Thư pháp của Tiếu Chi Nguyễn Hữu Sử Nguồn: FB Sử Nguyễn |
Hoàng Tuấn Công
Trong tiếng Việt, "cổ kính" là từ khá thông
dụng. Tuy nhiên, việc giải nghĩa từ, từ tố của "cổ kính" trong các sách từ điển tiếng Việt còn thiếu
thống nhất.
Từ điển tiếng Việt
(New Era) giải thích: "Cổ kính: Cổ xưa và đáng kính •
Những truyền thống cổ kính của dân tộc."
Từ điển từ và ngữ Hán Việt (GS
Nguyễn Lân): "Cổ kính (cổ: xưa
cũ; kính: tôn trọng) Lâu đời rồi,
nhưng còn đáng tôn trọng: Những công
trình kiến trúc cổ kính của ông cha để lại."
-Từ điển tiếng Việt
(Nguyễn Tôn Nhan-Phú Văn Hẳn) "Cổ kính: Xưa và có vẻ trang
nghiêm".
Từ điển tiếng Việt
(Vietlex) "Cổ kính古敬 [tính từ] cổ và có vẻ trang nghiêm •
tòa lâu đài rêu phong và cổ kính; cây đa
cổ kính."
Như vậy,
các sách từ điển trên đây, hoặc giải thích rõ nghĩa từ tố "kính", hoặc giải nghĩa từ "cổ kính" theo hướng "kính"
nghĩa là kính trọng, trang nghiêm. Riêng Từ điển tiếng Việt (Vietlex, bản có chú chữ Hán-2015) ghi rõ mặt
chữ "kính", trong "cổ kính" là 敬 (nghĩa là cung kính).
Vậy, có đúng "kính" trong "cổ
kính" nghĩa là "kính
trọng", cung kính không? Xin lại trích dẫn cách giải thích của một số
từ điển khác.
-Hán Điển giảng nghĩa từ "cổ
kính" như sau: "古勁 [simple
and vigorous] [書法,繪畵等] 古朴而雄健有力•篆書古勁" Nghĩa là: "Cổ kính [có vẻ chất phác mà hùng hồn, đầy khí lực] [chỉ về thư pháp, hội
họa] Có vẻ cổ phác mà hùng kiện, bút lực già dặn • Ví
dụ: triện thư cổ kính".
-Từ điển Việt Hán (GS Đinh Gia Khánh hiệu đính): "Cổ
kính 1.古勁,
健勁 •
nét bút cổ kính. • 沉郁頓挫
(指書法) 2.古老的." Phiên âm phần chữ Hán: "Cổ kính: 1.Cổ kính, kiện
kính • nét bút cổ kính • trầm
úc đốn tỏa (chỉ thư pháp) 2. Cổ lão
đích". Dịch nghĩa phần chữ Hán: Cổ
kính: 1.Cổ kính, cứng
mạnh • nét bút cổ kính • thâm
hậu, hùng hồn (chỉ thư pháp) 2. Cổ xưa".
-Quấc âm tự vị (Huình
Tịnh Paulus Của): "Cổ kính: Sành sỏi, cứng cáp theo điệu xưa (văn
chương)".
-Việt Nam tự điển (Hội
Khai trí tiến đức): "Cổ
kính古勁
già giặn, cứng mạnh: Nét bút cổ kính."
-Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ): "Cổ
kính • [tính từ]. Già-giặn, mạnh-mẽ. • [danh từ]. Cái kiếng soi cũ : Đập cổ-kính ra tìm thấy bóng-Tự-Đức".
Như vậy, "kính" trong "cổ kính" 古勁 có tự hình là 勁, nghĩa là cứng mạnh, chứ không phải chữ "kính" 敬nghĩa là "tôn trọng".
Trong Hán ngữ, từ
"cổ kính" 古勁 thường
dùng để chỉ vẻ đẹp cổ điển, thể hiện sự già dặn, hùng hồn, rắn rỏi, đặc biệt là
trong thư pháp, hội họa. Với tiếng Việt,
nghĩa của "cổ kính" 古勁 rộng hơn, hiện nay chủ yếu dùng để mô tả những sự vật,
công trình kiến trúc cổ có dáng vẻ già nua, rêu phong, trầm mặc.
Còn "cổ kính" 古鏡 (danh từ), nghĩa
là "gương xưa", trong thơ của vua Tự Đức: "Đập cổ kính ra tìm thấy bóng, Xếp tàn y lại để dành hơi",
tự hình là kính 鏡 khác với hai chữ "kính"
勁 trong "cổ
kính" 古勁, và kính 敬trong cung kính 恭敬.
HTC/1/2016
Cám ơn Hoàng Tuấn Công đã dày công sưu tầm để người đọc hiểu được vấn đề và tâm phục khẩu phục.
Trả lờiXóa