3 thg 2, 2015

Bói thơ tiên, tìm được kẻ trộm dê

            HOÀNG TUẤN PHỔ


Trong xã hội cũ, giới hành nghề mê tín, ngoài thầy bói, thầy cúng, ông đồng, bà cốt...còn có ông tiên. “Ông tiên” này không phải là nhà tu hành thuộc phái đạo gia của Lão giáo. Ông cũng là người thường, có gia đình, vợ con, sống với gia đình, vợ con, nhưng được các vị tiên thánh trên trời ứng nhập để cứu nhân độ thế. Trong con người này có lúc là tiên thánh, tiên sư; khi tiên thánh, tiên sư ứng nhập, nếu không ông chẳng khác chi kẻ phàm trần. Trong nhà ông lập điện thờ ba vị tam tôn: Nguyên Thủy thiên tôn (Ngọc Hoàng thượng đế), Đạo Đức thiên tôn (Thái Thượng Lão Quân), Huyền Thiên Thượng đế (Huyền Vũ). Có khi thờ thêm Trương Đạo Lăng, giáo chủ Đạo giáo (Lão giáo). Tuy là “đệ tử” Đạo giáo, “ông tiên” không luyện thuốc trường sinh (Đan đỉnh phái) lại thiên dùng phù chú chữa bệnh (Pháp lục phái). “Ông tiên” còn một kiểu hành nghề khá đặc biệt: “bói thơ tiên”, dùng văn chương bác học để diễn đạt lời truyền dạy của tiên thánh, đối với tín chủ có lòng thành cầu xin bề trên chỉ bảo.

Khoảng năm 1948-1949, tôi học trường Trung học tư thục Na Sơn, Nông Cống, trọ tại một gia đình thân quen ở thôn Cầu. Làng này “đầu làng ông đồng, cuối làng ông tiên”. Ông đồng thì lên đồng chữa bệnh. Chỉ những điều ông phán bảo trong khi lên đồng, ấy là lúc thần thánh nhập vào ông mới linh nghiệm. Còn ông tiên vì luôn luôn là tiên thánh, nên mỗi lời ông nói ra đều mang ý tứ của tiên thánh.

Điện thờ tiên thánh của “ông tiên” làng Cầu ở ngay dưới gốc cây bòng bòng trước sân, đặt mấy hòn đá giả làm núi và một bát hương cổ trên phiến đá nhỏ. Nơi ấy ông gọi là động tiên. 

Có người hiếm con, đem lễ vật cầu tự. Ông rót rượu ra uống, chén hết xôi gà, rồi bảo người ấy đem đến chiếc chiếu mới để ông đổi cho chiếc chiếu cũ của nhà ông, mang về trải ra, hai vợ chồng cùng nằm, ắt sẽ sinh con! Bà chủ nhà tôi trọ bị ốm, mời ông đến cúng lễ. Ông uống rượu trước rồi mới cúng sau. Cúng xong ông ngậm rượu phun vào người ốm ba lần. Sau đó ông lại bảo: “Trên thượng giới năm nay loạn, có con “thiên cẩu hạ thực”, nó vào nhà nào nhà ấy phải cho nó ăn, ai không cúng nó, nó bắt tội. Ngày mai phải cúng nó một miếng thịt lợn sống, bệnh nhân sẽ không bị quấy rầy nữa!” 

Với cách chữa bệnh khác thường ấy, ông tiên làng Cầu nổi danh  khắp vùng Nam Thanh Hóa.

          Nhớ lại năm 1944, một hôm ông tiên làng Cầu tự nhiên đến nhà tôi. Chỉ vào cây gậy  trúc và cái túi vải đeo trước ngực, ông nói đó là chữ “nhất” và chữ “tâm”; vì ông “nhất tâm” đối với tiên thánh nên ông là tiên thánh, mà tiên thánh cũng là ông. Ông hỏi tôi: “Tên là gì?”. Tôi thưa: “Cháu tên Niệm.” Ông nói: “Chữ Niệm trên chữ kim, dưới chữ tâm không hay bằng chữ phả, đã có chữ phổ là rộng khắp bao quát, còn có chữ ngôn là nói, là lời, là chữ. Vậy ta đặt cho tên là Phả. Phải tên là Phả thì học mới giỏi, thi mới đậu.” 

            Gia đình tôi bằng lòng đổi tên cho tôi là Phổ, vì chữ “phả” cũng có âm đọc là “phổ”. Năm ấy, tôi đi thi để lấy bằng Sơ học yếu lược. 

    Là một chú bé nhà quê, bé nhỏ nhút nhát, chưa đến mười tuổi, tôi lần đầu ra thị xã Thanh Hóa, trông thấy tên lính Nhật dữ tợn, đeo kiếm dài sát đất đứng gác cửa trường, không khỏi giật mình sợ hãi. Vào trường, tôi ngồi lọt thỏm giữa các ông lớn tuổi khăn xếp, áo lương, và các bậc đàn anh tóc chải mượt, khi cười lộ ra chiếc răng vàng chóe! Kết quả là tôi hỏng thi. Sự đổi tên không cứu nổi bài thi “Ám tả”, tôi đã viết sai bét, vì không may gặp phải ông thầy Nghệ. Cái giọng đọc trọ trẹ lần đầu tiên tôi nghe chẳng hiểu “mô tê” gì cả! Từ đó, gia đình tôi không ai tin cái “tài thánh” của ông tiên ấy, cho là ông chỉ giỏi tán dóc!

Ông cụ nhà tôi tính thích ngao du, chơi thân với ông tiên Xa Thư. Ông này không phù phép chữa bệnh, mà chỉ “bói thơ tiên”. Trong nhà ông lập điện thờ các tiên thánh, tiên sư, ai muốn cầu xin điều gì viết ra trên giấy, bỏ vào phong bì dán kín đặt lên bàn thờ với lễ vật rồi lầm rầm khấn vái, xuýt xoa gì đó, không ai nghe biết. Ông tiên Xa Thư ngồi xếp bằng tròn giữa chiếu trải trước bàn thờ. Trước mặt ông một chiếc mâm đồng, trong lòng mâm đựng đầy gạo và một cái bút Nho bằng gỗ to chừng ngón tay cái. Đầu ông lập khăn đỏ phủ kín cả mặt. Bỗng ông lắc lư đầu và rung rung người. Biết tiên thánh ngài đã nhập đồng, tín chủ quỳ vái lia lịa. Ông tiên Xa Thư quờ tay cầm đúng cái bút gỗ, gạt ngang một cái, mâm gạo thành một mặt phẳng. Ông viết rất nhanh những chữ Nho lên mâm gạo. Ông cụ nhà tôi ngồi chếch bên cạnh đoán chữ, chép lại từng chữ một trên giấy, rồ chép lại thành bài thơ. Ông tiên Xa Thư ban thơ xong, lật tấm khăn điều, miệng khẽ mỉm cười với tân khách chung quanh, coi như không có chuyện gì quan trọng xảy ra. Ông cụ nhà tôi đọc to bài thơ lên, vừa đọc vừa ngâm nga thú vị rồi cắt nghĩa cho tín chủ nghe. Nếu tín chủ không cần, thì bài thơ được bỏ vào phong bì để họ mang về tự suy ngẫm, hoặc nhờ ai đó giảng giải, tùy ý.

          Ông tiên Xa Thư học Nho không bằng ông cụ nhà tôi, nhưng ông có tài làm thơ Đường luật và ứng tác rất nhanh. Người ta cho rằng cái tài ấy nhờ tiên thánh ứng nhập mà có. Bởi vì bình thường, ông không hề làm thơ, và những gì khi ông viết lên mâm gạo lúc tiên nhập, sau đó, ông quên hết. Cho nên người ta bảo thơ ông là thơ tiên, thơ tiên cũng là thơ ông và việc xin thơ ông là “bói thơ tiên”.
          Ông cụ nhà tôi kể rằng, một lần, khách đến bói thơ tiên là ông “Cử đom đóm”. Ông này quê Thượng Vạn, Nông Cống, đậu cử nhân Hán học. Ông mang biệt danh Cử Đom Đóm, vì bài thi có gặp chữ khinh húy, đáng lẽ phải bỏ bớt đi một nét, ông lại cứ viết đầy đủ như thường. Ban đêm, các quan khảo chấm bài, thấy một con đom đóm từ ngoài bay vào đậu trên trang giấy và cứ bám chặt lấy nét chữ đúng ra phải bỏ đi. Mọi người nghĩ là thí sinh âm đức tốt nên được âm phù, bèn chấm cho đỗ.

          Ông tiên Xa Thư vốn nghe tiếng ông Cử Đom Đóm tài cao học rộng, tính lại nghiêm khắc, cũng hơi chờn. Trong khi trò chuyện, ông Cử rất kín đáo, không hé ra chút nào về công việc gia đình nhà mình. Cả anh đầy tớ của ông miệng cũng câm như hến. Ông tiên Xa Thư bàn với ông cụ nhà tôi: “Bác lấy một cái phòng bì bỏ vào ống tay áo, khi thắp hương, bác tìm cách đánh tráo giúp tôi để xem ông Cử cầu xin gì. Xem xong, bác lại tìm cách trả phong thư vào chỗ cũ” (Phong bì để sẵn từng xếp trên bàn thờ tiên, tín chủ phải xin phong bì này mới linh nghiệm. Vì thế, trông bề ngoài các phong bì đều giống nhau). Ông cụ nhà tôi đánh tráo được phong thư, mới biết ông Cử Đom Đóm bị mất con dê đực đầu đàn, cầu xin tiên thánh cho biết đứa bắt trộm dê!

          Nhưng sự việc vẫn còn khó khăn. Làm sao chỉ ra được kẻ gian? Mà nói sai thì chết với người ta chứ chẳng chơi! Ông tiên Xa Thư vốn thông minh nhanh trí, chợt nhớ ra bên Tàu có chuyện Tô Vũ chăn dê, bèn ngồi đồng và viết lên mâm gạo bài thờ Đường luật tám câu vịnh Tô Vũ. Ông thân sinh tôi đã quen dựa vào đường nét mà đoán chữ, vừa chép vừa hoàn chỉnh thành một bài thơ (cố nhiên ông Cử không thể hoàn chỉnh trên mâm gạo):

Kìa chàng Tô Vũ bấy nhiêu công,
Há biết cùng ai giãi mối lòng?
Nghĩa đởm chưa tan lò sắt đá,
Tiết mao đành gửi áng non  sông.
Cuộc cờ bích động chờ khi hội,
Chén rượu bàn đào hẹn uống chung.
Ơn chúa còn mong ngày báo đáp,
Thương đàn trẻ dại đứng mà trông!

Ông Cử Đom Đóm bảo ông cụ nhà tôi: “Chữ thầy viết tốt lắm! Thầy có giải được bài thơ này không?” Ông cụ nhà tôi lễ phép thưa: “Dạ bẩm, đối với cụ cử, con không dám!” Ông Cử Đom Đóm gật đầu: “Để ta về coi lấy cũng được. Hẹn tuần sau, ta sẽ tạ lễ.”

          Đúng mười ngày sau, ông Cử Đom Đóm đến tạ lễ thật. Ông tiên Xa Thư và ông cụ nhà tôi cứ lo ngay ngáy, bây giờ thở phào nhẹ nhõm.  Thì ra, theo ông Cử, bài thơ tiên hay lắm, ngài đã báo tất cả. 

          Hai câu thơ đầu là nói về công lao nuôi đàn dê của ông đã lên tới mấy chục con. Bọn gian bắt trộm dê của ông làm thịt trong hang núi, đốt lửa nướng, còn dấu than củi và mùi thịt dê (Nghĩa đởm chưa tan lò sắt đá). Tiết và da lông chúng chôn ở chân núi kề bờ sông (Tiết mao đành gửi áng non sông). Chúng họp nhau trong hang đá đánh chén (Cuộc cờ bích động chờ khi hội, Chén rượu bàn đào hẹn uống chung). Cầm đầu bọn trộm lại là tên đầy tớ tin cẩn của ông, vẫn nói xoen xoét một ông chủ, hai ông chủ (Ơn chúa còn mong ngày báo đáp). Vì con dê bị trộm là con dê đực đầu đàn, hàng ngày dẫn đàn dê bơi qua sông vào núi kiếm ăn, chiều tối lại trở về chuồng, nay nó mất đi, cả đàn ngơ ngác như gà mất mẹ (Thương đàn trẻ dại đứng mà trông!)

          Ông Cử Đom Đóm đi đâu, ngồi nói chuyện với ai cũng ca ngợi ông tiên Xa Thư, khiến tiếng ông tiên Xa Thư càng thêm danh tiếng. Nhưng ông càng danh tiếng, khách tới lui càng đông, nhà ông càng nghèo vì thu không đủ bù chi. Nghề bói toán thờ tiên đối với ông là thú vui hơn là mục đích kiếm sống. Sau 1945, ông giải nghệ, chuyển làm giáo viên bình dân học vụ.

          Trước 1930, một số nhà yêu nước mượn hình thức bói thơ tiên để truyền bá tư tưởng yêu nước, phản đế, bài phong. Đó là trong cái  tiêu cực có cái tích cực vậy.


                                                                                        HTP 


* Nguyên bài viết có tên Bói thơ tiên, TCTP đặt lại.

1 nhận xét:

  1. Cảm ơn bác, bác cho cháu hỏi " nói phét " là sao ạ, làm sao tạo ra cả làng nói phét ạ, cảm ơn bác!

    Trả lờiXóa