22 thg 8, 2015

MÓNG NHÀ HAY MÓNG NGỰA?

 HOÀNG TUẤN CÔNG

"Đừng chờm mà có ngày chấn móng" là câu tục ngữ Việt Nam thuộc loại cổ xưa và khá khó hiểu. Không biết "chờm", "chấn" ở đây là gì? "Móng" là móng nhà hay móng lừa, móng ngựa? Có lẽ, việc đầu tiên, đơn giản và tiện lợi nhất là chúng ta tìm đến từ điển:

-"Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam" (Vũ Dung-Vũ Thúy Anh-Vũ Quang Hào) giải thích: "Đừng chờm có ngày chấn móng (chờm: nhô ra và phủ trùm sang phạm vi của cái khác; chấn: chấn động, làm rung động mạnh, long lở; móng: nền móng nhà xây). Một kinh nghiệm làm nhà."


-"Từ điển tục ngữ Việt" (Nguyễn Đức Dương) giải thích rõ ràng hơn: "Đừng chờm mà có ngày chấn móng: Đừng (xây tường vách) chờm (ra quá xa chân móng đỡ nó) mà có ngày sẽ bị chấn móng."

 “Chấn móng” được Nhà ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dương chú thích: “(Tường vách) bị gãy gập lại ngay tại nơi tường, vách tiếp giáp với chân móng”. 
-"Tục ngữ Việt Nam "(Chu Xuân Diên chủ biên) ghi nhận "Đừng chờm có ngày chấn móng". Có lẽ Nhóm tác giả cũng cho đây là kinh nghiệm làm nhà nên xếp câu tục ngữ vào mục "Ăn ngủ, ăn chơi, ăn ở, nhà cửa" cùng với các câu như: Gạo da ngà, nhà gỗ lim; Nhà không móng, bóng không người; Nhà gỗ xoan, quan ông nghè,v.v...

Như vậy, ít nhất có ba cuốn sách thống nhất về nghĩa của các từ chờm, chấn, móng và cách hiểu câu tục ngữ. Thoạt nghe cũng có lý. Tuy nhiên, theo chúng tôi, các nhà sưu tầm, biên soạn từ điển đã nhầm lẫn:

-Nếu "chờm", nghĩa là "nhô ra và phủ trùm sang phạm vi của cái khác" (Nhóm Vũ Dung và Nguyễn Đức Dương) thì “chờm” (âm ch) phải thay bằng “trờm” (âm tr) mới đúng. "Việt Nam tự điển" (Hội Khai Trí Tiến Đức) giải nghĩa: Trờm: Thừa ra, trùm lên cái khác. Tóc trờm quá tai, Vung trờm miệng nồi”. Đây là “chờm” kia mà?(1)

- Nếu “chấn móng” được hiểu “(Tường vách) bị gãy gập lại ngay tại nơi tường, vách tiếp giáp với chân móng” (Nguyễn Đức Dương), ấy là tường bị đổ chứ móng đâu có "chấn"? Móng nhà nằm sâu dưới mặt đất, nếu có bị "chấn" là do thân đất phía dưới bị lún, trong khi kiến trúc phía trên quá nặng, không phải do xây tường trờm ra ngoài. Tường xây chênh vênh, tự tường sẽ đổ, càng nhẹ cho móng.

Theo chúng tôi, nội dung tục ngữ nói đến con ngựa bất kham, không liên quan gì đến "kinh nghiệm làm nhà" hay "xây tường vách" nào cả. Con ngựa chưa thuần phục thường có kiểu chồm hai chân trước, dựng lên mỗi khi người ta định cưỡi hoặc thắng yên cương lên nó. "Đại Nam Quấc âm tự vị" (Huình Tịnh Paulus Của) giải thích từ “Chờm:  nhảy dựng, nhảy xơm mà chụp... Ngựa chờm- Ngựa dựng lên mà chụp”. "Việt Nam tự điển" (Hội Khai Trí Tiến Đức) giải nghĩa một số từ quan trọng trong câu tục ngữ, chúng tôi xin lược trích và tổng hợp: Chờm: Cũng như chồm (...) Móng: Móng chân móng tay, móng lừa móng ngựa (...) Chấn: Xén, cắt bớt đi: Chấn móng ngựa”.

Như vậy, câu "Đừng chờm mà có ngày chấn móng"  là lời đe nẹt đối với con ngựa bất kham: Đừng có nhảy chồm lên mà có ngày bị gông cổ lại và "chấn" (cắt, xén) bớt móng đi (do nhảy chồm nhiều móng bị bè, bẹt ra). Hiểu theo nghĩa bóng: lời răn đe, cảnh cáo đối với kẻ ương bướng, ưa phá phách, sẽ có ngày tự mình làm hại mình.

Như vậy, từ chỗ nhầm "một li" do lỗi phát âm, từ “chờm” (động từ) thành trờm (tính từ) rồi lại hiểu sai nghĩa từ vựng của “chờm”, các Nhà biên soạn từ điển đã khiến cái móng ngựa phi nước đại cả ngàn dặm rồi biến thành cái...móng nhà.

                                              HTC /8/2015

Chú thích:
(1)-Có khi nói và viết "trờm" thành "chờm" như "Từ điển tiếng Việt" (Vietlex) ghi nhận, nhưng trong câu tục ngữ đang xét, "chờm" không có nghĩa "thừa ra, trùm lên cái khác".   


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét