29 thg 8, 2015

MAY ÁO HAY THAY ÁO?

Giặt áo bên sông.
                                Tranh: ST trên Internet
HOÀNG TUẤN CÔNG

Sách "Tục ngữ Việt Nam" (Chu Xuân Diên-Lương Văn Đang-Phương Tri-NXB Khoa học xã hội-1975) có ghi nhận câu tục ngữ: "Áo năng may năng mới, người năng tới năng thân".

Liệu vế đầu "Áo năng may năng mới,..." của câu tục ngữ có vấn đề gì về văn bản không?


Tham khảo một số sách sưu tầm, biên soạn như:

“Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam” (Vũ Ngọc Phan, 1977), “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân, 1989), “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung, in lần thứ tư, 2000), “Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương, 2010), “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” (chọn lọc dùng cho học sinh, Nguyễn Bích Hằng, 2014), “Bách khoa tri thức” (bachkhoatrithuc.vn) và nhiều tài liệu khác đều thấy chép: “Áo năng may năng mới...”. Trong số 6 tài liệu chúng tôi liệt kê, có 5 nguồn không giảng nghĩa đen của vế đầu “Áo năng may năng mới” mà chỉ giải thích vế hai: “Người năng tới năng thương” (dị bản “năng thân”, “năng thường”), đại ý: Thường xuyên đi lại, tiếp xúc thì sẽ trở nên thân thiết. Riêng “Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương), cả hai vế được giải thích rõ ràng hơn cả: “Áo càng chăm may thêm thì lúc nào cũng có áo mới (để mặc); người chăm lui tới ắt sẽ được chủ càng quý mến thêm”.

Như vậy, ít nhất có 6 nguồn tài liệu chép vế đầu câu tục ngữ là: “Áo năng may năng mới...”. Tuy nhiên, theo chúng tôi, các nhà nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn đã nhầm (hay sửa?) chữ “năng THAY” của dân gian thành “năng MAY”.

Nếu “áo năng may” được hiểu như nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương: “Áo càng chăm may thêm thì lúc nào cũng có áo mới (để mặc)” thì điều đó hiển nhiên, đơn giản, rõ ràng quá, cần gì tục ngữ phải tổng kết thành tri thức, kinh nghiệm để lưu truyền?

Ngày xưa, cái ăn, cái mặc rất khó khăn. Bởi vậy, dân gian luôn đề cao quan điểm, kinh nghiệm: “Ăn lấy chắc, mặc lấy bền”; “Áo rách khéo vá hơn lành vụng may”; “Của bền tại người”; “Làm người phải biết tiện tằn, đồ ăn thức mặc có ngần mà thôi”; “Trẻ may ra, già may vào”; “Áo rách thay vai, quần rách đổi ống”; “Khéo vá vai, tài vá nách”... Tóm lại, người ta tìm đủ cách để giữ gìn, tận dụng, kéo dài thời gian sử dụng của quần áo, trang phục nói riêng và vật dụng hằng ngày nói chung.

Thực tế cho thấy cũng một chiếc áo, với người không giữ gìn, ở bẩn, có khi mặc liều cả tuần không thay, không giặt. Nhiều lần như vậy, các vết ố trên áo “sên” vào, dù có giặt mấy cũng không ra, áo vừa nhanh cũ vừa nhanh rách. Ngược lại, với người cẩn thận, biết chăm sóc, giữ gìn, chiếc áo thường xuyên được thay ra giặt giũ, thay đổi, lúc nào trông cũng sạch đẹp, tinh tươm. Từ “mới” trong “năng mới” hàm ý dân gian muốn đề cao hiệu quả của việc chăm sóc, giữ gìn chiếc áo bền đẹp (như mới).

Nói về kinh nghiệm chăm sóc, giữ gìn vật dụng, tục ngữ Việt Nam còn có các câu đồng nghĩa: “Dao năng liếc thì sắc, người năng chào thì quen”; “Dao có mài mới sắc, người có học mới khôn”; “Dao sắc đến đâu, bỏ hoài cũng rỉ”; (mà chính từ điển của Nhóm Vũ Dung đã ghi nhận). Hay tục ngữ Tày: “Dao được mài mới sắc, trẻ được bú sữa mới lớn” (Tao đảy phân dẳng gồm, lủc đảy nồm dẳng mả). Người Trung Quốc cũng có câu gần nghĩa: “Y bất tẩy tắc cấu bất trừ, đao bất ma tắc phong bất nhuệ” (衣 不 洗 則 垢 不 除,刀 不 磨 則 鋒 不 銳), nghĩa đen: Áo không giặt không thể sạch vết bẩn, đao không mài không thể sắc bén.

Kết cấu, ngữ nghĩa của “Áo năng thay...”; “Dao năng liếc...”; “Dao có mài...”; “Áo không giặt...” là nói về việc chăm sóc, giữ gìn chính cái áo, con dao đang dùng ấy, không phải khuyên đi may áo mới, hay rèn con dao khác. Tương tự, “người năng tới...” cũng chỉ một mối quan hệ cụ thể nào đó cần được xây đắp tình cảm. Nếu hình thức vế đầu là “Áo năng may năng mới” và được hiểu: “Áo càng chăm may thêm thì lúc nào cũng có áo mới (để mặc)” thì hẳn vế sau: “Người năng tới năng thương” cũng phải hiểu theo nghĩa đăng đối: “Càng đến với nhiều người thì lúc nào cũng có bạn mới” (để chơi) chăng?

Vậy, theo chúng tôi, hình thức đúng của câu tục ngữ là: “Áo năng THAY năng mới, người năng tới năng thương” (hoặc thân): Cũng một chiếc áo nhưng nếu thường xuyên được THAY ra để giặt giũ, chăm sóc, thay đổi thì luôn bền đẹp (tựa áo mới); giống như quan hệ giữa người với người, năng lui tới thăm hỏi (quan tâm đến nhau) sẽ tạo nên tình cảm thân mật, gần gũi, tốt đẹp.

Chỉ khi trả lại cho câu tục ngữ Việt hình thức, nội dung vốn có, chúng ta mới cảm nhận hết được giá trị của tri thức, kinh nghiệm, ngụ ý sâu sắc của dân gian: Đồ dùng muốn bền, đẹp còn cần được thường xuyên chăm sóc, huống chi quan hệ giữa người với người!

XEM BÀI TRÊN BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG: http://nld.com.vn/…/may-ao-hay-thay-ao-20150905210804178.htm

                                                                                                                                                                     HTC/8/2015

Chú thích:
(*) Nhà ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dương giải thích vế hai "người chăm lui tới ắt sẽ được chủ càng quý mến thêm", theo chúng tôi chưa chính xác. Bởi trong câu tục ngữ, dân gian không có ý giới hạn quan hệ chủ, tớ, (hay chủ khách?) mà là quan hệ tình cảm giữa người với người nói chung (ví như anh em, bạn bè, đồng nghiệp, thầy trò...) Khái niệm chủ khách chỉ diễn ra trong khoảng thời gian đến chơi, "làm khách" của nhau mà thôi. Thế nên tục ngữ dân tộc Tày có câu: "Đường không người đi lại sẽ mọc cỏ gianh, anh chị em không đi lại thăm nhau tình cảm sẽ nhạt phai" (Tàng bố pây tẻo tín nhả gà, vỉ no ọng bố pây mà vần chút-Từ điển thành ngữ, tục ngữ dân tộc Tày-Triều Ân-Hoàng Quyết-NXB Văn hóa dân tộc-1996)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét