11 thg 9, 2013

BẪY CHIM CUỐC


      
Cuốc ngực trắng
Nguồn: PhongVu.Blog
Hoàng Tuấn Phổ

Chim cuốc(1) còn gọi chim quắc. Cuốc hay quắc đều mô phỏng theo tiếng kêu của loài chim mà thành tên(2).  Người nông dân xưa đa số thất học, không hề biết sự tích vua Thục đế bên Tàu, chết vì mất nước, hóa thành chim Quốc, ngày đêm thương nhớ nước phát ra tiếng kêu “quốc quốc” nghĩa là “nước nước”! 


Chim cuốc ưa sống nơi cồn cây bụi cỏ, hoang vắng rậm rạp. Sáng mai và chiều tà, cuốc lặng lẽ như cái bóng, thận trọng từng bước một mò ra khỏi tổ đi kiếm ăn. Khi trở về lại lặng lẽ thận trọng lò dò chui vào tổ. Lúc ra ngoài hễ thấy hiện tượng khác lạ, đáng nghi, cuốc lủi trốn rất nhanh, thoáng cái mất tăm. Vì thế, thành ngữ có câu “Lủi như cuốc”. Bình thường cuốc sống tựa thầy tu ẩn dật, không nói năng, trò chuyện, chẳng thích quan tâm đến ai, chẳng muốn ai chú ý đến mình. Lúc đi kiếm ăn, màu lông cuốc lẩn vào màu cây cỏ, chốc chốc nó lại giương cao cổ cò lên để nghe ngóng, xem xét động tĩnh.
Đối với loài cuốc, tạo hóa không thật ưu ái: cho nó cái mỏ sắc nhọn, cái cổ dài cò hương, cặp giò cao kều, nhưng bắt nó đôi cánh lại ngắn, yếu. Cho nên, nó không thể bay cao, bay xa như các giống chim khác mà chỉ bay thấp tà tà, từng đoạn ngắn tựa con chim nhỏ mới học chuyền. Nó lại thua các loài chim ở chỗ không hề biết đậu cành cây, dẫu là cành thấp. Tôi chưa từng thấy cuốc đậu cành cây bao giờ, nó không biết đậu hay không thích đậu?
Tuy sống lặng lẽ, bí mật, cảnh giác cao, cuộc đời cuốc chẳng dám chắc an toàn. Năm nào cũng vậy, bắt đầu cuối xuân chuyển sang hè, cuốc như hóa thành loài chim trời phạt: kêu ra rả suốt ngày, văng vẳng cả đêm, chẳng khác “lậy ông tôi ở bụi này!” Nhất là lúc canh khuya thanh vắng, tiếng cuốc kêu nghe thật ai oán não nùng, có con kêu đến khản cổ, lạc giọng. Người ta bảo vì nó thất tình, không ăn không ngủ, kêu đến kiệt sức, lăn ra chết! Đó là mùa yêu đương của cuốc. Khao khát tình yêu, cuốc quên mọi nguy hiểm. Đôi lúc quá say đắm chữ tình đến mức mê mẩn tâm thần, cuốc không kêu “cuốc cuốc” mà gào lên “Cu loa! Cu loa!...” như một kẻ điên! Cuốc tưởng như trong thế giới muôn giống vạn loài này chỉ tồn tại một mình chàng cuốc. Do tiếng cuốc kêu ban đêm, người ta biết chắc chắn nơi cuốc xây dựng tổ ấm. Nhưng bụi cây quá rậm mà cuốc lại có tài lẩn nhanh nên không dễ đánh cuốc.
Nếu đánh rắn phải dụ rắn ra khỏi hang, thì bắt cuốc phải lừa cuốc ra khỏi tổ. Lợi dụng điểm yếu của cuốc là bay thấp và ngắn, mùa gieo mạ, cuốc mò ra ăn mạ, người ta đuổi cuốc chạy về phía đồng trống. Chỉ cần hai người đón hai đầu, cuốc bay được vài đoạn, mỏi cánh dừng lại, khó tránh khỏi bị tóm cổ.
Nhà nông ghét cuốc không phải tiếng kêu của nó làm người ta “điếc tai” hoặc gợi lên cảm giác buồn buồn mà chính bởi cuốc hay ăn mạ, “của giống của má”. Những hạt thóc giống ngâm nảy mầm đem ra ruộng vãi rất hấp dẫn đối với cuốc. Cuốc ăn không nhiều, nhưng mỗi ngày tiệc tùng mấy bữa, tích tiểu thành đại; khi mạ lên xanh lại bị cuốc tìm thức ăn dẫm nát. Ruộng mạ vãi gần bờ cây bụi rậm càng dễ bị cuốc phá hại; suốt ngày ra ra, vào vào, cuốc “cậy gần nhà”, thoáng cái mất tăm. Người ta không thể “tay không bắt cuốc” mà phải đánh cuốc bằng bẫy.
Con cuốc thì nhỏ bằng nắm tay thôi, nhưng cái bẫy càng to rộng càng tốt. Cuốc vốn nhát gan, nếu bẫy nhỏ hẹp, dù đói meo nó cũng e sợ, không dám liều mạng chui vào.
Bẫy cuốc đáy phẳng, thành và mái uốn khum khum hình vòm cuốn, đầu này bịt kín, đầu kia mở cửa. Cánh cửa khi mở nằm ép xuống đất thành mặt phẳng nối liền với đáy. Bề dài bẫy chừng 0,8m, chiều cao và rộng khoảng 0,3m. Đan bằng tre hoặc nứa. Nan nhỏ, mỏng để giữ độ thưa, thoáng. Nhưng lỗ đan chỉ đút vừa quả trứng gà hoặc trứng vịt. Lỗ to hơn dễ bị cuốc chui qua. Một cái cần bằng tre cắm giữa bẫy, đầu ngọn cần buộc sợi dây vít cong xuống cửa.
Cuốc là giống chim ăn hạt và côn trùng. Vì cổ họng nhỏ, nó thích loại hạt mềm. Người ta phải ngâm thóc nảy mầm như mạ, bỏ vào mảnh lá chuối để giữa bẫy. Đặt bẫy ở nơi cuốc hay qua lại kiếm mồi hoặc ngay chỗ cửa ngõ cuốc thường ra vào. Chung quanh cắm lơ thơ vài cành lá tươi cho có vẻ tự nhiên. 
Cuốc từ trong bụi rậm lò dò mò ra, thong thả, nhè nhẹ, từng bước êm ru, không hề làm đau một cái lá cỏ. Cuốc ngẩng cao đầu, cổ cò hương uốn cong mềm mại, hết rụt xuống lại vươn lên, đôi mắt mở to nghiêng bên này, ngó bên kia. Phát hiện thấy mồi ngon, cuốc lượn một vòng quanh bẫy thăm dò. Có một lối rộng mở dẫn tới bữa tiệc ngon lành. Cuốc dò dẫm tiến đến bên cửa rồi dừng lại nghe ngóng. Chung quanh vẫn yên tĩnh quá! Mà mâm cỗ kia lại vô cùng hấp dẫn. Cuốc quan sát trước sau một lần nữa rồi đánh bạo bước vào. Cái chân cao kều với những ngón đen đủi dài ngoẵng của nó theo thói quen chụm lại và đưa lên cao. Thế mà vẫn vướng vào cái gì đó. Thì ra một sợi dây chăng ngang. Cái này nó vẫn thường gặp trong bụi cây, cồn cỏ. Thông thường nó cứ bước bừa đi là qua thôi. Nhưng nơi đây không phải chốn quen thuộc, nó không thể không thận trọng. Nó chưa kịp tính kế tiến lui thế nào đã nghe “phựt” một tiếng, cái chốt bẫy bật ra, tiếp theo cái cần bẫy vút lên, cửa bẫy tức thì đóng sập ngay sau lưng nó.
Cuốc giật mình nhảy tung lên. Khi đã bình tâm trở lại nó chạy quanh trong bẫy tìm đường ra. Nhưng vô ích!
Cuốc mỏ đen, chân cũng đen, hay dẫm lội, nom gầy guộc, bẩn thỉu, rất xấu, cho nên thành ngữ nói “Đen như chân cuốc”. Nhưng cuốc có bộ lông đẹp, lưng nâu, bụng trắng, đít đỏ, diện như chàng công tử bột. Có thể nuôi cuốc làm chim cảnh. Tuy nhiên, cuốc chỉ đẹp khi ở thiên nhiên. Thịt chim cuốc không ngon, dai dai, khen khét, nhà nông ghét nó vì nó ăn mạ, cần tiêu diệt trước kỳ gieo vãi mạ lúa mùa. Người Việt, Mường, Thái đều quan niệm chim cuốc là loài chim có hại cho nhà nông, cho nên, nhiều nơi có lệ đầu năm làng mở hội săn chim cuốc với ý nghĩa cầu mong mùa màng không bị chim chóc phá hoại, cũng là nhắc nhở mọi người, mọi nhà chú ý đánh trừ chim cuốc. Hội săn chim cuốc mùa xuân là tục lệ bắt nguồn từ sản xuất nông nghiệp, lấy vụ mười làm chính. Ít ai biết chim cuốc còn tiêu diệt côn trùng phá hại mùa màng.
Ngày nay, đồng ruộng đâu đâu cũng được quy hoạch, cũng được cải tạo, không còn những cồn cây, bụi cỏ hoang rậm. Loài cuốc hết nơi cư trú, bỏ đi đâu không rõ. Một vài đôi đánh bạo vào làng, trú ngụ trong những bờ tre vắng vẻ sau vườn nhà. Nếu người không đánh đuổi chúng, chúng sẵn lòng thân thiện, mặc dù vẫn tỏ vẻ cảnh giác. Dẫu mang thân ở đỗ nằm nhờ, mùa xuân cuốc vẫn dóng dả “cuốc cuốc” gọi bạn tình. Trứng cuốc lớn hơn trứng chim cút, màu xanh lơ, lấm tấm chấm hoa nâu, vì thế loại quả chuối tiêu chín kỹ lấm tấm chấm hoa nâu, gọi là “chuối trứng cuốc”. Mỗi ổ trứng cuốc chừng 6 - 8 quả. Cũng như gà, cuốc non nở ra biết đứng ngay trên những cái chân cao kều, bé tý xíu, toàn thân đều một màu xám xám, đen đen. Cuốc con theo mẹ đi kiếm ăn. Hễ nghe mẹ báo động bằng tín hiệu riêng nhà cuốc, chúng liền biến nhanh vào bụi rậm. Số lượng cuốc con sống được đến khi trưởng thành rất ít. Bởi vậy, họ hàng nhà cuốc phát triển rất chậm.
Bây giờ làng thôn, đồng nội hầu như không còn bóng cuốc, tiếng cuốc. Không phải do cuốc bị nhà nông tiêu diệt. Cuốc chết vì bị ngộ độc thuốc trừ sâu hoặc bị triệt sản vì thuốc hóa chất nguy hại./.
HTP
(Rút từ Văn hoá đánh bắt chim thú tôm cá ở Thanh Hoá trước năm 1945 - Hoàng Tuấn Phổ - NXB Khoa học Xã hội - 2004).
........
(1) (2) Cũng như chim “da da”, chim “cò”, chim “vạc”, v.v... tên gọi đều phỏng theo tiếng kêu của chúng.



1 nhận xét:

  1. Quốc đậu trên cành cây cao khoảng 5 mét được nha các bạn tôi từng đi bẫy quốc và thấy nó bay đến đậu trên cây đủng đỉnh do cảnh giác quá nó không xuống bẫy luôn mà cứ kiêu hoài.

    Trả lờiXóa