31 thg 10, 2015

Chân dung "tham quan, ô lại" trong "Tình cát"

            
 HOÀNG TUẤN CÔNG


Nguyễn Quang Lập có biệt tài "ký họa" tính cách nhân vật. Điều đó đã được khẳng định qua các thể loại tạp văn, kịch bản phim, truyện ngắn... đặc sắc.  Với "Tình cát", ông vẫn còn nguyên trong tay cây cọ vẽ chân dung bằng ngôn ngữ tài tình. Đáng chú ý là gương mặt của các "tham quan, ô lại" đương thời.


            Có thể nói, Nguyễn Quang Lập đã "bắt" được những chi tiết điển hình, góc cạnh nhất trên khuôn mặt muôn vàn chi tiết của đời thực, để sai khiến ngòi bút "gẩy" nên "thần thái" các vị "quan cách mạng": thiếu tài đức, nhưng thừa mánh lới.

            Đó là tay Phó Tổng Biên Tập biết "nép mình trong danh phận trời thí cho, thủ phận cung cúc tận tụy với mọi người". Tuy nhiên, "lão là tay quyền biến, vừa giúp, vừa phá người, thổi phồng người ta lên rồi lẳng lặng đâm thủng cho xẹp lép khi cần."; "ngay cả Tổng Biên Tập cũng kiềng lão, tự biết mình chẳng qua cũng do một tay Phó Tổng sắp đặt cả. Là Phó, nhưng "thu nhập" lại "bằng năm bằng mười Tổng Biên Tập". Loại tham quan này được "Tình cát" liệt vào những "tay cao thủ, chỉ cần cái lợi thiết thực, không bao giờ màng tới hư danh"; "biết vô danh hóa bản thân" "nhường hết hư danh cho kẻ khác", để "thủ lợi." Nguy hiểm hơn, các vị còn biết đắp cho mình cái mặt nạ "tự giác và thật lòng đến nỗi có thể nhầm đó là một thái độ sống", tưởng như "Phó Tổng đang cố ý tránh xa mọi canh bạc được thua to nhỏ ở đời".

            Trong "Tình cát" còn có một loại quan "đầu lĩnh", không giống Phó Tổng, cũng chẳng như "Tổng": tự nguyện rút lui vào "hậu trường", nhàn nhã hưởng lộc trời, sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi. Đó là Chủ Tịch Huyện, luôn "chỉ đạo" trong tư thế sẵn sàng phủi tay, trắng án, coi chuyện làm bậy của cấp dưới không thuộc trách nhiệm của mình: "Xưa nay các công trình lớn bé tui không dây. Mình biết múi mớ chi mà làm, lỡ nghe tụi nó rủ rê, nhúng vô cái chết liền." Triết lý "ăn ít no lâu", của ông được không ít các tham quan ưa thích: "Thà để đứa khác ôm cả chùm khế ngọt, chúng nó vặt vài quả cho mình cũng đủ no, dại gì ôm lấy cả chùm đã mang tiếng lại dễ toi"

            Tuy nhiên, khi "thượng quan" biết khôn, thì "hạ quan" cũng đâu có chịu ngu mà sẵn sàng giơ đầu chịu báng? Phó Chủ Tịch Văn Xã, khi phát hiện ra bọn tay chân lấy xương trâu bò, quật mồ mả dân thường về làm giả mấy trăm (sau lên mấy ngàn) hài cốt liệt sĩ thì "chết điếng", vì "việc này nếu bị lộ ra thì ăn cứt cả lũ." Tuy nhiên, khi "cầm trăm triệu Trưởng Phòng Thương Binh Xã Hội đưa thêm", (chỉ là đưa thêm đấy nhé) Phó Chủ Tịch Văn Xã  "nghiêm giọng đe nẹt": "Tụi bay làm gì tao không biết đâu nghe. Nếu việc này mà bung ra tụi bay chịu lấy nhé, đừng có kêu tao đó".

            Tác giả "Tình cát" gọi "lối đe nẹt nửa nạc nửa mỡ" này là "tín hiệu đèn xanh" cực kỳ nguy hiểm của bọn quan tham ngậm miệng ăn tiền, "gà khôn giấu mỏ"; không chỉ thả cho đám "đàn em" làm bậy, tiếp tục làm bậy, mà còn khiến không ít cấp dưới lơ ngơ, thật thà bị tội oan, dân gian gọi là "Chó đen ăn vụng, chó trắng phải đòn".

            Kiểu "chấm mút" của Chủ Tịch Huyện quen thuộc, phổ biến đến nỗi chẳng ai việc gì phải giấu. Mà có giấu cũng chẳng ai tin: "Nói tui có chấm mút vụ xây nghĩa trang thì tui nói có, không nhiều nhưng có. Thời buổi này ai bày ra cái chi mà nói không chấm mút được chút đỉnh là nói phét", "Ăn tham thì có, ăn bẩn thì không mô."

            Thế là, đối với các tham quan đương thời, điều bất thường đã trở thành bình thường; từ nạn nhân thành kẻ thủ phạm; vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm. Chủ Tịch Huyện "chẳng nói giấu gì": "Tui cũng rứa thôi, cũng là người đầu đen máu đỏ cả, dù không muốn cũng phải làm. Ngồi đó mà cần kiệm liêm chính, khóa sau chó nó bầu cho mình..."

            Không tin ư? Thì đây, Chủ Tịch Huyện đưa ta bài học nhãn tiền về cái giá của kẻ không biết "đồng chí, đồng lòng" là gì: "Như ba anh Hoàng ngày xưa đó, cần kiệm liêm chính cho lắm vào, không cho ai chấm mút chút chi cả, được vài năm người ta tống cổ về nhà ngồi, đổ bệnh tâm thần, một mình lảm nhảm cho đến chết."

            Cao thủ nhất, có lẽ phải kể đến Phó Chủ Tịch Văn Xã. Tay này được Nguyễn Quang Lập phác họa với cặp mắt rắn ẩn sau gọng kính 4 đi ốp-một loại lưu manh trí thức, có thừa khôn ngoan so với Chủ Tịch Huyện.

            Bí Thư Huyện Đoàn-Phó Chủ Tịch Văn Xã-Bí  Thư Huyện Ủy khoác bộ mặt đạo đức giả luôn có mưu sâu, kế hiểm, cực kỳ tàn nhẫn, "đã giở trò với hai thì người đó chỉ có cách hộc màu mà chết chứ không làm được gì", sẵn sàng vùi dập người khác xuống bùn đen đất đỏ để thoát tội và ngoi lên địa vị cao hơn.

             Thời làm Bí Thư Huyện Đoàn, lão đã biết chọn "kịch bản hiếp dâm" rất hoàn hảo, đó là hiếp con gái nuôi vị thành niên của ông Cu Le thịt chó. Thế nhưng, chính ông Cu Le lại phải cay đắng chịu điều tiếng oan ức, vì "Xưa nay đàn ông chết vợ sống với gái chưa chồng trong ngôi nhà vắng người có ai tránh được chuyện đó đâu!". Sau này, một lần nữa chính hắn lại phủi tay trong vụ làm giả hài cốt liệt sĩ, đổ hết tội lên đầu Chủ Tịch Huyện, buộc Xê Trưởng-kẻ làm chức quèn bảo vệ nghĩa trang, cũng là cựu quân nhân phải lĩnh án tử hình, rồi đàng hoàng leo lên ghế Bí Thư Huyện Ủy.

            Cái tài của Phó Chủ Tịch Văn Xã (vốn là Bí Thư Huyện Đoàn) khiến Chủ Tịch Huyện "ăn tham thì có, ăn bẩn thì không mô" cũng phải ngã ngửa, vì: "Nhờ Ban tổ chức Tỉnh ủy rỉ tai, chân Bí Thư Huyện Ủy huyện Tuy khóa tới Tỉnh ủy đã chấm Phó Chủ Tịch Văn Xã, chỉ trong ba tháng hắn đã lôi kéo cả thường vụ hùa theo hắn. Công nhận thằng này quá tài, thế mà ông không biết, chó thế!"

            Nhiều ông quan nhỏ nhỏ, giống như nhân vật quần chúng chạy qua sân khấu, cũng được Nguyễn Quang Lập phác họa rất sinh động, mang "hơi thở thời đại". Đó là "thằng đệ tử ruột" của Chủ Tịch Huyện, "nguyên là lái xe riêng mười tám năm trời được ông cất nhắc lên thường vụ huyện ủy, Chánh văn phòng Ủy ban huyện cũng đập ông tơi tả về căn bệnh chủ quan duy ý chí, căn bệnh mà ông tưởng cả nước đều mắc phải, chỉ có ông là không."

            Hay thằng Phó Phòng TBXH gửi thư nặc danh về tọa soạn "cũng chẳng đau khổ bức xúc gì mấy vụ mộ liệt sĩ chứa xương súc vật, chẳng qua nó muốn hất cẳng thằng Trưởng Phòng Thương Binh Xã Hội. Xưa nay vẫn vậy, hất cẳng nhau, báo hại nhau là chủ yếu chứ chống tiêu cực cái gì"!

            Rồi chân dung quan chức "tửu sắc song toàn" trong đám tiệc: "Những cái mặt say tranh nhau trổ tài với người đẹp, cố rặn ra những lời ca du dương và đua nhau kể những chuyện tục tĩu lẫn lộn với sâu sắc."

            "Tình cát" hấp dẫn người đọc ở chỗ, tác giả không chỉ phơi bày những trò tham nhũng trắng trợn, mà còn dùng ngòi bút "nội soi" lách vào tận những ung nhọt vô hình của đám người giả nhân giả nghĩa, những căn bệnh trầm kha của tham quan đời mới.

            Thấy khoái, thấy đã, vì Nguyễn Quang Lập bắt bệnh trúng phắp, phác họa đúng chân dung những kẻ "ăn không trừ thứ gì", kể cả hài cốt liệt sĩ, nhưng lại biết trang điểm cho mình bộ mặt uống  nước nhớ nguồn: "trầm ngâm bên nghĩa trang, tặng quà các bà mẹ, xoa đầu các em thơ...".

            Kiểu mỵ dân này đã trở thành cái mốt rất thịnh hành, vì "quay mãi cảnh họp hành, bắt tay bắt chân, chạm ly chạm chén, cao đàm khoát luận...dân người ta ngứa mắt lắm". Thế nên: "Cấp trên đã bơn bớt mấy cái vụ đó rồi. Bây giờ là vùng sâu vùng xa, bão lụt, mất mùa đói kém, xuất hiện mấy chỗ đó mới ăn..."

            "Tình cát" được Nguyễn Quang Lập phôi thai và hoàn thành trong khoảng thời gian 10 năm (2005-2015). Nếu không có vụ "Cậu Thủy", có thể người ta sẽ cho rằng "Tình cát" đã hư cấu quá đáng trong vụ làm giả hài cốt liệt sĩ. Nếu không có thực tế Bí thư đoàn xã cưỡng hiếp nữ sinh có con, rồi leo lên chức Chủ tịch MTTQ xã Trường Minh-Nông Cống-Thanh Hóa, người ta sẽ bảo "Tình cát" bịa đặt, nói xấu những người đại diện cho "cánh tay phải của Đảng"...Và câu "dù không muốn cũng phải làm. Ngồi đó mà cần kiệm liêm chính, khóa sau chó nó bầu cho mình..." có thể sẽ bị xem là thổi phồng, nếu mới đây không được đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) diễn đạt bằng cách khác tại phiên thảo luận của Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015: "Người không tham nhũng có khi bị người tham nhũng cô lập!" 

            Có thể nói, khả năng nắm bắt thực tế, "đọc" bản chất vấn đề nhanh, dự báo sớm đã giúp Nguyễn Quang Lập "sinh hạ" một "Tình cát", tuy chìm đắm trong quá khứ mộng mị, nhưng vẫn nóng hổi các vấn đề thời sự nhức nhối của xã hội đương thời.

                                                                                              HTC/1/10/2015
             



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét