15 thg 9, 2015

Địa danh một số làng biển Thanh Hoá-Kỳ 2-Làng Diêm Phố

Vùng biển Diêm Phố (xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc)

                                                                                                           Ảnh: Lê Hoàng
HOÀNG TUẤN PHỔ


Nếu Bạch Câu cư trú bên bờ sông thì Diêm Phố-Hậu Lộc-Thanh Hóa dựng làng trên bờ biển. Học giả Pháp Robequain trong sách địa chí viết về Thanh Hoá ước đoán làng Diêm Phố ra đời khoảng thế kỷ XVII và xưa kia làm ruộng, về sau đánh cá. Không đúng. Vì Diêm Phố là tên chữ, một cái tên gắn liền với quá trình lịch sử suốt mấy trăm năm từ thời nhà Lê, của làng quê biển này. Xem Hán tự ký âm Diêm Phố 鹽浦 trong sử sách: Diêm là muối, Phố là bến nước, bãi sông, ở đây hiểu là “nại muối”.


Diêm Phố vốn xưa làm nghề muối, bởi hải lưu đem phù sa bồi lấp hết ruộng đồng, nông dân phải chuyển làng lên dải cồn cát do biển mang đến, xây dựng làng mạc ở ngay bên cạnh biển. Không còn ruộng để làm muối nhưng biển lộng khơi xa lại sẵn tôm, nhiều cá là cơ sở tốt, tạo thuận lợi cho Diêm Phố vững chân và phát triển. Đầu thế kỷ XX, dân số Diêm Phố ước tính 3.000 người. Đó là một làng biển lớn không kém những làng đông dân cư trù mật nhất.

Miếu thờ 344 ngư dân của làng Diêm Phố tử nạn trên biển năm 1931 tại quần thể
di tích chùa - nghè Diêm Phố.
                                                                           Ảnh và chú thích Ngọc Huấn


          Theo Robequain, với số liệu thống kê điều tra năm 1925, Diêm Phố có độ 600 nóc nhà, chừng 3.000 nhân khẩu, có 125 thuyền và 300 chiếc mảng, là trung tâm đánh cá lớn nhất tỉnh. Thực ra, thuyền mảng nhiều, bình quân 3 nhà có 2 thuyền hoặc mảng, đời sống ngư dân nếu không giàu có chắc cũng no đủ. Nhưng ngư cụ chủ yếu nằm trong tay nhà giàu, phần đông dân làng phải ở đợ, làm thuê chẳng khác tình cảnh nông dân ở trong những ngôi làng trù phú. Một số hộ dân Diêm Phố cày ruộng trên những thửa ruộng xâm canh hoặc thuộc địa phận làng mình, kết quả một quá trình mua bán, trao đổi lâu đời.

Tam quan và chiếc chuông đồng vẫn được lưu giữ tại quần thể di tích chùa - nghè Diêm Phố:
đền Cả thờ Tứ vị Thánh nương, chùa Liên Hoa, đền thờ thần Cá Ông (Ngọc Lân Thần), miếu thờ 344 ngư dân của làng 
                                 tử nạn trên biển năm 1931, đền thờ Nẹ Sơn (thờ đức vua Thông Thủy Nẹ Sơn).

                                                                    Ảnh và chú thích của Ngọc Huấn (báo Văn hóa đời sống)
                                                                                  

          Nói chung các làng biển, đời sống kinh tế dù giàu hay nghèo, văn hoá tín ngưỡng vẫn phong phú, đậm đà sắc thái biển. Đền thờ Tứ vị thánh nương và miếu thờ Đức ông Cá voi ở đây rất nghi vệ. Riêng đền thánh Cả thờ Tứ vị thánh nương ngoài phần lễ có cả phần hội: Rước thuyền, Đua thuyền, Hát ghẹo,…Hoặc trực tiếp hay gián tiếp, lễ tục và hội hè ở đây như các làng biển khác đều cầu cho dân mạnh, làng giàu, sóng yên bể lặng, đánh bắt được nhiều tôm cá. Về nội dung thờ cúng, lễ tục cầu mát đền thờ Tứ vị thánh nương chịu ảnh hưởng nặng nề của nghi thức lễ Kỳ yên của đạo Phù thuỷ. Xét thần tích Tứ vị thánh nương đền Diêm Phố cũng có những điều đáng bàn. Ví dụ:

           1-Tứ vị thánh nương gồm 3 bà và một hoàng tử bị cắt ngọc hành là “dị bản” khiên cưỡng, bất hợp lý so với các “dị bản” ở nhiều đền Tứ vị khác như: Yên Mô- Ninh Bình, Vụ Bản-Nam Định, Vân Châu-Kim Bảng, Hà Nam,…đặc biệt là đền thờ gốc Càn Hải-Quỳnh Lưu-Nghệ An,…


          2-Thực ra ban đầu, căn cứ thần tích gốc Việt điện u linh do Lý Tế Xuyên khởi soạn đầu thế kỷ XIV, Nguyễn Văn Chất tục biên vào thế kỷ XV, chỉ có tam vị: Hoàng hậu và hai công chúa.v.v…

Đây là vấn đề phức tạp của truyền thuyết lịch sử được dân gian hoá thành cổ tích, không nên xem là chuyện lịch sử có thật.

                                                                                                               HTP

                                   (Kỳ sau Làng Triều Dương-Sầm Sơn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét