Đền Cờn Ảnh: Du lịch Nghệ An |
HOÀNG TUẤN PHỔ
Bà Cờn đóng “đô phủ” ở Càn Hải xứ Nghệ,
quản lĩnh 12 cửa biển trong nước, theo sắc phong vua Trần. Các cửa biển quan
yếu của Thanh Hoá: Hiếu Hiền (Ghép), Hội Trào (Hới) Y Bích (Sung) đều thuộc
quyền Bà. Những nơi này đều xây dựng “hành cung” to lớn, hơn hẳn các đền miếu
chung quanh, để đáp lại công lao của Hoàng hậu nhà Tống, nhưng lại gửi số phận
vào nước Nam và hết lòng âm phù người Nam.
Đứng ở cửa biển, trông chừng phía Tây, Bà
Cờn không thể không bị hấp dẫn đến say mê những dòng sông nổi tiếng: sông Yên,
sông Mã, sông Lèn… dòng sông nào cũng mở ra mênh mông đôi bờ trù phú. Tuy
nhiên, thế giới bao la non xanh nước biếc ấy đã là xứ sở của bao vị thần thánh,
những tên tuổi lẫy lừng với đền đài, miếu mạo ngự chiếm khắp nơi: Tham Xung,
Đông Hải, Ông Băng, Cao Sơn, Quý Minh, vv…Dĩ nhiền bà Cờn không thể quên nữ
thần lừng danh đã từ trung du rừng núi Phố Cát- Thạch Thành xuống chiếm lĩnh
đồng bằng, không loại trừ miền biển. Đó là công chúa Liễu Hạnh, con Ngọc hoàng
Thượng đế giáng trần cứu nhân độ thế, được vua Lê sắc phong “Mẫu nghi thiên hạ”
là một trong “tứ bất tử” nước Nam. Bà Liễu liên kết với Thượng Ngàn công chúa
và Thuỷ Cung công chúa hợp thành bộ ba vùng vẫy núi sông, khuấy đảo cả đất
trời. Hẳn vì thế, Bà Cờn đành dừng chân ở các huyện miền biển xứ Thanh: Nga
Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hoá, Quảng Sơn, Tĩnh Gia. Hiếm hoi một huyện đồng bằng Đông
Sơn, Bà Cờn “lấn sân” được ba nơi, đã là cố gắng lắm! Tuy nhiên, tổng số đền
miếu của Bà Cờn ở Thanh Hoá cũng đã lên tới con số 81, con số tuyệt đẹp của hai
con số cực dương!
Danh sách hàng trăm nơi thờ Bà Cờn đều gọi
là đền Tứ Vị và thần hiệu Bà phổ biến là “Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ Vị Thánh
Nương thượng đẳng thần”. Thế là, cứ tưởng chỉ có một Bà Cờn hoàng hậu vua Tống,
hoá ra có những bốn Bà Cờn! Vậy bốn bà là những Bà nào? Hay vẫn chỉ có ba Bà?
Sách Địa
chí văn hoá huyện Hoằng Hoá, PGS Ninh Viết Giao căn cứ Ngọc phả Đền
Cờn, Quỳnh Lưu, Nghệ An, chép: “Hoàng hậu cùng hai
cô con gái may sao
bíu vào một mảnh ván. Sóng gió đã đưa ba mẹ con vào Cửa Cờn ở Quỳnh Lưu. Một nhà sư
trụ trì tại một ngôi chùa gần đó, buổi chiều đi dạo trên bãi cát ven biển thấy ba
người đã thập tử nhất
sinh, liều mình ra cứu. Sư đem ba mẹ con vào ở trong chùa và cho ăn tử tế. Được
một thời gian ngắn, ba mẹ con lại sức, trở lại béo tốt, nhất là vẻ
mặt của hoàng hậu, coi tuyệt đẹp. Sư động lòng trần tục, muốn tư thông. Bị
hoàng hậu cự tuyệt, sư xấu hổ quá, gieo mình xuống sông tự tử. Hay tin, hoàng
hậu than rằng: chúng ta nhờ sư mà được sống, nay sư vì chúng ta mà chết, sao nỡ
yên tâm! Nói xong, hoàng hậu cũng nhảy xuống biển chết. Mất mẹ, hai
cô con gái khóc thảm
thiết, nghĩ rằng sống bơ vơ ở nơi đất khách quê người, không cha, không mẹ,
không bà con, không nơi nương tựa, rồi buồn bã qúa, cũng nhảy xuống biển chết
theo. Bốn người chết, thi thể nổi lên, một mùi thơm
như lan quế toát ra, về sau rất linh thiêng, dân xã lập đền thờ làm thần, nên
bà con quanh vùng gọi là Tứ vị.
“Đã rõ sự tích,
Trần Anh Tông sai làm lễ kính tế. Ra đi mặt biển yên lặng, vua kéo thẳng quân
đến Chà Bàn, thắng trận lớn. Khi trở về, vua hạ lệnh gia phong là “Quốc gia Nam
hải Đại Càn Thánh Nương”, lại cho sửa
đền thờ thêm khang trang rộng rãi”. Kết thúc, soạn giả khẳng định đền Cờn Nghệ
An là đền thờ Tứ vị Thánh Nương (trang 755, 756, 757).
Theo nội dung
tình tiết trên, ba mẹ con Hoàng hậu, cộng với nhà sư là bốn. Bốn người đều nhảy
xuống biển chết, bốn thi thể trôi dạt vào bờ, dân thấy thiêng lập đền thờ cả
bốn người gọi là Tứ vị, sau nhiều nơi khác cũng thờ, gọi là Tứ vị Đại Vương.
Vua Trần sắc phong “Quốc gia
Nam Hải Đại Càn Thánh Nương”. Như vậy chỉ có hoàng hậu hoặc hoàng
hậu và hai cô gái được vua ban sắc phong, còn ông sư chắc là không, vì 1.
Chữ “nương” không thể là đàn ông; 2. Ngọc phả không nói
nhà sư có công tích gì. Như thế là tương đối hợp lý. Nói “tương đối” bởi đã
không có công tích gì sao cũng được tôn thờ làm Đại vương? (Tứ Vị Đại Vương).
Tuy nhiên, Tứ
Vị Thánh Nương mới là
thần hiệu phổ biến nhất, có thể nói ở hầu khắp các đền, miếu trên miền Bắc. Do
đó, vấn đề ba Bà hay bốn Bà vẫn chưa được giải đáp. đến Tứ Vị
Thánh Nương làng Triều Dương gần cửa Hới – sông Mã (Sầm Sơn, Thanh Hoá) lưu giữ
một bản Ngọc phả và một tờ sắc phong. Bản Ngọc phả là bản sao, truyền rằng đời
Tự Đức thứ 30, làng sao lại từ bản Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn đời
Hồng Đức thứ 15. Tờ sắc phong cũng là bản sao chép, ghi niên hiệu Cảnh Hưng
nguyên niên thất nguyệt nhị thập tứ nhật (Cảnh Hưng năm đầu, tháng 7 ngày 24
năm 1740). Hai tài liệu này chất lượng văn bản tuy không cao, nhưng dù sao cũng
cho chúng ta một số thông tin cần thiết. Ngọc phả và sắc phong đều viết thống
nhất Tứ Vị Thánh Nương. Riêng Ngọc phả ghi rõ tính
danh: Hoàng hậu là Đại Hồng nương, con quan Ngự sử Triệu Đàn và vợ là Trương
Thị Việt. Đại Hồng nương được thái tử Độ Tôn vời vào cung phong làm Đệ nhất phu
nhân. Ba năm sau, Đại Hồng nương đẻ sinh đôi hai gái, đặt tên chị là Hồng Mai
nương, em là Hồng Hạnh nương. Thái tử Độ Tôn được truyền ngôi vua, nhà Tống phong
Đại Hồng nương làm hoàng hậu. Đại Hồng nương tuyển một người con gái tên là
Tiểu Muội để vừa làm nữ tỳ hầu hạ hai công chúa, vừa làm thầy dạy hai công
chúa. Vua Tống Độ Tôn mất, truyền ngôi cho con thứ Trung Tôn, Trung Tôn mất
truyền ngôi cho anh cả Đoan Tôn.
Bấy giờ nhà
Nguyên xâm lấn, Đoan Tôn đánh thua, mất tại Cương Châu, quyền ngôi vua trao cho
Đại Hồng nương làm Dương Thái hậu. Được một năm, tức năm Kỷ Mão (?), quân Tống
bị đại bại ở Lộc Tụ, Dương Thái hậu cùng hai công chúa và người hầu gieo mình xuống
biển chết, xác trôi dạt sang nước Nam, sóng đưa vào Thanh Châu (Thanh Hoá) được
vị thiền sư chùa Long Khánh đưa về chùa cứu chữa. Thiền sư cho bốn người ra ở
ngoài cửa chùa tại một nơi xa, sai lo việc cơm cháo, phục vụ các nhà sư. Một
đêm, bốn người ngủ quên không mang cháo vào cho các sư ăn sau buổi tụng kinh
khuya, thiền sư ra xem thấy cả bốn người đang nằm ngổn ngang, bèn bước qua
Dương Thái hậu. Không ngờ thái hậu từ đó mang thai. Thiền sư biết chuyện, rất
lấy làm giận mình bỗng dưng mua tiếng xấu với đời, không có cách nào thanh
minh, đành viết di chúc gửi lại, rồi nhảy xuống biển. Trong khi đó bốn người
phụ nữ khó giải nỗi oan tình cũng nhảy xuống biển chết, xác trôi vào cửa Cần
Hải. Hôm ấy là ngày 13 tháng 3, trời đất tự nhiên tối tăm mù mịt, mọi người đều
kinh hãi. Thi thể ba mẹ con và cô hầu được các loài vật đêm đất cát đắp thành
ngôi mộ lớn ở giữa sông. Quan địa phương thấy chuyện lạ, làm tờ trình tấu lên
vua Trần Nhân Tông. Nhà vua thấy có sự linh ứng bèn gia phong Thượng đẳng phúc
thần, sau thêm thần hiệu Đại Càn quốc gia Nam Hải trấn ngự 12 cửa biển. Bốn vị
Hồng thánh nương: Đại Hồng nương (hoặc Hồng Đại nương), Hồng
Mai nương (công chúa
chị), Hồng Hạnh nương (công chúa em) và Hồng
Muội (hoặc Tỷ nương) – người hầu gái được sắc lệnh cho dân
địa phương các cửa biển lập đền thờ phụng sự.
Thế là vấn đề
xem như đã rõ. Nhưng không! Tài liệu các đền Tứ Vị Thánh Nương ở làng Thiên Hậu
(Yên Mô, Ninh Bình), làng Thiện Đăng (Vụ Bản, Nam Định), làng Hương Nại (Yên Mô,
Ninh Bình), làng Thụ Ích (Nghĩa Hưng, Nam Định), làng Lạc Chính (Trực Ninh, Nam
Định), làng Phúc Lai (Yên Mô, Ninh Bình), làng Vân Châu (Kim Bảng, Hà Nam),
làng Đông Lạc (Nam Trực, Nam Định) được soạn giả Lê Xuân Quang trong sách Thần
tích Việt Nam tập II (Nxb
Thanh Niên) lại cho biết: Tứ Vị Thánh Nương là hoàng hậu họ Dương và ba
cung phi xác trôi vào
cửa Càn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, nhan sắc vẫn xinh tươi như người
còn sống. Dân xã Hương Cần chôn cất và lập đền thờ (tr.180-186). Ba
cung phi ấy tên là
gì? Lê Xuân Quang không nói rõ. Chắn hẳn ông không còn cứ liệu nào khác.
Thực ra, các
tài liệu trên chỉ là tài liệu ngọn. Vậy tài liệu gốc ở đâu? Đó là sách Việt
điện u linh, Lý Tế Xuyên khởi soạn. Nguyễn Văn Chất tục biên. Theo
khảo cứu của Giáo sư Đinh Gia Khánh: Lý Tế Xuyên viết Việt
điện u linh hồi đầu
thế kỷ thứ XIV, sang thế kỷ thứ XV, Nguyễn Văn Chất làm việc tục biên. Phần tục
biên của Nguyễn Văn Chất có các truyện Sóc Thiên vương, Thanh Sơn đại vương, Càn
Hải môn từ (Riêng
Quản Gia Đô Bác đại vương chỉ thấy ở dị bản A. 47 và A. 1919). Sự tích Càn
hải môn từ tức đền
cửa Càn Hải, được dịch như sau:
Phu nhân họ
Triệu là công chúa nước Nam Tống, tất cả có ba mẹ con, phu nhân là con gái út.
Trong năm
Thiệu Bảo thứ nhất (1279) đời Trần Nhân Tông, bên Trung Quốc, Trương Hoằng Phạm
đem binh đánh úp quân Tống ở Nhai Sơn. Quân Tống bị tan vỡ, quan Tả thừa tướng
là Lục Tú Phu ôm vua Đế Bính cùng nhảy xuống bể, tướng sĩ nhà Tống chết xuống
bể có tới hơn 10 vạn người. Ba mẹ con phu nhân ôm lấy cột buồm một chiếc
thuyền, trôi dạt đến một cái chùa bên bờ bể. Sư chùa thương bèn cho mẹ con vào
ở chùa và nuôi cho ăn. Được mấy tháng, mẹ con khi đã lại sức, trở nên béo tốt,
vẻ mặt phu nhân coi tuyệt đẹp. Sư động lòng muốn tư
thông, bị phu nhân cự tuyệt. Sư xấu hổ quá, gieo mình xuống bể chết. Mẹ con phu
nhân cùng khóc rằng: “Chúng ta vì sư mà được sống, nay sư vì chúng
ta mà chết, sao nỡ yên tâm”. Rồi ba mẹ con cùng đâm đầu xuống bể chết cả, xác
trôi đến cửa Càn Hải thuộc huyện Quỳnh Lưu, phũ Diễn Châu nước ta, vẻ mặt vẫn
tươi tỉnh như lúc còn sống. Thổ dân lấy làm lạ, vớt lên táng, thấy rất hiển
linh mới lập đền thờ. Phàm những thuyền đi bể, gặp khi sóng to nguy hiểm, kêu
cầu đều được thoát nạn. Sau các cửa biển đều lập đền thờ, đền nào cũng có tiếng
linh thiêng” (Trịnh Đình Rư dịch).
Căn cứ tư liệu
xưa để lại do Nguyễn Văn Chất viết nối vào Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên khởi thảo, chúng ta
thấy bản thần tích đền Cờn, Quỳnh Lưu cổ nhất. Nguyễn Văn Chất từng giữ chức
Quốc Tử Giám đồng tu sử, sau thăng Hộ Bộ Thượng thư (giữa thế kỷ XV) có thời
gian làm Tham chính Nghệ An hẳn biết rõ đền Cờn lai lịch, nguồn gốc thế nào.
Sau Nguyễn Văn Chất, một số soạn giả khác tiếp tục “tục bổ”, “tăng bổ”… những
văn bản đáng tin cậy nhất đều chỉ là chép lại bản Nguyễn Văn Chất.
Sách Lĩnh
Nam chích quái, theo GS Đinh Gia Khánh, bản còn truyền đến ngày nay
do Vũ Quỳnh, Kiều Phú (thế kỷ XV) cùng thời với Nguyễn Văn Chất, sưu tập. Cũng
theo GS Đinh Gia Khánh, truyện Càn Hải tam vị phu nhân (tức Càn Hải môn từ) là một trong trên
dưới hai chục truyện của Việt Điện u linh được người sưu tầm chép sang các bản Lĩnh
Nam chích quái khác
nhau. GS Đinh Gia Khánh dẫn ra 9 bản Lĩnh Nam chích quái, và
chúng ta nhận thấy một điểm chung là tên Càn Hải môn từ được sửa đổi chỉ định cụ thể đây là
truyện về Ba vị phu nhân được thờ ở dền Càn Hải: Càn
Hải tam vị phu nhân truyện (A.2914)
(A.1752) (A.1300), (A.1200) (VHv1473), (VHv1266). Chỉ có hai bản chép là Càn
Hải thần truyện (A.2107),
(A.750), nhưng nội dung vẫn nói về ba vị thần, ba mẹ con vợ vua Tống.
Vậy thần hiệu “Tứ Vị Thánh Nương” xuất hiện
từ bao giờ?
(Hết phần I)
HTP/12/5/2009
Chú thích:
(1) -Kinh bát nhà nghĩa rất sâu xa. Ở đây chỉ lấy ý ngoài của ngôn từ để “tán” về trình độ giáo lý nông cạn của nhà sư
Bài viết vốn là Tham luận Hội thảo về Bà Cờn do tỉnh Nghệ An tổ chức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét