cũng nên đưa chúng sang phần “tồn nghi”. Ví dụ:  Ký hữu (bài số 16), Ký cữu Dị Trai Trần Công (bài số 23), Loạn hậu cảm tác (bài số 26), v.v… Tôi nghĩ 17 bài “tồn nghi” các cụ dịch giả đã đưa ra là xác đáng, nhưng chưa đủ.
Tóm lại vấn đề văn bản thơ chữ Hán Nguyễn Trãi không bình thường, đòi hỏi người nghiên cứu phải thận trọng với tinh thần phê phán khoa học.
Trở lại bài thơ Quá hải mà Trần Đắc Thọ đã dựa vào đó để đặt vấn đề “Thơ Lê Lợi hay thơ Nguyễn Trãi”  và sau đó khẳng định là thơ Nguyễn Trãi. Bây giờ chúng ta không tin được bài Quá hải là thơ Nguyễn Trãi thì không có lý gì ông lại là tác giả bài thơ Hào tráng khắc trên vách đá bên cạnh Thác Bờ. Quá hải chẳng những không thể là thơ Nguyễn Trãi mà bản thân nó về phương diện văn bản cũng có chỗ không thể chấp nhận được như đã trình bày ở trên. Nhưng tại sao câu thơ Lê Lợi lại thấy trong bài Qúa hải ? Vấn đề không có gì khó hiểu. Những câu thơ hay như: “Hào khí tảo không thiên chướng vụ, Tráng tâm di tận vạn trùng san” lại khắc ghi trên bia đá, bao giờ cũng được nhiều người biết đến và nhớ thuộc. Lâu dần (trải qua gần 400 năm chứ ít đâu!) người ta quên tác giả, quên cả xuất xứ, nên dễ đem gán ghép vào bài thơ khác rồi cung cấp cho người sưu tầm (Dương Bá Cung). Đến như thơ cụ Nguyễn Khuyến với cụ Tú Xương cùng sống ở thời kỳ cận đại vẫn bị lẫn lộn với nhau ở một số bài! Âu đó cũng là chuyện thường tình khi thơ đi vào cuộc sống!
Cuối bài báo của mình, ông Trần Đắc Thọ còn nhắc thêm 4 bài thơ Hạ tiệp của Nguyễn Trãi để chứng minh cho lập luận của mình. Tôi cho rằng nhắc đến thơ Hạ tiệp của Nguyễn Trãi tức là ông Trần Đắc Thọ đã tự bác bỏ mình rồi!
Chúng ta hãy đọc lại bài Hạ tiệp thứ nhất để thấy câu 5 và câu 6:
Sơn thú dĩ văn thu Ngụy Bác
Thần khuê hựu kiến khắc Yên Nhiên
(Nghe tin lính đồn thú trên núi thu hồi trấn Ngụy Bác- Lại trông thấy nhà vua cho khắc (công trạng) vào đá núi Yên Nhiên- nhóm Phan Võ dịch).
Thế là Nguyễn Trãi tự nói rõ mình không phải người trong cuộc mà chỉ được nghe, thấy những sự kiện lịch sử: chiến công và thơ của Lê Lợi đã khắc lên núi đá ngay sau chiến thắng. Trong lời “Tựa” khắc ở trên bài thơ, Lê Lợi nói rõ: “Ta đi đánh Cát Hãn về qua đây, làm một bài thơ để bảo cho đời sau biết mưu kế giá ngự nhung địch; nhung địch ở xa mặt người dạ thú, nếu có bội bạn, phải tiêu diệt ngay, mà phương lược tiến đánh thì bắt đầu tiến quân từ hai trấn Thao Giang và Đà Giang là hơn cả” (Phạm Trọng Điềm dịch). Trong bài thơ của mình, ông Trần Đắc Thọ, tại sao không hề nhắc đến lời tựa này, hay là riêng lời tựa này ông công nhận của Lê Lợi chứ không phải của Nguyễn Trãi?
Chắc các bạn cũng như tôi, chúng ta không hề có ý “tôn vinh” vua Lê Lợi, anh hùng dân tộc là nhà thơ. Và bản thân Lê Lợi cũng không có ý khoe văn chương chữ nghĩa. Nhưng đó là sự thật, Lê Lợi có để lại hai bài thơ, không chép vào thư tịch, mà khắc trên vách núi đá với mục đích chính trị và quân sự cụ thể. Dẫu thế nào thì sự thật ấy vẫn là sự thật như núi sông ấy, muôn thuở không thể xoá đi trong lòng người dân nước Việt.
                                                      HTP
(Bài đã công bố trên Báo Văn hoá Thông tin Thanh Hóa 26-8-1999)






                          


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét