HOÀNG TUẤN PHỔ
Nhưng sau
mấy đêm hò hét, đấu tranh, chắc ông Lời không thể thức dậy sớm. Anh Lưỡng làm
công an thôn, vốn người tốt bụng, gia đình nghèo khó, bố anh là ông Kỹ làm nghề
bán nước chè xanh ở chợ Nguyễn, lúc này cũng đã thức dậy sửa soạn hàng. Ông Kỹ
hiền lành như đất, không để ý đến khách của con. Anh Lưỡng vui vẻ nhận lời.
Nhưng vì không có quyền hành gì, nên chỉ hứa sẽ nói khéo với ông Trần Ngọc
Khai, xã đội trưởng kiêm Trưởng công an xã, thương tình che chở.
Trưa hôm ấy,
anh Lưỡng báo tin ông Khai đã nhận lời, hẹn tối sẽ đến gặp, gia đình nên tiếp
đãi tử tế. Mẹ tôi vâng dạ rối rít.
Mẹ tôi và
anh Nậu bắt con gà mái duy nhất còn lại trong nhà đang nhảy ổ, cục ta cục tác
mấy hôm rồi mà chưa đẻ. Anh Nậu tiếc, cầm cái tách nứa trong tay, chần chừ
không nỡ cắt cổ nó. Mẹ tôi bảo: “Người
còn không tiếc được, nói chi con gà! Chả
nhẽ bắt em nó cắt?” Anh Nậu bất đắc dĩ phải xuống tay. Tôi quay mặt đi chỗ
khác. Từ hôm thấy người bị trọng thương
khiêng đến bệnh viện trường y sĩ quân y sơ tán tại Cổ Định, bị thủng hông, toác
ngực, cụt tay, mất chân bởi máy bay giặc Pháp ném bom chợ Mục Nhuận (Huyện Đông
Sơn), tôi rất sợ cảnh máu cháy, không dám nhìn thấy máu. Tôi biết mình là kẻ
nhát gan, không chỉ nhát gái, còn sợ cả cảnh chết chóc!
Buổi tối,
khoảng 8 giờ, anh Lưỡng đưa ông xã Trần Ngọc Khai đến, vào thẳng nhà dưới. Ông Khai to mập, đầu đội mũ bộ đội có lưới,
mặc quần áo bộ đội màu cỏ úa đã cũ, kiếm được từ thời còn đi bộ đội địa phương
huyện. Đặc biệt ông có một khẩu súng lục đút trong bao da đeo xệ xuống một bên
hông, khiến ông trở nên oai vệ khác thường, bước đi khệnh khạng, ngất ngưởng.
Tôi cứ gián mắt vào khẩu súng ấy, cảm giá sờ sợ...
Mâm cơm rượu
đã được dọn sẵn, chỉ chờ khách đến là bưng ra. Ông Khai hỏi: “Cái chi rứa?” Mẹ
tôi xoa xoa hai bàn tay run rẩy vào nhau, miệng lắp bắp: “Dạ bẩm ông, có chén
rượu lạt mời ông, anh Lưỡng...cho ấm bụng...”. Ông Khai đưa mắt hỏi anh Lưỡng:
“Ra răng đồng chí?”. Anh Lưỡng cười: “Thôi thì gia đình có lòng thì ta có bộng
(bụng)!”
Mâm cơm mời
khách quá đơn sơ, chỉ có món gà luộc và chai năm rượu (chừng nửa lít). Nhưng
trong hoàn cảnh kháng chiến gian khổ, được như thế đã là sang lắm. Anh Lưỡng
rót rượu ra chén tống, mời Thủ trưởng. Ông Khai nhấp thử một ngụm, “khà” một
tiếng, khen: “Được!”. Thấy anh Lưỡng không uống, ông nhắc: “Đồng chí! Uống đi
chứ!”. Anh Lưỡng rót nửa chén rượu: “Em còn phải làm nhiệm vụ!”
Hình như đến giờ anh mới nhớ ra một nhiệm vụ
quan trọng. Anh đứng ngay dậy, bảo mẹ tôi: “Biểu thằng Nậu, tôi cần dặn”. Anh
Nậu đang đứng sau cây cột, bước lại gãi tai. Anh Lưỡng ghé vào tai anh Nậu: “Mi ra ngoài ngõ đứng canh, có ai vô thì
nói công an xã đang mằn việc, không được vô!”. Dặn dò xong, anh Lưỡng yên tâm
ngồi xuống ghế, nâng chén.
Mẹ tôi hai
bàn tay run run, vừa xoa xoa vừa nói. Bây giờ bà đã mạnh dạn hơn lúc đầu: “Bẩm
ông và anh Lưỡng, xin thương tình...giúp đỡ...”. Ông Khai vừa gắp miếng lưỡi
hái gà trắng nõn bỏ vào mồm nhai nhồm nhoàm vừa nói: “Được, có chuyện chi tôi
biểu đồng chí Lưỡng!”.
Hai người
ngồi uống hết chai năm rượu, nhắm với hai đĩa thịt gà đầy có ngọn, chỉ còn lại
miếng cổ, rồi đi ra khỏi nhà, không chào hỏi ai. Chợt anh Lưỡng ngoảnh lại dặn:
“Nhớ không được hé răng nửa lời với ai!”. Mẹ tôi và tôi đều nói: “Bẩm vâng, hai
ông đi...” Riêng anh Nậu đang mắc bận sờ tay vào mấy miếng cổ gà lật đi lật
lại, chẳng nói chẳng rằng...
Tối hôm sau,
công an Lưỡng đến nhà trói tôi lại dẫn ra đình. Trong đình làng đã đầy người.
Ngoài sân một đoàn người đang đứng sắp hàng. Họ đều bị trói chung một dây dài.
Công an Lưỡng dắt tôi buộc nối vào cái dây người ấy, chỗ đầu hàng.
Tiết trời
đông lạnh giá, dưới ánh trăng non, tôi không rõ ai với ai.
Ông Khai tay
cầm gậy giới thiệu từng tên phản động từ rốt hàng lên đầu hàng. Ông thuộc lòng
danh sách lũ phản động trong xã chuẩn bị nổi lên cướp chính quyền. Tên nào làm
chức vụ gì đã được sắp sẵn. Chánh, phó cai tổng, lý trưởng, hương kiểm các làng
trong xã đều có cả.
Xã tôi thời
ấy rất lớn, từ cầu Chào xuống núi Văn Trinh, hơn 10 làng to nhỏ. Cứ giới thiệu
đến tên nguỵ quyền nào dứt lời, ông Khai liền cầm gậy quật ngay một cái vào
người nó. Dân làng ồn ào, chửi mắng ầm ĩ, ai cũng muốn xông ra đánh. Ông giơ
gậy lên nhứ nhứ về phía quần chúng: “Trật tự! Trật tự!”. Bằng giọng hùng hồn,
ông nói: “Tôi biết bà con dân làng căm thù lắm. Ai chẳng căm thù lũ phản động,
đánh đập bà con, dìm dân ta xuống tận bùn đen đất đỏ! Nhưng một dãy dài cọc tre
tôi đã sai dân quân chôn sẵn ngoài ngõ chợ để trói mỗi thằng vô một cọc . Ngày
mai có phiên chợ Nguyễn, mời bà con đi thật đông, tha hồ xử tội đứa bán nước
hại dân!”
Dân làng
tạm nguôi cơn giận, không khí căm thù
bớt sôi sục. Tôi không khỏi giật mình kinh sợ. Vì chính tôi cũng là phản động.
Ông Khai giới thiệu tôi: “Còn cái thằng ni, người thấp nhỏ, gầy đen, tuổi nhỏ
nhất lại làm chức to nhất: Bí thư!”. Cả làng xôn xao bàn tán.
Ông Khai lại
giơ cao cái gậy lên: “Trật tự! Trật tự!”. Ông thong thả nói tiếp: “Tên này do
bọn phản động Phật giáo làng Bích Khê bị đánh đau phải khai ra. Để rồi còn phải
xem coi đúng sai ra răng!”
Tôi đang run
bắn cả người, được lời ông, nỗi kinh hoàng giảm bớt. Nếu lúc nãy, có ai hỏi
tôi, tôi đã cúi đầu nhận tội, không thì người ta đánh chết! Mà chết lúc này chỉ
thiệt thân, lấy ai minh oan cho mình? Nguyên do cái chức bí thư to bằng quả
núi, một thằng học trò nhỏ bé như tôi, học chưa hết lớp tám bậc phổ thông đội
gánh sao nổi. Bởi thế dân làng tôi khó tin, thậm chí ngoài sức tưởng tượng!
Trong đám đông có một người xông ra đứng giữa thềm đình xướng lên thật to:
- “Mi là con
nhà nòi phản động. Không phải bí thư cũng là thư ký. Khai nhận thì tha. Không nhận
thì phải khai ra đứa mô là bí thư? Cứ
ngoan cố thì sớm mai giải xuống ngõ chợ. Già đòn non lẽ!”
Thì ra ông
Lời! Ông quyền hành to nhất nhì trong xã. Vua không nói chơi! Tôi sợ cuống
quýt. Mai phải giải xuống chợ thì chết là cái chắc! Ông Khai quát hỏi tôi: “Mi
nhận làm bí thư hay thư ký? Mi phải nhận một chức mới được! Không lý mô quân
phản động Bích Khê khai khống cho mi?”.
Có lẽ ông
Khai muốn tôi chứ nhận đi một cái gì cho yên chuyện rồi sẽ liệu tính sau. Nhưng
tôi run sợ lắm! Nhận gì cũng chết, không nhận gì cũng chết! Cố hết sức trấn
tĩnh, tôi lắp bắp mãi mới thành lời: “Dạ bẩm, tôi đang học dở phổ thông mới
về...”. Ông Khai giơ cây gậy lên dứ dứ vào mặt tôi: “Thôi được! Hãy cứ biết
rứa. Chừ tạm tha cho về tại ngoại hậu cứu. Không được rời khỏi nhà để khi kêu
đến phải có mặt liền!”. Tôi mừng quá, vâng dạ rối rít. Công an Lưỡng cởi trói
cho tôi, tạm tha cho về.
Tôi chỉ sợ
ông Khai đổi ý bắt trở lại, nên rảo bước thật nhanh. Phía sau tôi vang vang
tiếng ông Khai: “Bây chừ mời bà con dân làng về nhà nghỉ để lấy nơi giam giữ
bọn phản động, chờ sáng mai giải xuống chợ Nguyễn!”. Tôi nghĩ: Đêm nay chắc họ
phải ngồi hoặc nằm trên cái nền đình bằng đất lạnh lẽo, không cửa, gió sương tha
hồ lùa vào, chắc họ đến chết cóng mất!
Sáng hôm sau
mẹ tôi sợ không dám xuống chợ. Anh Nậu đi xem về kể lại: Nhiều người ác quá! Họ
hạ gánh xuống, lấy đòn gánh tre giơ nghiêng ra sức đánh vào từng người một,
không kể tay chân, lưng, hông, hay bụng. Càng kêu xin, họ càng đánh chỗ hiểm,
không chết thì sống cũng thành tật! Thằng Hợp con Chánh Chào bị đánh vào mồm
gãy răng, dập môi sưng vếu, mắt bị đấm như lòi cả con ngươi!...Mẹ tôi rùng mình
nói: “Thôi thôi, đừng nói nữa, tao kinh lắm! Tao cũng đang bủn rủn cả tay chưn
đây!”
Đến chiều
tối, công an Lưỡng lại đến bắt trói tôi dẫn ra đình Đoài. Tôi bị trói nối với
đoàn người tối hôm qua. Nhưng một số người bị đánh đau quá đã nằm liệt giường,
số còn lại thì sưng mặt, gẫy răng, chảy máu rách môi, có người không giơ tay
được, chân bước lê tập tễnh...Ông Khai đã kịp bắt thêm một số người mới để bổ
sung vào dây phản động, càng đông càng tốt!
Tôi bị giải
theo dây người xuống thôn Gia Hà, tất cả chừng mươi lăm người. Thôn Gia Hà, một
làng nhỏ ở khoảng giữa đầu núi Văn Trinh và cầu Cống Trúc, có nhà thờ đạo mái
nhọn, mở cửa hồi, trên nóc cắm cây thánh giá. (Từ năm 1955, xã Quảng Hoà chia
hai xã, Gia Hà thuộc Quảng Hợp). Cách đây chưa lâu, làng Gia Hà bị giặc Pháp
ném bom, nhà cửa tan hoang, một số người chết và thương tích. Lũ tôi xuống đến
nơi, dân làng đã họp tại đình làng, người không đông lắm.
Ông Khai bắt
chúng tôi đứng sắp hàng giữa sân. Và cũng như tối hôm trước, ông bắt đầu chỉ
tên vạch mặt từng đứa, cuối cùng là đến tôi, được xem là đứa nhỏ bé nhất, lại
có chức vụ to nhất: Bí thư!
Đồng bào
công giáo Gia Hà im lặng lắng nghe và thì thầm gì đó với nhau. Ông Khai nói:
“Không có quân phản động ni chỉ điểm thì địch biết chi được mà ném bom làng ta!
Tội quân ni đáng xử tử bỏ tù mọt gông!” Vừa nói, ông Khai vừa giơ cây gậy dứ dứ
về phía chúng tôi.
Bà con Gia
Hà vẫn im lặng như không biết căm thù là gì. Dưới ánh trăng non chênh chếch,
tôi thấy nhiều người làm dấu thánh giá. Bản tính bà con hiền lành không dám làm
điều ác, sợ bị chúa trừng phạt chăng?
Rồi chúng
tôi tiếp tục bị giải sang làng Trinh Miếu. Năm học lớp đệ nhất trường tư thục
Hoài Văn, hàng ngày đi bộ qua Gia Hà đến Trinh Miếu, tôi biết làng này cũng
nhỏ. Ở đây, chúng tôi lại bị chỉ tên, vạch mặt từng thằng. Ông Khai khơi dậy
lòng căm thù của dân chúng. Nhưng người Trinh Miếu đã đấu tố mấy đêm liền hình
như cũng mệt. Một ông xướng to: “Đánh mãi mỏi tay, nhọc người. Đề nghị cấp trên
cứ bỏ tù tất cả những đứa phản động từ thằng nhỏ đến thằng lớn là xong!”. Ông
Khai gật đầu: “Được, được! Đồng bào ai muốn đánh thì cứ nện thẳng cánh kỳ sướng
tay thì thôi!”
Nhưng không
ai muốn nhảy ra đánh nữa. Lát sau ông Khai nói: “Thôi bà con ta mỏi mệt rồi,
đêm nay hãy về nghỉ ngơi, để đêm khác tôi cho giải quân phản động đến. Phản
động còn nhiều, phải bắt thêm. Tôi cũng mệt mỏi vì lũ hắn lắm!”
Ông Khai ra
lệnh công an thôn: “Đứa mô ở thôn mô giải về thôn nứ giam giữ!” Đề phòng chạy
trốn, họ bị trói vào cột nhà suốt đêm, có dân quân canh gác. Riêng tôi được công
an Lưỡng tạm thả cho về.
(còn nữa)
HTP/10/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét