19 thg 8, 2020

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kỳ 25)


Cói Nga Sơn
Ảnh: ST
HOÀNG TUẤN PHỔ

Anh Rậy bắt tôi phải xin phép xóm trưởng và thôn trưởng. Các ông ấy đồng ý mới cho theo nhóm đi Nga Sơn mua cói lác, mục đích làm chiếu.
          Ông xóm trưởng, thường gọi ông Tiệu Dễ, tên tục là Dễ, sinh con gái đầu đặt tên là Tiệu. Phong tục quê tôi, chưa có tên gọi là “đỏ”, có con gọi tên con, nếu không gọi thì “sái”. Nhưng dùng tên con mới mẻ, nhiều người khó hiểu, phải kèm tên chính, vì thế thành tên kép “Tiệu Dễ”. Ông Tiệu Dễ biết nghề đóng xay. Nghề này cũng là nghề “cơm bưng nước rót”, được bà con nông dân quý trọng. Nếu nhà nào đón được ông đóng xay có tay nghề tốt, thế nào cũng phải đi chợ Nguyễn mua thịt cá, trầu chè, chai rượu, gói thuốc lào Thượng Đình, tiền công tử tế. Xưa đóng cối xay tre, sau cải tiến đóng cối xay đất. Đất dùng cho đóng xay tốt nhất là đất tổ mối cồn Chè, bên cạnh gốc cây trôi cổ thụ đầu làng, phía trước nhà tôi.

Nghề anh có một chiếc vồ
Thêm đôi quang gánh, một bồ dăm xay
Rong chơi khắp xứ Đông Đoài
Cơm bưng nước rót, tối ngày đầy công
Ai về Thủ Phú biết không
Có ông phó cối, có ông thợ vồ…
(Vè đóng xay)
Nghề đóng xay của ông Tiệu Dễ kém thua thợ Thủ Phú (một làng biển, nay thuộc xã Quảng Hải). Trong làng nhà ai cần thiết mà không chờ được thợ Thủ Phú, thì phải mời ông. Hôm tôi đến, ông đang vót mấy cái nan tre làm vành xay. Ông không biết chữ, bảo tôi đọc tờ giấy cho nghe rồi cầm bút vạch mấy nét thành chữ “Dễ” giống rễ cây, cái thẳng cái cong…
          Ông thôn trưởng Nhẩy Dê cầm tờ giấy tôi đưa, đánh vần bập bõm. Tên chính ông là Dê, còn Nhẩy tên con gái đầu lòng. Cũng giống cách gọi tên kép như Tiệu Dễ. Nhà ông Dê, cha mẹ có cách đặt tên cho con cái nghe rất vui: Cáy, Rạm, Ngan, Vịt, Ngỗng, Thiến, Dê…
          Ông Thôn trưởng nghe tôi trình bày thêm cho rõ nội dung giấy tờ xong, viết nguệch ngoạc chữ “Dê” to tướng oai vệ bên cạnh chữ “Dễ”.  Đúng, ông là Thôn trưởng thì chữ ký phải to hơn Xóm trưởng chứ!
          Tôi hý hửng đem giấy về đưa anh Rậy xem. Không ngờ anh hạch: “Chữ ký mà không có dấu thì ai tin?”
Tôi đành lóc cóc lên xã, bụng bảo dạ: Đây mới thật là cửa “sinh tử”! Ông xã mà “lắc đầu” thì hết đường kiếm sống, đành ngồi còm lưng ở nhà dệt chiếu, kiếm dăm xu một hào, không đủ cơm thì ăn cháo rau má (hồi này có mưa, rau má đã mọc xanh bờ xanh bái) còn hơn chán cái món cháo cám hạng ba!
          Tôi hồi hộp, chân bước rụt rè vào một nhà dân ở làng Trinh Xá, xã mượn tạm làm trụ sở. Tôi đặt tờ giấy lên bàn, nội dung xin đi mua cói Nga Sơn, đã có chữ ký xác nhận của hai vị Xóm trưởng và Thôn trưởng. Rồi tôi lùi lại sau mấy bước, chắp hai bàn tay trước bụng, kính cần đứng chờ, trống ngực đánh dồn dập hơn trống làng khi nhà cháy, vỡ đê…
          Ông uỷ ban xã tôi không rõ chức vụ cụ thể, nhưng nghe đại danh là Hàn Văn Thiệu, người đâu ở xóm Trại Chào. Trông mặt ông đã đủ sợ, đúng là “mặt sắt đen sì”, môi thâm bầm, lúc nào cũng hầm hầm như đang căm giận, thù hận ai…Ông Thiệu đọc kỹ tờ giấy, xem cẩn thận chữ ký, cất tiếng đanh thép, phát ra từng lời giữa hai hàm răng nghiến chặt:
-Đi ví những ai?
-Dạ thưa ông, tôi đi với anh Toàn Rậy, ông Đồng Bạng, anh Nậu, ông Mười Chục.
          Ông Thiệu nghĩ ngợi. Tôi cảm thấy mỗi giây dài bằng một năm! Chừng vài ba phút, ông cầm bút ghi loằng ngoằng những chữ như vẽ bùa, rồi lấy cái dấu trong túi vải nhỏ, ấn thật mạnh xuống tờ giấy xin phép của tôi. Tôi mừng quýnh, mừng đến nỗi phát run lên cầm cập. Khi đưa cả mười ngón tay đón tờ giấy xin phép, tôi cúi đầu, khom lưng vái chào ông Uỷ ban xã, thầm khen trông mặt mày thế mà nhân đức! Vừa nghĩ vừa rảo bước nhanh, chỉ lo ông ấy đổi ý, đòi tờ giấy lại!
          Đối với tôi, tờ giấy chẳng khác nào lá bùa hộ mệnh. Tôi báo cáo anh Rậy xong, vội gấp lại làm tư, cất cẩn thận vào túi áo ngực bên trong. Cái dấu uỷ ban xã là dấu chữ nhật, mực tím, không phải dấu vuông, nhưng anh Rậy xem xong cũng chẳng nói năng gì. Có lẽ đối với anh vuông hay tròn, bầu dục hay chữ nhật, thậm chí có méo một chút cũng không quan trọng gì. Cứ có cái hình gọi là dấu là được! Thì anh cũng chỉ trình độ “i tờ hai cái móc câu”, hơn ông Dê, ông Dễ một bậc!
          Đường từ làng quê tôi (Văn Đoài, Quảng Hoà, Quảng Xương, Thanh Hoá) ra đến Hói Đào, Tam Tổng, huyện Nga Sơn, giáp Phát Diệm, tỉnh  Ninh Bình, đi đường tắt có lẽ hơn 60km. Tôi và mấy ông trong tổ xuất phát từ 5 giờ chiều, đi suốt đêm, đến 5 giờ sáng mai thì đến nơi. Đúng như câu vè dân gian: “Sớm mai rời gót huyện Nga/Hậu-Hoằng rồi đến Quảng ta xế chiều…
          Chúng tôi đi đường Cầu Lý, qua sông Lý-Hoành Đẩu-Dụ Côn, Cung Bịch, Ước Ngoại, Quảng Đông, Quảng Hưng, xuống đò Đại, lên chợ Quăng, trời bắt đầu tối. Chợ Quăng lớn nhất huyện Hoằng Hoá. Mấy ngôi hàng hiệu xây kiểu Tây, buổi tối ánh đèn măng xông chiếu sáng trong xanh, làm cho phong cảnh chợ lờ mờ ẩn hiện có vẻ sầm uất hiếm có ở chợ quê. Anh Rậy dẫn đầu, đưa chúng tôi vào một nhà quen nhờ nấu cơm ăn. Tôi là em rốt, ngô nghê không biết gì. Anh Nậu vào bếp nấu cơm. Ông Đồng Bạng lớn tuổi nhất cũng siêng năng chịu khó nhất, đi xin củi. Làng này ít ruộng, sống bằng nghề bán buôn chợ búa. Trong khi anh Rậy lên giường tranh thủ đánh ngủ khì, ông Mười Chục cũng ghé lưng nằm mép cạnh giường anh Rậy. Còn tôi không biết/không có việc gì, ngồi bệt xuống hè, tựa cột để nghỉ cái lưng đau sụn và hai tay bóp đôi bắp chân mỏi nhừ…
          Trong bếp, lửa cháy bùng bùng. Ông Đồng Bạng xin được ôm rơm để vần cơm, anh Nậu tha hồ khoanh cái nùn thật to quanh nồi, lại đắp phủ dầy lên phía trên nồi để cơm chóng chín. Ông Đồng Bạng thấy lửa cháy to, đang ở ngoài sân vội chạy vào bếp: 
-Rõ xắn tay áo sô đốt nhà táng giấy! Coi chừng đốt cả nhà người ta thì mấy anh em đi tù sớm! 
Anh Nậu liền dập bớt lửa. Nhưng lửa càng cháy lan rộng. Ông Đồng Bạng múc ngay mấy gáo nước đổ ào vào bếp. Lửa tắt, khói bay mù mịt xông cả lên nhà chính. Ông Mười Chục chạy ra mắng anh Nậu: 
-Coi chừng cháy bếp nhà người ta thì mi khốn!
Toàn Rậy đang thiu thiu ngủ cũng giật mình nhổm dậy, cho ngay anh Nậu mấy cái bạt tai. Ông Mười Chục là anh vợ anh Nậu chạy lại can, bị Toàn Rậy đấm ngay một đấm. Thế là thành đám đánh nhau to. Ông Đồng Bạng lớn tuổi nhất, hiền lành nhất, cũng phải đứng ra can gián, giải hoà mãi. Ông chủ nhà đi chơi bên hàng xóm chạy về, bực mình: 
-Tôi biết các anh thế này thì không cho vô nhà. Thôi cách anh cuốn gói đi sớm cho khuất mắt tôi!.
          Mấy anh em đều câm mồm in thin thít! Ông Đồng Bạng gãi tai thưa với ông chủ nhà: 
-Thôi anh em lớn người non dạ, trót dại dột, xin ông bà tha thứ. Đánh đứa chạy đi, không đánh kẻ chạy lại... 
Ông chủ lẳng lặng đi vào nhà. Anh Nậu bắc nồi cơm ra giữa sân, gãi tai mượn bà chủ bát đũa. Bà chủ hỏi lại: 
-Các anh đã có chi ăn chưa? 
Mọi người đồng thanh: 
-Dạ chưa ạ!
Bà chủ nói: 
-Nhà tôi chỉ có cà muối mặn thôi!
Ông Đồng Bạng xoa xoa hai tay: 
-Bà cho anh em tôi thấy trấy thì phúc đức quá!
          Bà chủ bưng ra một bát tô cà muối. Tôi gắp thử một quả, đúng là mặn quá, “mặn như thuốc độc”, lời mẹ tôi thường nói. Nhưng tôi im lặng, nghiêng răng cắn tí một để đưa đẩy miếng cơm. Tôi cố gắng lắm mới nuốt nổi. Ông Đồng Bạng bảo nhỏ tôi:
-Chịu khó mà ăn cậu ạ. Đến trưa mai mới được ăn, đường còn xa, ăn ít thì đói chết!”. Vợ ông Đồng Bạng là con gái bà O tôi (chị ruột ông nội tôi) nên gọi tôi cách thân mật là “cậu”.
          Ăn cơm xong, ông Đồng Bạng bảo anh em:
-Mới xuất quân đã “tiền đầu bất lợi”, chưa biết ngày mai sẽ ra răng! 
Anh Toàn Rậy tính ương, chỉ vào mặt anh Nậu: 
-Chỉ tại cái thằng chết mất xác tê!
Anh Nậu cũng ương không kém, tay đang bê chồng bát đĩa cũng dừng ngay lại. Ông Mười Chục bình tĩnh trở lại: 
-Thôi thôi chín bỏ làm mười. Uống nước đi, nghỉ ngơi một tí rồi ta còn phải đi thấu đêm nay chứ ít đường đất mô!.
 Ông Đồng Bạng hưởng ứng: 
-Phải phải, nói phải ông vải cũng phải nghe. Tôi xin tất cả các anh em!
          Tôi phải một phen hoảng vía. Chỉ lo họ lại đánh nhau nữa! Mình theo họ đi cốt kiếm miếng cơm ăn, chỉ sợ đầu chả phải, lại phải tai! Rất may là bản tính anh nông dân đều hiền rất hiền, cục rất cục, nóng đó lại nguội đó. Chính cái bàn tay thô kệch xù xì mới nắm chắc củ gừng thụi nhau, giờ đã xoè ra sẵn sàng sẻ nửa bát nước chè xanh Yên Lược, chia đôi điếu thuốc lào Thượng Đình. Anh Toàn Rậy giọng chỉ huy phát lệnh: 
-Lên đường!
Ra đến ngõ, chợt nhớ chưa chào ông bà chủ nhà. Ông Đồng Bạng vội chạy trở lại xin lỗi và cám ơn ông chủ bà chủ.
          Rồi chúng tôi cất bước lên đường, mải miết đi trong đêm tối chỉ có ánh sao mờ…

                                              HTP/2019
(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét