HOÀNG TUẤN PHỔ
Hồi tôi còn nhỏ, tạng
người yếu, ăn cơm hay bị nghẹn, nấc. Mỗi lần bị nghẹn, nấc, người lớn lại chỉ
tay lên nóc nhà, bảo: “Tề tề (kìa kìa) có con chuột đang chạy!”, tôi tưởng thật
ngửa cổ nhìn lên nóc nhà, buột miệng hỏi: “Mô mô (đâu đâu)?” thế là khỏi nghẹn,
hết nấc. Đúng là trên nóc nhà (không riêng nhà tôi) có giống chuột nhỏ tên
thường gọi chuột nhà, chuyên cư trú trong mái lá. Chúng sống ở đó rất an toàn,
mèo thấy cũng chẳng làm gì, tha hồ xây tổ ấm, sinh con đẻ cháu. Lợi dụng đêm
tối hoặc nhân lúc ban ngày vắng
vẻ, chúng di chuyển rất nhanh từ trên nóc nhà
xuống và lẻn vào bồ thóc thúng gạo. Nắm được quy luật hoạt động của chuột, mèo
ta thường nấp dưới gầm bồ phục kích. Có khi nó nhảy lên cót thóc đánh một giấc
ngủ ngon. Thấy bóng mèo, đố chuột nào dám bén mảng tới gần. Nhưng mèo đâu có
“ba đầu sáu tay”, canh giữ được bồ thóc, bỏ mất thúng gạo. Thỉnh thoảng mèo
cũng kiếm được vài tên chuột dại dột, chủ quan, song chẳng thấm gì so với sức
sinh sản con đàn cháu đống của giống nhà chuột. Chuột càng đông lên, thức ăn
kiếm được ngày càng khó khăn. Chúng lục lọi, phá phách như giặc cả đêm khiến
trẻ em dễ giật mình thức giấc mà người già cũng khó chợp mắt.
Ông nội tôi nói: “Nhà
ta cả hai mái kè đều mới lợp, ít nhất phải 10 năm nữa mới cần đảo lại. Mà cái
giống chuột tinh quái lắm, khi giỡ mái chẳng thấy một con, sau khi lợp lại, đâu
vẫn hoàn đó. Người ta bảo: Cháy nhà mới ra mặt chuột. Đúng. Nhưng, phần đông
chúng nhanh chân chạy thoát. Cho nên đánh chuột là phải đánh tận hang ổ chúng”.
Rồi ông cụ bảo chú tôi đi thuê thợ rèn rèn một cái nọc để nọc chuột.
Cái nọc chuột có hai
phần: phần mũi và phần cán. Phần mũi dài chừng hơn gang tay; mũi nhọn như cái
gai; dưới mũi nhọn độ đốt tay là cái ngạnh trê chìa ra khoảng nửa đốt. Phần cán
là một cây trúc cắt lấy đoạn gốc, dài ước vài sải tay. Cắm mũi vào cán, về phía
ngọn, đánh một khâu sắt để cổ nọc được vững chắc.
Lũ chuột sống trên nóc
nhà như ở trên thiên đường, bất khả xâm phạm. Từng đôi chuột đực cái châu mũi
vào nhau cười đùa rúc rích. Những con chuột mới lớn ngứa răng gặm đầu rui sồn
sột. Mấy lão chuột già thong dong tản bộ, phưỡn ra những cái bụng phệ trăng
trắng béo mượt,... Bất kể sáng, trưa, chiều, tối, chú tôi ngồi học, dựng sẵn
bên bàn cái nọc; hễ nghe tiếng động trên nóc nhà, liền cầm ngay cái nọc, chú
tôi chọc mạnh một cái, trúng ngay con chuột, lôi xuống. Sau khi diệt được
khoảng chục con, những con còn lại, dắt díu nhau bỏ đi hết. Máu chuột bị giết
dây, dính trên tàu kè, đòn nóc, khiến chuột kinh sợ.
Do đặc tính họ nhà
chuột kinh sợ mùi máu thịt đồng loại, bà con nông dân băm thịt chuột rải chung
quanh bờ ruộng để chống lũ chuột đồng phá lúa.
Chuột đồng hoàn toàn
giống chuột nhà. Vì ở ngoài đồng nên gọi là chuột đồng để phân biệt với chuột
nhà chuyên sống trong nhà. Nói chung, tầm vóc cả hai giống đều nhỏ. Nhưng cũng
có một số con lớn vượt hẳn lên to bằng hoặc gần bằng bắp tay người trung bình.
Có thể chúng là giống chuột đồng to. Những mùa vụ bạch lạng, chuột đồng đói quá
cũng mò vào nhà kiếm ăn, thấy dễ kiếm sống, định cư lâu dài, hóa thành chuột
nhà. Ngược lại, những nhà thuộc diện nghèo, khi không còn cái gì để ăn, chuột
nhà buộc phải di cư ra đồng, tha phương cầu thực, cũng phải ở hang, ở hốc, rồi
thành chuột đồng.
Chuột đồng sinh sản
nhanh, phát triển mạnh không kém chuột nhà. Chuột đồng phải đối phó với không
ít kẻ thù: cú, rắn, cầy, cáo, lon,... Đêm, mèo ra đồng bắt cá, thấy chuột cũng
bắt luôn. Một số con mèo sau khi diệt hết chuột nhà, đêm đêm ra đồng săn chuột.
Chuột đồng tự đào hang
hoặc sửa lại hang cũ để ở. Câu tục ngữ: “Chuột
già có ba cái hang” là rất đúng. Mỗi hang chuột trổ ít nhất hai cửa; trong
mỗi hang chuột đào thêm một vào ngách để chứa thức ăn và tránh kẻ thù mà chuột
sợ nhất là rắn. Hang chuột chỉ có ở những thân đất cao, vì giống chuột này ưa
khô ráo, không chịu được ẩm ướt, nước nôi như chuột cống. Ban ngày chuột đồng
yên chí ở trong hang với thành lũy kiên cố, đêm tối mới mò ra phá hại lúa má,
hoa màu. Trước kia, bà con nông dân dùng biện pháp đem chó săn ra đồng, lấy
thuổng, cuốc đào hang bắt chuột. Hễ chuột chạy từ trong hang ra đã có chó săn
đuổi theo ngoặm một miếng chết tươi. Song, không thể nhà nào cũng nuôi được chó
biết săn và cũng không có điều kiện để đào phá tất cả cồn, áng, bờ ruộng, bờ
đường. Người ta áp dụng cách phổ biến là hun
khói.
Hun khói tương đối vất
vả và tốn công. Trước hết phải biết đích xác hang có chuột ở. Dùng chó săn đánh
hơi. Hang nào có chuột, chó lấy chân trước cào cào, bới bới miệng lỗ và sủa ủng
ẳng, kèm theo những tiếng rít. Cũng có thể quan sát cửa hang thấy những biểu
hiện như đất nhẵn, in dấu chân, thải ra một vài cục phân, cỏ khô tha về làm tổ
vương vãi,... Tiếp theo tìm các cửa hang khác, bịt kín, chỉ trừ lại cửa trước
để hun khói và một cửa sau để đơm cái đó hoặc cái giỏ (có ton - hom) đón bắt
chuột. Khoét rộng cửa hang chính, đốt rơm rạ làm than, phủ trấu lên trên, rồi
dùng quạt, quạt thốc hơi nóng và khói đặc vào hang, đến tận các ngõ ngách.
Người quạt phải khỏe cánh, mạnh tay, quạt hối hả không ngừng, nếu có hai người
thay nhau cầm quạt càng tốt. Chuột bị ngạt khói tất phải chui ra.
Hun khói phải kiên
trì. Nhiều con gan góc, lỳ lợm, khi chui ra đã ngạt thở gần chết, bước không nổi.
Thế mới có thành ngữ: Lờ đờ như chuột hun
khói. Song, hãy coi chừng, chỉ cần một vài tích tắc được thở bầu không khí
trong lành, con chuột phải khói hồi sức rất nhanh và chạy biến.
Giống
chuột lỗ bằng bắp tay, bắp chân người lớn. Nó đào lỗ ở trong nhà, tại những xó
xỉnh tối, ẩm. Có lẽ nó cùng anh em với chuột cống, ở nông thôn gọi là chuột lỗ,
chuyển cư lên thành thị mang tên chuột cống. Chuột lỗ nhiều con dám chống trả
lại cả chó và tất nhiên, lỗ ta dám ung dung đi qua trước mũi mèo. Người ta nói:
Cụ tổ họ nhà mèo bị chuột lỗ cắn chết ăn thịt nên mèo không dám bắt gà, phải để
dành biếu chuột lỗ, mong được sống yên ổn. Sự thực chuột lỗ ăn ở đều bẩn mà
tính mèo lại sạch, không chịu nổi mùi hôi hám, hễ thấy lỗ, mèo liền tránh xa.
Nhà
tôi xưa, năm nào cũng có một vài con chuột lỗ, chẳng biết từ đâu đến đào lỗ
trong buồng hoặc xó hè để ở. Hang chuột lỗ vừa sâu vừa rộng, thường không có
ngách, chỉ có hai cửa vào ra. Chuột lỗ khi đào hang, đùn đất lên cả đống, hễ
lấp xuống, nó lại đào lên, cứ như trong nhà tôi, nó mới là chủ. Thỉnh thoảng nó
bắt một con gà lôi vào hang ăn thịt dần. Để trừ lỗ, phá hang, các chú nhà tôi
cũng phải dùng cách hun khói đối với chuột đồng. Có con bị khói mò ra đến cửa
hang, đụng râu vào cái ton giỏ, liền lùi trở lại. Một lúc sau, nó đội cả đống
than trấu đang hun mà chui lên. Nó chơi cú bất ngờ khiến người không kịp phản
ứng. Khi người ta tìm được cái gậy thì nó đã chạy mất! Cũng có con đành chịu
ngạt thở mà chết trong hang. Dẫu sao hun khói vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất
đối với chuột lỗ. Sau mỗi lần hun khói, cả năm không thấy một bóng chuột lỗ.
Nếu
khó dùng cách hun khói vì cửa hang không thích hợp thì dùng cái mâm gỗ cũ (xưa
nhà nào cũng có), đặt nghiêng trên nền nhà, dưới chống cái que, trên mâm đè hòn
đá nặng; nướng một con cua đồng hay một miếng thịt cho thơm buộc vào que chống.
Chuột đánh mùi thơm, chui vào dưới mâm ngoặm mồi tha đi làm bật que chống, cái
mâm và hòn đá sập ngay xuống đè chết con vật. Tất nhiên, cách đánh bẫy mâm này
có cái phiền phức là trong nhà mèo, chó đều phải nhốt lại cẩn thận.
Cách đánh bả chuột là
dùng thuốc độc trộn vào thức ăn, có khả năng cùng lúc diệt nhiều con, nhưng xưa
nhà tôi các cụ không cho dùng, vì sợ chết lây cả những loài vật khác. Cơ khí
phát triển, trên thị trường xuất hiện các loại bẫy: bẫy chém, bẫy lồng,... gia
đình tôi đều mua dùng đánh các giống chuột đồng, chuột nhà, chuột nhắt. Nhưng
những giống chuôt này đều kỵ mùi chết của đồng loại. Sau mỗi lần đánh được
chuột, phải ngâm, rửa bẫy thật kỹ mới đem dùng lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét