8 thg 11, 2015

THƯ PHÒNG NÓI CHUYỆN NHÀ NÔNG (Kỳ I-Nghệ thuật thổi phồng của P/v VTV)

                HOÀNG TUẤN CÔNG


Tôi có xem loạt bài Phóng sự về những "bất thường" trong hướng dẫn sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật ở Phú Thọ và Thái Bình của P/v Bạch Hoàn, Thanh Thảo và Nhóm P/v Đài Truyền hình Việt Nam (phát trên Bản tin Tài chính kinh doanh và Chuyển động 24h bắt đầu từ tháng 9/2015).


          Điều đáng chú ý, trong khi thực hiện loạt phóng sự, Nhóm P/v của VTV đã biến cái bình thường trở thành "bất thường", phản ánh sai bản chất vấn đề; sử dụng chứng cứ giả dẫn đến điều tra, kết luận theo kiểu quy chụp, thiếu khách quan. Bởi vậy, loạt phóng sự của VTV, một mặt gây hiểu lầm, bức xúc, phẫn nộ cho bạn xem truyền hình; mặt khác lại gây bất bình cho những người hiểu rõ thực chất vấn đề.

          VTV vì ai trong vụ này? Trong số những điều VTV phản ánh, có bao nhiêu phần trăm là sự thực? Nhóm P/v có vi phạm đạo đức của người làm báo không?

          Đã có một số bài viết, phóng sự truyền hình của các báo trung ương và địa phương (như: Đài truyền hình Thái Bình, báo Thái Bình, báo Nông nghiệp Việt Nam...) phân tích, chỉ ra những cái sai, thiếu khách quan của Nhóm P/v Đài truyền hình Việt Nam. Những từ như "đánh thuê", "thổi phồng", "giật gân"... đã được nhắc đến khi nhận xét về loạt phóng sự của VTV. Tuy nhiên, sự phản ứng này có phần còn chừng mực, chưa vạch hết những cái sai của VTV, và rất dễ bị xem là ngụy biện, bảo vệ cho cái sai của ngành nông nghiệp, địa phương bị VTV nêu tên. (ban đọc quan tâm có thể nhấn vào đây để đọc bài trên báo NNVN)

          Riêng tôi, từ khi xem loạt phóng sự về thuốc BVTV đến bây giờ ,nếu xem các phóng sự  khác của VTV, tôi thường tự hỏi: Có bao nhiêu phần trăm sự thực trong đó? Nếu không phải là người công tác trong ngành nông nghiệp và đã hơn 20 năm gắn bó với nông dân và công tác khuyến nông, hiểu rất rõ thị trường thuốc bảo vệ thực vật, chắc hẳn, tôi cũng bị VTV đánh lừa như rất nhiều khán giả khác.

          Bài này tôi viết đã lâu, và nghĩ sẽ theo dõi hết loạt bài P/s của VTV (như lời giới thiệu là "sẽ trở lại vấn đề này trong các bản tin tiếp theo"), xem các anh chị P/v VTV làm những gì, nhưng không thấy.

          Nay, sự việc tuy đã qua, nhưng xin vẫn đưa được đưa ra một số nhận xét, chia sẻ, để bạn đọc thấy sự trung thực của VTV đến đâu. Mặt khác, đây là vấn đề hệ trọng, liên quan đến chính sách quản lý nông nghiệp và bà con nông dân.

         Đầu tiên, có lẽ chưa vội xem VTV có "đánh thuê" không, và "đánh thuê" cho ai. Ta hãy xem VTV (Bản tin tài chính kinh doanh 11/9/2015) đã thổi phồng sự việc như thế nào.

          1.Để chứng minh cơ quan BVTV đã "ưu ái" (chữ của VTV) cho một số loại thuốc, khiến nông dân phải mua giá cao, Nhóm P/v VTV loan tin: Thuốc phòng trừ sâu cuốn lá Clever 150SC "nhảy múa", khi bị đẩy lên giá 18 ngàn đồng/gói, trong khi đó, cũng loại thuốc này, ở địa phương khác chỉ bán với giá 10 ngàn đồng/gói. 

          VTV đặt ra câu hỏi: "không biết khoản chênh lệch 8000đ/gói thuốc kia được chia cho những ai, rơi vào túi những khâu nào" khiến người xem truyền hình hết sức phẫn nộ. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là chứng cứ giả do VTV tạo ra (nếu là vô tình, thì Nhóm P/v VTV vẫn phải chịu trách nhiệm về sự yếu kém, chủ quan về nghiệp vụ làm báo). Bởi vì, qua tìm hiểu trên thị trường nhiều tỉnh thành và liên hệ trực tiếp với đơn vị sản xuất, cung ứng, tôi được đại diện Công ty BVTV I Trung ương chính thức cho biết:

          -Thuốc Clever 150SC, loại 6ml giá bán lẻ = 12 ngàn đồng/gói, loại 9ml bán lẻ = 18 ngàn đồng/gói. Hoàn toàn không phải cùng một loại gói (trọng lượng bằng nhau) được bán chênh lệch lên tới 8 ngàn đồng/gói như VTV đưa tin.

          -Qua tìm hiểu thêm tôi thấy điều này hoàn toàn đúng với thực tế, vì tại Thanh Hóa, thuốc Clever 150SC cũng được bán lẻ = 12 ngàn đồng/gói loại 6ml; 18 ngàn đồng/gói loại 9ml.

          -Trong trong thời buổi hàng hóa lưu thông, rất khó có chuyện một mặt hàng nào đó đạt lợi nhuận tới 80%, với thuốc bảo vệ thực vật lại càng khó. Đặc biệt, nông dân không thiếu thông tin và ngờ nghệch đến mức, không nắm được giá, hoặc biết giá chênh lệch tới 8.000đ/gói thuốc vẫn bỏ tiền ra mua hoặc buộc phải mua. Không ai có thể bắt nông dân mua như vậy.

          -Các chủ cửa hàng cũng thế. Dù có chỉ đạo thế nào chăng nữa, nhưng thuốc BVTV không phải là hàng quốc cấm, nên nếu lãi tới 80% thì các cửa hàng chẳng dại gì mà không lấy  hàng về bán. Đến ma túy còn mua bán vụng trộm được, thuốc BVTV là gì mà họ không dám bán, đành chấp nhận để mấy ông cán bộ độc quyền kinh doanh siêu lợi nhuận?

          -Như vậy, không những VTV, bịa ra chứng cứ, mà còn cố tình đưa giá bán lẻ loại thuốc đóng gói 6ml từ 12.000đ/gói, xuống 10.000đ/gói, tạo mức chênh lệch không phải 6.000đ, mà là 8.000đ/gói, khiến khán giả bị lừa và càng thêm phẫn nộ.

          -Lý do Nhóm P/v VTV đưa ra: "80% thuốc các loại thuốc trong cửa hàng (...) đều nằm trong danh mục hướng dẫn, muốn bán thêm các loại thuốc ngoài danh mục hướng dẫn của tỉnh cũng chẳng được, vì chỗ để hàng đã hết"(!)

          Cứ tưởng "muốn bán thêm các loại thuốc ngoài danh mục hướng dẫn của tỉnh cũng chẳng được" vì bị cấm hoặc không có người mua, hóa ra, lại chỉ vì một lý do hết sức vớ  vẩn đó là "chỗ để hàng đã hết"(!) 

           Đây có thể xem là kiểu bịa chuyện, thổi phồng cực kỳ trắng trợn và hài hước của Nhóm P/v VTV.

          Vì, nếu bị ép phải bán hàng trong danh mục, thì trong số 80% loại thuốc kia, họ chỉ lấy mỗi loại một vài thùng cho có, còn lại, dành kho chứa cho 20% hàng ngoài danh mục hướng dẫn, thử hỏi ai có quyền bắt? Chưa kể đến việc, họ xếp hàng bên trong, khi có khách mua mới đem ra, hỏi cơ quan Bảo vệ thực vật (BVTV) có quyền khám nhà họ không? Hoặc giả, quy định bán 10 loại trong danh mục, nhưng họ chỉ lấy 5 loại, thử hỏi ai buộc phải lấy đủ? Hàng trăm, hàng ngàn điểm bán thuốc ở một huyện, một tỉnh, cơ quan BVTV có đủ lực lượng để đi kiểm tra cả ngày lẫn đêm không? Rõ ràng là không thể.

          2.Nhóm P/v VTV nói, vì công văn hướng dẫn cụ thể một số tên thuốc, nên nông dân cứ "răm rắp làm theo", khiến các doanh nghiệp khác không bán được hàng. Đây cũng là kiểu thổi phồng, nói dối trẻ con của VTV. Vì, nếu nông dân ai cũng "răm rắp" nghe theo Công văn chỉ đạo, có lẽ chẳng cần đến cán bộ khuyến nông cơ sở nữa. Là người đã hơn 20 năm làm việc với nông dân, tôi biết rất rõ nông dân có luôn nghe theo, tin theo, "răm rắp" làm theo Công văn chỉ đạo của cấp trên hay không.

          Về nghệ thuật cắt xén lời phỏng vấn, đánh tráo khái niệm của VTV khiến khán giả phải phẫn nộ như thế nào; VTV mượn danh nghĩa cảm thương bà con nông dân để tranh đấu cho ai, làm lợi cho ai, đó là những câu hỏi mà nhiều người hiểu rõ thực chất vấn đề đặt ra. 

            Mong rằng sẽ tiếp tục được chia sẻ với bạn đọc trong những bài tiếp theo.


                                                                                   HTC 9/10/2015

Đường link của P/s do nhóm VTV thực hiện (xem từ phút thứ 6)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét