Chim vàng anh trống hồng |
Hoàng Tuấn Phổ
Đảo Hòn Mê nhiều vô kể các loài chim : “Chim Hòn Mê, kê chợ Quán”. Giống chim
vàng anh không chịu được gió mùa đông bắc. Hễ thời tiết bắt đầu se se lạnh,
chúng bay từ Hòn Mê vào đất liền để lên rừng tránh rét. Chúng bay lẻ từng con
hoặc từng đôi, từng đàn.
Không phải giống chim quen vượt sóng gió, vàng anh sau
chặng đường biển khơi, khi vào đến đất liền, mỏi cánh, muốn dừng bay, tìm cây
tạm nghỉ. Với tinh thần cảnh giác cao, vàng anh thường nghỉ đỗ trên những ngọn
cây cao, càng cao càng tốt. Nhưng vàng anh không có đủ kinh nghiệm để phân biệt
cây thật với cây giả, cây nào an toàn, cây nào nguy hiểm chết người! Khi vàng
anh nhận ra dải đất liền là lúc nhìn thấy nhấp nhô bao “trạm” nghỉ ngơi, “trạm”
nào cũng thật hấp dẫn: một chú vàng anh hiếu khách sẵn sang đón tiếp!
Mỗi “trạm” đón tiếp chim vàng anh di trú,
người ta dựng lên một cây tre hoặc luồng rất dài, thẳng, được nối thêm một cây
nứa cũng dài, thẳng. Đầu ngọn cây là con chim vàng anh lột làm mồi, với dáng
điệu đang đậu, cổ nghển cao, đầu mỏ hướng về phía trước. Người ta cắm những thẻ
nhựa to, dài bằng chiếc đũa dưới chân chim mồi. Cố nhiên, một đầu thẻ phải vót
nhọn để cắm vào lỗ đã dùi sẵn. Nếu ngọn cây nhỏ, mảnh, người ta cắt những miếng
mo cau dày buộc ép vào thân và dùi vào đó những lỗ cắm thẻ. Thẻ nhựa cắm vào
ngọn cây tạo thành góc 300 để chim dễ đậu và dễ mắc nhựa. Công việc
cắm thẻ đơn giản, song cũng cần sự khéo léo. Cắm thẻ không đủ chặt thì không
chịu nổi sức gió. Thẻ cắm quá chặt lại khó rơi khi chim mắc nhựa. Nhựa đánh
chim dùng nhựa vang là tốt nhất. Bôi phết nhựa chỉ nên trải đều một lớp không
dày không mỏng lên thẻ, trừ lại khoảng ba đốt tay phía chân vót nhọn để tiện
cầm, tiện cắm. Nhựa không nên bôi phết dày quá, dính lông chim khó gỡ, ngược
lại, mỏng quá chim dễ tuột cánh bay mất. Nhựa vang bảo quản tốt nhất là ngâm
trong nước lã. Cho nên nhựa vang thường bị gió làm se, nắng làm khô, sẽ kém
dính hoặc không đủ dính. Mỗi lần bôi phết nhựa, chỉ sử dụng trong ngày. Tránh
dầu dãi nắng gió, nhựa có thể dùng lâu hơn. Nên hạ cây bẫy, nhổ hết thẻ nhựa,
bảo quản trong cái ống bằng luồng hay tre nứa, để giữ cho chất kết dính được
lâu bền. Khi lấy thẻ ra sử dụng, phải nhớ kiểm tra, nếu không còn đủ độ dính
cần thiết, nên cạo sạch chất bẩn như bụi cát, que vụn, lông chim,... rồi bôi
phết lên lớp nhựa mới thật đều như lần trước.
Trên thân cây, cần quấn lưa thưa mấy vòng
dây leo để cây được vẻ tự nhiên. Hoặc cũng có thể buộc lên đó lưa thưa một ít
cành lá tươi. Khi dây lá, cành lá bị khô, nên thay cái mới để chim khỏi nghi
ngờ. Dựng cây mồi vàng anh lên phải tạo thế đứng thẳng, không nghiêng ngả,
không cong vẹo. Tìm được cây chủ để
tựa vào là tốt nhất. Vì hàng ngày cây mồi phải dựng lên hạ xuống ít nhất vài ba
lần để thay nhựa, cất mồi... Người ta chôn hai cái trụ xuống đất, thân trụ đục
lỗ có con xỏ xuyên qua, ở bên cạnh gốc cây chủ.
Như vậy, muốn đánh bẫy chim vàng anh phải
có đủ các điều kiện: chim trống mồi đẹp, cây mồi dài thẳng, nhựa vang tốt, chỗ
dựng cây thích hợp. Một con chim mồi đạt yêu cầu, đảm bảo các tiêu chuẩn: sắc
lông vàng ánh lên màu hồng toàn thân, màu lông mịn màng, thế đứng tự nhiên như
chim sống. Nó phải đủ sức quyến rũ chim mái, thách thức chim trống. Do đó, việc
bảo quản chim mồi, cần chu đáo, tránh mèo vồ, chuột cắn, tránh cả hướng gió
thổi ngược,...
Mới sáng tinh mơ, họ hàng chim vàng anh đã
cất cánh rời đảo lên đường. Chỉ cần dăm phút, chúng đã tới đất liền. Vì thế, đánh
chim vàng anh mọi việc chuẩn bị sẵn sàng từ chiều hôm trước. Rồi cùng thưc dậy
với chim vàng anh, ta đem con mồi, thẻ nhựa cắm so le vào cây bẫy và dựng lên
một cái là xong. Mùa đánh chim vàng anh vào cuối thu, đầu đông. Thời tiết chớm
lạnh, chim bắt đầu về, nhưng còn ít. Khi độ rét tăng lên, chim về nhiều hơn, ngày càng đông đàn. Chim thường bay cao,
có những đàn bay rất cao, tít trời xanh. Làng nào cũng có ít nhất dăm bảy cây
mồi dựng lên đón chim. Một số làng gần biển, cây bẫy chĩa lên trời tua tủa, như
mạng lưới “phòng không” dày đặc. Nhưng chim có đàn dừng lại, có đàn bay thẳng.
Cho nên, những làng xa biển, khi động trời mới nghe tiếng sóng ầm ì vọng tới,
cũng thi nhau dựng cây mồi đánh bẫy chim vàng anh.
Mặc dù đường hành quân còn xa xôi “ngàn
dặm” mới tới nơi trú đông, chim vàng anh vẫn không cưỡng nổi sức cuốn hút của
những chú chim mồi có bộ lông lộng lẫy và dáng vẻ oai phong. Các ả mái ngây thơ
vẫy cánh sà xuống làm quen hay kết bạn. Trái lại, các chàng trống hiếu thắng
lại cảm thấy như bị xúc phạm, lao ngay vào cuộc tranh đấu hơn thua. Có đàn ham
mồi tới mức tất cả đều ào tới tranh nhau đậu. Thậm chí, lũ bạn xấu số đã dính
nhựa rơi xuống tới tấp, trên cây không còn chỗ đậu, những chàng trống, ả mái
may mắn thoát nạn vẫn cố bám lấy con mồi. Tuy nhiên, không hiếm loại chim khôn
ngoan chỉ nhẹ nhàng liệng cánh bay quanh chim mồi một vài vòng rồi vút đi không
chút lưu luyến.
Chim dính nhựa rơi xuống đất thường hoảng
hốt kêu la “Chóe! chóe!”. Nhưng cũng có con gan lỳ, im lặng tìm lối thoát, hoặc
rỉa lông gỡ cánh, hoặc lẩn trốn vào chỗ khuất. Nhiều con khi bị tóm cổ, chống
trả quyết liệt bằng cái mỏ rất cứng và khá nhọn sắc chuyên dùng bổ quả lấy hạt. Bộ móng vuốt của nó cũng có
khả năng gây cho đối phương toạc da chảy máu. Cho nên, hễ dựng cây bẫy lên,
phải có người trông nom, theo dõi, để kịp thời bắt chim mắc nhựa, và để xem thẻ
nhựa còn nguyên trên ngọn cây hay đã rơi đâu mất. Cũng có trường hợp, hạ cây
xuống để cắm thẻ, mấy con chim dại dột còn tiếc rẻ đuổi theo. Vì thế, người ta
phải cắm cùng lúc ba, bốn thẻ, hay nhiều hơn; cách cắm thẻ nên so le để chim dễ
đậu, và đề phòng chim mắc thẻ này làm rơi cả thẻ khác. Nhưng không thể dựng quá
nhiều thẻ, tua tủa dưới chân mồi, khiến chim dễ sợ.
Đối với người đánh chim vàng anh, chim trống
quý hơn chim mái. Vì chim vàng anh quý nhất bộ lông đẹp rồi mới đến thịt. Ở
Thanh Hóa, chỉ thấy hai thứ chim trống: trống
lơ và trống hồng. Trống lơ màu
vàng tối, trống hồng sắc vàng đỏ tươi. Nhờ bộ lông rực rỡ đầy hấp dẫn, trống
hồng được người ta ham chuộng hơn trống lơ. Và trống hồng càng tăng giá trị bởi
trong bầy đàn vàng anh, trống lơ thường chiếm tỷ lệ cao, rất cao. Chim dính
nhựa rất khó gỡ, nếu không thật khéo tay, dễ làm hỏng mất bộ lông quý. Những
con chim muốn lột làm chim mồi, phải giữ được bộ lông nguyên vẹn. Người ta lấy
kim chỉ khâu ngay đôi mắt chim khiến chim hết đường tung phá. Do hiếm chim
trống, đây đó người ta cũng dùng cả chim mái làm mồi. Chim mái lông vàng xỉn,
bụng màu tro xám, lốm đốm vết đen nâu nhạt, dáng vẻ hiền lành, đôi khi cũng
đánh lừa được cả chú trống hồng đẹp mã có phần khờ khạo, dại mái.
Ở chợ vùng ven biển, mùa chim vàng anh di
trú, người ta bán hàng lồng chật. Càng ngược lên những làng xóm xa biển, số
chim đánh được càng ít dần. Có người cả mùa chim chỉ đánh được vài ba con.
Không ít cây bẫy suốt mùa chẳng thấy một “bóng hồng” nào lai vãng. Thế mà ngày
nào người ta cũng dựng cây mồi lên. Thấy hàng xóm dựng, mình cũng dựng; và cứ
sáng sớm từ lúc tinh mơ đến khi chói chang ánh nắng mặt trời, người ta chốc
chốc lại ngửa mặt nhìn lên, mắt mờ, cổ mỏi,... trông chờ vận may!
Vận may nhỏ nhoi ấy có thể không bao giờ
đến, người ta vẫn bền bỉ nuôi mãi một niềm hy vọng. Cho nên, bẫy được con chim
nào quý con chim đó. Mỗi con chim vàng anh chắc đâu đủ một lạng thịt nạc lẫn
xương, chỉ vừa một niêu con cháo, mọi thành viên gia đình cùng thưởng thức
chung, của ngon chẳng kể ít nhiều, cốt lấy thơm miệng làm vui.
Mùa đánh chim vàng anh chỉ diễn ra chừng
một tháng. Hết mùa, người ta hạ cây, lấy nhựa, cất mồi, để cuối thu năm sau lại
đem ra, dựng lên, lại thấp thỏm trong niềm vui đợi chờ... Cả ba thứ mồi, cây, nhựa đều phải được bảo quản
tốt. Những thẻ nhựa bỏ vào ống tre, ống luồng, cùng với số nhựa dư thừa, ngâm
trong nước lã, bịt vải thật kín, nhựa có thể
sống tới mùa sau. Tất nhiên, nhựa cũ không thể bằng nhựa mới, nếu chấm
đầu ngón tay vào thấy dính là nhựa chưa chết, còn dùng được. Cây thì giữ cho
khỏi nứt, không mục mại. Chim mồi khó bảo quản hơn. Vì chim mồi cũng có lắm kẻ
thù. Giống mèo vốn tính thích ăn thịt chim, đôi mắt dẫu nhìn xuyên bóng đêm,
vẫn không phân biệt nổi chim giả với chim thật. Chỉ cần một cái vồ của mèo, con
chim mồi bị xé tan từng mảnh. Chim mồi cũng là món dễ “chơi” đối với loài chuột
đói bụng tìm miếng ăn hay ngứa răng gặm càn. Người ta phải dùng giấy hoặc vải bọc
nhiều lớp thật kín, cất giữ thật cẩn thận và thỉnh thoảng lại đem ra phơi nắng
để chống ẩm, phòng mọt cho chim lột.
Qua những tháng ngày trú đông tận núi rừng
miền tây, sang xuân tiết trời ấm áp, chim vàng anh nhớ quê hương bản quán, trở
về đảo xa. Hiếm thấy những đàn chim tíu tít bay về. Một phần do bị đánh bẫy
trên chặng đường dài đầy nguy hiểm. Phần khác bởi phần thức ăn khan hiếm, chúng
không đủ duy trì sự sống. Chỉ thấy trên bầu trời xanh những cánh vàng anh lẻ
bạn chấp chới bay, thấp thoáng hiện lên những đốm nắng hồng tươi tuyệt đẹp. Số
lượng vàng anh hầu như không còn đáng kể. Ấy là duyên cớ người ta không mấy khi
dựng bẫy đánh chim vàng anh vào mùa xuân. Vậy mà đến cuối thu, vàng anh như có
phép thần, lại từ đảo biển xa, từng đàn, từng đàn náo nức đông vui trên đường
di trú. Sức sinh sản nhanh chóng của chúng giúp cho một thú vui của người dân
quê, mùa nối mùa không dứt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét