Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ |
HOÀNG TUẤN PHỔ
Bởi nạn "cháy
thành vạ lây" tôi mới có vinh dự được làm quen với anh Lê Hữu Khải, một
trong những nhà chính trị có tên tuổi và uy tín ở Thanh Hóa. Năm ấy (1964) tôi
đang sống ở quê nhà trong cảnh "lao tù", mặc dù bản thân chưa hề bị kết
án. Nhưng tôi vẫn quyết tâm phấn đấu trở thành một "học giả", điều mà
tôi mong muốn từ thời nhỏ và nung nấu suốt thời gian dạy học ở Hưng Yên(1).
Rất
tiếc, do nhận thức hạn chế, địa phương tôi quan niệm người viết sách, viết báo
phải thuộc thành phần tốt, còn tôi chẳng những lý lịch xấu, lại đang bị xử lý
như một kẻ tội phạm chính trị phải quản chế và cải tạo lao động bắt buộc. Đầu
tiên, họ đòi kiểm duyệt những gì tôi viết ra. Nhưng thấy biện pháp này không có
hiệu quả, họ tuyên bố đề nghị lên cấp trên cấm không cho tôi được viết. Không
còn cách nào khác, tôi đành phải gửi thư khiếu nại lên Ban tuyên huấn Tỉnh ủy
Thanh Hóa. Anh Lê Hữu Khải, Trưởng ban cử anh Trần Minh Cống ban viên về nhà
tôi hỏi mượn những cuốn sách tôi viết (đã in) và những bài nghiên cứu lý luận
phê bình của tôi đã đăng trên các tạp chí.
Đầu năm 1965, theo yêu cầu của Ban
tuyên huấn Tỉnh ủy, vấn đề lý lịch của tôi đã được ông Nguyễn Văn Kính, Trưởng
ty Công an báo cáo xác nhận không sai phạm chính trị. Do đó anh Lê Hữu Khải bàn
với ông Ngô Thuyền, Bí thư tỉnh ủy, xét tài năng và thái đội chính trị, quyết định
đưa Hoàng Tuấn Phổ lên tỉnh để tạo điều kiện học tập và công tác. Anh Lê Tân,
Phó chủ nhiệm báo Thanh Hóa đề nghị cho tôi về báo Đảng. Nhưng có lẽ "vận
hạn" của tôi chưa hết nên việc "tháo cũi sổ lồng" tưởng dễ mà
khó. Địa phương không nhất trí! Anh Lê Hữu Khải bàn với ông Lê Hữu Hinh, Bí thư
huyện ủy Quảng Xương hãy tìm cách điều tôi lên huyện công tác một thời gian. Và
do sức ép trực tiếp của Huyện ủy, năm 1967 tôi mới được giải thoát lên huyện
làm công tác phụ động và đầu năm 1968, tôi được biên chế chính thức vào Phòng
văn hóa UBND huyện Quảng Xương (Quyết định do ông Tôn Viết Nghiệm, Phó chủ tịch
UBND tỉnh ký).
Ngay từ đầu,
tôi đã tỏ ra rất được việc, nếu không nói là khá đắc lực. Nhưng xã tôi lại muốn
đòi tôi về. Tất nhiên là huyện không bao giờ giải quyết, vì tôi đã thuộc biên
chế Nhà nước rồi.
Anh Lê Hữu
Khải, người thầy, bậc anh cả của tôi trên tỉnh vẫn quan tâm, theo dõi mỗi bước
tiến của tôi. Anh thấy tôi ôm đồm nhiều thứ quá, luôn nhắn bảo, nhắc nhủ:
"Hãy chuyên đi! Chuyên đi!" Vâng, lời dạy của anh tôi vẫn ghi lòng.
Anh muốn tôi trở thành một cái gì đó thật hữu ích, xứng đáng với công tái tạo của
Đảng. Nhưng tôi lại là cán bộ xây dựng phong trào. Tôi phải đi cơ sở xây dựng
phong trào văn hóa nơi thôn xã. Đọc, tôi phải đọc giấu, viết, tôi phải viết trộm!
Tính tôi ít nói, kém giao thiệp, lúc nào cũng bận, không có thì giờ la cà,
thành ra tôi hay bị phê bình là "thiếu quan điểm quần chúng!". Người
ta báo cáo với anh Lê Hữu Khải rằng: Hoàng Tuấn Phổ tự phụ, coi khinh quần
chúng! Anh mỉm cười: "Tự phụ à? Thế
nó làm việc có tốt không? Chỉ thằng có tài mới dám tự phụ!"
Năm 1966 xây
cầu Chào, tôi làm bò kéo đá, anh Đỗ làm thợ xây móng. Sau đó cùng về huyện, anh
Đỗ làm cấp dưỡng, tôi làm cán bộ văn hóa. Thế mà khi anh Đỗ đã 60 đồng lương,
tôi vẫn chỉ 45 đồng (10 năm không được tăng) Tôi hỏi ban tổ chức lý do, các ông
ấy trả lời: Vì tôi không có bằng cấp (ở huyện bấy giờ đa số không có bằng cấp)
Người ta lại phê phán "Hoàng Tuấn Phổ
thắc mắc tiền lương. Nó không tin vào sự công bằng, sáng suốt của lãnh đạo!"
Lần này thì anh Lê Hữu Khải bật cười: "Hoàng
Tuấn Phổ nó cũng chỉ là một con người thôi."
Tôi cũng
thích công tác ở huyện, vì gần nhà (cách sáu, bảy cây số) và làm phong trào rất
vui. Tuy nhiên, sở trường của tôi là nghiên cứu. Tôi không muốn chuyên sâu mà
thích sự uyên bác hơn. Tôi ngầm đắp cho mình bốn con đường ra Hà Nội để đến với
các Viện: Viện văn học, Sử học, Triết học, Dân tộc học. Nhưng đối với tôi, đường
nào rồi cũng dẫn đến tắc tị, mặc dù anh Lê Hữu Khải hết lòng ủng hộ tôi. Ví dụ
năm 1971, anh Lê Sĩ Thắng, Trưởng ban lịch sử tư tưởng, Viện triết học đặt vấn
đề với Ty văn hóa Thanh Hóa đề nghị giúp đỡ để tôi được về công tác ở Viện Triết
cùng với anh, nhưng không được vì Huyện giữ!
Năm 1977, đào sông Lý, huyện cử
tôi đi phục vụ công trường núi Chẹt, sáng tác thơ ca, hò vè để phục vụ dân
công. Tại cơ quan chỉ huy công trường có hai cái giếng vốn đào từ thời đánh Mỹ: Một cái giếng
hình vuông dùng làm nước ăn, nước uống cho Ban chỉ huy, một cái giếng hình tròn
dành riêng để tắm rửa, giặt giũ sau một ngày làm việc. Tôi nhân đó làm mấy câu:
"Giếng vuông là giếng chỉ huy,
Giếng tròn là giếng người đi công trường,
Giếng nào cũng thấy yêu thương,
Những khuôn mặt những tấm gương sáng
ngời!"
Người ta tách riêng hai câu đầu ra để
kiểm điểm tôi từ chập tối đến 1 giờ sáng, vì cho rằng, tôi ám chỉ lãnh đạo
"có góc cạnh" còn quần chúng thì "tròn như hòn bi", bắt lăn
đi đâu thì lăn. Ban chỉ huy công trường huyện Quảng Xương do ông Chủ tịch huyện
làm Trưởng ban khép tôi vào tội chống phá việc đào sông Lý! Nhưng án không làm
được vì tỉnh can thiệp!
Anh Lê Hữu Khải bàn với anh Võ Quyết, Trưởng ty Văn hóa
kiêm Chủ tịch Hội văn nghệ nên rút Hoàng Tuấn Phổ lên tỉnh, vì để mãi ở dưới
huyện không có lợi. Tuy nhiên, anh sợ phong trào văn hóa Quảng Xương bị ảnh hưởng.
Mãi đến năm 1979, trước khi mất, anh Võ Quyết mới quyết định điều tôi về Hội
Văn nghệ Thanh Hóa, phụ trách công tác lý luận phê bình.
Năm 1980,
tôi đưa biếu anh Lê Hữu Khải cuốn truyện lịch sử "Ngàn Nưa". Nếu
cuốn "Sóng
nước Cổ Khê" (1979) thấm đẫm chất văn học, thì với "Ngàn
Nưa" lại đầy tính uyên bác, sách vở. Đó là hai cách thể nghiệm của
tôi cho một loại truyện viết về đề tài lịch sử. Hôm tôi tặng sách anh Lê Hữu Khải,
có anh Lê Tân từ Đồng Nai mới ra Thanh Hóa, đến thăm anh Khải, vị thủ trưởng
cũ. Hai tay nâng ngang mặt cuốn sách "Ngàn Nưa", tôi kính cẩn
nói: "Thưa anh, anh thấy em đi vào nhiều
lĩnh vực nên không yên tâm. Vâng, bây giờ em mới dám thưa anh: Em đi vào nhiều
lĩnh vực để đi vào một lĩnh vực." Một câu nói như để thanh minh, lại
chứa đầy sự "tự phụ". Thế mà anh cầm ngay lấy sách, cười rất vui và gật
đầu khen ngợi (cả anh Lê Tân, người đã xin tôi về báo Thanh Hóa năm 1965, nhưng
không được, cũng cười vui, rất mừng cho tôi).
Công tác ở Hội
văn nghệ tỉnh, tôi như một tay kiếm thuật tìm được đất dụng võ. Nhưng vận hạn
đâu đã hết! Tôi say sưa "múa may" thế nào, mắc ngay vào vạ "Năm
Tý nói chuyện chuột". Lần này, anh Lê Hữu Khải không cứu được tôi nữa, vì
anh đã về hưu". Nhưng anh vẫn khẳng định với mọi người rằng "Xử lý
Hoàng Tuấn Phổ như vậy là không đúng!" Cuối năm 1989, do chính sách đổi mới, tôi đươc trở lại công tác cũ, trong điều kiện Hội văn nghệ thoải mái
hơn trước.
Thật bất ngờ,
trong bài thơ "Tập Kiều" tặng báo Văn hóa thông tin đầu xuân 1995,
anh Lê Hữu Khải "tập" cả Hoàng Tuấn Phổ:
"Hỏi rằng: Phổ ấy tay nào?
Xưa sao buồn tẻ, nay sao vui vầy?
Cho hay muôn sự tại người
Cái tâm là mẹ, cái tài là
cha..."
Vâng, thưa
anh. Cái "tay Phổ" ấy cho đến những năm đầu "80" còn
"buồn tẻ" lắm, nhà còn đói lắm, mỗi bữa ăn chỉ có một bát mạch và
lưng bát cơm để viết sách! [Vua Lê Đại Hành (1981) Miếng
võ gia truyền (1982), Thắng cảnh Sầm Sơn (1982)...] Nhưng
buồn tẻ và vui vầy là hai mặt tuy đối lập mà không đối kháng. Nghĩa là không có
cái này sẽ không có cái kia, nếu xét về mặt triết học. Người ta thường đề cao
hoặc nhấn mạnh một chiều chữ Tâm. Với anh, anh coi Tâm và Tài quan trọng ngang
nhau. Đó là cái nhìn biện chứng của tư duy khoa học.
Đầu năm
1995, anh Lê Hữu Khải còn có bài thơ tự mừng thọ "Tuổi bảy mươi" mà
báo Văn
hóa thông tin cũng đã giới thiệu:
"Phú quý đã đành cam kém bạn,
Hiếu trung há dám để thua người,
Thôi thì cứ thế dăm xuân nữa,
Hết thế kỷ này chắc thảnh thơi"
Hôm tôi đem
bài thơ đến để chúc thọ anh, anh tiếp tôi (và Tuấn Kiên) quanh chiếc bàn gỗ thấp,
nhỏ, cũ kỹ. Người anh gầy, hơi yếu, tính nghiêm nghị ở anh càng tăng thêm.
Ngoài hiên chị Khải đang ngồi loay hoay in những lá bài để bán cho hàng xén như
là một minh họa sống động cho cảnh nhà thanh bạch! "Thôi thì cứ thế dăm xuân nữa". Anh lấy năm 2000 làm mốc.
Anh không dám tham cả tuổi trời cho! Nhưng tiếc thay! Anh chỉ đạt tới 73 xuân!
Thôi thế coi như anh sớm được "thảnh thơi" rồi. Để làm nén hương thắp
lên bàn thờ anh, anh tôi xin nhắc lại hai câu kết trong bài họa của tôi:
"Nhạt chiều còn thắm niềm trung
hiếu
Trong trẻo hồn thơ nước giếng thơi"
Anh Lê Hữu
Khải đã trọn đời trung với nước, hiếu với dân, với cha mẹ. Anh là một trong những
người cộng sản chân chính ở Thanh Hóa nêu cao tấm gương sáng cho tôi soi mình.
H.T.P
(Bài đã đăng báo Văn hóa thông tin Thanh Hóa 8/4/1999. Bấy giờ An ninh văn hóa đã gây khó dễ cho ông Trần Triều Nguyệt-Phó Tổng BT-người đã duyệt đăng bài viết-Chú thích của HTC)
(1) Xin đọc
thêm bài viết "Tôi dạy học" in trên tạp chí Xứ Thanh số 11/1998.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét