13 thg 12, 2021

ĐÃ ĐỜI CHÂU CHẤU ĐÁ XE…

 

 

Tác giả Nguyễn Nhưng
Ảnh: FB Nguyễn Nhưng
              NGUYỄN NHƯNG
          (Lưu tư liệu từ FB Nguyễn Nhưng)

“Châu chấu” là Hoàng Tuấn Công (Cử nhân khoa Sử, trường Đại học Tổng hợp, Hà Nội), làm việc ở Ban Khuyến nông tỉnh Thanh Hoá.
“Xe” là Giáo sư – Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân, chuyên gia từ điển, tác giả của hơn 40 đầu sách, có những cuốn đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ…“đá” là cuốn sách “Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu” của tác giả Hoàng Tuấn Công.

Cuốn này mình mua từ năm 2017, đọc gần 3 năm mới xong.


Sách phê bình nghiên cứu nên không thể đọc nhanh như đọc tiểu thuyết. Đúng ra là mình vừa đọc, vừa nghiềm ngẫm như học.


Ngay khi “Phê bình khảo cứu…” phát hành quý III năm 2017, trên FB mình đã có bài viết “Dấu ấn Hoàng Tuấn Công’, xin đăng lại một đoạn:

-Dấu ấn - Một người gần như vô danh trong giới phê bình nghiên cứu, làm việc ở một công ty tỉnh lẻ, không liên quan gì đến ngôn ngữ, học thuật thế mà đã không chỉ "bắt lỗi" (chữ của báo Thanh Niên) mà còn "sửa lỗi" hàng nghìn từ mục trong 3 cuốn từ điển đồ sộ, được tái bản nhiều lần và từng được giải thưởng nhà nước, của một người vẫn được dương danh là "nhà biên soạn từ điển hàng đầu", một trong những "quốc sư"của chế độ - GS - Nhà giáo nhân dân.

-Dấu ấn - Đi theo con đường độc lập, tự học tập, nghiên cứu, một người bình thường cũng có có thể sáng tạo những tác phẩm có ích lợi cho xã hội.
Dấu ấn của lòng can đảm của sự tự tin.

-Dấu ấn - Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh giới "học giả" (bằng cấp nhiều, học hàm, học vị đầy mình nhưng vô dụng), đồng thời là cột mốc khẳng định chỗ đứng của "học thật" (không màng bằng cấp, danh vị, bền bỉ, lao động, tạo nên tác phẩm có giá trị)

Hôm nay, mình muốn chia sẻ thêm đôi điều với các bạn:
Trong sách “Phê bình khảo cứu…” chúng ta đọc thấy rất nhiều câu như sau:

Giải thích sơ sài, nông cạn, lơ mơ, thiếu chính xác, là đặc điểm thường thấy trong các cuốn từ điển của GS. Nguyễn Lân, chúng tôi không thể nêu lên hết”.

Lại một câu giải thích rất lơ mơ do không hiểu, nhầm lẫn tệ hại..” (trang 80 “Bánh ú đi, bánh gì lại” – GS Nguyễn Lân giải thích là “Chê người chê ỏng chê eo, rút cục không được gì?”).

Cách giải nghĩa lơ mơ, không ăn nhập gì với thuật ngữ” (trang 160 “chiến tranh lạnh” – GS Nguyễn Lân giải thích là “Nói cuộc tấn công bằng các mánh khoé chính trị, kinh tế do đế quốc tổ chúc”).
“Sai hoàn toàn” (trang 240 - “Bón đón đòng” đgt – GS Nguyễn Lân giải thích là “Bón phân cho lúa khi sắp trổ bông”).

“Không đúng” (trang 320 – “hiệu phó” dt – GS Nguyễn Lân giải thích là H.hiệu: trường học, phó: người giúp đỡ).
“Chính xác phải là: ba = sóng nhỏ; đào = sóng lớn…” (trang 400 – “sắc bất ba đào dị nịch nhân” ng – GS Nguyễn Lân giải thích là H.ba: sóng; đào: dậy sóng).

Ở phần cuối sách, GS – Nhà giáo Nhân dân, tiếp tục bị bác Khuyến nông tỉnh Thanh Hoá phê tơi tả:

A- Kiến thức cơ sở ngôn ngữ học: “GS Nguyễn Lân đã hiểu không thấu đáo và có phần lẫn lộn về những khái niệm, thuật ngữ ngôn ngữ” (trang 467).
B- Kiến văn: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến sai lầm của GS Nguyễn Lân chính là “kiến văn’, thiếu kiến thức thực tế (trang 481).
C- Kiến thức Hán Nôm: “Vậy lỗ hổng kiến thức Hán Nôm của GS Nguyễn Lân lớn tới mức nào? Có thể nói là rất lớn” (trang 498).
D- Tiếng mẹ đẻ: “GS Nguyễn Lân chưa hiểu hết tiếng mẹ đẻ, chưa dùng đúng tiếng dân tộc…” (trang 534).

E- Phương pháp luận: “ Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến những sai sót của GS Nguyễn Lân trong các cuốn từ điển lại chính là phương pháp luận. GS Nguyễn Lân thiếu phương pháp luận đúng đắn để tiếp cận và giải quyết vấn đề” (trang 534)

Điều khiến mình thán phục, thích thú khi đọc cuốn này chính là phần khảo cứu của tác giả. Không chỉ tinh thông tiếng Việt, Hoàng Tuấn Công còn giỏi chữ Hán và am hiểu điển cố Hán học. Tác giả không chỉ phê bình mà còn giúp người đọc mở rộng kiến thức về nhiều mặt.

Gấp sách lại, khoan khoái vì bụng đã tích thêm được một số chữ nghĩa bổ ích. Thán phục người đã phê, phê đúng chứ không sai. Nhưng rồi lại thấy xót xa, cảm thương người bị phê. Vì, ngoài những danh xưng được phong (và tự phong) GS Nguyễn Lân bao nhiêu năm nay được nghành sư phạm và xã hội Việt Nam trọng vọng vì công lao đối với nền giáo dục nước nhà. Thế mà cụ đã bị kẻ hậu sinh gần như vô danh chỉ đáng tuổi cháu, chắt (GS Nguyễn Lân sinh 1906, Hoàng Tuấn công sinh năm 1970) "chê lên ruộng xuống bờ”. Việc này liệu có trái với đạo lý “kính lão đắc thọ” cổ truyền? Những chữ dùng và giọng văn có phần lạnh lùng, đắc ý, mỉa mai của tác giả khiến ta tưởng như đang nghe ông thầy khả kính mắng học trò dốt. Chỉ có điều GS đã khuất núi cách 10 năm, Hoàng Tuấn Công mới viết bài, rồi in thành sách phê bình các từ điển của cụ…Giả như GS Nguyễn Lân còn sống sờ sờ trước mắt, Hoàng Tuấn Công có dám “mạnh mồm” như thế không?

Ông Trưởng ban quản lý chung cư nơi mình làm bảo vệ là người ham đọc sách, được biết tủ sách nhà ông có hàng trăm cuốn đủ loại. Một hôm, thấy mình chăm chú đọc “Phê bình và khảo cứu…”, ông bảo mình cho đọc qua xem thế nào. Không ngờ ông này mê luôn. Ông lấy điện thoại chụp bìa sách rồi bảo mình là ông sẽ tìm mua bằng được để đọc. Sau 15 ngày mình lên làm việc lại, ông trưởng ban hớn hở khoe: tôi đọc gần hết rồi ông ạ, tay này giỏi thật! Sách phê bình mà hắn ấy dẫn dụ mình đọc như đọc truyện vậy! Tôi bảo bà xã tôi, bà cũng phải đọc, nhà giáo nghỉ hưu rồi cũng phải đọc để còn uốn nắn cho con cho cháu!

                                 Nguyễn Nhưng/Hà Nội, tháng Sáu 2020

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét