11 thg 10, 2015

BÀ CỜN XỨ NGHỆ RA THANH (Phần II)

Đền Tứ Vị Thánh Nương ở Hậu Lộc.

                                        Ảnh: trên Intetnet
             HOÀNG TUẤN PHỔ 


Xét việc phong tặng thần linh thời Lê đều theo một quy chế chung: tất cả các vị Âm thần từ Bà Trưng, Bà Triệu, phổ biến nhất là “phu nhân” (xưa chỉ vợ các vua chư hầu, hoặc vợ các quan nhất phẩm). “Phu nhân” cũng là tước hiệu vua phong các nữ thần bậc thượng đẳng. Ví dụ: Hai Bà Trưng được phong Trinh Linh nhị phu nhân, Bà Triệu được phong Trinh Nhất phu nhân. 


Từ đời Trần đến đời Lê vẫn “y cựu phụng sự”, chỉ gia phong thêm các mỹ tự và duệ hiệu. Ngoài ra phổ biến tước phẩm: công chúa…Cá biệt có một bản Việt điện u linh (VHv.1503) chép là “Càn Hải môn tam vị Thánh nương”, thần hiệu duy nhất trong số các nữ thần của tập sách. GS Đinh Gia Khánh khảo cứu rất kỹ về văn hoá cho biết, tập sách chép tay này không chép rõ sự tích các nhân vật và nhiều đề mục theo cách phân chia, đặt tên, do Ngô Giáp Đậu thêm vào đầu thế kỷ XX, nội dung quá nửa không phải là của Việt điện u linh. Đây là một bản chép lộn xộn, chữ viết xấu, sai lẫn nhiều (Việt điện u linh-Đinh Gia Khánh dịch và giới thiệu). Như vậy, đây không phải là văn bản có giá trị khoa học để chúng ta tin cậy được. Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là bản này vẫn chép Tam Vị Thánh Nương, không phải Tứ Vị Thánh Nương.

          Việc thay đổi thần hiệu, rất khó xảy ra trong một triều đại, vì đời vua này kế tiếp đời vua khác bao giờ cũng căn cứ vào danh sách do Bộ Lễ nắm giữ, cho nên phần lớn đều ghi dòng chữ “y cựu phụng sự” phía dưới dòng sắc. Thay đổi từ Tam vị sang Tứ vị hẳn là do triều đại thay đổi, cụ thể từ Tam Vị Phu Nhân thành Tứ Vị Thánh Nương là bởi sự thay bậc đổi ngôi, Hậu Lê-Tây Sơn chấm dứt vai trò lịch sử, mọi làng xã đều phải khai báo lên tân triều Nguyễn, và vua Gia Long, kế tiếp Minh Mệnh… xét cấp sắc phong trên cơ sở đề nghị của Bộ Lễ. Tài liệu này đến đời Thành Thái được tập hợp, hệ thống hoá thành bộ sách Chư thần lục lưu hành ngoài đời.

          Vấn đề chúng ta cần quan tâm không phải phu nhân hay Thánh nương mà chính là Tam vị hay Tứ vị. Qua một số thần tích, ngọc phả kể trên, chúng ta có ba cách giải thích: Thứ nhất: Ba mẹ con Dương Thái hậu và nhà sư (theo đền Cờn Nghệ An); Thứ hai: Ba mẹ con Dương Thái hậu và cô hầu, (theo ngọc phả đền Triều Dương, Thanh Hoá); Thứ ba: Bà dương Thái hậu và ba cung phi, (theo tài liệu các đền vùng Hà Nam Ninh). Từ vấn đề này nảy thêm một vấn đề khác: chỉ có một bà được nhận sắc phong thần hay cả ba hoặc bốn bà được nhận sắc phong thần?

          Theo bản thần tích cổ nhất chúng ta được tiếp cận, vị thần đầu tiên được triều Trần sắc phong cùng phu nhân tôn thần là bà Công chúa út. Từ thời Hậu Lê, đền Cờn cùng nhiều đền miếu khác được thờ thêm hoàng hậu và công chúa cả nên được gọi là Tam vị phu nhân. Về sau, nội dung thần tích ba vị phu nhân phát triển theo hướng dân gian hoá, nhân vật nhà sư có rõ địa danh quán chỉ nước Nam, không phải ở Trung Quốc, tình tiết các nhân vật đối thoại, nhất là bản ngọc phả Triều Dương lặp lại mô típ nhà sư bước qua mà người phụ nữ có mang, chúng ta đã thấy trong truyện kể Lý Công Uẩn.

          Chắc triều đình phong kiến dù thời đại nào cũng không chấp nhận sắc phong thần cho một nhà sư đã phạm giới tà dâm. Tuy nhiên, dân gian vẫn có thể cứ phong thần cho nhà sư, vì hành vi tà dâm chưa xảy ra mà nhà sư đã hết lòng sám hối, tự trừng phạt mình bằng cách nhảy xuống biển. Còn chúng ta sao không thể thông cảm rằng nhà sư vốn cũng là con người bình thường, không thể không có lúc động lòng trước sắc đẹp giai nhân? Vả chăng, cũng tại giáo lý nhà Phật đã dạy rằng: “Sắc tức thị Không”, sao còn bảo “Không tức thị Sắc” khác nào trước nói sắc đẹp là giả dối, sau lại đính chính lại, không phải giả dối đâu, đó là sắc đẹp thật(1)! Vì thế, chuyện chỉ bước qua mà Hoàng hậu có mang chẳng thể tin và không cần thiết. Người ta tưởng có thể bào chữa cho nhà sư, hoá ra thêm tội nặng cho nhà sư, vì dù muốn hay không đã để lại một hậu quả vô cùng nghiêm trọng: ông đã làm hại không chỉ ba mà bốn nhân mạng! (Kể cả đứa con trong bụng).

Vấn đề Tam vị đưa lên Tứ vị biết đâu lại chẳng là “ý muốn” của Bà Cờn? Thế kỷ XVII, XVIII đạo Mẫu phát triển khá mạnh, sang thế kỷ XIX bành trướng khắp nơi. Từ Nhất phủ tiến vọt lên Tam phủ chia nhau cai quản ba vùng: Trời, Đất, Nước vẫn chưa thoả mãn, lại phát triển thêm một phủ nữa thành Tứ phủ bao quát cả bốn phương. Tứ phủ chẳng những chiếm lĩnh ba miền: rừng núi, trung du, đồng bằng mà còn tràn xuống cả ven biển. Không ít làng xã thuộc vùng đất 12 cửa biển của Tam vị bị Tứ phủ “lấn sân”. Bởi thế, Tam vị phải nâng lên Tứ vị để đối trọng với Tứ phủ trong cuộc cạnh tranh âm thầm mà quyết liệt khó phân thắng bại.

          Nhớ lại hồi đầu thế kỷ XVII, đạo Mẫu bị đạo Nội đánh bại trong cuộc đại chiến sùng Sơn long trời lở đất, đạo Mẫu phải xin quy y Phật để tựa bóng thiền lâm (Nhưng đến thế kỷ XVIII, đạo Nội chia làm hai phái Đông, Tây, lực lượng bị suy yếu dần, chỉ còn làm chủ một số đạo tràng, phó mặc các bà Liễu Hạnh, Thượng Ngàn, Thuỷ Cung, Huyền Chân vùng vẫy bốn phương).

          Phải nói tham vọng “Tứ vị” rất lớn, không chỉ đối trọng với Tứ phủ mà còn phải tiến tới thôn tính dần Tứ phủ bằng cách đồng nhấtTứ phủ với Tứ vị. Không ít đền miếu Tứ vị du nhập các hình thức đồng bóng, hát chầu văn… mà các Bà không ngại tai tiếng con nhà vốn dòng trinh liệt. Liệu Bà Cờn có thể thay Bà Liễu dứng vào hàng “tứ bất tử” nếu Thượng đế cho thêm thời gian? Chắc không được, vì Tứ phủ đã thành một đạo riêng của nữ giới, có tôn chỉ mục đích, có tín đồ, “con cuông đệ tử”, một hình thái ý thức xã hội, trong khi đó Tứ vị chỉ là hiện tượng tín ngưỡng xã hội. Phía Tứ phủ giấc mộng bành trướng tuy lớn, nhưng cũng biết Tứ vị đã có “Sổ đỏ” đất đai cả 12 cửa biển, không thể vượt rào chiếm cõi!
          Dẫu sao con số 4 cũng là số chẵn vừa đủ “một mâm”. Nhưng bàn thờ thần đâu phải chiếu cỗ đình làng “bốn một, tám hai”? Phải có chính vị, thứ vị, để có trên dưới, hoặc ngồi ngang hàng cũng phải vị nào ở giữa, vị nào bên tả, vị nào bên hữu? Cứ như sắc phong Tam vị đời Trần, bà Công chúa Út, vị thần đầu tiên được phong tước hiệu “phu nhân” ngự chính giữa, bên hữu bát hương bà mẹ, bên trái bát hương bà chị. Khi Tam vị phát triển lên Tứ vị, nhiều đền bốn bà ngồi dăng hàng, hoàng hậu và công chúa cả cùng ngồi song song ở giữa, công chúa út và cô hầu gái ngồi hai bên, ngôi thứ lung tung cả (Một vài nơi như đền Diêm Phố, đền Y Bích (Hậu Lộc, Thanh Hoá) nhân vật hầu gái thay bằng hoàng tử thứ hai bị cắt ngọc hành, hoá ra nam chẳng ra nam, nữ chẳng ra nữ, nhưng tại sao được gọi là nương không thấy giải thích. Thậm chí có đền cho nhân vật thứ tư là Đế Bính, hậu duệ vua nhà Tống do Lục Tú Phu ôm cõng nhảy xuống biển chết… Toàn là chuyện nhảm).
          Phong cảnh cửa Hới rất đẹp, phù hợp với sở thích Bà Liễu ưa cảnh trí nước non kỳ thú nhưng đã có đền Tứ vị Triều Dương. Tứ phủ đành chọn núi Trường Lệ chạy dài từ đất liền ra mép biển, gặp Thánh Độc Cước Sơn Tiêu đón trước ở đầu ngọn Sầm Sơn, chặn sau ở đỉnh Đầu Voi, các bà đành bám một ghềnh đá cheo leo, trước đền Độc Cước đệ Nhị. Gặp cảnh chiến tranh, ngôi miếu nhỏ trúng đại bác, Tứ phủ phải xin “ở đỗ” nhà hàng xóm – đền Độc Cước đệ Nhị - gặp cơ hội mới “cất lấy nhà”, nay là đền Cô Tiên. Thế là “cùng tắc biến, biến tắc thông”!
          Trong khi đó, đạo Nội càng mâu thuẫn với Tứ phủ bao nhiêu, càng tỏ ra ôn hoà với Tứ vị bấy nhiêu. Huyện Quảng Xương, đất tổ của đạo Nội, Tứ phủ phải tránh xa, trừ ngôi miếu bé nhỏ ở ghềnh đá Đầu Voi, núp danh Cô Tiên, và một ngôi miếu khác bên sông Mã Bà sát địa giới huyện Đông Sơn vốn tứ phủ Thanh Lâm (thị xã Thanh Hoá) truyền xuống chưa lâu, ấy là chưa kể vùng đất Tây sông Lý Quảng Xương, bao la làng quê trù phú, trước 1945 có tới 57 xã, thôn, cũng vắng bóng Tứ phủ vì đã có đức thánh Chiêu Văn cũng là một đạo sĩ nổi tiếng đời Trần.

          Nói như thế để thấy Bà Cờn từ Quỳnh Lưu ra Thanh chẳng mấy bước chân, nhưng con đường khai thác vùng đất mới ở phía trước đâu phải không chút gập ghềnh trắc trở. Ví dụ, từ cửa Ghép, bà đã ngược dòng sông lên đến Lộc Trường (4km), rồi Bình Nậu (5km). Chẳng bao lâu, đền Bình Nậu bỗng dưng bị mất bát hương, dân cho là bà bỏ đi, thôi không thờ nữa. Đền Lộc Trường, không hiểu tại sao “hoá bồ hương” đến mấy lần. Từ đó bà mất thiêng. Hai nơi này đời Trần là đất điền trang của Chiêu Văn đại vương Trần Nhật Duật. Tuy nhiên theo con số thống kê của Chư thần lục đời Thành Thái (1889-1906), đền Tứ Vị Thánh Nương ở Thanh Hoá chiếm tới 81 nơi! Dẫu con số kỷ lục phải nhường Cao Sơn đại vương (411 nơi) nhưng Cao Sơn là danh hiệu chung của nhiều vị thần, nên có thể nói Tứ Vị Thánh Nương đã thành công lớn trên đất Thanh.

                                                                    (Hết phần II)

                                                                                                  HTP

 Chú thích:
(1) -Kinh bát nhà nghĩa rất sâu xa. Ở đây chỉ lấy ý ngoài của ngôn từ để “tán” về giáo lý nông cạn giải thích hành động của nhà sư.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét