HOÀNG TUẤN PHỔ
Chữ "Thần" trên vách đá cửa biển Thần Phù Ảnh Báo Dân Trí |
Trong lịch
sử nghìn xưa Đại Việt, non nước Thần Phù là danh sơn thắng địa bậc nhất trong
12 cửa biển, mặc dù dân gian vẫn truyền tụng:
Lênh đênh qua cửa Thần Phù
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm!
« Tu » gì ? Tu tiên hay
tu phật ? Tục truyền trên núi Thần Phù thuở xưa, La Viện chân nhân tu hành
đắc đạo, trổ phép thần thông dẹp tan sóng to gió dữ, cứu giúp thuyền mảng ra
vào, qua lại cửa biển Thần Phù, mang danh hiệu Áp Lãng chân nhân.
Sông Thần Phù từ bến Tuần Chính Đại chảy xuống
uốn lượn quanh chân núi Thần Phù như lưu luyến không muốn chia xa, nhưng cuối
cùng cũng đành phải đổ ra cửa biển Đông. Có lẽ vì thế cửa Thần Phù hay nổi cơn
giận dữ, gây sóng gió bất thường? Nhưng cửa Thần Phù, sông Thần Phù cùng với
núi Thần Phù đã đẹp duyên, phối cảnh tạo nên một vùng non nước tráng lệ, núi
sông hùng vĩ.
Tên
trước của Thần Phù là Thần Đầu. Tương truyền Lê Thánh tông trên đường về quê
Lam Sơn thăm viếng Lam Kinh, qua đây thấy núi non trùng điệp những rồng bay, phượng
múa, tàn lộng rợp trời, voi phục ngựa chầu, nhà vua ngẫu hứng giơ ngón tay trỏ
lên, hướng về vách núi cao đẹp, viết qua không gian một chữ THẦN (Hán tự). Sau
người ta bỗng thấy trên đó hiện lên lờ mờ nét chữ, rồi dựa vào khắc sâu cho rõ
thêm nét chữ, thành «Bia Thần ». Từ đây, «Thần Đầu » đổi ra Thần Phù
(Đại
Nam nhất thống chí). Lại có thuyết nói chúa Trịnh Sâm, ông chúa lừng
danh si tình hay thơ, du ngọan thế giới thần tiên này đã sai khắc lên đó một
chữ THẦN to tướng (Hoàng Việt nhất thống dư địa chí).
Non nước Thần Phù Ảnh: VTC News |
THẦN PHÙ HẢI KHẨU
Cố quốc quy tâm
lạc nhạn biên,
Thu phong nhất
diệp hải môn thuyền.
Kình bôn, lãng
hống lôi Nam Bắc,
Sóc ủng liên
sơn ngọc hậu tiền.
Thiên địa đa
tình, khôi cự tẩm
Huân danh thử
hội tưởng đương niên.
Nhật tà ỷ trạo
thương mang lập
Nhiễm nhiễm hàn
gian khởi mộ yên.
Nguyễn Trãi
Dịch thơ : CỬA BIỂN THẦN PHÙ
Nhớ nước lòng
theo bóng nhạn côi,
Đậu thuyền cửa
biển lá thu rơi.
Sóng kình tựa sấm rung Nam –
Bắc
Núi giáo như măng dựng đất
trời.
Non nước đa tình khơi biển
lấp,
Công danh mấy hội gửi sông
trôi.
Dựa chèo bóng xế mênh mang
đứng,
Khói tỏa sông chiều nước lạnh xuôi
(Hoàng
Tuấn Phổ dịch)
Nguyễn Trãi 20 tuổi (1.400) đỗ tiến sĩ
đời Hồ, được bổ dụng ngay chức quan Ngự sử. Năm 1407, quân Minh xâm lược, cha
ông, Nguyễn Phi Khanh bị bắt cùng họ Hồ đưa về Trung Quốc. Bài cửa biển Thần
Phù có lẽ tác giả viết trên đường vào Thanh Hóa tìm minh chủ cứu nước, khi con
thuyền nghỉ đậu ở cửa biển Thần Phù như một chiếc lá bị gió thu thổi lạc vào.
Ông mang khối buồn muôn nỗi giữa cảnh trời nước mênh mang, nhưng bức tranh
thiên nhiên Thần Phù không vì “người buồn cảnh có vui đâu", vẫn uy nghi
hùng tráng, sóng dữ thét gào như sấm, núi non điệp trùng cả rừng cây măng mọc
dựng lên lớp lớp trường thành.
Thời
Trần, Tể tướng Nguyễn Trung Ngạn, một thi bá, hễ có dịp lại du ngoạn núi sông,
đến Thần Phù, dạt dào thi hứng, tức cảnh đề thơ:
Phiên âm:
“Ba đào nhật cước tán hà hồng,
Vô hạn ngư gia lạc chiếu
trung.
Nhất thủy bạch tòng thiên
thượng lạc,
Quần sơn thanh đáo hải môn
không.”
Nguyễn Trung
Ngạn
Dịch thơ:
Vầng hồng giỡn sóng ráng trời
pha
Ngàn ngạt thuyền ngư đậu bóng
tà.
Nước bạc tận trời sông chảy
mãi
Non xanh tới biển, núi chìm
xa.
(Hoàng Tuấn
Phổ dịch)
Sách địa lý phong thủy nói về núi Tam Điệp
như con rồng chắn ngang Giao Chỉ - Cửu chân, tách ra làm hai con rắn thần lượn
đến núi Thần Phù rồi lặn xuống biển Đông, bỗng ngoi đầu nổi vọt lên làm hòn Đầu
Trâu hướng tới phương Nam. Đó là “địa cục” Gia Miêu, làng quê họ Nguyễn, thời
Lê Trung hưng, Nguyễn Hoàng đã từ giã Tống Sơn, Thanh Hoa “mang gươm đi mở
nước” và đã mở đất từ núi Hoành Sơn đến tận tỉnh An Giang. Thời phong kiến, hòn
Đầu Trâu, vì nhô lên hai cái sừng nên gọi là Song Ngưu. Lại có tên hòn Thiên
Trụ (cột chống trời), hòn Chích Trợ (núi Chiếc Đũa). Thơ Trịnh Sâm viết:
Nhất vọng thương mang hải sắc
thu
Thủy trương Chích
Trợ chướng hoành thu
(Biển biếc mênh mông xa ngắm
trông,
Ai đem chiếc đũa chắn ngang
dòng? – HTP)
Nay, Chích Trợ sơn hay Thiên Trụ sơn
mọc lên từ dưới lòng đất, những làn sóng xanh biếc vây quanh đã hóa thành luống
khoai, ruộng lúa xanh rờn, nhưng vẻ thần tiên trong lời thơ Tĩnh Vương vẫn còn
phảng phất khi sương sớm huyền ảo, lúc mây chiều bảng lảng.
Núi dễ lở, sông hay bồi. Những dòng
hải lưu từ sông Hồng, sông Đáy, suốt mấy trăm năm không biết mệt mỏi, ngày đêm
đem phù sa tạp chất về bồi lấp cửa biển Thần Phù cho đến bến tuần Chính Đại thành một dải đất
dài rộng, đồng nội bát ngát, xóm thôn trù mật của miền đông bắc huyện Nga Sơn.
Tuy nhiên, những bia Thần, động Tiên kề bên cõi tục vẫn chung sống hài hòa,
cùng tạo nên một vùng danh sơn thắng địa đặc sắc và độc đáo, xứng danh “Nam
thiên đệ nhất” như người xưa đã nói.
Hướng
về ngọn Bia Thần, động Bạch Nha (tức Bạch Á, Bạch Ác), tượng Phật ngồi trên tòa
sen, mắt lim dim, miệng mỉm cười hoan hỉ nghe thấy bước chân La Viện chân nhân
đang về đây, khi “kình phun sóng thét” đã lùi xa… Cùng xã Nga Thiện, động Bích
Đào, nơi Từ Thức lạc bước Thiên Thai, cũng là chốn Bồng Lai lôi cuốn du khách
bốn phương vào thăm thú cõi tiên.
Tháng
2 mùa xuân Tân Mão (1771), Chúa Trịnh Sâm mang tâm hồn say thơ với trái tim si
tình đến động Bích Đào hỏi thăm chàng Từ Thức thất tình, vì một phút “vụng suy”
nên duyên phận lỡ làng, để nàng Giáng Hương nghìn thu cô quạnh! Nhà chúa lưu
bút chia buồn cùng giai nhân:
ĐỘNG TỪ THỨC
Nguyên tác:
Chu trình thừa hứng phỏng Từ
Lang,
Động khẩu y thiên tỏa tịch
dương
Bích quải nghê thường quang ỷ
tri
Thạch xao phong vũ hưởng cung
thương.
Tiên duyên sự tích tam sinh kế
Triền hải kinh kim kỷ độ
dương.
Mạc thuyết Dao trì dư tuấn
nhật,
Tư du hà dị
lãng Bồng Hang?
Dịch thơ:
Dừng thuyền cao
hứng hỏi Từ Lang
Cửa động chiều
hôm khóa nắng vàng.
Xiêm áo nhuộm
trần treo vách gấm,
Gió mưa gõ đá
dạo cung đàn
Ba sinh hương
lửa nên hò hẹn,
Mấy độ tang
thương hóa lỡ làng !
Ai bảo cung
tiên ngày chóng hết ?
Đào Nguyên đừng
hỏi lối nào sang !
(Hoàng
Tuấn Phổ dịch)
Ngoài cửa động có miếu thờ Bích động
tiên sơn Linh Bà, vị tiên mẫu đã xe duyên cho Giáng Hương – Từ Thức. Người đời
không nghĩ bà đã xe sợi tơ hồng mong manh quá mà « trách chàng Từ Thức
vụng suy – Đã lên cõi Bụt tiếc chi cõi trần ! ». Ai bảo các chàng
trai, cô gái, những Từ Thức tân tiến, Giáng
Hương tân thời không nhờ Tiên Bà giúp cho một tay?
Xã Nga Thiện còn đền thơ nữ tướng Lê
Hoa cùng bốn con trai giúp hai bà Trưng khởi nghĩa đánh quân Hán xâm lược, sau
chiến thắng, không nhận quan tước, lại trở về đất Nga Sơn khai phá ruộng hoang,
lập nên trang ấp, nêu cao tấm gương kim cổ.
Không
xa động Từ Thức, là động Lục Vân (xã Nga Điền), phong cảnh u tịch, thanh
nhã, núi non trùng điệp, cây cối xanh um, hướng nhìn ra một dải sông dài và
đồng nội xa tít tắp… Cửa động cao 10 cấp, bên trong nhiều hình tượng đẹp kỳ lạ.
Một nghiên mực lớn bằng đá trắng, như thần tiên xoi tạc dành sẵn mời thi nhân
dầm ngọn bút lông đề thơ ngâm vịnh. Bộp y phục xiêm, áo, mũ đai và con rồng hóa
đá, đầu cất cao, đuôi quật xuống, chứng tích chuyện xưa tiên nữ cưỡi rồng từ
thượng giới xuống chơi rồi mến cảnh say tình ở lại…
Tại đây, từng diễn ra cuộc xướng họa
thơ đông vui, đầy thi vị của hội thơ Tao Đàn, do Lê Thánh tông làm «Đại nguyên
soái», lấy «Động Lục Vân», chốn thần tiên giữa cõi trần gian làm đầu đề chung.
Hằng năm, mùa xuân, Lê Thánh tông từ
kinh đô Thăng Long về Thanh Hoa thăm viếng đất tổ Lam Sơn, dừng thuyền rồng tạm
nghỉ hành cung trên bến Thần Phù. Rồi nhà vua du ngọan núi sông, mỗi lần lại
khám phá thêm điều mới mẻ, nét đẹp biến hóa kỳ diệu của non nước Thần Phù. Vua
Lê Hiển tông kế nghiệp Thánh tông, lúc còn làm Hoàng thái tử đã ba lần được
theo hầu Phụ hoàng tới Thần Phù. Với tâm, hồn thi sĩ của ông vua say ngắm cảnh
trí giang sơn gấm vóc, Lê Hiến tông cũng lưu bút:
ĐỀ LỤC VÂN ĐỘNG
Săm nha, ngoan
thạch ỷ thiên khai,
Nam quốc sơn hà
tín mỹ lai.
Ức tích bồi van
tam độ chí
Như Kim y cẩm
lục phi lai.
Sơn dung nhật
noãn trang hồng ngạc,
Thạch kính tình
đa tú lục đài
Khởi tất phạm
cung xưng lạc thổ,
Suất tân xích
tử thướng xuân đài.
LÊ HIẾN TÔNG
Dịch thơ:
Động đá chênh
vênh đứng giữa trời,
Đẹp thay sông
núi Việt muôn đời.
Ba lần độ trước
vua cho dự,
Sáu ngựa hôm
nay trẫm đến chơi.
Cây phủ sườn
non hoa đỏ thắm,
Rêu phơi đường
đá sấc xuân tươi.
Thiên đường
không ở riêng chùa núi,
Phúc lớn mưa
nhuần thấm khắp nơi.
(HOÀNG TUẤN PHỔ dịch)
Rất nhiều danh sĩ thi nhân trong nước
đã đến du ngọan Thần Phù như Đỗ Nhuận, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Sĩ, Lê Tương Dực, Lê
Tuấn Ngạn, Nguyễn Xung Xác,… và lưu bút đề thơ, để lại những vần thơ tuyệt tác.
Với chúng ta ngày nay, biết bao điều kỳ diệu,
vẻ hùng thiêng một vùng non nước Thần Phù chưa được khám phá: Con trâu Gia Miêu
(núi Đầu Trâu) sao không theo Nguyễn Hoàng vào Nam mở cõi mà ở lại mê mải cày
ruộng Nga Sơn? Mai An tiêm mang cả đảo hoang ngoài khơi về đất liền cùng quả
dưa hấu mát rượi trưa hè khi du khách đến thắp hương đền tưởng niệm? Động đá
Duyên Vân, động Chợ tiên, Ông già chăn dê uống rượu đào tiên say khướt, ngủ
quên bỏ lại đàn dê hóa đá ? Động Lã Vọng, lão câu cá sông Vị Thủy bên Tàu
sang Nam Việt câu trộm cá biển Đông, bị «kình phun sóng thét » sợ hết hồn
trốn vào hang đá? Núi Vân Lỗi đỉnh bằng có phải là sân chơi tạo hóa? Tại sao
dân gian nói «Cơm Chính Đại làm hại Thần Phù" ? Đã có ai đã thử
trèo chiếc thang mây chênh vênh chín bậc trước cửa Thần Phù bắc ra biển
Đông ?,…
HTP/9/2015
Những bài thơ ấy nếu có thêm chữ Hán và hình ảnh ma nhai nữa thì tuyệt.
Trả lờiXóa