4 thg 8, 2022

VỀ MỘT SỐ CÂU TỤC NGỮ "CHƯA RÕ NGHĨA" TRONG "TỪ ĐIỂN TỤC NGỮ VIỆT" (Kỳ cuối)

                          HOÀNG TUẤN CÔNG 

Trang phục phụ nữ Hà Nội
khoảng năm 1930
 
Ảnh: hinhanhvietnam


     

       23-“Muốn giàu đi nuôi tằm; muốn nằm [?] đi kiện. Chưa rõ nghĩa”.

         Dân gian có câu Vô phúc đáo tụng đình, tụng đình rình vô phúc; Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ; Nhất tự đáo công môn, thiên ngưu khiên bất xuất... Đã lâm vào chuyện kiện tụng, thì dù là nguyên đơn hay bị đơn đều khổ. Đâm lao phải theo lao, đêm ngày chầu chực lo hầu kiện. “Nằm” ở đây chính nghĩa là ăn chực nằm chờ. Muốn khổ sở, ăn chực nằm chờ thì hãy đi kiện, còn muốn giàu có thì hãy lo làm ăn. Lời khuyên của dân gian, không nên sa vào chuyện kiện tụng.

24-“Ông sư có ngãi; bà vãi có nghì[?] Chưa rõ nghĩa”.


         Ngãi” đây là nghĩa, như Tham vàng bỏ ngãi, Ai khiến rời chút ngãi tào khang (CD). “Nghì” cũng có nghĩa là nghĩa. Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức) giảng: “nghì • Nghĩa, nói về tình-nghĩa thuỷ chung với nhau <> Ăn ở có nhân, có nghì. Văn-liệu: Đàn ông không râu bất nghì, Đàn bà không vú lấy gì nuôi con. Trai mà chi, gái mà chi, Sinh ra có ngãi có nghì thì hơn (C-d). Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai (K). Đem lòng khuyển mã đền nghì bể sông (Nh-đ-m)”. 

 Ông sư có ngãi; bà vãi có nghì” ý nói: hai bên đều có lòng nhân nghĩa, ai cũng như ai.

25-“Qua chợ còn tiền vô duyên khỏi nhẵn má Chưa rõ nghĩa”.

         Qua chợ còn tiền” có nghĩa tuy lỡ chợ, mất một phiên chợ, nhưng có cái hay là “còn tiền” (vì không phải mua bán gì); “vô duyên khỏi nhẵn má” ý chỉ vô duyên, không có người để ý, cũng có cái hay là khoẻ người, khỏi bị trêu ghẹo. Tương tự câu Khéo làm tôi vụng, vụng chẳng làm tôi ai: kẻ khôn khéo thành ra phải phục vụ kẻ vụng về; kẻ vụng hoá ra lại nhàn hạ vì không phải làm thay cho ai; tục ngữ Hán Xảo giả đa lao, chuyết giả nhàn巧者多勞, 拙者閑: Người khéo phải làm vất vả, người vụng lại được nhàn nhã. Ấy là dân gian chỉ ra trong cái dở có cái hay; trong cái hay có cái dở; trong sự rủi ro có phần may mắn.

26-“Quần trứng sáo; áo hoa hiên Chưa rõ nghĩa”.

         Câu này ý chỉ người ăn mặc sang trọng, quần áo đều là lụa là gấm vóc.

          “Trứng sáo” là màu xanh nhạt, tựa như màu vỏ trứng chim sáo, trông rất nhã nhặn, dễ chịu (Mừng chàng quần áo mọi màu/ Quần hồ lơ trứng sáo, áo trắng phau cánh cò – Ca dao); “hoa hiên” là màu giống cánh hoa hiên, sắc phớt đỏ ngả vàng ấm áp.

         Quần trứng sáo, áo hoa hiên”, là dị bản của “Lọng máu cáo, áo hoa hiên”, mà chính Nguyễn Đức Dương đã thu thập và giải thích là: “Lọng thì phải ửng lên màu đỏ của tiết cáo; áo thì phải ửng lên sắc vàng đỏ của cánh hoa cây hiên mới đáng được coi là bậc vương giả đích thực”.

         Quần trứng sáo, áo hoa hiên, Lọng máu cáo, áo hoa hiên, hay Lọng tía võng đào đều chỉ kẻ quyền quý, có đời sống vương giả, thể hiện qua trang phục, ăn mặc: Làm nên quan thấp quan cao/Làm nên lọng tía võng đào nghênh ngang (Cd).

27-“Vay nên ơn; trả nên nghĩa Chưa rõ nghĩa”.

         Khi vay mượn của ai, thì mình đã mang ơn người ta (nên ơn); khi trả cho người ta, tức mình đã giữ chữ tín, đáp lại cái nghĩa tình mà người ta đã tin tưởng giúp đỡ (nên nghĩa). Ý nói khi vay mượn, mang ơn của ai thì phải sòng phẳng, có vay có trả, đôi bên xây đắp tình nghĩa.

28-“Ruộng già bừa, trưa già trở Chưa rõ nghĩa”.

         Trưa” ở đây là đất gieo mạ; “trở” là đảo, cào, trang đi trang lại cho nhuyễn, phẳng; “già” ở đây ý nói làm thật kỹ, càng kỹ càng tốt. “Ruộng già bừa”, có nghĩa ruộng thì phải bừa cho thật kỹ mới tốt lúa; “trưa già trở”, nghĩa là đất mạ thì phải dẫm, dầm cho nhuyễn, sạch cỏ dại mới tốt mạ.

29-“Vật khinh; hình trọng Chưa rõ nghĩa”.

         Khi cho, tặng, biếu xén, giúp đỡ, vật chất không quan trọng bằng cách thể hiện tình cảm; tương tự câu Của cho không bằng cách cho.

30-“Vẽ voi phải tìm voi Chưa rõ nghĩa”.

         Có câu Thầy bói xem voi, ám chỉ đoán mò, suy diễn hiện tượng thành bản chất, xem xét sự vật một ách phiến diện. “Vẽ voi phải tìm voi” ý nói phải nhìn thấy thực tế để có nhận thức đầy đủ, phản ánh chính xác, chứ không thể đoán mò.

31-“Vô học bất thuật Chưa rõ nghĩa”.

Thực ra, nguyên câu này là Bất học vô thuật 不學無術 - không có học vấn thì không có phương pháp làm việc.

Hán ngữ đại từ điển giảng: “Hán Thư – Hoắc Quang truyện tán viết: “Nhiên Quang bất học vong thuật, ám ư đại lý”. “Vong” ở đây có nghĩa như “vô”. Câu này vốn nói Hoắc Quang không học cổ, nên không đủ đạo đức, học vấn.

Về sau, “Bất học vô thuật” phiếm chỉ việc không đủ học vấn, bản lĩnh.” [nguyên văn: 漢書霍光傳贊: “ 不學亡術,闇於大理.”,”.本謂 霍光 不能學古,故所行不合於道術.後用以泛指缺乏學問,本領].

Không ai có thể biết hết tất cả. Bởi thế, một số câu tục ngữ được Nguyễn Đức Dương xếp vào diện “chưa rõ nghĩa” cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong “Từ điển tục ngữ Việt”, nhiều tri thức dân gian đã bị tác giả hiểu sai và giải thích sai. Mời độc giả đón đọc loạt bài về những câu tục ngữ đúc kết tri thức, kinh nghiệm của dân gian, mà sách “Từ điển tục ngữ Việt” giải thích chưa đúng.


 Hoàng Tuấn Công/5/82022

 

 

2 nhận xét:

  1. Ông sư có ngãi,
    Ngãi: bùa ngãi
    Tức đàn ông thì phải có cách, phải biết suy nghĩ. Đàn ông là phải giỏi.
    Bà vãi có nghì - đàn bà thì phải chung tình.

    Trả lờiXóa
  2. Chữ nghỉ cũng là chữ ngãi,
    Như vậy câu "ông có ngãi, bà vãi có ghì" có thể đọc là: ông sư có vãi thì bà vãi có bùa. Tức là:
    1. ông sư, bà vãi chẳng ai thua ai.
    2. Nếu ông giỏi thì bà cũng mê hoặc được ông.
    Còn trong câu: đàn ông không râu không ghì, đàn bà không vú lấy gì nuôi con." Chữ ghì ở đây được so sánh với cái đẹp cơ thể, hay đàn ông không râu, không hấp dẫn được phụ nữ, và đàn bà hấp dẫn nam giới nhờ cơ thể đẹp. Như vậy trai gái có xứng đôi vừa lửa trong mắt thiên hạ không trước hết là do sắc vóc bên ngoài.
    Như vậy câu: "ông sư có vãi, bà vãi có ghì." Có thể hiểu là: ông có chục lạng, thì bà cũng... cả ký. Cho ông hay!

    Trả lờiXóa