Hoàng Tuấn Phổ
Quỷ môn quan (Chi Lăng) với giặc Tàu xâm lược “Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn” |
Báo Pháp luật Việt Nam số ra ngày 24-5-2014
đưa tin: Hãng thông tấn RIA Novosti ngày 19-5-2014 đăng bài của ông Dmitry
Kosirev, một nhà bình luận về chính trị của Nga viết: “Việt Nam là vùng đất thuộc Trung Quốc từ cách đây 2.000 năm”, và
nhiều điều bịa đặt, xuyên tạc chung quanh vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan vào
vùng biển Việt Nam, khiến dư luận Việt Nam phẫn nộ!
Chúng
ta dễ hiểu ông Dmitry Kosirev chỉ là một nhà bình luận về chính trị mà chính
trị lại không phải sử học, nhưng ông đã tỏ ra thông thái hạ đặt một câu hoàn
toàn sai lầm như Trung Quốc hạ đặt giàn khoan tại vùng biển Việt Nam! Có lẽ vấn
đề đặt ra phải ngược lại: Trung Quốc xâm
lược Việt Nam
từ bao giờ mới đúng tinh thần của bài bình luận.
Lịch sử
Trung Quốc bắt đầu từ nhà Hạ 2140 năm trước Công nguyên (TCN) cùng thời với
thời đại Hùng Vương nước ta được ghi chép rõ ràng trên những trang “sử đồng”,
đó là nền văn hóa đồng thau Đông Sơn, sau khi phát hiện, thế giới phương Tây đã
phải nghiêng mình về phương Đông, về Việt Nam! Nhà Hạ, trải qua nhà Thương, nhà
Ân, nhà Chu (Tây Chu) rồi đến thời đại Xuân Thu - Chiến Quốc, chia năm xẻ bảy,
chư tử đua nói, quần hùng so gươm. Trong khi ấy, Việt Nam vẫn thống nhất một
nhà, giang sơn một giải, lần lượt từ Hùng vương thứ nhất đến Hùng vương mười
tám, gồm nhiều đời vua, cha truyền con nối, không cần đổi hiệu thay tên, vì
chính trị nước ta buổi đầu lập quốc ưa giản dị, chuộng tiện lợi.
Sau thời
đại Xuân Thu - Chiến Quốc, nước Tần vốn chỉ là một chư hầu yếu. Tần Trang Tương
vương phải sang nước Triệu làm con tin. Tương vương thích người thiếp yêu của
Lã Bất Vi xin lấy làm vợ, sinh ra Tần Doanh Chính. Khi Tương vương chết, Doanh
Chính được lập làm Tần vương (-217 TCN) giao chức Thừa tướng cho Lã Bất Vi, mưu
đồ bá chủ thiên hạ. Bấy giờ Việt Nam trước tình hình các cường quốc
phương Bắc nổi lên đánh giết lẫn nhau, hai quốc gia nhỏ bé Lạc Việt và Âu Việt
(Tây Âu) phải hợp nhất để chống ngoại xâm. Sự kiện chiến tranh Hùng - Thục
không nói lên mâu thuẫn dân tộc, chỉ là cách giải quyết quyền lợi của hai tập
đoàn lãnh đạo: Hùng vương 18 với An Dương vương Thục Phán. Họ Thục đại diện cho
lực lượng mới trỗi dậy giành thắng lợi, xây dựng nhà nước Âu Lạc mới hùng mạnh
với quốc đô Loa Thành độc đáo, kỳ vĩ, với vũ khí kỳ diệu “nỏ thần” mỗi phát bắn
ra trăm mũi tên khiến kẻ địch vô cùng sợ hãi. Chuyện này không phải chỉ là
truyền thuyết Việt Nam ,
chính sử sách xưa Trung Quốc thường nhắc tới một cách kính phục.
Tần
vương xâm lược các nước chư hầu, tàn sát dã man, trải 25 năm núi xương sông máu
để mở rộng đất đai, vơ vét vàng ngọc, tận thu gái đẹp, đem thân người xây
trường thành Vạn Lý, dùng mỡ dân dựng hàng trăm cung điện tráng lệ… Tần vương
xưng tôn hiệu Tần Thủy Hoàng đế, lấy “thủy” chế “hỏa”, vị hoàng đế con trời
khởi đầu của đế chế phương Bắc, coi nước mình là trung tâm thế giới, văn minh,
hùng mạnh không ai bằng!
Đặc
biệt về văn hoá, Tần Thuỷ Hoàng cũng đạt tới đỉnh cao sự nghiệp tàn bạo là
“phần thư khanh nho” (đốt sách chôn sống học trò). Tất cả sách sử của liệt
quốc, các học thuyết của bách gia chư tử đều phải đốt hết ! Thậm chí Kinh thư, Kinh thi cũng không ngoại lệ. Đến nỗi hai người dám bàn nhau về nội
dung của chúng thì bắt chém giữa chợ! Kẻ nào lấy việc đời xưa mà chê đời nay sẽ
bị giết cả họ! Thuỷ Hoàng sai ngự sử xét tất cả các nhà Nho và chôn sống một
lúc hơn trăm người ở Hàm Dương và đày nhiều người ra biên giới làm lính thú...
Nói theo ngôn ngữ hiện đại, Tần Thuỷ Hoàng là nhà lãnh đạo đầu tiên của Trung
Quốc làm “cách mạng tư tưởng văn hoá”, tiêu diệt tất cả những gì không phải của
nhà Tần, không thuộc ý muốn Hoàng đế!
Tần
Thuỷ Hoàng ở ngôi 37 năm, truyền cho Hồ Hợi (Tần Nhị thế) được 3 năm thì mất.
Trung Quốc đại loạn. Mầm mống chiến tranh đã phát sinh từ lúc Thuỷ Hoàng đang
ngất ngây chiến thắng. Bái Công khởi nghĩa, Hạng Vũ diệt Tần, chia đất Tần làm
ba, làm chủ thiên hạ, phong vương các chư hầu. Rồi cả Trung Hoa thành biển lửa
chiến tranh!...
Sử gia
Trung Quốc ca ngợi Tần Thuỷ Hoàng có công thống nhát nước Trung Hoa vĩ đại.
Nhưng nước Trung Quốc, sự thực, suốt hơn 2.000 năm phong kiến chưa bao giờ xứng
danh giang sơn thống nhất. Tần Thuỷ Hoàng “thống nhất giang sơn” không dùng uy
đức để thu phục, ân huệ để vỗ về, mà bằng lưỡi gươm bạo ngược, ngọn lửa hung
tàn, đáng được tôn thờ làm ông tổ bành trướng xâm lược của các thiên triều
Trung Quốc muôn đời sau.
Tư Mã
Thiên, nhà sử học vĩ đại nhất của Trung Quốc, sống cùng thời với Hán Vũ đế,
biết rõ hơn ai hết âm mưu bành trướng xuống phương Nam của nhà Hán. Ông viết
trong Sử ký:
Bấy giờ
nhà Tần đã chiếm cả thiên hạ, cướp lấy đất Dương Việt, đặt ra các quận Quế Lâm,
Nam Hải và Tượng Quận để đưa những người bị đầy đến ở lẫn với người Việt (Dương
Việt)... Triệu Đà được làm lệnh ở huyện Long Xuyên, quận Nam Hải. Đến đời Tần
Nhị thế, quan uý ở Nam Hải là Nhâm Ngao ốm sắp chết, khuyên Triệu Đà nhân lúc
thiên hạ đại loạn chiếm lấy 3 quận Quế Lâm, Tượng Quận, Nam Hải, tự lập làm
vua.
Triệu
Đà nghe lời Nhâm Ngao, giết trưởng lại nhà Tần, dùng đồng đảng thay thế.
Năm 206
TCN, Bái Công diệt Hạng Vũ, lập triều Hán, biết Triệu Đà cát cứ 3 quận phía
Nam, nhưng còn bận nhiều việc, tạm để lại, hỏi tội sau. Triệu Đà đem binh lực,
một mặt uy hiếp biên giới, mặt khác dùng thủ đoạn cướp chiếm hai nước láng
giềng: Mân Việt và Âu Lạc. Nhà Thục An Dương vương lập quốc từ năm 306 TCN. Ông
chủ quan, mất cảnh giác, tưởng có thể đánh bạn được với Triệu Đà để tạo phúc
cho nhân dân, nào ngờ mắc mưu sâu kế hiểm bị mất nước trắng tay. Năm 179TCN, Triệu
Đà chia nước ta làm 2 quận Giao Chỉ, Cửu Chân, sáp nhập với các quận khác thành
quốc gia Nam Việt. Ông ta tự xưng Nam Việt Vũ vương.
Nhà Hán
sai sứ Lục Giả sang Nam Việt hỏi tội Triệu Đà. Triệu Đà búi tóc, đầu không đội
mũ, áo không đai, chân đất, ngồi xổm tiếp sứ Hán. Lục Giả trách Triệu Đà tại
sao quên hết lễ nghĩa? Triệu Đà giật mình thưa: “Tôi ở xứ Man đã lâu nên quên
hết lễ nghĩa!” Rồi cúi đầu xin lỗi. Tiếp theo, sứ Hán hạch tội Đà tự lập làm “đế”
mà không hề phái người sang báo tin. Triệu Đà lựa lời chống chế: “Phương Nam đất thấp,
ẩm, ở giữa là dân man-di. Phía đông là đất Mân Việt, chỉ vẻn vẹn nghìn người,
cũng xưng hiệu là “vương”. Lão thần trộm dùng bậy danh hiệu “đế” chỉ để tự mua
vui nơi xa xôi hẻo lánh, đâu dám để thiên tử bệ hạ phải nhàm tai!”
Triệu
Đà dập đầu xuống đất tạ tội, xin mãi mãi làm phiên thần nhà Hán, đời đời dâng
lễ cống.
Trước
đây nhân dân Mân Việt và Âu Lạc lầm tưởng Triệu Đà lập nước riêng nên theo ông
ta để chống lại âm mưu bành trướng xâm lược của nhà Hán, nay mới biết ông ta
xảo trá, hèn hạ. Năm 137 TCN, Triệu Đà mất. Con trai là Trọng Thuỷ tự biết tội
đánh lừa Mỵ Châu, giết hại An Dương vương để cướp nước Âu Lạc, đã nhảy xuống
giếng chết theo vợ. Cháu Triệu Đà (con Trọng Thuỷ) là Hồ làm Nam Việt vương.
Nhân cơ hội họ Triệu suy yếu, vua cũ của nước Mân Việt bị Đà xâm chiếm là Dĩnh
đem binh đánh phá các huyện ấp: Hồ vương dâng thư lên vua Hán nói: Mân Việt đem
binh xâm lấn đất của thần, xin thiên tử đưa quân đến giúp! Nhà Hán tiêu diệt
xong Mân Việt, muốn lấy luôn Âu Lạc, sai sứ giả thuyết phục Anh Tề (mới thay Hồ
vương). Mẹ Anh Tề là người Hán muốn đem nước nội thuộc Hán. Thừa tướng Lữ Gia
không đồng ý, giết cả Anh Tề và Cù thái hậu cùng các sứ giả của nhà Hán, lập
Kiến Đức lấy vợ người Việt lên thay.
Năm 111
TCN, nhà Hán sai Lâu Thuyền tướng quân và Phục Ba tướng quân đem binh đáng Lữ
Gia. Ông tuổi cao sức yếu, quân ít, đánh không lại kẻ địch quá mạnh nên bị bắt
và bị giết.
Về cuộc
kháng chiến của quân dân Âu Lạc (Việt Nam ) vô cùng anh dũng chống lại đến
cùng đại binh xâm lược nhà Hán. Thái sử công (Tư Mã Thiên) nhận xét trong tác
phẩm Sử ký vĩ đại: “Âu Lạc đánh nhau làm rung động nước Nam
Việt”.
Tần
Thuỷ Hoàng đánh chiếm cả Trung Quốc nhưng chưa bao giờ dám sai quân tiến vào Âu
Lạc. Một số sách sử, địa chí viết “Thời
Tần nước ta thuộc Tượng Quận” là sự nhầm lẫn đáng trách. Kẻ xâm lược đầu
tiên nước ta là Triệu Đà. Nhưng kể từ năm 111 TCN, nước ta mới chính thức “nội
thuộc” Trung Quốc.
Các nhà
chép sử thường dùng danh từ “nội thuộc” với “nghìn năm Bắc thuộc” là xét về
phương diện hành chính. Thực tế, trong khoảng nghìn năm ấy, nước Việt Nam
chưa bao giờ “thuộc” Trung Quốc. Ngọn lửa yêu nước luôn luôn cháy âm ỉ trong
lòng dân tộc, để chờ cơ hội lại bùng lên thành những cuộc bạo động giết giặc,
những phong trào khởi nghĩa lớn đánh đuổi chính quyền đô hộ, giành quyền độc
lập, tự chủ. Bà Trưng năm 40 SCN. Bà Triệu năm 248. Lý Nam đế 571-603 (32 năm). Triều vua
Tiền Lý đến Hậu Lý, cộng 59 năm, thời gian tồn tại dài hơn rất nhiều triều đại
Trung Quốc, như Tiền Nguỵ 45 năm (220-265), nhà Thục thời Tam Quốc 43 năm
(221-264), Đông Ngô 58 năm (222-280), Tây Tấn 52 năm (265-317), Tiền Tống 59
năm (220-279), Nam Tề 23 năm (479-502), Nam Lương 55 năm (502-557), Hậu Lương
30 năm (557-587), Trần 33 năm (557-589), Đông Nguỵ 16 năm (534-558), Tây Nguỵ
21 năm (535-556), Bắc Tề 28 năm (550-578), Bắc Chu 24 năm (557-581), Tuỳ 37 năm
(581-618), Hậu Lương 16 năm (907-923), Hậu Đường 13 năm (923-936), Hậu Tấn 11
năm (936-947), Hậu Hán 4 năm (947-951), Hậu Chu 9 năm (951-960)... Các cuộc
khởi nghĩa xây dựng nền tự chủ: Mai Thúc Loan (722), Phùng Hưng (766-789),
Phùng An (789-791), Dương Thanh (819-820), Họ Khúc (907-930), Dương Đình Nghệ
(931-937)... cộng 215 năm liên tục đấu tranh giành thắng lợi vẻ vang, cuối cùng
năm 939, Ngô Quyền kết thúc “nghìn năm Bắc thuộc”, trừ đi thời gian Việt Nam
độc lập tự chủ, chỉ còn hơn 700 năm dưới ách đô hộ tàn bạo của phương Bắc. Cho
nên, “nghìn năm Bắc thuộc” chỉ là con số phiếm chỉ.
Trong
khoảng thời gian hơn 700 năm, thực tế Trung Quốc đặt ách thống trị hà khắc lên
đất nước Việt Nam, chính quyền đô hộ không một ngày ăn ngon ngủ yên. Chính sách
cai trị của chúng càng bạo ngược càng đào sâu mồ chôn lũ cướp nước.
Trung
Quốc và Việt Nam
tuy lớn nhỏ khác nhau, cùng thời gian lịch sử hơn 4.000 năm. Nước Trung Quốc
chưa bao giờ được thống nhất. Những danh xưng Tàu, Trung Hoa, Trung Quốc,...
chỉ là đại diện. Đất nước luôn luôn chiến tranh, thành trì luôn luôn bị làm cỏ,
nhân dân lầm than đói khổ, các tập đoàn phong kiến xâu xé lẫn nhau, xưng hùng
xưng bá. Trong khoảng thời gian từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XX, Trung Quốc bị
nước Liêu cai trị 305 năm, nước Kim đô hộ 122 năm, nước Mông Cổ chiếm đoạt 162
năm, người Mãn Thanh thống trị tới 329 năm, tổng cộng 921 năm, chiếm 1/4 lịch sử
Trung Quốc. Thời gian này, trên cơ sở đã lấy lại hoàn toàn độc lập, tự chủ,
Việt Nam vùng dậy như con rồng vàng Thăng Long tung cánh bay lên, bay lên,
khiến mọi kẻ thù xâm lược (Tống, Nguyên, Minh, Thanh) đều kinh hồn khiếp vía!
Câu chuyện “Việt Nam là
vùng đất thuộc Trung Quốc từ cách đây 2.000 năm” là hoàn toàn bịa đặt, khả
năng hư cấu hạng bét!
Không
cần nói 4.000 năm, chỉ nhìn 2.000 năm trở lại đây, chúng ta thấy rõ nhất một
nước Trung Quốc đầy tham vọng to lớn nhưng không vượt nổi cửa ải Quỷ môn quan
(Chi Lăng) “Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn”.
Lý tưởng đế chế phong kiến phương Bắc là xâm lược bành trướng để đất đai rộng
tới chân trời. Cái dạ dày vĩ đại không biết no này luôn luôn nghĩ đến đất, đất
và đất, chưa bao giờ hướng ra biển Đông, một thế giới khác chỉ có sóng gió,
nhấp nhô mấy hòn đảo sỏi đá hoang vu không một bóng người!
Giấc mơ
bá chủ địa cầu chợt tỉnh giấc! Thời đại biển đảo quý hơn vàng ngọc, kim cương.
Ông khổng lồ Trung Quốc chợt nhận ra người tý hon Việt Nam “bé mà bé hạt tiêu”, từ cách
đây mấy trăm năm đã nắm lấy chủ quyền suốt dải Hoàng Sa - Trường Sa dài dằng
dặc. May quá, ông nhanh tay cướp được Hoàng Sa (1974) rồi vẽ ra cái “đường lưỡi
bò” có thể thè ra thè mãi... Mới đây ông đặt giàn khoan, vẽ mới bản đồ, viết
lại lịch sử, bất chấp đạo lý. Những bài học cướp đất của bạo chúa Tần Thuỷ Hoàng, Trung Quốc đã thuộc làu làu. Đâu cần ông Tây Dmitry Kosirev phải hăng hái dạy khỉ leo cây ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét