22 thg 10, 2015

BÀ CỜN XỨ NGHỆ RA THANH (Phần cuối)

Đền Cờn Ngoài-Quỳnh Lưu-Nghệ An.
               HOÀNG TUẤN PHỔ

Đền miếu của Tứ Vị Thánh Nương chủ yếu tập trung ở dải đất ven biển, nhất là những làng xã làm nghề cá, thường xuyên ra khơi đánh cá. Đền nào cũng to nhất tuỳ theo khả năng kinh tế địa phương, được gọi bằng cái tên đầy tôn kính: đền Thánh Cả.
          Đầu năm, làng xã tổ chức lễ hội cầu phúc, cầu ngư. Cầu phúc để mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, cầu ngư để sóng yên biển lặng, lắm cá nhiều tôm.

          Trong phần lễ, Tứ vị ngự ở ngôi cao nhất, vì triều đại nào cũng ban sắc phong Thượng đẳng thần. Trên đàn tế, Tứ vị ngồi ở vị trí chính giữa, các thần linh khác trong làng xã ngồi lần lượt thấp dần hai bên tả hữu tuỳ theo đẳng cấp vua phong tặng.
          Trong phần hội, thi bơi đua thuyền trên khúc sông gần cửa biển. Một số làng tổ chức hát chèo chải trên sân đình, đều chung mục đích cầu mong mưa thuận gió hoà, sóng yên biển lặng.
Ban thờ Tứ vị thánh nương ở đền Cờn-Nghệ An

          Lễ hội đền Tứ vị Ngọc Trà (Quảng Xương) không tổ chức đua thuyền, chèo chải. Tất cả các loại thuyền bè địa phương đều tập trung trên bến nước trước đền, tham gia cuộc tế lễ ngào ngạt khói hương và vang lừng tiếng trống, tiếng chiêng.
          Làng Đồn Điền (Quảng Xương) mở hội cầu phúc trước, cầu ngư sau. Lễ cầu phúc ở đền Trung, tế lễ cây nêu treo bó lúa tại sân đình, xong, hạ nêu, dân đua nhau cướp cành tre và bông lúa đem về lấy khước. Người ta gác cành tre, bông lúa lên dàn bếp, khi nào trong nhà có trẻ em sốt nóng, lấy xuống nấu nước uống chữa bệnh.
          Lễ hội cầu ngư ở Đồn Điền cũng rước kiệu Tứ vị đi đầu ra ngõ, chính chỗ gần bến cá, và miếu Ông (thờ cá Ông Voi) làm lễ. Các thần trong làng xã: Thần Thành hoàng, Sát Hải đại vương, Đông Hải đại vương, Đức Ông tôn thần… đều được rước đến để cùng hưởng tế lễ của dân.
          Lễ hội cầu phúc, cầu ngư ở Sầm Sơn thường tế chung tổ chức rước kiệu. Kiệu Tứ vị đi đầu, kiệu Độc Cước đi thứ hai, kiệu Đông Hải đi thứ ba, kiệu Đề Lĩnh đi thứ tư, đi cuối cùng Kim Cương tướng quân (thần Cá Voi). Lễ tế Tứ vị bánh dày, Độc Cước thủ trâu sống, các thần khác xôi thịt.
          Dân gian Sầm Sơn kể chuyện Bà Triều và Thánh Độc Cước thi tài để phân định cao thấp. Độc Cước bị thua, phải nhường kiệu Bà Triều đi trước. Ở đây có sự nhầm lẫn Bà Triều với Tứ Vị Thánh Nương . Bà Triều là nhân vật thời Hùng Vương, tổ sư nghề dệt làng Triều Dương, tương truyền kỹ thuật dệt lưới súc đánh moi do bà Triều truyền dạy (Các nơi khác trên miền Bắc nước ta không nơi nào biết nghề này, vì làng Triều tuân theo lệ cấm không truyền nghề cho người ngoài, mãi sau 1945, kỹ thuật dệt mới được phổ biến). Không ai biết tên họ Bà Triều là gì, trong chiến trang chống Mỹ, đền Triều Dương bị phá, sau xây dựng lại đền, sưu tầm tài liệu chỉ tìm thấy một bài vị viết dòng chữ “Hùng triều thánh tổ Ưng Đồ đại vương thượng đẳng tối linh thần” (Tài liệu của đền Triều Dương được khôi phục).
          Đền Triều Dương vốn ở bên sông Mã, gần Cửa Hới, sau dòng sông lở phải di chuyển vào khá sâu. Có lẽ do điều kiện kinh tế khó khăn, đền tập trung thờ cả mấy vị thần theo thứ tự: 1 – Thánh Tổ Ưng Đồ Đại Vương; 2 – Tứ Vị Thánh Nương; 3 – Đông Hải Phi Vương tướng quân (Kim Cương tướng quân); 4 – Lý Uý Thành Minh Vương (Tô Đại Liêu); 5 – Phù Đạo Chí Đức linh thần.
          Bởi không đủ điều kiện cho mỗi vị một kiệu, dân làng dành kiệu bát cống sang trọng nhất cho các nữ thần thượng đẳng. Vì đất bờ sông lở do sông Mã chuyển dòng, nửa làng Triều Dương phải mua đất làng Cá Lập và làng Lương Trung để chuyển vào ở, thành Triều Dương Nội. Một bộ phận khác dời đến bãi bồi ven biển lập Triều Dương Ngoại. Nội và Ngoại cách nhau khoảng 2km vốn anh em chung một nhà hoá ra cách biệt. Từ cải cách ruộng đất, chia xã mới, Triều Dương Ngoại thuộc xã Quảng Cư, Triều Dương Nội thuộc xã Quảng Tường, thế là anh em họ hàng thành người hàng xứ!
          Năm 1993, Triều Dương Ngoại xin được bằng cứng nhận di tích, quyên góp tiền xây dựng lại đền thờ Tứ Vị Thánh Nương nhưng dân gian vẫn gọi tên đền Bà Triều. Triều Dương Nội không có đền, bị mất luôn cả đức thánh, rủ nhau cướp bát hương về thờ tạm trong ngôi nhà kho mái bằng xây dựng thời hợp tác hoá dùng cất chứa coi lác. Hai bên xảy chuyện đánh nhau để tranh giành một chiếc bát hương, cuối cùng chính quyền địa phương dàn xếp mãi mới xong!
          Có lẽ đầu tiên là hợp nhất đền miếu cho tiện thờ cúng, sau dần dà có xu hướng đồng nhất thần linh cũng để tiện thờ cúng. Và, thực tế hình bóng Bà Triều đã lu mờ dần trong hình ảnh Bà Cờn mỗi lúc thêm rạng rỡ. Lễ hội Sầm Sơn hàng năm vắng hẳn nghi thức rước vải lụa để ghi nhớ công ơn Bà Triều, tổ sư nghề dệt, chỉ còn vang dội tiếng chày giã bánh của hội thi bánh dày dâng lên Tứ vị, dìm xuống biển mất tăm âm thanh thoi đưa lách cách nghìn xưa truyền thống.
          Theo đúng tinh thần lịch sử, “Tứ vị” phải trả lại sự thật cho “Tam vị”. Nhưng trong văn hoá dân gian, “Tam vị” đã hoá thành “Tứ vị” thì dẫu lịch sử thế nào, “Tứ vị” vẫn là “Tứ vị”. Đây là hiện tượng tín ngưỡng dân gian đặc sắc của vùng biển Việt Nam mà đền nghè miếu mạo chiếm con số kỷ lục trong giới nữ thần danh tiếng. Từ “Tam vị” phát triển lên “Tứ vị”, vị thần thứ tư, do thiếu cơ sở sự thật lịch sử để thống nhất thần tích nên mỗi địa phương thờ phụng một kiểu, giải thích một cách. Có nơi thần tích phát triển theo hướng tiểu thuyết hoá (như đền Triều Dương) hoặc ly kỳ hoá (như đền Diêm Phố, Hậu Lộc, Thanh Hoá)… làm cho chuyện Bà Cờn càng trở nên phong phú. Và, Bà Cờn đã vén bộ váy chùng trùm kín gót bước qua cửa đền miếu lung linh sắc tía, rực rỡ màu son để quá bộ đi vào tư duy sáng tạo dân gian, bắt đầu từ quê biển xứ Thanh./.

                                                                              HTP/12/5/2009


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét