8 thg 6, 2020

“TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ! (kỳ 2)

Cuốn từ điển chính tả có nhiều sai sót nghiêm trọng
Ảnh: HTC

    HOÀNG TUẤN CÔNG


24-“TÁNG: táng gia bại sản”.
Viết đúng là “TÁN gia”. Vì “TÁN” là từ gốc Hán, có nghĩa tiêu tan, mất mát. Tán gia bại sản 散家敗 = gia đình tan nát, tài sản tiêu tan (Dị bản: khuynh gia bại sản - 傾家敗). Còn “TÁNG gia” 葬家 (hay “táng sư” 葬師), lại có nghĩa là thầy địa lý, thầy phong thuỷ (chọn huyệt cất mồ mả).

25-TRƯỜNG: xa trường”.
Viết đúng là “SA trường”. “Sa trường” 沙場 là từ Việt gốc Hán, trong đó “sa nghĩa gốc là “cát”, “bãi cát ven sông”. “SA trường” 沙場 = bãi cát bằng mà rộng, thường dùng để chỉ chiến trường.[K]


26-“TRƯỞNG: trưởng bạ”.
Viết đúng là “CHưởng bạ”, vì “chưởng” nghĩa là nắm, giữ; “chưởng bạ” 掌簿 = người nắm giữ sổ sách giấy tờ; cũng như “chưởng ấn” 掌印 = người giữ ấn tín. Có thể cái sai này Nhóm soạn giả “Từ điển từ láy tiếng Việt” thu thập trong “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (GS. Nguyễn Lân) và/hoặc “Từ điển tiếng Việt” (Văn Tân Chủ biên, GS. Nguyễn Lân là thành viên biên soạn).[*]

27-XẨY: xẩy chân; xẩy đàn tan nghé; xẩy nhà ra thất nghiệp”.
Mục “XẨY” có ba từ ngữ đều sai cả. “XẨY” (hay xảy) là dùng trong “xảy ra” (sự việc), khác với “SẨY” nghĩa là mất mát, rơi rụng, lỡ hụt, lìa tan …Ví dụ “Sẩy vai xuống cánh tay”, “Sẩy miệng, buột lời”, “Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”, “Con cá sẩy là con cá to”…Theo đây, viết đúng phải là “SẨY chân”, “SẨY đàn tan nghé”, “SẨY nhà ra thất nghiệp”.[K]

28-XẢY: xảy đàn tan nghé; xảy tay”.
Lỗi “S” thành “X” lặp lại ở mục này, chứng tỏ cái sai của các soạn giả không phải là “SƠ SẢY”.[K]

29-“XẺ: xẻ cơm nhường áo”.
Viết đúng phải là “SẺ cơm nhường áo”. Vì “SẺ” đây chính là “sẻ” trong “san sẻ”, “chia sẻ”, mà Vietlex giảng là: “chia bớt ra, lấy ra một phần [thường để cùng hưởng]: sẻ bát nước làm hai ~ sẻ gánh nặng cho nhau ~ “Thương nhau, chia củ sắn lùi, Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.”[K]

30-“XỈ: xỉ mắng; xỉ nhục”.
Viết đúng phải là “SỈ mắng”, “SỈ nhục” , vì “SỈ” là yếu tố gốc Hán, có nghĩa là làm cho nhục nhã.[K]

31-“XỈA: xưng xỉa”.
Viết đúng là “SƯNG SỈA”. Đây là từ ghép đẳng lập: “sưng” = phồng, phù da thịt lên (như sưng mặt; sưng phù); “sỉa” = sưng phù lên (như Mặt sưng mày sỉa). “Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức): “sưng • tt. Phù lên, nổi gò lên: Bị đánh sưng mặt, khóc nhiều sưng mắt”: “sỉa • tt. Sưng, phù hai chân khi có thai: Bị sỉa, sỉa hai chân cả tháng nay”.[K]

32-“XOA: xít xoa”.
Viết đúng là “xuýt xoa”. “XUÝT” = phát ra tiếng gió trong miệng; “xoa” = dùng tay mơn nhẹ vết thương, hoặc xoa lại với nhau, tỏ vẻ đau đớn, kinh ngạc hoặc tiếc nuối…Bởi vậy, viết “XÍT” là vô nghĩa. [K]

33-“REO: reo rắc”.
Viết đúng là “GIeo rắc” – từ ghép đẳng lập: “gieo” đồng nghĩa với “GIEO” trong “gieo hạt” + “RẮC” trong “rắc hạt”, có khi được dùng như “gieo” (như rắc hạt giống). Viết “REO” trong “gió reo” là vô nghĩa. [K]

34-“XOÀI: xóng xoài”.
Viết chuẩn là “SÓNG SOÀI”, (cũng như viết “sóng sượt”, không phải “xóng xượt”).

35-“TRỪU: trừu mến”.
Viết đúng là “TRÌU mến”. Vì “TRÌU” biến âm của “TRÍU” nghĩa là thương mến, không muốn rời ra. Người Thanh Hoá nói “tríu”, “tríu trồ” = bám lấy, níu lấy (thể hiện sự mừng rỡ, yêu mến):
- “Đại Nam quấc âm tự vị” (Huình Tịnh Paulus Của): “tríu: đeo theo, thương mến quá, không chịu rời ra. Tríu mến).
-“Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức) mục “trìu mến” hướng dẫn xem tríu-mến”:Trìu-mến, yêu-thương như ghiền (nghiện) hơi, khiến quấn-quýt một bên luôn: Đem lòng tríu-mến”. Viết “TRỪU” là vô nghĩa. [K]

36-“XỌM: già xọm”.
Viết đúng là “già sọm” (SỌM = gầy, già yếu, hom hem).[K]

37-“XỘ: xừng xộ”.
 Viết đúng là “sừng sộ”, vì “SỪNG” nghĩa là gườm nhau, khiêu khích, chực ăn thua với nhau.[K]

38-“XỚI: xới chọi gà”.
 Viết “SỚI” mới đúng. Vì “sới” trong “SỚI chọi gà” chính là “sới” trong “sới vật”, “sới võ”, mà Vietlex giảng là: “khoảng đất được bố trí làm nơi đấu vật hoặc chọi gà, chọi chim để tranh giải trong ngày hội”.[K]

39-“XUẤT: khinh xuất”.
Viết đúng là “khinh suất” 輕率. Đây là từ ghép đẳng lập gốc Hán: “khinh” = xem nhẹ; “SUẤT” = hấp tấp, không thận trọng. “Hán ngữ đại từ điển”: “khinh suất: nói năng hành động tuỳ tiện; không thận trọng, không nghiêm túc.” [輕率: 言行隨便; 不慎重, 不嚴肅][K]

40-XỨ: xứ bộ”.
Chỉ có “SỨ bộ”, không có “XỨ bộ” (Vietlex: “sứ bộ 使部 d. [cũ] phái đoàn đi sứ thời phong kiến”).[K]

41-“XỰC: mũi xực lên; thơm xực”.
Viết đúng là “SỰC lên”, “thơm SỰC”. Còn “xực” (gốc Hán “ngật” ) chỉ có nghĩa là “ăn”, với hàm ý thô tục.[K]
 
          Trở lên là 41 mục, với gần 60 lỗi cụ thể ở dạng sai chính tả đơn thuần, trong đó phần lớn là những lỗi nặng. Dĩ nhiên, đây không phải là tất cả những lỗi mà chúng tôi đã phát hiện, hay những lỗi có trong sách.
Trách nhiệm chính trong khâu biên tập thuộc về NXB Đại học Quốc gia Hà Nội
Ảnh: HTC

B-Nhầm lẫn giữa cách viết cũ từng được ghi nhận, với “chính tả chuẩn” hiện hành:
          Ở phần “Lời nói đầu”, Nhóm soạn giả ghi rõ: “Từ điển chính tả tiếng Việt được biên soạn nhằm cung cấp các dạng chính tả chuẩn của các từ ngữ thông dụng theo chính âmchính tả tiếng Việt, đồng thời cũng chỉ dẫn những dạng chính tả không chuẩn nhưng vẫn được sử dụng.” (HTC nhấn mạnh).
          Tuy nhiên trong thực tế, Nhóm soạn giả đã đánh đồng, hoặc nhầm lẫn giữa cách viết từng tồn tại hoặc “không chuẩn nhưng vẫn được sử dụng”, với “chính tả chuẩn […] theo chính âmchính tả tiếng Việt”. Ví dụ:
-“GIỘP (cv. rộp): giộp da, giộp lưỡi, giộp nước sơn >< bỏng giộp”.
- “GIA: gia giết (cv. da diết)”.
“Giộp”, “gia giết” là cách viết cũ. Bởi vậy, lẽ ra nên hướng dẫn “thường viết” hoặc “nên viết” “RỘP”, “DA DIẾT”…, thì soạn giả lại hướng dẫn “cũng viết” “RỘP”, “cũng viết” “DA DIẾT”, biến cách viết cũ, không chuẩn, thành cách viết chuẩn, và ngược lại (lỗi dạng này khá nhiều).
Thậm chí mục “DÔ, hướng dẫn viết “dã dượi” (đây là cách viết cũ, có được từ điển ghi nhận, nhưng không có nghĩa là “chính tả chuẩn”); đến mục “RÔ, lại hướng dẫn viết “rã rượi”. Tương tự, mục “TÙNG” hướng dẫn viết “tùng phạm”, nhưng mục “TÒNG” lại hướng dẫn viết “tòng phạm”. Soạn giả không cho biết "dã dượi" và "rã rượi", “tùng phạm” và “tòng phạm”, cách viết nào chuẩn; và đây là một từ với hai cách viết, hay đây là hai từ khác nhau. Kiểu biên soạn này đặt người dùng sách vào sự hên xui khi tra cứu. Bởi cùng trong một sách, nhưng chỗ này thì đúng, chỗ khác thì sai. Tình trạng này có khá nhiều. Ví dụ: chỗ hướng dẫn “võ phu”, chỗ thì lại “vũ phu”; “vũ đoán” – “võ đoán”; “vũ sư” – “võ sư”…
Bảng chỉ dẫn từ có hai dạng chính tả đều được chấp nhận
Ảnh: HTC

          C-Nhầm lẫn hai từ đồng nghĩa với một từ có hai dạng chính tả:
Từ có hai dạng chính tả có thể thay thế nhau trong mọi trường hợp. Ví dụ: hi sinh/hy sinh; sáp nhập/sát nhập. Ở phần “Phụ lục 3 - Danh sách các từ ngữ có hai dạng chính tả đều được chấp nhận trong tiếng Việt” (50 trang), một số dạng như: “biệt tăm-bặt tăm”; “bột phát-bộc phát”…có thể chấp nhận được. Nhưng phần lớn soạn giả nhầm lẫn, đánh đồng những cặp từ gần nghĩa, đồng nghĩa không hoàn toàn trong mọi trường hợp với “các từ ngữ có hai dạng chính tả”. Như: “bàn hoàn – bàng hoàng”; “đại thụ - đại thọ”; “đông nghịt – đông nghẹt”; “mất lòng – mếch lòng/mích lòng”...
Thực tế, “mất lòng” và “mích lòng” là hai từ không đồng nghĩa hoàn toàn. Ví như có thể viết “mất lòng dân”, chứ không viết “mếch/mích lòng dân”.
Tương tự, hàng loạt từ láy và không láy, hoặc hai từ láy khác nghĩa, bị soạn giả xếp vào “các từ ngữ có hai dạng chính tả”. Như: “tôi tối – tối”; “trăng trắng - trắng”; “vun vút - vút”; chói lọi – chói lói”;  “nhưng nhức – rưng rức”…Những cặp từ này hoàn toàn không phải hai dạng chính tả. Ví dụ: có thể viết "những mốc son chói lọi", nhưng không thể viết "những mốc son chói lói"; hay “vun vút” là nhanh và liên tiếp, còn “vút” chỉ là nhanh, không hàm nghĩa liên tiếp v.v…Ta có thể viết: “Một cánh chim bay vút qua”. Nhưng nếu viết “Một cánh chim bay vun vút qua”, sẽ cho thấy ai đó sử dụng tiếng Việt chưa thạo. Hoặc soạn giả chỉ dẫn một từ với hai dạng chính tả “nhưng nhức – rưng rức” sẽ đúng, với điều kiện phải có phụ chú nói về mầu sắc. Nhưng hướng dẫn này trở thành sai khi không có phụ chú. Bởi “nhưng nhức” ngoài miêu tả về mầu sắc còn nói cảm giác đau; “rưng rức”, ngoài tả màu sắc, còn chỉ về tiếng khóc. Hoặc “cao tần” và “cao tầng” đều không có phụ chú, khiến người sử dụng từ điển có thể nhầm lẫn giữa “cao tần” (sóng) với “cao tầng” (nhà) v.v…
Bảng chỉ dẫn từ có hai dạng chính tả
Ảnh: HTC


D – Có khi không biết đâu mà lần:
Nhiều từ người dùng sách không biết nghĩa là gì. Ví dụ: “tuần điểm” (phải chăng là “tuần điếm”?); “nghị trượng” (“nghi trượng”?); “đâu lào” (“đâu nào” viết sai do nói ngọng, hay “đâu lào” = cây xoan lào? Liệu có loài cây này không?); “trừ tác” (“trứ tác”?). Tình trạng này khá nhiều.

E – Dẫn sai ngữ liệu (phần trong ngoặc đơn là đính chính của chúng tôi):
Trong sách “Từ điển chính tả tiếng Việt”, Nhóm soạn giả thu thập nhiều thành ngữ, tục ngữ, ngữ liệu không chuẩn. Ví dụ: “tu binh mãi mã” (chính xác là “chiêu binh mãi mã” - 招兵買馬); “đánh chuột làm vỡ bình sứ” (“đánh chuột sợ vỡ bình quý”); “ấm da gà” (“ấm gan gà” = ấm đất có màu sắc như gan gà, như “Thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần”); “cơm sung cháo đền” (“cơm sung cháo dền”); “chửi chó chửi mèo” (“chửi chó mắng mèo”/“chửi mèo quèo chó”); “bụng ỏng đít teo” (“bụng ỏng đít beo”); “trọng nghĩa khinh bần” (“trọng nghĩa khinh tài”); “mặt se mày sám” (“mặt se mày sém”); "xơ như nhộng xác như rờ" ("xác như vờ, xơ như nhộng")...

Vì bài viết đã dài, nên chúng tôi xin tạm dừng tại đây.

Dù thống kê chưa hết, nhưng những lỗi trên đây cho thấy “Từ điển chính tả tiếng Việt” của NXB Đại học Quốc gia Hà Nội là cuốn từ điển không dành cho những người kém chính tả. Ngược lại, để sử dụng được cuốn từ điển này, người ta phải có trình độ chính tả chuẩn, để có thể tránh được sai lầm khi sử dụng.

Giả sử một cuốn tiểu thuyết hơn 700 trang, mà bạn đọc vấp phải khoảng 50 lỗi sai chính tả có gọi là nhiều không? Dĩ nhiên là nhiều, và rất khó chấp nhận. Với một cuốn từ điển chính tả có cùng số trang, yêu cầu phải “khuôn vàng thước ngọc”, mà lại phạm chừng gấp đôi, gấp ba số lỗi ấy, thì lại càng khó chấp nhận. Đúng hơn là không thể chấp nhận!

                                                                               HTC/6/2020
Chú thích:
[*] Có nhiều những điểm sai rất giống nhau giữa hai cuốn sách này. (Xem sách “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân – Phê bình và Khảo cứu” – Hoàng Tuấn Công - NXB Hội Nhà văn 2017, 2018).



1 nhận xét:

  1. Mong chờ bài mới của Hoàng Tuấn Công sau ý kiến của Hà Quang Năng trên báo Người lao đông!

    Trả lờiXóa