22 thg 6, 2021

"VẢY MẠI THÌ MƯA, BỐI BỪA THÌ NẮNG" - "BỐI BỪA" NGHĨA LÀ GÌ?

            HOÀNG TUẤN CÔNG

Mây hình bối bừa
Ảnh: ST

-"Từ điển tục ngữ Việt" (Nguyễn Đức Dương) giải thích: “Vảy mại thì mưa; bối [?] bừa thì nắng (Mây mà) hiện lên trên nền trời hình vảy cá mại (là điềm) trời sắp mưa; (mây mà) hiện lên trên nền trời hình đường bừa (là điềm) trời sẽ nắng”.

-“Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung) vảy mại thì mưa, bối bừa thì nắngMột kinh nghiệm dự đoán thời tiết: mây trên trời kết lại như hình vảy cá mại trên trời là sắp mưa, mây kết thành những vệt như đường bừa trên ruộng là trời sắp nắng”.

          Nguyễn Đức Dương đánh dấu hỏi [?] sau chữ "bối bừa" chứng tỏ ông không hiểu, hoặc nghi ngờ tính chính xác của văn bản.

            Thực ra, “bối bừa” ở đây là búi bừa, chứ không phải “đường bừa” như cách giải thích...bừa của các nhà biên soạn từ điển.

Khi người ta bừa ruộng, cỏ rác, rơm rạ quấn vào răng bừa thành từng cục, từng búi, gọi là “búi bừa” hay “bối bừa”. Lâu lâu, búi bừa to nặng dần, người đi bừa lại phải dừng trâu, nhấc cái bừa lên để xổ các búi bừa ra khỏi răng bừa rồi mới tiếp tục. Thường là mỗi lần xổ, có 9 hoặc 12 bối, tương ứng với 9 hoặc 12 răng bừa, xếp thành hàng:

-Việt Nam tự điển (Hội khai trí Tiến đức): “bối • Những sợi dây quấn buộc với nhau <> Bối tóc củ hành đàn anh thiên-hạ (T-ng). Văn-liệu. - Vẩy mại thì mưa, bối bừa thì nắng (ngạn-ngữ nói về dáng mây). Ruột rối như bối bòng-bong”.

Cách dự đoán thời tiết của dân gian "Vảy mại thì mưa, bối bừa thì nắng" (dị bản "Vảy trút thì mưa, búi bừa thì nắng") là ban đêm nhìn lên bầu trời, thấy mây tĩnh hiện lên giống như vảy cá, vảy tê tê, thì trời sẽ chuyển mưa; nếu mây hiện lên từng đám nhỏ, xếp thành dãy dài như bối bừa, thì trời sẽ còn nắng dài dài (không phải "thì trời sắp nắng" như cách giải thích của Nhóm Vũ Dung).

Mây hình vảy mại
Ảnh: ST

Tham khảo: Phương ngữ Thanh Hoá còn có câu “Trâu nhác kéo cả bối bừa”, chỉ kẻ lười nhác, đáng lẽ tuần tự làm từng bước một, thì lại làm gộp một lúc cho nhanh xong, nên việc càng trở nên vất vả, nặng nề và lâu xong. Giống như con trâu nhác, đáng lẽ phải trút bớt các bối bừa ra cho đỡ nặng, nhưng lại muốn cho mau xong nên cứ để vậy mà bừa, mà kéo khiến cho cái bừa càng nặng, công việc càng lâu. Tục ngữ Mồ cha không khóc, khóc tổ mối; mồ mẹ chẳng khóc, khóc bối bòng bong, thì bối bòng bong đây cũng có nghĩa là búi (búi bòng bong = đám dây bòng bong quấn vào nhau nhằng nhịt trong bụi rậm, tựa như ngôi mộ thất lạc).

                                                   HTC/6/2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét