14 thg 8, 2016

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kỳ II)

Cây đa đầu làng Đoài

Ảnh: HTC
           HOÀNG TUẤN PHỔ
           (Hồi ký viết lúc hoàng hôn)


Nhà ông Tộc trưởng ở đầu làng, trên khu đất rộng thênh thang do chính cụ Tổ Bèo (Bìu) lựa chọn. Vây bọc chung quanh rất nhiều cồn luỹ. Họ hàng phát triển quây quần ngày càng đông. Ông Tộc bảo cụ Tổ tôi: "Nhà tau ở đất ni đẹp nhất làng, giờ thời thế loạn lạc, thấy ông Tộc có máu mặt, tưởng béo mỡ lắm, đứa gian phi mắt la mày lét dòm ngó, rình mò. Nay cho vợ chồng mi ra ở cồn tre đầu ngõ, nghe thấy có động đạt chi thì đánh mõ báo hiệu, tau ở trong ni sẽ liệu cách"...


          Cụ Tổ tôi được giao tận tay chiếc mõ gốc tre già cực lớn, tiếng kêu to vang chỉ thua mõ làng; một con dao phát sắc bén (dao này là dụng cụ phát cỏ rậm và rạ sác ngoài đồng); một cây giáo sào dài bằng tre ngọn vót nhọn bịt sắt. Đó là hai thứ khí giới, đánh gần có dao phát lia một nhát đứt cổ; đánh xa là cây giáo sào, nếu khoẻ tay, rèn luyện tốt phóng trúng mục tiêu xa đến năm chục thước ta...

          Cụ Tổ tôi sinh hạ 5 con trai, tất cả đều làm con ăn đứa ở nhà ông trưởng họ Lê, tất cả đều lập gia đình riêng trong cảnh tôi tớ bần hàn. Do bị đói khát, ốm đau, bệnh tật, năm người con chết hai còn ba. "Của đau con xót", cụ Tổ tôi buồn thêm cảnh ngụ cư, bị cả làng khinh bỉ, 60 tuổi vẫn phải đầu đội vai vác việc quan, việc làng, ai cũng gọi mình là "thằng". Cứ một "thằng ngụ cư" hai "thằng ngụ cư", mặc dù mình có tên có họ hẳn hoi! Cụ Tổ nghĩ cách tìm cho con cái một nghề, "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". Con Cả, cụ cho hầu ông phó mộc, thứ Hai cho theo ông phó may, thứ Ba cho ở với bác thợ sơn (Những nghề này ba chi họ Hoàng còn truyền nối đến trước 1945).

          Riêng người con Cả được cụ Tổ tôi đặc biệt ưu tiên cho học chữ Nho với thầy đồ trong làng, dẫu đã cao lớn sừng sững mới bắt đầu ê a Tam tự kinh. Nhờ thời gian xách cưa đục hầu điếu đóm ông phó mộc, chú "phó nhỏ" con trai đầu cụ Tổ tôi, bản tính thông minh chăm chỉ, cũng đã học mót thêm được chút ít ở ông Phó cả già vui tính, có cái "sách" gọi là "Tứ tự kinh giắt lưng". Ông thường ngâm nga: "Xuống sác mò cua-chữ nhi là mà, Trèo lên mái nhà-là con ve ve...con ve kêu gia ấy mà!". Không có tiền tết lễ thầy đồ, con trai đầu cụ Tổ tôi học hết "Tam tự kinh", đành phải xin thôi, tiếp tục làm "phó nhỏ" vác đục cưa theo hầu ông phó cả.

          Một lần chùa Tuyết Phong tiểu tu, gọi thợ mộc, con trai đầu cụ Tổ tôi cũng được đi theo học nghề. Một hôm, ông sư nhà chùa thấy con trai cụ Tổ tôi vừa lau chùi câu đối trên cột, vừa bập bẹ tập đọc, gật đầu nói: "Muốn học thêm chữ thì ở lại bản tự làm tiểu quét bệ, thỉnh chuông...".

          Về sau mới biết ông sư ấy là Đạo sĩ Pháp Đăng quê ngoài Bắc vào Thanh truyền đạo ở chùa Tuyết Phong, một trung tâm đạo tràng của đạo Đông. Đạo này kế thừa và phát triển môn phái Pháp Lục của đạo Lão Việt Nam thời Lý Trần chủ trương Phật-Lão hoà đồng, sư tăng cũng là đạo sĩ. Đạo sĩ khác sư tăng ở chỗ nhập thế, không xuất thế, có gia đình, vợ con như người trần tục. Người đắc đạo được gọi là Pháp sư, đặt pháp danh, lập tĩnh thờ riêng, thờ cả Phật Tổ và Lão Quân. Đạo Đông lại chia ra hai chi phái: Đạo Nội, Đạo Ngoại. Gia đình tôi suốt 4 đời, cha truyền con nối, từ kỉnh cố đến ông, bố tôi đều làm pháp sư đạo Nội, thầy pháp kiêm thầy thuốc. Riêng người chú bố tôi (em trai ông nội tôi) đi theo chi phái Đạo Ngoại, chủ yếu hành đạo chuyên dùng ấn quyết, bùa chú và các phép thuật khác như: Lội hoả thang, leo thang dao bầu, xiên lềnh, trún bùa, đánh phản ác,v.v...(Ông chú chết lúc chưa đến bốn mươi, gia đình bị tuyệt tự). Vấn đề đạo Nội, đạo Ngoại rất phức tạp, tôi sẽ nói trong những đoạn sau.

          Mục đích cụ Tổ tôi như vậy đã thành công. Từ đời kỉnh tôi (chú tiểu chùa Tuyết Phong) đã được làm thầy: thầy pháp kiêm thầy cúng, nhân dân trong làng ngoài xã, ai cũng phải gọi  là "thầy", mặc dù vẫn là kẻ ngụ cư, làng có thể đuổi đi bất cứ lúc nào, vì bất cứ lý do gì. Những kẻ xấu bụng đôi khi hăm doạ, mạt sát, nói ra miệng, còn làng tuyệt đối không, bởi các cụ nhà tôi luôn luôn tôn trọng lệ làng phép nước, và ai cũng thấy trong làng mình có thầy pháp, cả thầy thuốc, khi cần có thể mời ngay, rất tiện lợi.

          Trên đây là tiểu sử cụ Tổ tôi, mà bố tôi được nghe ông nội tôi kể, ông nội tôi lại nghe cố nội tôi, ông cố tôi lại nghe ông kỉnh tôi, ông kỉnh tôi được chính cụ Tổ tôi nói cho biết...

          Cụ cố tôi, Hoàng Hữu V. lúc nhỏ đi ở cho một gia đình giàu có, họ Lê ở làng Đông, giáp làng tôi. Ông tổ họ này làm võ quan Vệ uý triều Lê Cảnh Hưng, một ngày đánh giặc thắng liền hai trận, được ban hai đạo sắc (hiện còn) phong thưởng Thiên hộ. Không rõ vinh phong, hay thực phong mà gia tư trở thành một điền chủ, ruộng đất khắp xứ, trâu bò đầy chuồng, tôi tớ chật cửa. Sau nhà quan Vệ uý giảm sút dần vì phải chia năm sẻ bảy cho con cháu. Đến đời cụ Lê công may còn giữ được vài ba chục mẫu ruộng, mươi con trâu, bò. Cố tôi trước đi ở, sau cụ Lê công quý mến gả con gái cho, được ở rể luôn trong nhà. Qua 3 năm làm rể, đã sinh một trai (tức ông nội tôi). Cụ Lê công cho con gái cùng chồng con 5 sào cuộng, một con bò mang về nhà chồng. Từ chỗ không tấc đất cắm dùi, bỗng nhiên gia đình có ruộng, có bò, ai cũng mừng lắm, cứ ngỡ nằm mơ! Nhờ số của hồi môn làm vốn liếng vô cùng quan trọng này, đời ông nội tôi phát triển lên 5 mẫu ruộng, một con trâu. Ông bà nội có hai trai (bố tôi, chú tôi), ba con gái gả chồng trong xã. Theo cách chia ruộng ngày xưa: Con cả phần nhiều, con thứ ít hơn, các o chỉ tính sào trên đầu ngón tay làm "của ra ở riêng". Bố tôi được hơn hai mẫu, chú tôi một mẫu năm, các o mỗi người vài sào để "nhớ" giỗ tết (không gọi của hồi môn).

          Chú Thuyết tôi lấy thím A. ở miếng đất sát ngay cạnh nhà tôi, với một căn nhà luồng mái kè, sinh hạ hai con gái. Vì năm 60 tuổi ông nội tôi mất (1946), nên bà nội tôi giao thừa kế cho bố mẹ tôi, rồi ở với chú, thím tôi. Chú tôi đi tù cùng vụ án với bố tôi. Năm 1954, sau Hiệp định Đình chiến vẫn ở trong trại giam. Năm 1955, vì mắc bệnh ngã nước, chú tôi mới được tha về. Nhưng cũng như gia đình tôi, thành phần phản động không thể thoát cái án "treo niêu"! Vì không có tiền thuốc thang, không cả nắm gạo nấu cháo, nên chú Thuyết về được vài tháng thì chết!

          Mấy năm sau, thím tôi tái giá với ông từ Nghệ người xóm trại Cồn và đem theo con gái thứ hai. Con gái cả (bị chứng viêm tai nên nghe kém), gả cho Lê Văn Nhì (thành phần bần nông) người xóm trại Bái Cốc. Lê Văn Nhì ở rể chịu trách nhiệm chăm sóc bà nội tôi và thờ cúng bố vợ (chú ruột tôi) Khi còn sống, bà nội tôi đã giao tất cả gia sản nghèo cho cháu, rồi hai cháu Nhì-Ất lại trao lại cho con trai Lê Văn Nhất làm chủ sở hữu đất đai nhà cửa (có giấy chứng nhận) đề phòng sau này xảy ra chuyện không hay. Lê Văn Nhất thừa hưởng cơ nghiệp vốn nghèo khó của cha mẹ để lại, kèm theo đứa em trai Lê Văn Tâm tàn tật (không biết lấy vợ), cuộc sống gia đình ngày càng bần cùng. Suốt 7 năm trời, Lê Văn Nhất mang vợ con vào Biên Hoà làm thuê, năm 2015 mới trở về. Trong thời gian Nhất đi vắng, cậu em tàn tật (Lê Văn Tâm) do gia đình tôi trông nom. Hằng năm cháu Nhất vẫn dành dụm tiền gửi về làm giỗ tết đầy đủ. Chú tôi ở dưới suối vàng hẳn cũng được an ủi, vì các cháu nghèo khó mà hiếu nghĩa, nhưng vẫn hàm oan cái án phản động 8 năm tù hồi còn ở dương gian, không cách gì giải toả!

          Viết đến đây, tôi bồi hồi nhớ lại mình thời nhỏ được người chú ruột (chú Thuyết) đặc biệt chăm sóc chuyện học hành. Chính chú Thuyết đã bàn với bố mẹ tôi cho tôi lên huyện Nông Cống học lớp đệ nhị trường tư thục trung học Na Sơn. Chuyện tiền gao khó khăn, chú tôi tìm cách giải quyết. (Lớp đệ nhất tôi học trường Trung học tư thục Hoài Văn cách nhà 6km, do nhà văn Trần Thanh Mại làm Hiệu trưởng. Được một năm, trường chuyển ra huyện Hoằng Hoá, quá xa nên tôi phải nghỉ học). 

              Phải nói thật rằng bố tôi không thiết tha lắm việc học của tôi, chỉ vì một lý do: Lúc tôi mới sinh, các cụ đã "chấm lá số tử vi" cho tôi, thấy "không có số công danh"! Tôi chỉ học đến thế là đủ. Thời thế đổi thay, tôi không thể nối nghiệp làm thầy (pháp sư kiêm lương y), thì ở nhà lấy vợ sinh con, vài mẫu ruộng với bốn cẳng con bò, không giàu cũng đủ ăn. Sự thực, nhà không còn được hai mẫu ruộng, vì trước năm 1945, bố tôi thích chơi cờ bạc, mỗi khi thua, bán đi dăm bảy thước, một sào. Bố tôi còn vay cả tiền của nhà ông từ Đệp giàu có trong làng, nợ nần cứ "lâm tí lâm sửu" không biết đến bao nhiêu mà tính! Mẹ tôi trả nợ được một ít, còn lại nhờ Cách mạng Tháng Tám xoá sạch.

          Được học trường Tư thục Trung học Na Sơn, trí óc tôi mở mang thêm nhiều. Bấy giờ phố chợ Cầu Quan đông vui như một đô thị, chỉ cách trường chừng mấy cây số. Đặc biệt Cầu Quan có hai hiệu sách đều của người ngoài Bắc tản cư vào.

          Hiệu sách tiếng Pháp, bán toàn sách cũ, nhiều quyển dày cộp. Với vốn liếng Pháp văn quá ít ỏi khiến tôi không thể đọc, chỉ đứng ngoài cửa nhìn vào bằng con mắt ngưỡng mộ. Nghe nói chủ hiệu sách này là ông Phùng Quang Nhiên, Hiệu trưởng trường Trung học Tư thục Quang Trung.

          Hiệu sách thứ hai tôi năng lui tới, toàn sách Quốc Ngữ, đủ loại mới cũ, mỗi thứ bày ra một tập. Tiểu thuyết của NXB Đời Nay, báo Tiểu thuyết Thứ Bảy, báo Đuốc Tuệ, tạp chí Viên Âm, Từ Âm, tạp chí Tri Tân, có cả cuốn Phê bình văn học của Kiều Thanh Quế,v.v...Sách báo mới (xuất bản trong thời kỳ kháng chiến) Văn chương bình dân của Trương Tửu, Quyền sống con người phương Tây của Đặng Thai Mai, Những nguyên lý sơ giản về triết học của Goóc-giơ Pô-lit-zê (BS Đỗ Đạo Tiềm dịch), Tìm hiểu chiến tranh của Trường Sơn, Tài liệu nghiên cứu chủ nghĩa Mác của Phân hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác Liên khu IV, kịch Màn cửa vàng của Huyền Kiêu,v.v...

          Đọc hết tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn, tôi đọc sang các tác giả khác, như Chiều của Nguyễn Xuân Huy, Đứa con của Đỗ Đức Thu, loại sách đường rừng của Lan Khai, trinh thám của Thế Lữ, kinh dị của Phạm Cao Củng,...tôi thấy dần dà nhàm chán, chuyển sang loại sách nghiên cứu, mượn được thứ gì, xem thứ ấy, dù hiểu hay không hiểu. Không có tiền mua sách, tôi mượn của bạn bè, người thân quen. 

              Nhà sư Thích Trí Độ tản cư ở chùa Phúc Quả gần Cầu Quan, không rõ chức vụ gì, có rất nhiều sách (sau mới biết cụ làm đại biểu Quốc hội nhiều khoá). Tôi và một số anh em ban học, ngày chủ nhật rủ nhau đến chùa chơi xem sách tại chỗ. Cụ đang dịch kinh Lăng Nghiêm. Các cụ nhà tôi nói kinh này khó lắm, dùng trong đàn tràng, các cụ xưa cũng chỉ dám tụng đến kinh Pháp hoa, kinh Dược sư, kinh Bát nhã...Cụ Trí Độ đã chứng tỏ trình độ giáo lý uyên thâm ở tạp chí Từ Bi Âm (Sài Gòn) in rất nhất nhiều bản kinh Phật do cụ dịch. Có lẽ bởi trình độ Quốc văn của cụ bị hạn chế, cách diễn đạt nhiều câu không được sáng tỏ khiến người đọc dễ chán.

          Tôi trọ học ở nhà bà Thoả, làng Cầu Nhân,  mình tôi ba gian nhà trên vắng vẻ, tha hồ đọc sách. Tôi học văn với thầy Nguyễn Trác. Thầy hay nhắc đến Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, và luôn ca ngợi Chiếc lư đồng mắt cua, tôi chưa được đọc bao giờ, vì không thấy ai có để hỏi mượn. Thầy thường nói: Ba bốn năm sau, các anh sẽ biết tôi là ai! Thầy đưa ra lối hành văn rất ngắn gọn. Ví dụ: Bác nông dân xắn quần lên lội xuống ruộng, thầy bảo thừa chữ "lên", bởi đã xắn quần, tất phải "lên" rồi, có ai xắn quần xuống bao giờ?

          Năm đệ nhất, trường Hoài Văn, tôi học thầy Trần Thanh Địch (Nhà văn), bài văn thường được 11, 12 điểm (thang điểm 20), năm đệ nhị, trường Na Sơn, thầy Nguyễn Trác chỉ cho điểm 6/20, có bài tụt xuống mức thảm hại 03/20! Nhưng tôi không hề chán môn Văn, vẫn thích ngang môn toán. Thầy giáo dạy Toán trẻ lắm, con  thầy Phan Thế Roanh dạy môn Vật lý, cháu cụ Phan Mạnh Danh, tác giả tập thơ chữ Hán Bút hoa thi thảo, được đương thời mến mộ.

          Tôi rất kính mến thầy Nguyễn Trác. Nghe nói hoà bình, thầy chuyển về Hà Nội dạy học. Tôi chú ý tìm đọc trước tác của thầy, nhưng không thấy. Hình như thầy viết phần Giới thiệu cho quyển Truyện Phan Trần khảo thích? Không rõ danh tính Nguyễn Trác, ngoài thầy ra còn có ai không?

                                    HTP/8/2016


(còn nữa) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét