9 thg 10, 2016

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (KỲ 10)

       

                HOÀNG TUẤN PHỔ
          (Hồi ký viết lúc hoàng hôn)

Có lẽ Hiển và Vũ hết sức bất ngờ khi thấy tôi về quê đột ngột, không một lời chia tay. Đúng! Chính tôi cũng bị bất ngờ, hoàn toàn bất ngờ trước sóng gió cuộc đời nổi lên dữ dội trong bão táp đấu tranh(*).


          Tôi và anh Nậu về đến nhà, mẹ tôi đang nấu cơn trưa. Cảnh nhà vắng vẻ. Bố tôi như thường lệ đi chợ Muôn bán thuốc Đông y từ sáng sớm. Mẹ tôi ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Chả biết có chuyện chi, chó cắn suốt đêm văng vẳng, như có người rình mò đằng sau nhà, còn qua lại dò la trước ngõ. Chú Thuyết đã bị bắt rồi, nghe nói đưa lên huyện...”

          Tôi nói để trấn an mẹ tôi, cũng là để trấn tĩnh lòng mình: “Mặc họ. Mình không làm gì nên tội thì lo chi tội!”. Mẹ tôi lắc đầu: “Nhà ta giàu có chi mô mà mắc tội phú nông, sạch cửa sạch nhà!” Tôi nói lảng: “Con còn ba tháng nữa mới hết niên khoá. Năm học kéo dài vì máy bay máy bò, còn đi vác gạo lên Thọ Xuân, Yên Định...”. Mẹ tôi bảo: “Thày con biểu con phải về nhà vì lo cháy...cháy cái chi nhờ...à, “cháy thành vạ lây”, con ở trên Nông Cống lỡ xảy ra chuyện chi, ở nhà biết mô mà lần”. Tôi im lặng không nói gì, lên võng nằm thở dài.

          Chiều muộn, bố  tôi đi chợ Muôn về, đặt phịch cái gánh có đôi bồ con xuống cửa. Ông lấy ra gói lá chuối, bên trong có mấy lạng thịt bò và một chai ba rượu, rồi tự mình vào bếp đun nấu. Chập choạng tối, bố tôi dọn mâm, lên ngồi giữa giường, trước mặt là cái mâm gỗ (mâm đồng cùng nhiều thứ khác đã bán lấy tiền nộp “thuế khả năng”). Trên mâm có đĩa thịt bò xào, chai ba rượu, món rau thơm không bao giờ thiếu. Bố tôi ngồi xếp bằng tròn, nâng chén rượu uống một ngụm, rồi tay cầm đũa gõ bát cành cạch, gật gù nói: “Con về sớm là phải. Tình hình ở nhà có nhiều...thay đổi lắm!”.

          Hai con chó bắt đầu lên tiếng sủa vang đằng sau nhà. Chừng đã ngấm hơi men, bố tôi tự nói một mình: “Tao không nói thuế nông nghiệp là thuế thất nghiệp! Tao cũng không nói thuế khả năng liền bà mất váy, liền ông không quần! Ai lại dại mồm dại miệng nói càn nói bậy đến rứa!”. Ngừng một lát, ông nói tiếp: “Tao chưa từng thấy cái ba-ra Bàn Thạch mặt ngang mũi dọc ra răng, mà đứa mô tố cáo tao đề nghị thằng Tây ném bom phá hắn đi để nhân dân chết đói!”. Lúc sau, ông lại nói: “Tao có vô hội Phật giáo vì nhà ta bốn đời thờ Phật cứu nhân độ thế, răng lại có chuyện tao làm phản động?”.

          Tiếng chó vẫn sủa văng vẳng. Ông vẫn lè nhè giọng say rượu: “Nói có Phật trời chứng giám, tao mà phản dân hại nước thì chết cả nhà!”

          Mẹ tôi, anh Nậu và tôi đều thức cả. Mãi đến khuya, bố tôi vẫn tiếp tục nói, trở đi trở lại từng ấy câu. Ông nói mãi, như thể để chúng tôi hay mấy con chó nghe. Đêm đã khuya, ba mẹ con mệt mỏi và buồn ngủ lắm rồi!

          Rạng sáng hôm sau, tiếng hai con chó sủa dữ dội. Tôi giật mình tỉnh giấc. Anh Nậu thì thào với mẹ tôi (hai mẹ con thức dạy từ lâu): “Hình như quanh nhà ta có người canh gác. Lúc con đi tiểu thấy ai như ông Từ Nhen cứ lảng vảng qua lại ngõ nhà ta”. Mẹ tôi xua xua bàn tay: “Mặc họ...”.

          Tôi nhìn ra sân, thấy người đứng lố nhố. Bố tôi cũng vừa thức dậy, liền bò khỏi giường. Lập tức có mấy người tiến lại. Hai người túm giữ chặt hai cánh tay ông. Một người đeo súng lục xệ bên hông. Anh ta lấy trong túi ngực ra tờ giấy và đọc to: “Lệnh bắt người!”. Tai tôi ù đi, không còn nghe được nội dung lệnh viết gì. Anh đeo súng lục đọc dứt lời, họ liền mở cuộn dây thừng trói giật cánh khỉ bố tôi lại, ra sức xiết thật chặt! Tiếp theo tờ “Lệnh bắt người” là tờ “Lệnh khám nhà”. Lúc này trời đã sáng rõ. Bao nhiêu sách vở họ lục hết ném tung ra sân. Chữ Nho, chữ Tây, Quốc ngữ, sách in hay chép tay, họ đều lật lật, giở giở xem qua rồi ném dồn lại một nơi. Trong nhà, một nhóm người sục sạo khắp xó xỉnh, móc cả kẽ vách, bươi cả đống tro bếp, nhà trên, nhà dưới, không thiếu chỗ nào. Họ tìm tài liệu bí mật của bọn phản động, nhưng chả thấy gì. Họ tìm lại rất kỹ trong sách vở, cũng không tìm được thứ cần tìm.

          Anh đeo súng lục tuyên bố: “Sách Nho của phong kiến, sách Tây của đế quốc, sách quốc ngữ của phản động, tất cả đều phải đốt cháy ra tro! Chúng ta đánh đổ phong kiến đế quốc, tiêu diệt phản động không được nương nay!”

          Có  nhiều tiếng vỗ tay lộp bộp. Họ dồn tất cả sách vở ra giữa sân, chất cao như đống rơm, đụn rác rồi phóng lửa đốt!

          Mắt tôi nhoà đi! Kho tri thức này mấy đời nhà tôi tích luỹ, phút chốc hoá thành tro bụi. Trong đó có cả tài liệu Mác Ăng ghen - Lê nin của Phân hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác của Liên khu IV!

          Anh công an huyện lấy trong xắc cốt cái cùm bằng sắt, cùm tay bố tôi quặt ra đàng sau. Bố tôi kêu: “Tôi tê liệt cả hai tay rồi! Xin ông nới lỏng cho cái dây trói!” Ông Từ Nhen, ông học trò của bố tôi trước Cách mạng tháng Tám, quát vào mặt người thầy học cũ: “Tội mi đáng tùng xẻo, cùm với trói đã ăn thua gì!”.

          “Giải đi!”. Một người theo lệnh buộc dây thừng vào cổ bố tôi dắt đi. Thì ra ranh giới giữa con người với con vật chỉ ở sợi dây thừng, chỉ cách nhau một sợi dây thừng!

          Mẹ tôi bật khóc, cố nén lại trong cổ họng, chỉ nghe tiếng “ức! ức!”
         
(hết phần I)

                                                                                          HTP/9/2016



            (*) Sáng ngày mùng ba Tết (1995) tôi bảo Tuấn Kiên đưa bố lên Cầu Quan để xem Hội bơi thuyền mới khôi phục. Bởi lễ hội mới khôi phục, lễ không còn lễ, mà hội chưa đúng lề lối xưa, thiếu không khí hội hè. Tôi bảo Tuấn Kiên tiện đường đưa bố thăm lại mấy nơi hồi niên thiếu còn đi học.

            Chạy dọc bên dòng sông Lãng Giang nước đục ngầu, uể oải, lờ đờ trôi, con đường từ Cầu Quan lên chợ Nưa rải đá vẫn như cũ. Qua nhà ông Bản Đức, tôi bảo Tuấn Kiên dừng xe lại. Đây là nơi tôi đã học năm đệ nhị. Cảnh nhà vắng vẻ tiêu điều. Ông Bản Đức đã bị xử bắn năm 1956 cải cách. Cái tội của ông là nhà có quá nhiều ruộng đất, và từ mấy chục mẫu ruộng đã đẻ ra tô tức, tô tức lại đẻ ra nợ máu với nông dân! Nợ máu phải trả bằng máu, có gì lạ!? Chiếc cầu ao bằng gạch chỉ gắn xi măng, bắc xuống ao hẹp, xưa kia chúng tôi thường rửa chân, thế mà đến nay vẫn còn. Nhưng rêu bám và bậc nào cũng nghiêng lệch như sắp đổ xuống ao. Cái nhà dài dằng dặc, mấy hộ bần cố nông được chia “quả thực”, bị lở lói xám ngắt...Tôi bảo với Tuấn Kiên: “Chúng ta đi tiếp!”.

            Xe phóng thẳng một mạch đến đầu làng Lượng Định, vào ngay nhà anh chị Đỗ. Anh chị đã mất lâu, con cháu dĩ nhiên không biết tôi là ai. Tôi vào trong nhà, muốn thắp lên bàn thờ ba nén hương để kính viếng âm hồn anh chị Đỗ. Nhưng bàn thờ lạnh ngắt, hương không có, bát nhang cắm xiêu vẹo mấy chân hương. Tôi đành vái ba vái, cúi đầu làm lễ, khấn nôm vài câu, hy vọng “tâm động quỷ thần tri”.

            Bố con tôi lên cầu Trắng. Thành cầu mới quét vôi trắng toát. Tôi nói: “Đây là nơi năm 1951, bố học trường Cổ Định thường cùng anh bạn thân tối tối cùng nhau ngồi trên bờ thành cầu nói chuyện rất vui...”

            Nhìn phía cánh đồng Nấp Nưa, khoảng giữa đồng nổi lên một lùm cây xanh xanh, tôi hỏi ông lão chăn bò: “Lùm cây xanh xanh giữa đồng kia là gì hả bác?”. Ông trả lời: “Nhà anh Vinh con ông Bản Hớn”. Tôi lại hỏi: “Bác  có biết nhà ông Bản Hớn bây giờ thế nào không?” Ông lão ngạc nhiên: “Anh ở mô mà cũng biết nhà ông Bản Hớn?” Tôi đáp: “À hồi nhỏ tôi có trọ học ở vùng này.” Ông già là người hay chuyện. Ông  kể cho tôi nghe nhiều về chuyện ở làng quê ông.

            Tôi được biết anh Vinh hồi cải cách ruộng đất, đem vợ con chạy trốn một thời gian, đến khi nghe nói chủ trương sửa sai, anh cùng vợ con lại dắt nhau về. Nhưng nhà cửa đã chia cho nông dân, mọi thứ đồ đạc, tài sản đều là “quả thực”. Anh lên gặp UB xã xin nhà ở, họ trả lời: “Đã là quả thực, Đội chia rồi, không thể trả lại. Hơn nữa, chỉ “sửa sai” về tinh thần, không “sửa sai” về vật chất!” Anh Vinh xin nơi cư trú, họ nói: “Tại anh bỏ đi, mắc tội trốn cải cách, không hỏi tội là may phúc!” Anh Vinh nói cứng: “Xã không giải quyết, tôi buộc lòng phải kêu lên huyện!”  Họ “hừ” một tiếng: “Thì anh đi mà kêu huyện!”

Anh Vinh không có chỗ ở, đành che túp lều bằng ni lông ở đầu cầu Trắng cho vợ con trú mưa nắng tạm thời. Chẳng biết xã bàn nhau thế nào, gọi anh Vinh lên cấp cho một cái nhà nát nông dân đã chuyển đến nhà quả thực. Anh từ chối, bỏ lên làm lều ở miếng đất bái hoang rậm kia, nằm giữa ranh giới địa phận đồng Nấp Nưa, phía này thuộc Lượng Định, bên kia của Cổ Định, không bên nào quản lý...

            Tôi rất muốn đến gặp anh Vinh để hỏi thăm tin tức Hiển và Vũ. Nhưng suy đi nghĩ lại thấy có điều bất tiện. Thứ nhất, tôi với anh chỉ biết mà không quen. Riêng tôi, chưa chắc anh đã nhớ tên. Thứ hai, anh ra giữa cánh đồng không mông quạnh kia để ở, khác nào người ẩn cư muốn xa lánh đời, nay mình đến hỏi tin tức em anh, chắc anh không dám nói thật. Thôi, cứ hãy biết như vậy là tạm đủ.

            Hôm nay, ngày mồng ba Tết, ở tuổi 60, tôi mới được trở lại ngồi trên cầu Trắng, sờ lên mái tóc, biết đầu mình cũng đã ngả màu bạc trắng! Nhẩm tính gần 45 năm tôi mới có dịp đứng trên cầu Trắng để ôn lại kỉ niệm bạn bè. Bây giờ hai bạn đang ở đâu? Hiển có chữ nghĩa, hẳn cũng kiếm được công ăn việc làm. Vũ có nhan sắc chắc phải chồng con  tử tế. Lời dân gian thường nói: Con cái như hạt mưa sa, hạt rời gác tía, hạt ra ngoài đường!” Ai biết được lòng trời thế nào? Trong cảnh thất cơ lỡ vận ở nơi đất khách quê người, tôi e rằng...Nhưng trong thâm tâm tôi hằng mong, luôn tin tưởng cả hai anh em đều hạnh phúc, không như tôi...




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét