Đền thờ Dương Đình Nghệ Ảnh: xuthanh.net |
Làng Dương Xá thờ Dương Đình Nghệ làm thần tổ,
lập đền thờ trên đất thổ cư nhà ông xưa. Trên ban thờ, chính vị Dương Tiết độ sứ,
phụ thờ con trai Dương Tam Kha, con gái Dương Thị Nga. Ông bà họ Dương như vậy
chỉ sinh hạ được một trai, một gái.
Sử Toàn
thư và Cương mục chép:
Năm 923, nhà Nam Hán xâm lược và đô hộ nước ta.
Dương Đình Nghệ ngầm có chí khôi phục đất nước, nuôi ba ngàn tráng sĩ làm nha
binh. Thứ sử Giao Châu là Lý Tiến biết việc đó, cho người đi gấp về báo với vua
Nam Hán. Dương Đình Nghệ liền kéo quân ra thành Đại La vây đánh Lý Tiến. Nhà
Nam Hán sai Thừa chỉ Trần Bảo đem quân sang cứu. Trần Bảo chưa đến nơi thì
thành đã bị đánh phá, Lý Tiến phải trốn về. Trần Bảo cho quân vây thành. Dương
Đình Nghệ ra đánh, Trần Bảo bị thua và chết. Dương Đình Nghệ tự xưng là Tiết độ
sứ quản lĩnh việc nước, sai nha tướng Ngô Quyền trấn giữ Ái Châu (Thanh Hóa).
Năm 937, nha tướng của Dương Đình Nghệ là Kiều
Công Tiện (hoặc Tiễn) giết Tiết độ sứ và lên thay.
Năm 938, nha tướng Ngô Quyền đem binh từ Ái
Châu ra Đại La đánh giết Kiều Công Tiện. Nhà Nam Hán trước đó đã nhận được thư
của Kiều Công Tiện, muốn nhân tiện cướp chiếm Giao Châu, sai Lưu Cung và con là
Hoằng Tháo sang cứu viện bị Ngô Quyền đón đánh ở sông Bạch Đằng: quân Nam Hán bị
thua to, Hoằng Tháo ngã xuống sông chết đuối.
Ngô Quyền khi mới sinh trạng mạo khác thường,
có trí dũng và sức khỏe, lớn lên làm nha tướng của Dương Đình Nghệ, được Dương
Đình Nghệ yêu quý gả con gái cho làm vợ.
Năm 939, Ngô Quyền tự xưng vương, đóng đô ở Cổ
Loa, lập Dương Thị Nga làm hoàng hậu, tức Dương hậu.
Năm 944, Ngô Quyền mất.
Năm 945, Dương Tam Kha, em Dương hậu, tự xưng
là Bình Vương quản lĩnh việc nước. Ngô Quyền có hai con trai đều do Dương hậu
sinh ra là Xương Ngập và Xương Văn. Xương Ngập sợ Tam Kha, bỏ trốn. Xương Văn ở
lại làm tướng cho Tam Kha. Tam Kha tin dùng, sai Xương Văn cầm quân đi đánh
thôn Thái Bình. Xương Văn bàn với hai quan sứ bất ngờ qua trở về đánh úp Bình
Vương. Mọi người muốn giết Bình Vương, nhưng Xương Văn bảo rằng: “Bình Vương đối với ta cũng có ơn, nỡ nào đem
giết?” Rồi giáng Tam Kha xuống làm Trương Dương công cho thực ấp ngay ở đất
Trương Dương (nay thuộc huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông cũ).
Có tài liệu dã sử nói: Dương hậu đời chồng thứ
nhất lấy Ngô Quyền, sau lấy Đinh Tiên Hoàng, khi vua Đinh mất, bà lại tư thông
với Lê Hoàn và làm Dương hậu của Lê Hoàn. Cái gốc của sự lầm lẫn tai hại này có
lẽ do sử cũ đối với phụ nữ thường chỉ chép họ không chép tên. Sự thật họ Dương
có hai người con gái làm hoàng hậu. Người thứ nhất là Dương Thị Nga (còn có
thuyết nói tên Dương Phương Lan hay Dương Thị Như Ngọc), con gái Dương Đình Nghệ.
Chắc chắn bà sinh vào những năm đầu thế kỷ X (trước năm 910) vì năm 945 con
trai thứ hai của bà là Xương Văn làm tướng cho Tam Kha, được sai cầm quân đi
đánh giặc. Năm 969, Đinh Tiên Hoàng xưng đế. Năm 970, ông lập năm hoàng hậu,
trong đó có bà họ Dương, sử gọi Dương hậu, đẻ ra Vệ vương Toàn. Nếu bà này là
con gái Dương Đình Nghệ, vợ Ngô Quyền, khi lấy Đinh Tiên Hoàng bà đã 65 tuổi
sao còn có thể chửa đẻ? Sử chép: năm 979, Đinh Tiên Hoàng bị sát hại, Vệ vương
Toàn lên ngôi mới 6 tuổi. Phải chăng lúc đẻ Vệ vương Toàn, bà Dương hậu này đã
vào tuổi “thất thập cổ lai hy”?
Sự thực, Dương hậu vợ Đinh Tiên Hoàng là con
gái Dương Tam Kha.
Các nhà sử học thời phong kiến thường phê phán
Đinh Tiên Hoàng lập tới năm hoàng hậu, chuyện lạ nghìn xưa chưa từng có! Bởi
nhà vua “đã không kê cứu cổ học, bầy tôi lại không ai biết sửa chữa cho, đến nỗi
say đắm tình riêng…sau này, Lê, Lý nhiều vua cũng bắt chước, làm theo, là do
Đinh Tiên Hoàng đầu têu ra đó!”.
Nhận định vấn đề như thế đơn giản quá! “Lập nên
một loạt cả năm hoàng hậu”, nên hiểu là “sách
lược chính trị” độc đáo của Đinh Tiên Hoàng. Hoàn cảnh lịch sử bấy giờ, mặc
dù đã dẹp yên mười hai Sứ quân, nhưng mầm mống cát cứ chưa có thể nói đã bị tuyệt
diệt. Do đó, Tiên Hoàng phải liên minh, liên kết với một số thế lực ở các địa
phương, tranh thủ sự ủng hộ của họ, đưa họ đứng vào hàng ngũ giai cấp quý tộc
nhà Đinh mới hình thành, bằng cách phong cả một loạt năm hoàng hậu! Một trong
những thế lực mạnh nhất lúc ấy là Ngô Nhật Khánh, cháu nội Ngô Quyền, tự xưng
An vương. Đinh Tiên Hoàn dẹp yên Nhật Khánh rồi vẫn chưa yên tâm, phải thu phục
Nhật Khánh bằng cách lập mẹ Khánh (con dâu Ngô Quyền) làm hoàng hậu, lấy em gái
Khánh làm vợ Nam Việt vương Đinh Liễn, và đem công chúa gả cho Khánh! Tiên
Hoàng không dám đóng đô ở Đàm Thôn trống trải, phải chuyển vào động Hoa Lư để
thủ hiểm cũng là cách đề phòng các thế lực địa phương trỗi dậy.
Kế sách hôn nhân không mới nhưng rất độc đáo,
tài tình ở chỗ sử dụng một loạt năm hoàng hậu để thu phục, đoàn kết các thế lực
đối địch lợi hại, đã thành công của Đinh Tiên Hoàng được Lê Hoàn, Lý Công Uẩn
không phải “bắt chước, làm theo”, mà
vận dụng bài học kinh nghiệm tiền bối. Vì thế Lê Đại Hành cũng phong năm hoàng
hậu, đến Lý Thái tổ lập những sáu hoàng hậu, đều được tầng lớp tăng lữ, đại diện
là các vị tài cao đức trọng, học vấn uyên bác: Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh, Đỗ Thuận,…một
lòng phò tá, triều chính dù có những lúc rối loạn, xã tắc vẫn vững như bàn thạch.
Một trong năm hoàng hậu của vua Đinh và vua Lê
là cháu của Dương Đình Nghệ, con của Dương Tam Kha. Khác với họ Ngô, họ Dương
không có ai làm sứ quân cát cứ một phương cũng không ai nổi loạn chống lại tân
triều. Dương Tam Kha trước muốn giành lại cơ nghiệp tổ phụ, nhưng không thành,
cũng không oán hận gì, bằng lòng nhận chức Trương Dương công làm chủ một khoảnh
đất nhỏ hẹp do Ngô Xương Văn nối nghiệp họ Ngô ban tặng. Tam Kha cho con gái
làm hoàng hậu Đinh Tiên Hoàng là ủng hộ tân triều và bà Dương hậu này trở thành
sứ giả hòa bình của hai triều đại Đinh – Lê. Xưa bà bị lên án bao nhiêu, nay bà
được đề cao bấy nhiêu. Chỉ tiếc sử cũ không chép rõ tên bà để ngày nay nhà sáng
tác phải mất công “sáng tác” cho bà một cái tên mới toanh kèm theo sự nghiệp
như một nữ anh hùng! Việc đền thờ Dương Tiết độ sứ thờ phụ con trai, con gái vị anh hùng dân tộc
Dương Đình Nghệ (hai trận liên tiếp đánh tan quân Nam Hán xâm lược): Dương Tam
Kha, Dương Thị Nga, rất xứng đáng và cần thiết. Nếu ai đó còn có chỗ băn khoăn
về Dương Tam Kha, nên nhớ lời Xương Văn: “Bình
Vương đối với ta cũng có ơn…”.
Theo khảo sát di tích khoảng năm 1975 của Phạm
Trường Xuân và Ngô Quốc Túy: Hiện nay không còn ai biết rõ đền thờ Dương Đình
Nghệ xây dựng năm nào. Ở đây có 5 tấm bia đá, ghi niên hiệu Thiệu Trị năm thứ
6, Tự Đức năm thứ 2, Thành Thái năm thứ 4. Ba tấm bia nói về trùng tu, một bia
nói về đúc chuông, một bia ghi chép những người đóng góp công đức xây dựng, sửa
chữa ngôi đền. Đền xây dựng kiểu chữ công (I) không rõ thời gian đầu tiên, chỉ
biết trung đường và hậu cung sửa chữa lại năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), tiền đường
sửa chữa năm Tự Đức thứ 2 (1849). Cả 5 bia đều cao 1,50m, rộng 0,9m, trán bia
trang trí hình mặt hổ phù và lưỡng long triều nguyệt.
Trong đền, trung đường thờ Dương Đình Nghệ và
hai con: Dương Tam Kha, Dương Thị Nga, hậu cung thờ Phật. Theo truyền ngôn,
phía dưới bàn thờ Dương Đình Nghệ là mộ chôn cất di cốt của ngài. Hàng năm,
làng tế xuân vào tháng giêng, tế lạp vào tháng chạp, các chi trong họ Dương
mang xôi thịt đến cúng. Riêng ngày mùng năm tháng chạp, làng tế lễ thần tổ
Dương Đình Nghệ. Các cụ cao niên trong làng được chọn cử rước ba bài vị vào hậu
cung (vì chỗ hậu cung trở vào là nền nhà cũ của Dương Đình Nghệ?). Sau đó, các
cụ lại rước ba bài vị (ba cha con) ra đặt lên bàn thờ ở vị trí cũ. Chiếc chuông
ở đền Dương Đình Nghệ là một trong những chiếc chuông lớn ở Thanh Hóa, đúc năm
1805, cao 1,60m và nặng hàng tấn. Trên đỉnh chuông có hai con rồng quấn vào
nhau, ở thành chuông có kim văn ghi chép tên những người làm công đức cho ngôi
đền.
Qua hai kỳ chiến tranh, đền Dương Đình Nghệ
không còn nguyên vẹn như xưa, nhưng những dấu tích lịch sử đậm nhạt đủ phác họa
nên bức tranh toàn cảnh. Nào ao sen, ao thuyền thúng, giếng đá hình bán nguyệt,
hồ sao sa,… Cổng tam quan nhìn ra cánh đồng nước có hai mô đất cao, bên trái là
cồn Cờ, bên phải là cồn Trống…(1) Gần đây, đền Dương Đình Nghệ đã được
tôn tạo để xứng với công lao vị anh hùng dân tộc.
Căn cứ “Bài
ký và lời minh gác chuông chùa Phúc Hưng” đền Dương Đình Nghệ vốn xưa là
chùa làng Dương Xá, dựng trên đất cũ nhà họ Dương. Về sau, làng dựng thêm ngôi
nhà ngay trước chùa để thờ Dương Chính công (tên thụy Dương Đình Nghệ) và hai
người con. Chùa trùng tu đời Vĩnh Trị (1676 – 1679) có bia ghi rõ. Năm Tự Đức
thứ hai, Kỷ Dậu (1849), chùa đổ nát, làng khôi phục lại. Năm Bính Thìn, Tự Đức
thứ 9 (1856) triều đình biết Dương Chính công là danh tướng nước ta, có nhiều
linh ứng bèn phong làm phúc thần. Vì thế, làng xây thêm miếu trước chùa, hoàn
thành năm Đinh Tỵ (1857) để thờ riêng Dương Chính công và thờ phụ hai người
con…
Từ Lê Trung hưng, trấn Thanh Hoa (tỉnh lỵ Thanh
Hóa) đóng ở Dương Xá, triều đình mở mang xây dựng các dinh thự, nhà học, trại
lính, kho tàng…chung quanh đắp thành, đào hào để phòng thủ. Đường thiên lý thượng
đạo xưa kia đi qua đèo Phố Cát (Yên Định) nay chuyển qua bến Dàng – Dương Xá
(Đông Sơn). Bến Dàng ở ngay phía sau Kẻ Dàng, tên nôm của làng Dương Xá, bên cạnh
ngã ba Dàng, nơi sông Lương gặp sông Mã, một vùng mênh mông trời nước. Từ bến
Dàng ra đi và họp lại bến Dàng, nơi cả sông đông chợ, những “thuyền lim ván
táu, song sào”, những dặm dài bè gỗ, bè luồng, những người buôn bán, kẻ làm ăn,
cả những quan sang, khách trọng…suốt ngày đông vui như trẩy hội.
(còn tiếp)
Chú thích:
(1) Phạm Trường Xuân – Ngô Quốc Túy: “Di tích thắng cảnh Thanh Hóa”. Sở Văn hóa thông tin xuất bản, 1976.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét