3 thg 12, 2021

“KỲ YÊN”, “AN”, “BÌNH”, “YÊN” CÓ PHẢI NHƯ GIẢI THÍCH CỦA GS. TRẦN NGỌC THÊM

   

              HOÀNG TUẤN CÔNG
 

Nhà nghiên cứu văn hoá, GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm là tác giả sách “Cơ sở văn hoá Việt Nam”. Trong đó, ông quy cho văn hoá Việt Nam cái gọi là “bản chất âm tính”, rồi hầu như mọi hiện tượng xã hội đều được giải thích xoay quanh nó. Trong tham luận “Xây dựng văn hoá học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo”[1], mục  2. Các mô hình văn hoá học đường”, GS. Trần Ngọc Thêm viết:

Văn hoá Việt Nam truyền thống thuộc loại hình âm tính, trọng tĩnh điển hình. Do vậy, văn hoá học đường Việt Nam truyền thống thuộc loại hướng đến xã hội ổn định”.

Đến mục “3. Để có con người chủ động”, GS. Trần Ngọc Thêm cho rằng, “loại hình âm tính, trọng tĩnh điển hình” của người Việt Nam thể hiện qua “lễ hội Kỳ Yên” và cách đặt “tên đất tên làng”. Ông viết:

“Xã hội Việt Nam truyền thống lấy nghề nông trồng lúa nước làm sinh kế, lấy văn hoá ưa ổn định làm nền tảng. Người dân Việt Nam quen lấy sự yên ổn làm hạnh phúc. Lễ hội thường niên ở các làng quê Việt Nam là lễ hội Kỳ Yên (= ‘Cầu An’). Rất phổ biến là các tên đất, tên làng thể hiện ước vọng về một cuộc sống yên ổn. “Từ điển địa danh văn hoá và thắng cảnh Việt Nam” ghi nhận 138 địa danh chứa yếu tố “An”, “Bình”, “Yên” (Nguyễn Như Ý, Nguyễn Thành Chương, Bùi Thiết, 2004: 1158, 1163, 1215). Việc cung cấp một nguồn lực đảm bảo cho sự ổn định định này là người thừa hành (người công cụ). Người thừa hành là con người thụ động, yêu cầu này rất phù hợp với bản chất âm tính của văn hoá Việt Nam […] Bản chất âm tính của văn hoá và người thừa hành là nguồn gốc của căn bệnh thụ động khép kín, bảo thủ (Trần Ngọc Thêm 2016: 349 – 352)”.

Chỉ trong một đoạn viết ngắn, nhưng GS. Trần Ngọc có nhiều điểm nhầm lẫn, suy diễn:

1-Kỳ yên không phải là “lễ hội”:

Lễ kỳ yên bản chất là lễ tế, không phải “lễ hội”. Bởi vậy, dù xưa kia đã có nơi bày trò hát xướng, nhưng đa số không có phần “hội” mà chỉ có phần “lễ” với nghi thức lập đàn cầu cúng, tổ chức trong phạm vi hẹp của làng xã, theo kiểu “chuông làng nào làng ấy đánh, thành làng nào làng ấy thờ”. Trong khi với lễ hội, thì bên cạnh phần lễ bao giờ cũng phải có phần hội, thu hút khách thập phương tới dự cuộc vui chung.  

2-“Kỳ yên” không phải là cầu cho “ổn định”:

Lễ kỳ an hay kỳ yên không phải là cầu cho “ổn định” (với nghĩa “thụ động”, “bảo thủ”, không có biến chuyển, thay đổi nói chung), mà với mục đích tống tiễn ôn hoàng dịch lệ gây chết chóc đau thương, đem lại bình an cho xóm làng.

Sách “Việt Nam phong tục” (Phan Kế Bính) mục “Lễ kỳ an” viết: “Vào khoảng cuối Xuân đầu Hạ, nhiều nơi làm lễ kỳ an. Vì mùa ấy thường có dịch khí, tục tin là việc quỉ thần, cho nên cúng cấp để cầu cho dân làng được yên lành”.

Trong lễ kỳ yên, người ta lập đàn cúng tiễn thần Ôn, hay Ôn chúa. Khi tiễn, thầy phù thuỷ tay cầm nắm hương hoặc bó lửa, thư phù niệm chú, tay cầm ấn quyết triệt lộ, tiễn ra khỏi đầu làng, đầu chợ, ngã ba, ngã bảy mới đốt, nghĩa là tống đi cho xa, kẻo sợ ôn dịch ở quanh quẩn trong làng. Còn như bất thời có dịch khí lưu hành, dân làng nghe có nhiều người chết, thì mua vàng hương hoa quả thiết đàn giữa sân đình, cúng tiễn ôn quan, gọi là lễ tiến thảo (Phan Kế Bính – sách đã dẫn).

Vì lễ kỳ yên là lễ tống tiễn ôn hoàng dịch lệ, nên người ta còn gọi là lễ cầu mát, “tống ôn, tống gió, lập đàn-tràng cúng vào đầu mùa hè (ở Bắc) hoặc đầu tháng hai (ở Nam) để cầu gió thuận mưa hoà, đưa hết bệnh-tật đi nơi khác.” (Việt Nam tự điển – Lê Văn Đức).

Xưa kia, ngoài lễ kỳ yên, hàng năm còn có tuần đại tế gọi là tế kỳ phúc, tổ chức Xuân Thu nhị kỳ, cầu cho dân được bình an, hạnh phúc. Dĩ nhiên trong lễ tế kỳ phúc có cả cầu cho tránh được dịch bệnh.

Nói một cách dễ hiểu, lễ kỳ an, kỳ yên hay cầu mát đầu mùa dịch của dân ta xưa giống như biện pháp “phòng dịch”, tiêm chủng ngừa cúm mùa hay dịch bệnh hiện nay vậy.

3- “An”, “Bình”, “Yên”, không phải là “ổn định” với nghĩa tiêu cực:

Các “địa danh chứa yếu tố “An”, “Bình”, “Yên”, cũng có nghĩa là bình an (Nghệ An, Hoà An…), bình yên (Hoà Bình, Ninh Bình, Bình Thuận…), yên ổn (Phú Yên, Yên Thế, Vĩnh Yên…) không chiến tranh loạn lạc, thiên tai địch hoạ, chứ không phải biểu hiện cho “bản chất âm tính của văn hoá và người thừa hành là nguồn gốc của căn bệnh thụ động khép kín, bảo thủ” của người Việt, và “Việc cung cấp một nguồn lực đảm bảo cho sự ổn định định này là người thừa hành (người công cụ)”, như GS. Trần Ngọc Thêm suy diễn.  

Bình an, hoà bình, yên ổn luôn là mong ước của mọi cư dân trên thế giới. Ngay cả với dân du canh du cư hay du mục “dương tính” thì họ cũng cần sự “yên ổn”, “ổn định” theo cách của họ, chứ không riêng gì cư dân “âm tính” trồng lúa nước.[2]

Như vậy, GS. Trần Ngọc Thêm đã nhầm lẫn giữa sự trì trệ, chậm phát triển của “xã hội Việt Nam truyền thống lấy nghề nông trồng lúa nước làm sinh kế”, với ước vọng về một cuộc sống bình yên, không thiên tai dịch bệnh, không chiến tranh loạn lạc nói chung, thể hiện qua lễ kỳ yên, và cách đặt tên đất tên làng có chứa yếu tố “An”, “Bình”, “Yên” của người Việt Nam.

Theo đây, sẽ không có gì đáng bàn cãi, nếu như nhận xét “người dân Việt Nam quen lấy sự yên ổn làm hạnh phúc”, “rất phổ biến là các tên đất, tên làng thể hiện ước vọng về một cuộc sống yên ổn”, không bị GS. Trần Ngọc Thêm gán cho “bản chất âm tính của văn hoá và người thừa hành là nguồn gốc của căn bệnh thụ động khép kín, bảo thủ”.

Như vậy, trong tham luận “Xây dựng văn hoá học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo”, ngoài suy diễn rồi gán nghĩa tiêu cực cho hai chữ “trồng người” (trong câu “vì lợi ích trăm năm trồng người”), việc giải thích ý nghĩa “kỳ yên”, “an”, “bình”, “yên” của GS. Trần Ngọc Thêm cũng hoàn toàn mang tính chất võ đoán.[3]

Hoàng Tuấn Công/3/11/2021  

Chú thích:

[1] Sau bài viết trao đổi “Về cách hiểu hai chữ ‘trồng người’ của GS. Trần Ngọc Thêm”, độc giả V.H.M nhắn tin cho tôi, bày tỏ e ngại rằng, báo chí đã thuật lại không đúng tinh thần lời phát biểu của GS. Trần Ngọc Thêm. Và độc giả V.H.M gửi cho tôi toàn văn tham luận “Xây dựng văn hoá học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” của GS. Trần Ngọc Thêm, nằm trong tập tài liệu “Hội thảo giáo dục Việt Nam 2021 - Văn hoá học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” (Quốc Hội Việt Nam – Uỷ ban Văn hoá Giáo dục - Hà Nội, 11/2021). Tuy nhiên, sau khi đọc bản tham luận, tôi thấy những gì GS. Trần Ngọc Thêm chia sẻ với báo chí chính là cụ thể hoá những điều Giáo sư đã trình bày tại hội thảo, chứ không có chuyện sai khác.

[2] - Khái niệm văn hoá “âm tính”, “dương tính” là của GS. Trần Ngọc Thêm.

[3] - Biết đâu đến một ngày nào đó, người ta lại căn cứ vào nghiên cứu của GS. Trần Ngọc Thêm để đổi địa danh Hưng Yên thành “Hưng Vượng”, Ninh Bình thành “Ninh Phát”, Vĩnh Yên thành “Vĩnh Động”, để trị tận gốc “căn bệnh thụ động khép kín, bảo thủ” của người Việt?

 

 

 

1 nhận xét:

  1. Hppilotes Casino: online casino with great offers and free online
    Welcome to the 우리 계열 더킹 카지노 Hppilotes 샌즈 카지노 먹튀 Casino. 안전 카지노 사이트 Our home is in the heart of the excitement and excitement of Northern Ireland. 온 카지노 가입쿠폰 Come 카지노 검증 사이트 celebrate our wonderful

    Trả lờiXóa