của Nhà biên soạn từ điển GS Nguyễn Lân
Hoàng Tuấn Công
Kỳ 2
Thiếu kiến thức cơ sở ngôn ngữ học
Thiếu kiến thức cơ sở ngôn ngữ học
GS Nguyễn Lân - Nhà biên soạn từ điển, Học giả nổi tiếng Việt Nam, tác giả và đồng tác giả của 10 cuốn từ điển tiếng Việt và từ điển song ngữ. Sao có thể nói “thiếu kiến thức cơ sở ngôn ngữ học” ? Nhận xét này quả là hồ đồ !
Kiến thức cơ sở ngôn ngữ học được hiểu là nền tảng kiến thức, những hiểu biết cơ bản nhất về bộ môn khoa học này. Nền tảng có vững thì những công trình xây dựng trên đó mới vững. Vậy, chúng ta hãy xem GS Nguyễn Lân đã nắm vững hoặc hiểu biết thấu đáo những thuật ngữ, khái niệm, thuộc tính của ngôn ngữ, thành ngữ, tục ngữ hay GS lẫn lộn giữa cái nọ với cái kia, sai lầm này đẻ sai lầm khác ?
-Không phân biệt được cụm từ (đơn thuần), ngữ danh từ, thuật ngữ, quán ngữ với thành ngữ:
Trong một số bài trước đây, chúng tôi đã nói đến vấn đề nhận diện thành ngữ, tục ngữ của GS Nguyễn Lân. GS không phân biệt được cụm từ, ngữ danh từ, quán ngữ với thành ngữ, chưa phân biệt được tục ngữ với ca dao. Có bạn đọc gửi ý kiến phản hồi, đề nghị chúng tôi xem lại, bởi cho rằng có sự nhầm lẫn nào đó chăng ? Thú thực, ban đầu chúng tôi cũng không tin GS Nguyễn Lân-người làm từ điển thành ngữ, tục ngữ lại đến mức chưa đủ kiến thức nhập môn về thành ngữ. Có lẽ nguyên nhân nào đó khiến “đội quân” ngữ danh từ, quán ngữ, thuật ngữ đã "trà trộn" vào từ điển thành ngữ, tục ngữ của GS. Nhưng muốn biện hộ cho GS mà chẳng xong ! Bởi những "ngụy” thành ngữ này được chính GS Nguyễn Lân tuyển chọn, "biên chế" vào hàng ngũ hẳn hoi. Khi rải rác, lúc dày đặc, từ A đến Y, vần nào cũng thấy có mặt "chúng", lại được GS giải thích "như ai”. Thậm chí GS còn cho chúng có cả nghĩa đen, nghĩa bóng (!) Sau khi xuất bản (1989), “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” còn có hàng chục lần tái bản (kể cả khi GS Nguyễn Lân còn sống). Nếu là sai sót về mặt cơ học (như khâu chế bản) những “ngụy thành ngữ” này phải được loại bỏ. Vậy cái sai này hoàn toàn không phải do sơ suất. Dường như nguyên nhân của nó đã nằm ngay trong cách giải nghĩa từ “ngữ” của GS Nguyễn Lân: “Ngữ dt Thành ngữ nói tắt: Từ điển từ và ngữ Việt Nam”. Như vậy, đối với GS Nguyễn Lân, “ngữ” chỉ có một nghĩa duy nhất là “thành ngữ”. Trong khi “Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê) giải nghĩa: “ngữ d đơn vị ngữ pháp trung gian giữa từ và câu; ngữ danh từ; ngữ cố định; đồng nghĩa: cụm từ”.
Sau đây, mỗi mục chữ cái chúng tôi chỉ lấy ví dụ một vài trường hợp. Có mục, chúng tôi thống kê theo thực tế để thấy GS Nguyễn Lân đã xem những ngữ danh từ, cụm từ, quán ngữ “bình đẳng” với thành ngữ, tục ngữ chính hiệu như thế nào. (Phần in nghiêng, nghiêng đậm là nguyên văn cụm từ của GS Nguyễn Lân, Hoàng Tuấn Công cắt phần giải thích để đỡ dài dòng): Anh em cọc chèo, Ăn cắp ăn nảy, Bay lả bay la, Bi ba bi bô; Cách mạng xanh; Chạy đua vũ trang; Chiến tranh cân não; Chiến tranh chớp nhoáng; Chiến tranh lạnh; Chiến tranh tâm lý; Da bánh mật; Da bọc xương; Đấu vòng tròn; Ẽo à ẽo ẹt; Ê a ề à; Gầm ghè gầm gừ; Hả lòng hả dạ;Hí ha hí hoáy; Hơi đâu mà; Ì à ì ạch; Khủng bố trắng; Khăn chữ nhất; Khăn đầu rìu; Khăn mỏ quạ; Khăn quàng đỏ; Khăn vành dây; Không chán mắt; Không chê được; Không tài gì; Không thể nào; Lãnh sự tài phán; Lễ lại mặt; Mất công toi; Mới đấy mà đã; Nói chuyện gẫu, Nói gì thì nói, Phát canh thu tô;Quan phụ mẫu; Quân trang quân dụng; Rất chi là; Rinh tùng rinh; Rắc rối to; Râu quai nón; Rất chi là; Sát sàn sạt; Sóng bạc đầu; Tái xanh mặt; Tân giai nhân; Tân lang; Tuổi dậy thì; Thi đua hai tốt; Ú a ú ớ; Ù tay trên; Ừ à ừ ào; Ưỡn à ưỡn ẹo; Vị thành niên, Xa lắc xa lơ; Xanh hoa lý; Y như nhau, Y như rằng; Ý trung nhân;...
Trong hàng trăm “ngụy” thành ngữ trên, có vài ba câu có thể “cải tạo” để chúng trở thành thành ngữ thực thụ. Nhưng với điều kiện phải thêm, bớt từ và giải thích theo hướng khác. Ví dụ: “Bi ba bi bô” vốn được GS Nguyễn Lân giải nghĩa là“nói tiếng trẻ em mới tập nói hoặc người lớn mới học một ngoại ngữ”, chỉ được xem là một cụm từ láy. Nếu sửa lại: Bi bô như trẻ học nói hoặc Bi bô như trẻ lên ba, và giải nghĩa: Ám chỉ người nói ngọng hoặc đang cố gắng phát âm một ngoại ngữ, ta có một đơn vị có thể gọi là thành ngữ. Bởi Bi bô như trẻ học nói cũng là cụm từ, nhưng bản thân nó đã đưa ra một nhận xét, một so sánh bằng liên từ “như” rất đặc trưng của thành ngữ. Hoặc “In như nhau” GS giải thích “Nói hai vật hoặc hai người hết sức giống nhau”. Nếu sửa lại: Giống như in, Giống như đúc, Giống như hai giọt nước và giữ nguyên cách giải thích của GS, ta cũng có một đơn vị có thể gọi là thành ngữ. Hoặc như câu “Tân giai nhân” GS Nguyễn Lân giải thích “Nghĩa đen: Người con gái đẹp - Chỉ cô dâu mới về nhà chồng”, đây mới chỉ là một ngữ danh từ. Nếu sửa thành Bẽn lẽn như tân giai nhân hoặc Như tân giai nhân, (thành ngữ: Như gái mới về nhà chồng) và giải thích: Nói ai đó giao tiếp rụt rè, không được tự nhiên, thì danh từ đơn thuần sẽ trở thành cụm từ đặc biệt, có thể gọi là thành ngữ. Còn lại, đối với một số ngữ danh từ như: Quân trang quân dụng tức quần áo và đồ dùng của quân đội", “Đấu vòng tròn nói cuộc thi đấu thể thao đấu lần lượt với mọi đấu thủ”, “Thi đua hai tốt Khẩu hiệu do Hồ Chủ tịch đưa ra để yêu cầu thầy giáo học tốt và học sinh học tốt” (đúng ra phải là thầy giáo dạy tốt chứ ?) hoặc quán ngữ: Nói gì thì nói, Rắc rối to...Từ láy: Ú a, ú ớ; Ì à ì ạch, thì chỉ có phép “thần thông quảng đại” mới có thể biến chúng thành “thành ngữ” như GS đã làm.
Trong “Lời nói đầu” sách “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam”, GS Nguyễn Lân cho biết: “Chúng tôi chỉ chọn những thành ngữ có 3 từ trở lên và coi những thành ngữ có hai từ là những từ ghép”. Cách đưa ra tiêu chí này có vấn đề. Cách diễn đạt của Nhà biên soạn từ điển cũng không ổn. Bởi nếu đã là thành ngữ thì hai, ba hay bốn hoặc năm từ nó vẫn là thành ngữ và ngược lại. Trong thực tế, không hề có loại thành ngữ chỉ có hai từ. Bởi vậy, không cần đưa ra tiêu chí để loại bỏ chúng. Viết như vậy khác nào đưa ra tiêu chí phân biệt cuốn sách với tờ giấy và nói rằng: “Những cuốn sách chỉ có một trang chúng tôi sẽ không xem là một cuốn sách mà xem là một tờ giấy" (!). Giới hạn “cẩn thận” là vậy, nhưng rốt cuộc trong sách từ điển của GS vẫn có một đơn vị “thành ngữ” chỉ có hai từ, đó là “Tân lang” với lời giải thích của GS “chàng trai mới, chỉ chú rể mới”.
-Không phân biệt tục ngữ với ca dao:
Cũng như thành ngữ với tục ngữ; tục ngữ và cao dao có không ít câu khó phân biệt rạch ròi. Tuy nhiên xét về hình thức và nội dung của mỗi thể loại, cơ bản chúng ta vẫn nhận diện được. Ví như: Tục ngữ thường là một câu ngắn gọn; Ca dao thường có hình thức lục bát; Tục ngữ là tri thức, kinh nghiệm, tư duy về cuộc sống, sản xuất, thế giới tự nhiên... Ca dao thiên về tình cảm, tính chất trữ tình... Ca dao có thể dùng để hát, để ru...Tục ngữ không ru, không hát được. Một số câu tục ngữ có hình thức lục bát nhưng nội dung là tục ngữ thì phải xem là tục ngữ (Ví dụ: Én bay thấp mưa ngập bờ ao, Én bay cao mưa rào lại tạnh). Tuy nhiên, những câu mà cả hình thức lẫn nội dung đều thuần ca dao, không có lý do gì lại xếp vào tục ngữ, thành ngữ như GS Nguyễn Lân đã làm. Ví dụ:
“Chiều chiều ngó ngược ngó xuôi,
Ngó không thấy mẹ ngùi ngùi nhớ thương”.
Hoặc:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Nhớ về quê mẹ ruột đau chín chiều”
-Không phân biệt thành ngữ, tục ngữ với câu đố.
Câu đố là sự thách đố đơn thuần về lý trí. Cách cấu tạo câu đố là khai thác đặc điểm nào đó của sự vật, nhân cách hóa nó, chơi chữ, thành ra mập mờ, kỳ lạ, khiến người ta khó hiểu, phải phán đoán thế này thế kia. Cuối cùng khi nghe giảng giải mới vỡ lẽ: hiện tượng, sự vật ấy ở ngay trước mắt mà không biết. Dùng câu đố làm tục ngữ, hoặc dùng tục ngữ làm câu đố là chuyện rất khó bởi chúng là hai thể loại khác nhau, mục đích khác nhau. Vì không hiểu đặc trưng của câu đố nên GS Nguyễn Lân mới "tuyển chúng" vào làm tục ngữ (phần gạch đầu dòng là của GS Nguyễn Lân):
- Con đóng khố, bố cởi truồng Tả cảnh nghèo khổ của nhân dân trong chế độ cũ.
Thực ra đây là câu đố về cây măng và cây tre
-Đào chẳng thấy, lấy chẳng được Tức là: Sâu kín quá, không sao phát hiện được.
Thực ra đây là câu đố về mặt trăng in bóng dưới ao.
-Con lành con ở cùng bà, váng mình sốt mẩy con ra ngoài đồng Nói lên cái ích kỷ nhẫn tâm của bọn địa chủ thời xưa đối với người làm trong nhà.
Thực tế, đây là câu đố về quá trình cất giữ, ngâm ủ và đem gieo của hạt giống lúa.
Đến nhận diện tục ngữ, thành ngữ, ca dao, câu đố còn lúng túng, việc giải thích thành ngữ, tục ngữ sai tràn lan của GS Nguyễn Lân là điều dễ hiểu. Nguyên nhân của sai lầm trên là gì, nếu không phải là thiếu hiểu biết cơ bản về thành ngữ, tục ngữ dân gian ?
-Về một số khái niệm, thuật ngữ nói chung:
Trong sách “Muốn đúng chính tả” (NXB Văn Hóa Thông Tin-2010), GS Nguyễn Lân lẫn lộn cái nọ với cái kia. Ví dụ, GS viết: “Một số tiếng Hán Việt bắt đầu từ tr khi đã Việt Nam hóa mà đọc chạnh đi thì lại thành những tiếng bắt đầu bằng ch”. Hoặc “Những tiếng Kinh bắt đầu từ vần tr thì tiếng Mường bắt đầu bằng cl” (tr.8) Rồi: “Đa số tiếng Hán Việt bắt đầu bằng d thì trong tiếng Trung Hoa (tiếng Bắc phương) bắt đầu bằng âm i hoặc âm u” (tr.10) Ở đây, GS nhầm lẫn giữa “từ” (đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất), “âm” (đơn vị ngữ âm nhỏ nhất) với “tiếng” (ngôn ngữ của một dân tộc hoặc giọng nói của một địa phương). Thực tế, hoàn toàn không có cái gọi là “tiếng Hán Việt” trừ khi người Việt có cách dùng từ, ngữ pháp y hệt như người Hán (hiện đại), chỉ khác phát âm theo cách của người Việt. Ví dụ, vốn nói: Đồ đạc của tôi, nay nói: Ngã đích đông tây. Hoặc vốn nói: Vợ (của) anh, lại nói: Nhĩ lão bà; Đàn ca tài tử lại nói Tài tử đàn xướng,v.v...
Tiếng Trung Hoa là ngôn ngữ của người Trung Hoa. Giống như tiếng Anh, tiếng Pháp vậy. Nếu ý GS muốn biểu đạt “tiếng” ở đây nghĩa là cách phát âm, giọng chuẩn của người Trung Quốc thì phải viết là tiếng Bắc Kinh chứ không phải là “tiếng Trung Hoa”. Mặc dù GS đã mở ngoặc là “tiếng Bắc phương”, nhưng “Bắc phương” ở đây là nhìn từ Việt Nam hay nhìn từ Trung Quốc ? Nếu nhìn từ Trung Quốc thì “Bắc phương” (phía Bắc) Trung Quốc biết bao dân tộc, lấy đâu làm chuẩn ?
Thuật ngữ, khái niệm của Nhà biên soạn từ điển mà nôm na, thiếu chính xác như vậy, việc giải nghĩa từ vựng theo kiểu “đoán chừng” của GS cũng là điều dễ hiểu (Xin xem lại Kỳ 1-Phương pháp luận)
Trong sách "Tôi yêu tiếng Việt" (NXB Khoa học Xã hội, 1995) GS Nguyễn Lân cũng không phân biệt được thế nào là phát âm sai, phát âm lẫn lộn, thế nào là tiếng, giọng (phương ngữ, thổ âm, thổ ngữ) của các vùng miền. Ví dụ GS Nguyễn Lân nhận xét: "Ở miền Nam, một số đồng bào, nhất là ở thôn quê:
-Lẫn phụ âm v và d, nên đi vô nói là đi dô, vái lạy nói là dái lạy...
-Lẫn khuôn âm iên với khuôn âm iêng, nên có người tên đáng lẽ viết là Liên lại viết là Liêng.
-Ở Nghệ Tĩnh, nhiều người lẫn lộn dấu ngã (~) và dấu (.), như đọc Hà Tĩnh thành Hà Tịnh" (Dẫn theo “Một số trở ngại trong thống nhất chính tả của chúng ta”-GS NGND Nguyễn Lân-Tạp chí Tác phẩm mới-2013)
Theo GS Nguyễn Lân, sự “lẫn lộn” đó là những nguyên nhân khiến người ta viết sai chính tả. Tuy nhiên, trong thực tế, tuy phát âm là Hà Tịnh nhưng người xứ Nghệ vẫn viết là Hà Tĩnh, chứ không phải Hà Tịnh như GS lầm nghĩ. Hơn nữa, nếu coi đây là sự lẫn lộn thì cả miền Nam lẫn lộn chứ không riêng gì Hà Tĩnh. Ai cũng biết đó là bản sắc ngôn ngữ, tiếng địa phương, thổ âm, thổ ngữ của vùng miền. (GS Nguyễn Lân có mấy cuốn sách dạy viết đúng chính tả và luôn kêu gọi phải viết đúng chính tả. Nhưng chính GS lại là người viết sai chính tả bậc nhất. Chúng tôi sẽ có riêng một kỳ thử lý giải về vấn đề này).
Tất cả những hiểu biết trên đây đều thuộc dạng nhập môn của ngôn ngữ nói chung và thành ngữ, tục ngữ nói riêng. Độc giả đọc loạt bài của Hoàng Tuấn Công chắc sẽ nhận thấy, một số ý trùng lặp. Điều này chúng tôi đã lý giải ở kỳ trước. Ví như kiến thức, hiểu biết thấu đáo sẽ giúp soạn giả tìm ra phương pháp luận. Và phương pháp luận đúng đắn sẽ giúp soạn giả sử dụng hiệu quả kiến thức, hiểu biết. Phương pháp luận cũng chính là kiến thức. Bởi vậy, phương pháp luận và kiến thức tuy hai mà một, có mối quan hệ khăng khít với nhau. Sai sót để đời của GS Nguyễn Lân do nhiều nguyên nhân. Cái nọ liên quan đến cái kia. Sự phân loại của chúng tôi chỉ mang tính chất tương đối để bạn đọc tiện theo dõi.
H.T.C
Kỳ sau
Thử lý giải những sai sót để đời
của Nhà biên soạn từ điển-GS Nguyễn Lân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét