23 thg 9, 2017

LÀNH LÀM GÁO, VỠ LÀM MUÔI

Minh hoạ: Sưu tầm
HOÀNG TUẤN CÔNG

Trong “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam”, GS Nguyễn Lân giải thích: “lành làm gáo, vỡ làm muôi (sọ dừa có thể dùng làm gáo hoặc làm muôi) Nói cách sử dụng người hoặc vật theo đúng khả năng”.

Câu tiếp theo “Lành làm thúng thủng làm mê” được soạn giả chú dẫn “Như câu trên”.


Trong sách “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân-Phê bình và khảo cứu” (Hoàng Tuấn Công-NXB Hội Nhà văn, 2017), chúng tôi (bút danh Hoàng Tuấn Công) cho rằng GS. Nguyễn Lân “giải thích thiếu đi ý quan trọng của nghĩa bóng, và đó cũng là dụng ý của dân gian: Không sợ đụng chạm, không sợ hỏng việc, sẵn sàng chấp nhận mọi tình huống, kể cả sự đổ vỡ. Ví dụ khi một người vợ cáu tiết bảo chồng: Phen này thì lành làm gáo, vỡ làm muôi, bà đây cóc sợ, thì gáo vỡ làm muôi, thúng thủng làm mê xem như đồ bỏ đi rồi”.

Vấn đề tưởng như không có gì đáng bàn nữa.
Tuy nhiên, trong một bài báo có tên “Sách “bắt lỗi” Nhà giáo Nguyễn Lân: Có câu tác giả sai mà cụ Nguyễn Lân đúng” (báo INFONET) tác giả PGS.TS. Lê Đức Luận lại cho rằng:
Hai câu ông NL dẫn là đồng nghĩa, anh Công phê ông Lân thiếu ý quan trọng của nghĩa bóng nhưng hiểu nghĩa bóng của Công chưa đúng. (…) Không ai lấy phần vỡ của gáo dừa làm môi. Tương tự như vậy, thúng mà thủng thì nó không thể làm mê được. Mê là phần đan của thúng, mà thúng thì phần mê nhỏ không như nong để tận dụng, mà lại thủng ở đáy thúng lại càng không thể dùng được”.
Theo đó, PGS.TS Lê Đức Luận khẳng định: “Trong tình huống này, hai câu này có ý nói rằng có hợp, thuận lòng thì ở với nhau, sống với nhau còn không thì thôi, không cần, không níu kéo người không còn xứng đáng nữa. Tưởng là gáo lành, là thúng lành hóa ra chỉ là gáo vỡ, thúng thủng thì cần gì thứ ấy”.
Thú thực, chúng tôi đã phải đọc đi đọc lại những câu chữ của PGS.TS Lê Đức Luận. Vì nếu không có câu “anh Công phê ông Lân thiếu ý quan trọng của nghĩa bóng nhưng hiểu nghĩa bóng của Công chưa đúng”, chúng tôi sẽ lầm tưởng, PGS.TS Lê Đức Luận đang cố gắng tìm thêm luận cứ để củng cố cho quan điểm của chúng tôi, bởi một số lẽ:
-Đúng như PGS.TS Lê Đức Luận viết, một khi gáo dừa vỡ “thì nó không thể làm môi được. Không ai lấy phần vỡ của gáo dừa làm môi”. Cái muôi, hay cái thìa dù nhỏ, nhưng cũng phải có kiểu dáng của nó. Nếu gáo sứt, mẻ phần miệng, có thể cưa bớt, để biến phần dưới của nó thành muôi, chứ vỡ thành 2-3 mảnh (không như ý), thì dù có tận dụng làm muôi, cũng là bất đắc dĩ mà thôi!
Theo đó, cái sự “lành” và “vỡ” ấy, là sản phẩm của hành động cương quyết, không nương tay, kể cả xác định phải gánh chịu thiệt hại, chứ không phải chuyện tận dụng vật liệu cho đỡ phí nói chung (Ví như khi cưa, hoặc đẽo cái gáo dừa, người ta làm thật mạnh tay, xác định nếu lành lặn thì làm gáo, vỡ thì làm muôi, hoặc có thể bỏ đi, không quan trọng; hay sử dụng gáo, thúng theo kiểu không giữ gìn nữa, muốn ra sao thì ra).
Tương tự, “Lành  làm thúng, thủng làm mê” cũng vậy (“mê” chỉ chung các đồ đan bằng tre, nứa, có vành tròn, nhưng đã bung cạp, hỏng cạp, như mê rổ, mê rá, mê thúng, mê nón…). Khi thúng bị thủng, thì để làm được mê, người ta phải phá bung hết phần cạp ra, rồi tuỳ vị trí vết thủng, rách, mà lấy phần còn lại để làm mê.
 Vì mê thúng chỉ là phần lành lặn (bất kỳ) còn lại của cái thúng, nên giờ đây nó trảng trẹt, không ra kiểu dáng gì nữa (“thủng” ở đây cũng nên hiểu theo nghĩa rộng là bị “xoạc”, “rách” [trái với “lành”], chứ không dứt khoát phải hiểu máy móc là “thủng” ở mặt đáy, như PGS. TS Lê Đức Luận viết)[1].
Mê thúng nói riêng, và các loại mê rổ rá nói chung, được tận dụng để hứng rau chuối thái cho lợn, hoặc bỏ rau cám cho gà ăn, đậy vại cà, vại mắm… Lúc nào không thích thì gập lại bỏ bếp, chẳng chút bận lòng. Bởi vậy, “Lành làm gáo, vỡ làm muôi”, “Lành làm thúng, thủng làm mê”, ngoài nghĩa đen (ít dùng), là tận dụng những thứ tưởng như bỏ đi, để không dùng vào việc này, thì dùng vào việc khác; nghĩa bóng (thường dùng) là không sợ đụng chạm, không sợ hỏng việc, sẵn sàng chấp nhận mọi tình huống, kể cả sự đổ vỡ.
-PGS.TS Lê Đức Luận viết: “Trong tình huống này, hai câu này có ý nói rằng có hợp, thuận lòng thì ở với nhau, sống với nhau còn không thì thôi, không cần, không níu kéo người không còn xứng đáng nữa”, chính là hiểu theo nghĩa bóng (mà chúng tôi cho rằng GS Nguyễn Lân giảng còn thiếu). Tuy nhiên, cách giảng của PGS.TS. Lê Đức Luận có phần hạn hẹp và quá cụ thể (so với yêu cầu khái quát nghĩa của từ điển).
Như thế, PGS.TS Lê Đức Luận đã mặc nhiên công nhận góp ý của chúng tôi: “GS. Nguyễn Lân “giải thích thiếu đi ý quan trọng của nghĩa bóng”.
 Trong tác phẩm “Hai nhà”, Lê Lựu viết:
Cho nên, là thằng đàn ông chúng mình phải yêu thương chăm lo hết lòng cho vợ con. Nhưng lại phải có khả năng bất chấp, sẵn sàng một tư thế lành làm gáo, vỡ làm muôi, quyết liệt đến cùng, có thể phá tan tành nó ra rồi lại ki cóp, lọ mọ làm lại từ đầu”.
Thời xa vắng”, Lê Lựu lại vận dụng: “Vui vẻ với bất cứ ai bà cũng sẵn lòng, nhưng bây giờ nhất quyết nhà nó phải có nhời trước, bằng không lành làm gáo vỡ làm muôi.” (Dẫn theo “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam trong hành chức”, Đỗ Thị Kim Liên chủ biên).
Thôn ven đường”, Xuân Thiều cũng viết: “Nét mặt của thím Hai Cao đanh lại, hàng lông mày rậm xô vào nhau, khiến cho câu hỏi của thím thành một lời phán truyền, dường như tụi dân vệ không trả lời không được, không trả lời sẽ biết tay, lành làm gáo, vỡ làm muôi”.
Đất làng” viết: “-Đêm hôm qua chị giỏi thật. Chúng tôi nằm trong nhà nghe, cứ chờ xem nếu động dụng thế nào là à sang.-Em cũng để sẵn cả liềm, đòn càn rồi đấy. Lành làm gáo vỡ làm môi chị ạ” (Nguyễn Thị Ngọc Tú)[2].
Cách dùng thành ngữ “lành làm gáo, vỡ làm muôi”, trên đây cho thấy, nghĩa bóng được hiểu “không sợ đụng chạm, không sợ hỏng việc, sẵn sàng chấp nhận mọi tình huống, kể cả sự đổ vỡ”. Vậy, nếu cho rằng hiểu nghĩa bóng của Công chưa đúng” (như PGS.TS Lê Đức Luận khẳng định), thì phải hiểu thế nào mới đúng?
Đáng chú ý, trong sách “Từ điển từ và ngữ Việt Nam”, GS. Nguyễn Lân giải thích hai câu tục ngữ trên không có gì khác. Cái khác là soạn giả đưa thêm ví dụ về cách dùng rất “trái khoáy”:

-lành làm gáo, vỡ làm muôi • ng. (Sọ dừa có thể dùng làm gáo múc nước, làm muôi múc canh) Nói cách sử dụng người hoặc vật tùy theo khả năng <> Anh ấy không thông minh lắm, nhưng thật thà, ta có thể dùng được, lành làm gáo, vỡ làm muôi mà!”.

-lành làm thúng, thủng làm mê • ng. (Mê là vật dùng để đậy) Như mục trên <> Chị ấy nói ngọng, nhưng giỏi về kế toán, sao không dùng được, các cụ ta thường nói: Lành làm thúng, thủng làm mê kia mà”.
          Thực ra, với trường hợp (trong hai ví dụ) mà GS. Nguyễn Lân đưa ra, người ta sẽ vận dụng câu “Dụng nhân như dụng mộc”, chứ không ai dại gì ví von với gáo “lành”, gáo “vỡ”, thúng “lành”, thúng “thủng”. Cán bộ tổ chức mà trổ tài ăn nói kiểu vậy, có khi “anh ấy” và “chị ấy” giận cho cả đời chứ chẳng chơi![3]

                                                           HTC/9/2017

Chú thích:

[1], [2]-Dẫn theo “Thành ngữ tiếng Việt” (Nguyễn Lực-Lương Văn Đang, NXB Khoa học xã hội, 1978). Sách này thu thập dị bản: “Lành làm thúng, RÁCH làm mê”, và lấy ví dụ: “Đây là chủ trương-nói là hai gọng kìm nhưng không đúng, phải nói là chủ trương lành làm thúng rách làm mê. Được thì xúc, thua thì làm mê mà che mặt vậy” (Báo Thống Nhất 6-3-1970)”.

Qua các ví dụ trong bài cũng cho thấy, "Lành làm gáo, vỡ làm muôi", hay "Lành làm thúng, thủng làm mê", có nghĩa bóng rất rộng chứ không chỉ bó hẹp với cách hiểu: Trong tình huống này, hai câu này có ý nói rằng có hợp, thuận lòng thì ở với nhau, sống với nhau còn không thì thôi, không cần, không níu kéo người không còn xứng đáng nữa”, như PGS.TS Lê Đức Luận đề xuất.


[3]-Kiểu hướng dẫn cách dùng thành ngữ khiên cưỡng này xuất phát từ chỗ, soạn giả chỉ có một cách hiểu duy nhất, đó là Nói cách sử dụng người hoặc vật theo đúng khả năng”. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét