29 thg 10, 2015

XEM "TÌNH CÁT" CỦA NGUYỄN QUANG LẬP

             
                         HOÀNG TUẤN CÔNG

Độc giả từng phát cuồng với những tạp văn đặc sắc của Nguyễn Quang Lập, có thể sẽ thất vọng khi đến với "Tình cát". Bởi "Tình cát" không dễ đọc như tạp văn. Tuy nhiên, nếu biết thưởng thức, "Tình cát" lại hay và hấp dẫn chính ở chỗ không dễ đọc đó.

            Không dễ, bởi người đọc phải động não trước một "Tình cát" có tính khái quát, biểu tượng, ẩn ý cao. Nếu chạy theo cốt truyện, có thể vô tình lướt qua hình ảnh con cú què bay qua liệng lại như nối hiện tại với quá khứ, cất tiếng kêu tựa tiếng nấc oan hồn người dân Xóm Cát. Hay tiếng đàn cò đêm đêm như than, như oán của ông Rúm...Tiếng chim "Đi...soạn cho hết" khắc khoải nhắc nhớ quá khứ đau thương... 


               Hiện tại và dĩ vãng, đời thực và mộng mị theo đó cứ chợt ẩn, chợt hiện trong cơn mê sảng của Hoàng, có khi đẫm mồ hôi ác mộng, đầm đìa nước mắt khổ đau, dằn vặt, ám ảnh...

            Thực tại đáng buồn buộc người ta phải nhớ, phải đau với quá khứ. Người sống gợi nhớ kẻ đã chết. Kẻ chết hiện về day dứt, ám ảnh người sống. Kẻ chết, người sống cứ thoắt ẩn, thoắt hiện, khiến ta phải dán mắt vào từng câu, từng chữ để phân biện đâu là mộng mị, đâu là hiện thực. Vậy mà bỗng dưng cứ mê man đi lúc nào không hay, cho đến đỉnh điểm ác mộng hoặc cơn cực khoái ái ân, nhân vật ú ớ thoát khỏi cơn mơ, ta cũng mới giật mình choàng tỉnh...

            Đó là cái tài của Nguyễn Quang Lập. Ông chuyển cảnh cho những "thước phim đen trắng" hồi ức, và "phim màu" hiện thực của mình cực nhuần nhuyễn, tự nhiên, kín đáo như chính những cơn mộng mị triền miên của Hoàng.  
 
            Không phải là tiểu thuyết chiến tranh, nhưng trong "Tình cát", nỗi buồn chiến tranh vẫn hiện lên với những số phận bi thảm, những cái chết đủ mọi tư thế, đủ mọi hoàn cảnh. Chết như chưa từng sống. "Chết như không chết". Chết, mà không kịp hiểu tại sao mình chết. Chết, không để lại một dấu vết, dù chỉ là sợi tóc. Chết, khi vồng ngực thanh tân còn tươi hồng mãn nguyện sau phút giây khao khát vồ vập ái ân... Chết tức tưởi, khi trước đó, dù đã " quỵ xuống, mềm đi trong vòng tay riết chặt", "mặc kệ đời, mặc kệ bom đạn, mặc kệ đói khát" của người trai, mà trinh nữ vẫn "kiên quyết khép chặt đùi" run rẩy...

            Chỉ dựa vào chiến tranh thì Thần Chết mới có quyền bắt người ta phải vội vã tử biệt, sinh ly khi da thịt hãy còn nóng ấm làn môi, hơi thở của người tình!

            Đúng như cái tên "Tình cát", Nguyễn Quang Lập đem đến cho bạn đọc không chỉ là "tình" với gió cát, xứ cát, xóm cát, mà còn "tình" thực sự bởi những màn ái ân, yêu đương nóng bỏng.

            "Tình cát", mở ra đã thấy sex.

             Lính sex; thanh niên xung phong sex; Có lúc sex thật, có khi sex trong mơ. Sex với người tình; sex với người mới gặp; sex bằng môi nóng bỏng; sex bằng mắt khát khao; sex trên cát mù mịt trận tình; sex dưới suối sùng sục gân cơ; sex dưới trăng thanh lồ lộ da ngà; sex vì yêu xoắn xuýt; sex để giải tỏa ngùn ngụt; sex chữa bệnh, ngại ngùng bối rối; sex chỉ vì người van xin...sex!...

            Sex từ đầu đến cuối, nhưng sex trong "Tình cát" không phải sex rẻ tiền.

            Chiến tranh đồng nghĩa với chết chóc. Nhưng chiến tranh trong "Tình cát" không chỉ là cái chết, mà còn hiện lên bởi "nỗi thống khổ của đàn bà", "những thèm khát lương thiện",  khát vọng được yêu đương vốn đã bị "giáo lý đương thời bủa vây", càng bị đè nén, bịt chặt, càng bung lên hừng hực dưới khói lửa khốc liệt của chiến tranh.

            Ba chục lính "ém mình" bên bờ suối, "mắt mở, mồm há" nhìn xuống "hơn hai trăm cô gái khỏa thân đang ngụp lặn trước mắt họ. Những thân hình trắng nõn nà uốn lượn...Tất cả đang phồng lên óng ả, dập dềnh những đường cong trắng mềm, đến phật cũng muốn tụt quần nhảy ào xuống suối. (...) họ sờ mó, nắn bóp nhau như trai gái làm tình, cười rúc rích, tiếng cười sực nức mùi dâm..."

            Chẳng biết thần giao cách cảm, hay sức hút của hai nửa âm dương dồn nén thế nào, bỗng dưng, "một cô nhảy đại lên tảng đá, dạng háng vỗ bem bép. Đàn ông mô cả rồi bay!...Chết hết cả rồi há!" Rồi "có đến mấy chục cô thi nhau nhảy lên các tảng đá giữa suối, dạng háng vỗ bem bép, vỗ và hú hét và cười ré. Đàn ông mô cả rồi bay!...Chết hết cả rồi há!".

            Màn khiêu khích như điên như dại khiến lính tráng cũng "điên cuồng..."

            Rồi chuyện trớ trêu của Đại đội nữ thanh niên xung phong, khiến Hoàng phải "ôm ấp hầu hết các cô gái trong hang đá, sờ nắn hết thảy những bộ ngực trinh nữ. Những bộ ngực được giữ gìn nâng niu, gói ghém giấu giếm kỹ càng suốt tuổi thanh nữ, bỗng chốc bị bóc trần trong một giờ lâm bệnh."...

            ..."Chị biết em khinh chị lắm. Nhưng em không biết đâu...các chị cực lắm em ơi! Chị nói như rên. Hai tiếng "em ơi" chua xót nghẹn ngào với lên giữa rừng chiều nghe như tiếng vọng mơ hồ một linh hồn đã chết."

            Những màn sex trong "Tình cát" diễn ra bất ngờ, chóng vánh. Không thô thiển, lộ liễu, phô bày; thấy rõ mồn một mà lại như chẳng thấy gì hết.

            "Lý kéo cổ Hoàng xuống suối, riết lấy anh trong hổn hển. Những chiếc hôn sặc nước, đốt nóng cả hai trong làn suối ban mai...Một quầng màu hồng chậm rãi tan vào trong vắt...Rốt cuộc Lý đã mất và đã được, dù mất cái chưa đáng mất, được cái chưa nên được. Thôi mặc. Biết sống chết thế nào mà tính toán thiệt hơn."...

            "Chị Nụ khuỵu xuống, từ từ lựa chiều...Anh hối hả dấn sâu vào, thúc mạnh...chị bật cong nhịp nhàng cùng với những tiếng hức hức như tiếng nấc hờn dỗi của trẻ con...Hoàng thúc như điên, đâm tan nát đóa diêu bông người chị can trường suốt đời anh ngưỡng mộ."

            Nếu "Tình cát" được chuyển thể phim truyện, chắc hẳn, đạo diễn phải học cách dàn dựng những cảnh sex nửa kín, nửa hở mà vẫn khô khát, nóng bỏng thịt da của Nguyễn Quang Lập.

                                                                                       HTC/29/10/2015 


                                             (Hết phần I)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét