24 thg 11, 2023

“CHẾT ĐỨNG” TRONG “CÂY NGAY KHÔNG SỢ CHẾT ĐỨNG” NGHĨA LÀ GÌ?

 

          HOÀNG TUẤN CÔNG


    Một số cuốn từ điển chúng tôi có trong tay như Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê – Vietlex); Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên); Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Nhóm Vũ Dung), đều giải thích nghĩa bóng câu Cây ngay không sợ chết đứng là: ví người ngay thẳng, trung thực thì không có gì phải sợ sự gièm pha, vu khống, trù dập.

Cách giải thích này không có gì phải bàn thêm. Tuy nhiên, nghĩa đen của câu tục ngữ vẫn còn trong tình trạng tranh cãi, đoán già đoán non, mà cái khó giải mã nhất nằm ở hai chữ “chết đứng”. Tại sao không nói “Cây ngay không sợ chết”, mà lại là “Cây ngay không sợ chết đứng”?

1-“Chết đứngchết oan”?

 Điển hình cho cách giải thích này là Việt Chương. Trong Từ điển thành ngữ tục ngữ ca dao Việt Nam (Việt Chương - NXB Đồng Nai,1998) tác giả chú giải “chết đứng” “chết oan, không đáng chết mà phải chết”, và giải thích cặn kẽ như sau:

“Cây mọc thẳng thì toàn thân được hấp thu ánh sáng mặt trời nên sống mạnh mẽ, không tật bịnh. Cây nghiêng tàn lá bị cây xung quanh che khuất, rễ lại không bám sâu xuống lòng đất nên chậm lớn và chết dần mòn.

Con người cũng vậy, nếu cứ sống ngay thẳng, không hà hiếp ai, và cũng không nịnh bợ ai, luôn luôn giúp đỡ người khác với tất cả khả năng sẵn có của mình thì được khoẻ tấm thân, vì vô lo, ăn ngon ngủ yên, không sợ kẻ thù nào hãm hại. Ngụ ý câu thành ngữ này khuyên ta không nên sống tà dâm, mà nên ăn hiền ở lành”.

Sách Kho tàng tục ngữ người Việt (Nguyễn Xuân Kính chủ biên) ghi chú là “tán thành” với cách giải thích này của Việt Chương.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, Việt Chương mâu thuẫn trong cách giải thích. Bởi nếu ngay/thẳng mà vẫn bị chết thì mới là “chết oan”, chứ “cây nghiêng” nên “chết dần chết mòn”, thì sao gọi là“chết oan, không đáng chết mà phải chết”? Mặt khác, nếu cho rằng dân gian “khuyên ta không nên sống tà dâm, mà nên ăn hiền ở lành”, là không đúng với thực tế hành chức của câu tục ngữ.

2-“Chết đứngchết khô”, chết do già cỗi”, “vô dụng”?

 Nhiều ý kiến khác cho rằng “cây ngay” là cây thẳng, gỗ tốt, hữu dụng nên sẽ được chết nằm (được hạ xuống để dùng); ngược lại “chết đứng” là chết khô (chết rồi mà vẫn còn đứng nguyên tại vị trí đã sống, do không ai dùng đến). Theo đây, dân gian đưa ra lời khuyên cứ sống trung thực, thẳng ngay thì không sợ gì không có giá trị, ắt sẽ được người tôn trọng và tin dùng.

Cách giải thích này khá logic. Nhưng tiếc rằng, nó vẫn gặp trở ngại không thể vượt qua, đó là trong thực tế, câu tục ngữ không nói đến chuyện dùng người, chuyện giá trị hay vô dụng.

3-Cây ngay không sợ … chết ngay!

Với những câu tục ngữ có cả nghĩa đen và nghĩa bóng, khi truy ngược nguồn gốc, chúng ta sẽ thấy chúng có mối liên hệ rất chặt chẽ. Vậy, nghĩa đen của “Cây ngay không sợ chết đứng” là gì?

Tục ngữ được đúc kết từ thực tế lao động sản xuất, bởi vậy, phải dùng chính thực tế ấy để soi sáng.

Khi trồng cây lấy gỗ hay cây lưu niên nói chung, kĩ thuật cơ bản được nông dân áp dụng trong suốt quá trình sinh trưởng, đó là những “cây ngay” (cây thân thẳng, không nghiêng ngả, đổ gãy) sẽ được giữ lại chăm sóc; những cây cong queo, đổ ngã, sâu bệnh sẽ bị chặt tỉa. Thậm chí những cây vốn to, thẳng, nhưng sau cơn bão mà bị nghiêng, đổ, bật gốc, gãy dở,…cũng sẽ bị chặt bỏ. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch. Không có ai làm chuyện ngược đời là chặt bỏ cây ngay, cây thẳng tươi tốt, đầy hứa hẹn, để giữ lại cây cong queo, sâu bệnh, đổ ngã, vô dụng. Bởi vậy, dù tiếng búa, tiếng dao có vang lên chan chát; tiếng những cây cong queo, nghiêng ngả có bị chặt bỏ, gãy đổ ào ào bên cạnh, thì “cây ngay” vẫn không sợ, và không việc gì phải sợ vì cái sự ngay/thẳng của mình. Từ sự quan sát này, dân gian đã đặt nên câu tục ngữ Cây ngay (thì) không sợ chết đứng.

Như vậy, NGAY trong cây ngay có nghĩa là thẳng, không cong queo đổ ngã; mà ĐỨNG trong chết đứng cũng có nghĩa là ngay, thẳng, không nghiêng lệch. Theo đây, chỉ có cây cong/nghiêng thì mới sợ chết, sợ bị chặt bỏ vì cái sự cong/nghiêng; còn với cây thẳng/đứng, thì không sợ bị chặt bỏ, không sợ bị chết vì sự thẳng/đứng.

4- Từ nghĩa đen đến nghĩa bóng

Ngay đứng vốn đều chỉ sự thẳng, không tà, không nghiêng lệch, không xiên xẹo (tương tự chữ chính trong Hán tự). Ví dụ, đứng bóng = thời điểm mặt trời ở chính giữa đỉnh đầu, bóng không ngả về bên nào (còn gọi tròn bóng); dựng đứng = dựng lên ngay thẳng, không nghiêng về bên nào.

Một điều thú vị là chữ ngay xuất hiện trong từ ngay ngắn (không lệch lạc, xiên xẹo), và chữ đứng làm nên nghĩa của từ đứng đắn (nghiêm chỉnh, đúng mực, không lệch lạc). Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức) giảng “đứng-đắn” là “ngay-ngắn”, và lấy ví dụ “Cư-xử đứng-đắn”; lại giảng “ngay-ngắn” là “thẳng-thắn chính-đính”, và lấy ví dụ: “Ăn ở ngay-ngắn: Đi đứng ngay-ngắn”. Điều này cho thấy, ngay/ngay ngắnđứng/đứng đắn vốn đồng nghĩa (đều chỉ sự ngay thật, không gian tà).

Trở lại với câu tục ngữ.

“Ngay” trong “Cây ngay không sợ chết đứng”, hiểu theo nghĩa bóng, không phải là sự cương trực, tiết tháo, tài năng, hay phẩm chất tốt, mà có nghĩa là ngay thật, ngay đối với gian (như Người ngay kẻ gian; Tình ngay lí gian). Cây ngay không sợ chết đứng = Người ngay thẳng, trung thực, không làm gì sai trái thì dù ai có đặt điều vu khống cũng không việc gì phải sợ sự ngay thẳng, trung thực ấy của mình. Ngược lại, chỉ có kẻ gian dối, xiên xẹo, thì mới sợ, mới chết vì sự gian dối, xiên xẹo mà thôi.

Cách hiểu này hoàn toàn phù hợp với nghĩa của câu tục ngữ mà Từ điển tiếng Việt đã giảng: ví người ngay thẳng, trung thực thì không có gì phải sợ sự gièm pha, vu khống, trù dập. Đồng thời, cũng hoàn toàn phù hợp khi áp vào một số ngữ cảnh như:

-“Cây ngay không sợ chết đứng”, CSGT cứ làm đúng luật và trách nhiệm thì ngại gì việc người dân ghi âm, ghi hình khi đang làm nhiệm vụ.” (báo Diễn đàn doanh nghiệp)”.

-Ông bà ta nói “cây ngay không sợ chết đứng”. Nếu thật sự bạn được nâng lương vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì chẳng có gì phải áy náy.” (báo Người Lao Động),v.v…

Như vậy, sở dĩ câu tục ngữ “Cây ngay không sợ chết đứng” trở nên khó hiểu là ở chỗ, người ta hiểu lầm lối nói hàm súc, chơi chữ, giàu ẩn ý của dân gian. Theo đây, “không sợ chết đứng” ở đây không phải là không sợ chết ở tư thế đứng (kiểu Chết đứng như Từ Hải; Chết đứng như trời trồng), mà là không sợ chết vì sự ngay thật, đàng hoàng: Cây thẳng/ngay thì không sợ bị chết vì sự thẳng/ngay, cũng như người ngay thật thì không sợ chết vì sự ngay thật vậy.

                Hoàng Tuấn Công/24/11/2023

 

7 nhận xét:

  1. Cảm ơn Hoàng Tuấn Công
    Fb của bạn không để chế độ bình luận cộng đồng nên không thể góp ý được. Khá tiếc!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. FB của tôi luôn để ở chế đội công khai, nên ngoài danh sách bạn bè vẫn bình luận được.

      Xóa
    2. Cảm ơn ông HTC đã có lý giải đúng đắn và thuyết phục

      Xóa
  2. Tôi đã mua cuốn sách: “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân phê bình và kha̓o cứu” của ông. Tôi thấy có hai loại giá tiền và chỉ mua loại 164,5 ngàn đồng. Không biết có phải là sách chuẩn ko?
    Đọc được nửa cuốn và thấy thực sự đáng để nghiền ngẫm. Ông thực sự là giáo sư trong mắt người đọc như tôi. Có một câu cảm thán trong truyện ngắn: “đôi mắt” của nhà văn Nam Cao là: “Tiên sư anh Tào Tháo” mà tôi thấy khá là hợp cho cảm xúc bản thân khi đọc sách này.
    Một người viết về ngôn ngữ học, nghiên cứu một cách nghiêm túc, viết khoa học. Quan sát cực kỳ tinh tế về phong tục tập quán người Việt xưa và nay. Kiến thức đủ sâu về nông nghiệp (Mà thành ngữ, ca dao, tục ngữ Việt phần lớn có nguồn gốc từ đây). Có hiểu biết đôi chút về chữ Nho nên truy tìm tường tận được từ nguyên… nên cách giải thích trong sách nghe cực kỳ thuyết phục, khó để phản bác.
    Yếu tố rất quan trọng có lẽ là Internet đã góp một phần không hề nhỏ trong quá trình thu thập tài liệu một cách nhanh chóng hơn. Kết hợp với sự chính xác trong nghiên cứu của tác giả. Tôi tin rằng cuốn sách này sẽ trường tồn với thời gian.
    Cuốn sách viết về tiếng Việt có tính đại chúng. Nhưng khi đọc tôi đã thấy hiện lên rất rõ dấu ấn cá nhân của Hoàng Tuấn Công. Màu sắc cá nhân này với cảm nhận của tôi là sánh ngang với dấu ấn cá nhân Thiều Chửu với Hán Việt Tự Điển.
    Đây chỉ là cảm nhận của cá nhân tôi khi đọc nó. Là một người đọc sách đơn thuần không viết lách, nên những thứ tôi viết sẽ lủng củng và không đủ để diễn tả mọi thứ. Chúc ông nhiều sức khỏe!

    Trả lờiXóa
  3. tôi hiểu là cây ngay là thân cây mọc thẳng thớm ngay ngắn, tức là cây tạo được thế vững chãi để mà sinh trưởng, hưởng trọn vẹn tuổi đời, nó không bị chết yểu, giống như "khảo chung mệnh" ở con người vậy, còn chết đứng là chỉ cái chết trước tuổi trời cho, câu này hiểu rộng ra không chỉ bàn chuyện sống chết mà còn nói chuyện thành bại, chuyện gì muốn thành tựu cũng cần tạo thế lực chắc chắn, vun bồi cho cái ban đầu để hưởng lợi cho mai sau, tránh hỏng việc

    Trả lờiXóa
  4. Những bài viết của HTC luôn rất có giá trị. Rất quý bạn và vẫn thường đọc Facebook của bạn. Trước kia có reply trong phần comment nhưng sau này đúng là bạn đã chận không cho cộng đồng reply nữa. Xin bạn kiểm lại.
    Thân ái.

    Trả lờiXóa
  5. Tôi xin dẫn một câu tục ngữ khác: "Vàng thật không sợ lửa". Tại sao vàng thật lại không sợ lửa? Tại vì lấy lửa đốt, vàng nguyên chất không bị chuyển màu do bị oxi hóa. Nếu có lẫn tạp chất khác, thường sẽ bị ám đen.
    Cây dừa nơi bờ nước thường mọc nghiêng. Cây sống hễ gió mạnh còn dễ đổ huống chi cây chết, không còn sức sống của bộ rễ để níu giữ. Còn cây mọc thẳng nơi đất bằng, dù có chết khô cũng không dễ đổ.
    Cả hai câu đều mang ý rằng đã thật, đã ngay thẳng thì dù có bị nói xiên nói xẹo cũng chẳng lòi ra cái dở được. Ngược lại, dù bề ngoài ngụy trang bóng bẩy, dùng sự dối trá để chống đỡ thì sớm muộn cũng tiêu tan.
    Nếu theo luận điểm của chú Công, thì chẳng lẽ vàng thật không bị đốt trong quá trình thử vàng sao (thật giả lẫn lộn)?
    Cây ngay hay cây nghiêng gì đến lúc cần người ta cũng chặt.
    Vì vậy tôi cho rằng giải thích theo nghĩa đen của tôi như trên đã đủ, còn như cách giải của chú Công đã lạc đề rồi.

    Trả lờiXóa