17 thg 3, 2018

ĐỌC "CHUYỆN LÍNH TÂY NAM"



HOÀNG TUẤN CÔNG

Tôi là người lính bộ binh, tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam,…Bốn năm đầy hy sinh gian khổ, với rất nhiều bạn bè đồng đội tôi đã không trở về…Chính họ đã nhắc tôi kể lại câu chuyện Tây Nam này, dù tôi không phải là nhà văn, nhà báo (…) Cũng bởi ngại ngần chưa dám nhờ ai, nên tôi tự mình viết luôn lời tựa cho cuốn sách này, như một người lính được lệnh bước lên dưới quân kỳ, tự giới thiệu mình trước mặt hàng quân…

Tôi đã lập tức bị cuốn hút và phấn khích ngay từ trang đầu tiên, cũng là lời tựa ngắn gọn, giản dị mà đầy kiêu hãnh của chính tác giả. Và dù đã được biết đến “Chuyện lính Tây Nam” qua lời giới thiệu ấn tượng của Nhà báo Trương Huy San, từng nghe chuyện những người lính từ chiến trường Campuchia trở về, nhưng những dòng hồi ức của Trung Sỹ vẫn đem đến cho tôi bao nhiêu bất ngờ và cảm xúc.


Hồi hộp theo chân chàng lính trẻ bước vào cuộc chiến với “tiếng chó sủa ong óc lúc xóm gần, lúc làng xa như có động vì quân cảnh đuổi bắt lính trốn” trong đêm “Chủ nhật cuối cùng” trên đất Bắc; lên “Chuyến tàu quân sự”; tập kết ở “Trảng Lớn-Tây Ninh”, pháo Kh’me Đỏ bên kia biên giới nã sang tận bên này. Lửa cháy rực trời…

Nhưng đó mới chỉ là khúc dạo đầu. Những gì ghê khiếp nhất đang đón đợi ở phía trước của cuộc viễn chinh-không phải ác liệt nữa-mà là rùng rợn với biết bao hy sinh gian khổ nơi rừng sâu núi thẳm quê người!

Có câu hát nào đó “rằng chiến tranh không phải trò đùa”! Nhưng những gì được kể lại chân thực trong “Chuyện lính Tây Nam”, lại cho thấy sự khốc liệt, nghiệt ngã tới mức như trò đùa của chiến tranh. Sự sống và cái chết quá mong manh. Cái chết rình rập, bám theo từng bước chân người lính, ẩn nấp trong từng gốc cây, ngọn cỏ. Nhiều khi không chết bởi họng súng địch bên kia chiến hào, mà chết dần chết mòn bởi ma thiêng nước độc, với những hầm chông, bãi mìn câm lặng.

Đọc “Chuyện lính Tây Nam” tôi không thấy cảm giác lan man của thể loại “hồi ức”. Ngược lại, trang nào, mục nào cũng dày đặc sự kiện, hình ảnh, cảm xúc... Có lẽ trải qua bốn mươi năm, những gì còn đọng lại trong hồi ức của tác giả, đều là những hình ảnh, câu chuyện thực sự điển hình, từng gây ấn tượng và tác động mạnh không thể phai mờ. Nhưng chắc hẳn, chính tác giả cũng đã biết tự dằn lòng để quên đi, làm mờ đi những chi tiết, sự kiện tuy mãnh liệt, nhưng dễ làm loãng hồi ức về cuộc chiến.

 Chuyện lính Tây Nam” được chia thành nhiều đề mục nhỏ in đậm, với những cái tên ấn tượng, gợi mở: “Lên chốt”; “Đập vỡ cây đàn”; “Khế ước cách mạng”; “Tiếng lục lạc bò”; “Tết chiến trường”; “Lămthon gái goá”; “Giải vây sư 341”; “Chửi nhau với địch ở Oudong, Uống nước xác người trong đường sắt”; “Tiếng hú chim thiêng”; “Lá thư đô thị”; “Vượt đỉnh Aoral”; “Hàng phố bâng khuâng”; “Lung lay bóng nguyệt”; “Tìm diệt”; “Mùa khô rừng khộp”; “Loạt đạn gọi hồn”; “Buổi chiều máu”; “Tiếng cối đêm sương”; “Ngủ chung với địch”; “Nữ chiến binh Kh’mer Đỏ”…

Mục nào, chuyện nào cũng hấp dẫn, dễ đọc, đáng đọc với đủ mọi cung bậc cảm xúc…

Trong khói lửa chiến tranh chết chóc, thiên nhiên đất nước Chùa Tháp vẫn hiện lên với vẻ đẹp vừa hoang sơ quyến rũ, vừa bí ẩn hiểm độc. Đời lính, kiếp lính chiến thời nào, phía bên nào mà chẳng chịu nhiều khổ đau! Ăn bờ ngủ bụi như thú hoang nơi rừng sâu núi thẳm. Mỗi một lần hành quân qua thị trấn, hay trở về cứ, là một lần người lính rừng tưởng như được trở về với thế giới loài người. Tiếng hát Thanh Tuyền với những ca khúc mang tâm sự người lính Việt Nam cộng hoà trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn vừa kết thúc, nay lại tiếp tục vang lên, làm lay động tâm hồn người lính Việt trong một cuộc chiến hao mòn sinh lực khác, đằng đẵng nơi xứ người…

Khi lần giở từng trang “Chuyện lính Tây Nam”, tôi nghĩ bụng, sẽ quên đi những dòng giới thiệu hấp dẫn của người khác, để tự mình cảm nhận. Nhưng dường như suy nghĩ ấy bằng thừa, vì tôi đã mau chóng bị những dòng hồi ức chiến trường của ngài Trung Sỹ mê hoặc lúc nào không hay.

Cả một tuần đắm chìm, ngơ ngẩn, bần thần với những “Tết quân đội biên giới 1978”; “Chốt Long An tháng 12/1978”; “S’vay Rieng, rạng sáng ngày 3/01/79”…Hồi hộp, lạnh gáy theo từng bước chân, từng chiến hào, ụ mối, rừng khộp, rừng le; với những khi giáp mặt quân thù… Tác giả “Chuyện lính Tây Nam” có bao nhiêu cảm xúc, tôi cũng có bấy nhiêu xúc cảm. Không biết hồi ức có nhắc đến sự kiện Trung Quốc xâm lược, tấn công toàn tuyến biên giới Việt Nam không? Khi còn giao tranh ác liệt với lính Kh’me Đỏ trên đất Camphuchia, những người lính Việt nghĩ về sự kiện ấy như thế nào? Hồi hộp, vừa đọc vừa có ý chờ đợi…Và đây rồi, trang 70: “Ngày 17 tháng 2 năm 1979”…

Đón nhận những dòng hồi ức được ghi chép bởi một tay bút nghiệp dư, một người “không phải là nhà văn nhà báo” từng tham gia quân ngũ 40 năm trước. Nhưng đọc được mươi trang đầu, tôi thấy ngờ ngợ... Đọc thêm chừng 50 trang, tôi từ ngạc nhiên chuyển sang ngưỡng mộ thực sự...

Chuyện lính Tây Nam” hoàn toàn không phải là câu chữ của “một người lính bộ binh” đơn thuần, một chàng Trung sĩ đi ra từ quân ngũ. Nhưng cũng không phải của một “nhà văn quân đội” biết nhào nặn, xây dựng hình tượng... Có lẽ Trung sĩ Xuân Tùng sinh ra là để cầm bút. Nhưng đời đã sai khiến ông bước vào cuộc chiến mỏi mòn nơi xứ lạ, với “hơn bốn năm rưỡi dọc dài các nẻo chiến trường đất nước Chùa Tháp”. Số phận đẩy đưa ông vào cuộc chiến, rồi lại giúp ông may mắn trở về, để bốn mươi năm sau, khi văn tài đủ chín mới thôi thúc ông ngồi chép lại những dòng “viễn chinh dật sự” vô cùng sống động, chân thực và đầy kiêu hãnh này.

Người xưa nói rằng, ngôn từ không có chất văn thì không thể bay xa, lưu truyền (Ngôn nhi vô văn, hành chi bất viễn-言而無文行之不遠). Có lẽ sở dĩ “Chuyện lính Tây Nam” hấp dẫn cuốn hút tôi, ngoài sự góc cạnh, chân thực đáng ngạc nhiên của hồi ức, còn một lý do quan trọng nữa, đó chính là “chất văn”!. Cái “chất” nhuần nhuyễn, sung mãn, tự tin của một tay bút nhà nghề; trần trụi, thô ráp mà không kém phần tinh tế lịch lãm và cực kỳ sống động ấy sẽ góp phần khiến cho “Chuyện lính Tây Nam” trở thành tác phẩm có tầm vóc, bay xa và lưu truyền với đời.

                                HTC/16/3/2018

[*] Chuyện lính Tây Nam-Hồi ức-Trung Sỹ-NXB Thanh Niên, 2017, 306 trang, khổ 14,5x20,5.




1 nhận xét:

  1. Tui thì ngạc nhiên cái chất văn của ông đó. Lúc đầu thì "sỹ" rồi lại "sỹ" tiếp. May quá rồi cũng "sĩ" rồi lại "sĩ" nữa.

    Trả lờiXóa