5 thg 11, 2020

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kỳ 28)

Ảnh: ST
HOÀNG TUẤN PHỔ

    

Tôi không biết đi xe đạp, bố tôi phải giữ cho tôi tập hai đêm trong sân, rồi tập đi trên đường. Tất cả các buổi tập đều vào buổi tối, vì sợ ban ngày nhiều nhiều kẻ xấu bụng đặt điều này tiếng nọ rồi đến tai chính quyền xã. Khi bắt đầu thồ cói, nhà tôi phải nói dối xe mượn bên ngoại, tránh tiếng “khả năng”!

            Mẹ tôi bảo: “Buôn có bạn bán có phường. Để mẹ rủ anh con cùng đi với cho vui”. Anh, mẹ tôi nói ở đây là anh T. con bà dì cả tôi, chơi rất thân với tôi, nhưng con nhà giàu, ít học, ham chơi. Bố anh làm quản lý ấp làng Tiền cho cụ Thượng Dinh (Tôn Thất Ưng Dinh) Tổng đốc Thanh Hoá, sau Cách mạng tháng Tám, đem cả gia đình về Huế. Bố anh T. vì gia đình ruộng đất ở quê ngoại (làng Quần Lực) nên không dễ bỏ đi. Anh T. bằng lòng “đi chơi” với tôi, sau vài chuyến thấy vất vả quá, “bỏ nghề”. May lúc ấy trong xóm tôi lại có anh L. mới mua xe đạp để thồ cói. Bà nội anh L. là con gái bà Diếu chị ruột ông nội tôi. Đôi bên anh em còn gần. Thuở trời yên bể lặng nhà anh L. năm nào cũng đến nhà tôi cúng giỗ tết. Tôi gọi anh L là anh, anh gọi tôi bằng cậu. Mẹ anh L. con người khôn khéo bảo tôi: “Chỗ chị em nhà, có em đi cùng với nhau, có chuyện chi giúp đỡ lẫn nhau, có vui cùng vui, có khổ cùng khổ…”.

            Tôi đi thồ đã đến chuyến thứ ba, mỗi lần chỉ dám 10 gù. Anh L. ngay lần đầu đã gánh 12 gù! Anh hơn tôi 4 tuổi, cao to, khoẻ mạnh gấp hai lần tôi, nhưng vạn sự khởi đầu nan. Chưa có kinh nghiệm, không cậy khoẻ mà được.

Trong kháng chiến chống Pháp, đường đất cuốc bộ từ Quảng Xương ra Nga Sơn đến Hói Đào, chúng tôi đi mất 10 tiếng, khoảng chừng 60 cây số, phải bằng 100km Quốc lộ 1A. Vì đường đất trước đây nhiều khúc quanh co, lắm đoạn ngoắt nghéo, nào dốc cánh cung, nào cống nước chảy, nổ lội bùn lầy, hết ổ gà ổ voi lại lối hẹp sống trâu chỉ vừa bước chân người, bò me đi qua phải dẫm bừa xuống ruộng lúa. Bắt đầu hoà bình, nhân dân địa phương mới đắp điếm qua loa để tiện canh tác, bảo vệ hoa màu. Rất may, thời tiết sang mùa khô, ít mưa, cảnh gánh gồng, xe cộ cũng đỡ bớt phần nào vất vả.

            Đường sá như vậy, đám gánh bộ dễ càng cơ động hơn cánh xe thồ. Tôi chỉ dám thồ mỗi chuyến 10 gù, công hơn 1 tạ, như tục ngữ dân gian “mèo nhỏ bắt chuột con”. Vậy mà đã vô cùng vất vả. Tôi cho rằng thồ cói khó nhất trong các loại gạo, thóc, than, củi, gỗ, đá, vôi, cát,…Bấy giờ dây cao su bằng xăm xe tải hiếm, đắt tiền, chúng tôi phải dùng thừng kè, mỗi lần bị xe bị xóc, dây buộc lại giãn ra, bó lác lại bị lỏng thêm một ít.

Chúng tôi không thể không dừng xe để sửa dây thừng. Đã thế, giống cói lại rất trơn, cói luôn luôn trồi ra trụt vào. Qua vài lần xóc, gốc cói tụt đai, chọc vào bánh xe sau, cọ xát xích líp, đẩy không đi, kéo lui không chuyển. Sửa chữa được phần gốc cói khỏi chẹt bánh sau thì phần ngọn cói bị toè ra quẹt vào nan hoa bánh trước, nghe kêu lanh tanh điếc tai, sốt ruột. Sức nặng lại cứ quấn dần từng sợi, từng sợi quanh ổ, nếu không dừng xe cắt gọn chúng đi, phải nhờ ông trời đẩy mới chuyển. Cho nên, thồ cói không nên, không thể tham, cứ vừa vừa, nhè nhẹ mà đi.

Anh L. lần đầu đã “chơi” ngay 12 gù, cói chất lên xe quá cao, không thấy rõ lối đi, tay trái cầm tay ngai chưa quen, tay phải nắm cọc thồ không vững, đường cái bằng phẳng cũng dễ lăn quay, nói gì đường đất thịt nông thôn thời kháng chiến chống Pháp. Mỗi lần xe anh L. bị đổ trên đường hoặc lăn xuống ruộng, tôi phải dùng chân chống chống xe đứng dừng, dỡ cói ra buộc lại…Chúng tôi còn phải qua 3 cái đò: Đò Thắm, đò Bút, đò Đại. Mỗi lần qua đò, một lần mở ra từng bó cói vác xuống đò, rồi lại buộc lên như cũ…Bấy nhiêu động tác đủ thấy nỗi vất vả chừng nào!

Đã tháng 10 (âm) sang đông mà mồ hôi đổ ra như tắm, đầu tóc ướt đầm đìa. Chúng tôi ngồi bệt xuống đất, cởi phăng cái áo vứt xuống đường. Còn quần đùi chả lẽ cởi nốt! Tôi tìm cái nón mê để quạt, nón bay đi từ lúc nào. Anh L. có cái mũ cói cũng rơi đâu mất dọc đường. Tôi mệt nhoài, thở ra đằng tai phào phào. Thế mà anh L. không đến nỗi mệt lắm. Anh chỉ thở hổn hển: “Chuyến sau tôi chỉ thồ 10 gù như cậu…”. Tôi nói không ra hơi: “Trăm hay không bằng tay quen…”.

Tuy nhiên, dù  chưa quen, lần sau anh L. vẫn cứ thồ 12 gù, trông cói nhiều như núi như non, cứ tiếc rẻ, muốn chất thêm 2 gù nữa thành 14 gù, tôi phải khuyên can mãi…

Sau hơn hai tháng thồ cói, số tiền lãi mẹ tôi dồn dần để dành được gần 50 đồng bạc. Bà trả nợ thím Ất 40 đồng để mùa con me mới vực. Được lãi cái xe đạp, và mươi đồng làm vốn. Nhưng về sức lực, tôi phải bỏ quá nhiều, không thể tính đếm được. Người tôi gầy hốc hác, vóc dáng càng quắt queo lại, mặc dù mỗi ngày tôi được ưu tiên nuốt sống hai quả trứng gà so!

Nhà anh L. kinh tế vững, thành phần trung nông vài mẫu ruộng, con bò, nuôi thêm lợn, gà, không phải đóng thuế “khả năng”, lại thuộc diện nhà nước trợ cấp gạo khi mùa màng thất bát. Anh L. muốn nghỉ việc thồ cói xin học sư phạm để làm giáo viên. Năm lớp Bảy, anh học cùng với tôi trường dân lập Quảng Ninh do thầy Đỗ Trọng Thích làm Hiệu trưởng. Anh rất khá môn toán. Khi tôi đang say sưa đọc cuốn sách hay, nhờ anh làm thay bài tập toán ngay trong lớp. Không những bà ngoại anh là bà O tôi mà chính bà Tổ dòng họ Lê Danh nhà anh cũng là người cô ruột ông Tổ dòng họ Hoàng nhà tôi (Cách đây hơn  hai chục năm, dòng họ Lê Danh lập lại gia phả, quên mất 3 đời, kể từ ông Tổ, tôi có nói với ông Chi trưởng, nhưng ông ại có vẻ thờ ơ, chẳng hiểu ý tứ ra sao, mình không tiện tìm hiểu kĩ).

            Mẹ tôi không muốn tôi lao lực quá sức, nhỡ lại bị ốm đau thì khốn, bảo tôi: “Tết nhất sắp đến, trong làng trong xóm không ai đi Nga Sơn, con cũng nên nghỉ ngơi ở nhà, chịu khó dệt đôi chiếu đôi lác, siêng năng đỡ bữa”.

            Nghe nhắc đến Tết, bố tôi bàn: “Nên mua cân thịt lợn, gói vài cái bánh chưng…trước cúng cha sau va vô miệng!”

Mẹ tôi nói dứt khoát: “Con cái mới kiếm được dăm ba đồng bạc, ông bày vẽ như rứa thì cụt vốn mất, ra giêng lại treo mồm!”.

Tết năm Ất Mùi (1955) là 4 cái tết Nguyên đán gia đình tôi không có Tết. Bàn thờ tổ tiên, ông bà ông vải cũng hương tàn khói lạnh! Gia đình tôi là tộc trưởng họ Hoàng, nhưng đã lâu, không con cháu nội ngoại nào dám qua cúng giỗ làm Tết, vì sợ mắc tội “liên quan phản động”! Đúng như lời các cụ “Trưởng  bại ông vải hư”!

(còn tiếp)

                                                         HPT/2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét