11 thg 9, 2013

ĐÁNH BẪY CÒ BỢ


                      Hoàng Tuấn Phổ
Cò bợ
                                 Ảnh: Wikipedia
Nếu đứng cạnh bên nhau, cò bợ với cò trắng khác nào cú với tiên. Cò trắng toàn màu trắng muốt, một hình ảnh đẹp tuyệt của đồng quê, trong khi cò bợ với bộ xống áo lem nhem những nét vẽ vụng về của tạo hóa. Nhưng thịt cò bợ ngon hơn cò trắng. Vì thế ở nông thôn có nghề đánh bẫy cò bợ.
Tại những nơi cư trú của cò trắng, ít thấy cò bợ ở chen lẫn. Có chăng, dăm ba con cò bợ ngủ trọ trong thời gian lang thang phiêu bạt kiếm sống.
Quê hương của cò bợ tại miền rừng cây ven biển hoặc tận hải đảo xa xôi, những nơi sẵn mồi tôm cá. Tháng 7 tháng 8 âm lịch, mùa nước lớn ngập bờ, khó bề kiếm ăn, cò bợ mới tìm về vùng đồng lúa vụ mười, địa bàn quen thuộc của cò trắng. Cũng như nhiều loại chim khác, cò bợ mỗi khi rời tổ đều theo bầy đàn, dựa vào ưu thế bầy đàn để kiếm sống và bảo vệ cuộc sống. Cho nên, cả năm chỉ có dịp giữa thu là mùa đánh bẫy cò bợ.

Nghề đánh bẫy cò bợ, thứ nhất, chọn tìm địa điểm thích hợp. Đó là một đoạn bờ vùng, bờ thửa, hay một đám ruộng cấy lúa sớm mới gặt, hoặc một vũng nước cạn giữa đồng lúa xanh tốt. Thứ hai, phải có chim mồi, ít nhất vài ba con. Cò mồi “thật” nhạy hơn cò mồi “giả”. Nhưng vì không có con mồi thật phải dùng con mồi giả. Con mồi thật dĩ nhiên còn sống. Người ta dùng chỉ khâu mí mắt, lấy dây buộc chân vào cọc. Nó vênh cổ, dướn mỏ, ngó bên này, nghiêng bên kia, nhưng chẳng thấy gì đành chịu đứng yên. Mỗi ngày đút tôm tép, cá nhỏ cho nó ăn vài lần, có thể sống được suốt mùa bẫy. Nếu không có chim mồi thật, người ta dùng mồi giả, đẽo gọt bằng gỗ, từ hình dạng đến sơn vẽ màu sắc, đường nét phải giống hệt cò bợ, mới đánh lừa được chúng. Bố trí chim mồi đứng rải trên địa điểm đã  chọn, với các tư thế con này đang cắm cúi mò cá, con kia đang nghển cổ lên trời như chờ đón... Khoảng cách giữa các con chừng vài ba bước chân, chung quanh cắm thẻ nhựa. Thẻ nhựa vót bằng tre, to như chiếc đũa, dài từ hai đến ba gang  tay, phần trên độ một gang phết nhựa, phần dưới, chân vót nhọn để cắm xuống bờ hoặc ruộng. Thẻ nhựa cắm xiên xiên, không chặt, không lỏng và cũng không cần ngay hàng thẳng lối.

Nòi nhà cò nói chung rất cần cù lao động. Chúng thức dậy lúc trời còn mờ đất, từ nơi ngủ tạm, bay đi kiếm mồi. Do đó, người đánh cò phải chuẩn bị sẵn mọi thứ trong buổi tối để gà gáy sáng ra đồng “bài binh bố trận”. Đàn cò từng đôi cánh vỗ nhẹ vào không trung, thong dong như dạo chơi, kỳ thực chúng đang chăm chú quan sát phía dưới đồng lúa, tìm nơi thuận lợi đáp xuống săn mồi. Nhìn từ trên cao, với những cặp mắt tinh tường, chúng dễ dàng nhận ra một toán cò lạ đang bắt tôm cá. Vốn bản tính hẹp hòi ích kỷ của loài cò bợ, con đầu đàn hô lên mấy tiếng “cồ cộ” tức thì cả đàn theo lệnh nhằm phía “đối phương” sà xuống rất nhanh. Chúng hoặc tranh lấy chỗ làm ăn thuận lợi, hoặc đánh kẻ nhanh chân khôn lỏi, hay ít nhất cũng phá đám. Nhưng, những cặp giò dài ngoẵng, chân vừa mới chạm mặt đất, mặt nước, đôi cánh liền bị trúng nhựa, khiến cả đàn giật mình hoảng hốt chạy nhảy điên cuồng.
Đánh cò tốt nhất, chọn được nơi chúng thường lui tới săn mồi đã trở thành quen thuộc. Khi thấy đàn cò khác ranh ma tranh mất xứ đồng của mình, chúng sẽ xông tới, lao xuống như điên. Thấy cò đã mắc nhựa, người đánh bẫy cò chạy như bay, chẳng kể đồng sâu, ruộng cạn, không ngại gò cao, bãi thấp, phải đến kịp thời để bắt cò, càng nhanh cành tốt. Hai bàn tay xòe rộng vơ lấy, nắm lấy cổ cò, ép con nọ vào con kia chật cứng tay mới bỏ vào lồng. Nếu chậm chúng sẽ lủi trốn vào ruộng lúa hoặc tha cả thẻ nhựa bay đi mất. Vì thế, người đánh cò phải khỏe chân mạnh tay, và càng đánh bắt được nhiều cò, thân thể càng mệt nhoài, đúng là “lử cò bợ”.
Mùa cò bợ là mùa khế chua. Nếu ngoài Bắc quen thịt cò nấu măng thì trong Thanh có món thịt cò nấu khế, mặc dù chợ búa không thiếu gì các loại măng nứa, măng giang, măng vầu, măng luồng, măng  củ. Và đó là một đặc sản văn hoá ẩm thực làng quê xứ Thanh.

                                                                                                            HTP


Rút từ "Văn hóa đánh bắt chim thú tôm cá ở Thanh Hóa"-Hoàng Tuấn Phổ-NXB Khoa học xã hội-2004)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét