HOÀNG TUẤN CÔNG
"Vợ chồng
hàng xáo"
là thành ngữ được khá nhiều Nhà biên soạn từ
điển thu thập và giải nghĩa.
"Từ điển thành ngữ Việt Nam"
(Viện ngôn ngữ học-Nguyễn Như Ý-Nguyễn Văn Khang-Phan Xuân Thành-NXB Văn hoá-1993) giải thích "Vợ chồng hàng xáo: Vợ chồng lấy
nhau thiếu nghiêm túc, thay đổi luôn (hàng xáo: mua thóc, xay giã để bán gạo
lấy lời). Thôi, nói cũng bằng thừa, cái
ngữ vợ chồng hàng xáo thế là phải".
"Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam" (Vũ Dung-Vũ
Thuý Anh-Vũ Quang Hào-NXB Văn học-2008): "(hàng xáo: nghề đong thóc về xay
giã rồi bán gạo và thu các sản phẩm phụ như tấm, cám...lấy lãi). Vợ chồng ăn ở
với nhau tạm bợ, không lâu bền. Vợ chồng
hàng xáo chúng ta, Bách niên giai lão được vài trống canh (CD)".
"Thành ngữ, tục ngữ lược giải" (Nguyễn Trần
Trụ-NXB Văn hoá thông tin-2005): "Vợ chồng kiểu hàng xáo, mua về rồi lại
bán đi ngay. Phải nói như sau mới đủ nghĩa: Vợ
chồng hàng xáo chúng ta, bách niên giai lão được vài ba hôm".
-“Tục-ngữ lược giải” (Lê Văn Hoè): “Vợ
chồng hàng xáo: Hàng xáo là người đi mua thóc về say giã lấy gạo đem bán. Vợ
chồng hàng xáo là vợ chồng kiểu hàng xáo, tức là vợ chồng mua bán hàng sáo, mua
về rồi lại bán đi ngay. Câu này ý còn bỏ lửng. Chính ra phải nói thế này thì
mới lọn nghĩa: Vợ chồng hàng xáo chúng
ta, Bách niên giai lão được vài ba hôm”.
"Từ điển tiếng Việt" (Ban biên soạn New
Era-NXB Từ điển bách khoa 2013): "Hàng xáo: cửa hàng bán gạo và
tấm cám ngoài chợ. Vợ chồng hàng xáo là vợ chồng tạm bợ, tự do kết hôn với
nhau, còn mê nhau thì lấy, lúc chán chê thì đường ai nấy đi".
"Từ
điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam" (GS Nguyễn Lân): "Vợ chồng hàng sáo Chê những kẻ
lấy vợ lấy chồng không nghiêm túc, cứ luôn luôn thay đổi: Dư luận cần lên án những cặp vợ chồng hàng sáo như thế".
Như vậy, các Nhà biên soạn từ điển
thống nhất cao khi giải nghĩa đen và nghĩa bóng. Tuy nhiên, cái gọi là nghĩa
đen của thành ngữ thực chất chỉ là giải nghĩa từ "hàng xáo", chẳng khác gì "Từ điển tiếng Việt"
(Trung tâm Từ điển học Vietlex) đã giảng: "hàng xáo: nghề
chuyên đong thóc về xay giã, kiếm lãi bằng cách bán gạo và thu các sản phẩm phụ
như tấm, cám: '(...) cánh đồng còn mờ sương đã vang động những tiếng xì xào
của các người nhà quê hàng xáo gánh gạo lên chợ bán.' (Thạch Lam)".
Vấn
đề tại sao "Vợ chồng hàng xáo" lại được hiểu là "vợ chồng tạm bợ", "lấy nhau
thiếu nghiêm túc"? Nếu ví chuyện mua thóc về rồi bán đi ngay, cũng
giống như vợ chồng đến với nhau chóng vánh rồi chia tay là thiếu cơ sở. Bởi như
vậy là đi buôn thóc, chức không phải "hàng xáo" đích thực.
Hàng xáo khi mua là
thóc, khi bán là gạo, là cám, hoặc chỉ bán gạo, giữ lại cám chăn nuôi. Mặt
khác, người làm hàng xáo chuyên nghiệp còn tích trữ thóc lúa, sau đó xay giã,
bán dần, chứ không hẳn mua được đấu nào, xay đấu đó, mua về chiều hôm nay, thì sáng mai bán luôn. Nếu hiểu những cặp vợ
chồng làm nghề hàng xáo thì hay bỏ nhau, lấy nhau không cưới xin lại càng thiếu cơ sở. Cũng cần nói thêm,
Từ điển của New Era còn thiếu chính
xác khi giải thích "hàng xáo"
là "cửa hàng bán gạo và tấm cám
ngoài chợ", trong khi Từ điển của GS Nguyễn Lân sai chính tả,
"hàng xáo" viết thành "hàng
sáo".
Theo
chúng tôi, vì chưa hiểu nghĩa đen, nên nghĩa bóng các Nhà biên soạn từ điển đưa
ra cũng chỉ mang tính võ đoán mà thôi.
Xưa kia, hàng xáo là nghề lấy công làm lãi. Nói vất vả chưa đủ, mà phải là vô cùng
cực nhọc. Nếu làm hàng xáo "chuyên nghiệp" thì nỗi nhọc nhằn còn gấp
bội. Công việc hàng xáo có khi cả nhà cùng làm, nhưng chủ lực vẫn là hai lao
động chính: vợ chồng. Ban ngày, chồng ngược xuôi hàng chục cây số đi mua thóc,
vợ cũng phải dậy từ tinh mơ đi chợ bán gạo (đúng như câu văn của Thạch Lam mà
Từ điển Vietlex đã dẫn: "cánh đồng còn mờ sương đã vang động những tiếng
xì xào của các người nhà quê hàng xáo gánh gạo lên chợ bán").
Đi mua thóc khá đau đầu, vì phải biết cách chọn được thóc tốt, hạt mẩy đều, phơi già,
khi xay không bị nát, hao gạo. Cân đong cũng phải làm thế nào để "cứng"
hơn chút ít ("Đấu hàng xáo, gáo hàng dầu"). Mỗi công đoạn đều phải tính toán kỹ để tránh thất thoát, mong sao không bị
lỗ.
Trần lưng gánh vã, tối về cơm nước xong xuôi là vợ chồng lại bắt
tay ngay vào công việc. Xay lúa, sàng gạo,
giã, giần, sảy, gằn, nhặt thóc...hoàn toàn lao lực và thủ công tỉ mẩn. Có
khi vừa xay lúa, giã gạo vừa ngủ gật. Công việc xong xuôi thì đã canh khuya, mệt
nhoài, mắt díp lại. Lúc này, niềm sung sướng hạnh phúc nhất là được nằm lăn
quay đánh một giấc dài. Nhưng hàng xáo chỉ lãi có nắm cám, lỡ ngủ quên, nghỉ chợ thì gạo ai bán, ngày mai,
ngày kia lấy đâu thóc để xay, cám đâu nuôi lợn? Thế nên ngay cả trong giấc ngủ người làm nghề vẫn chập chờn nỗi cực nhọc hàng xáo:
"Canh ba chưa nằm, canh năm đã dậy", vợ chồng hàng xáo lại bắt
đầu một ngày mới, lặp lại như vòng quay của chiếc cối xay lúa.
"Quanh năm xay giã giần sàng
Thiếp đi còn thấy mơ màng cối xay"(*)
Xưa
dân làng Đai, (xã Quảng Hải-Quảng Xương-Thanh Hoá) chuyên nghề hàng xáo lấy cám
nuôi lợn nái. Làm được nắm cám mà lợn ốm không ăn, thì người cũng phát ốm theo. Câu ca của họ như lời than:
"Tiếc công anh
đóng khố kéo xay
Ban đêm thì kéo,
ban ngày thì giã
Được một nắm cám
lợn chả buồn ăn!
Lợn không ăn,
người cũng không ăn
Đứng than thở
ngắn, ngồi than thở dài!"
Đã
là hàng xáo thì ở đâu cũng vất vả như nhau. Bài "Long đong nghề hàng
xáo" (Vũ Văn Lâu-Báo Thái
Bình) viết: "Người làm nghề phải
thức khuya dậy sớm hơn cả những nghề khác. Sáng sớm khi gà gáy đã phải dạy
quang gánh đi chợ bán gạo, đong thóc từ xa có khi tối mịt mới về. Nếu ở nhà,
phải xay lúa, giã gạo, sàng sẩy luôn tay luôn chân. Nhiều khi phải giã gạo đến
12 giờ đêm, buồn ngủ rũ rượi cũng cố làm việc".
Tác
giả Trần Khắc Luyện nhớ lại nỗi vất vả của nghề làm hàng xáo ở Quỳnh Lưu, Nghệ
An: "Chính mẹ tôi, vừa ngủ, vừa giã gạo, đổ đèn, cháy rèm (...) Cố Doan,
người hàng xóm cạnh bên, nghe tiếng chày giã gạo, mà thấy lửa cháy sáng rực,
chạy sang, kêu lên, mẹ tôi mới biết. Cố Doan và mẹ tôi đều đã khuất núi. Tôi
không dám nói sai trước vong linh những người đã khuất, nhất là người đó lại là
mẹ mình." (langvong.net).
Tất cả những chuyện đó nói lên điều gì? Theo chúng tôi có thể hiểu thành ngữ "Vợ chồng
hàng xáo" nói về nỗi vất vả, cực nhọc của nghề này nói chung, của cặp
vợ chồng hàng xáo nói riêng. Đặc trưng công việc cực nhọc, quần quật cả ngày
lẫn đêm khiến họ ít khi được hưởng niềm hạnh phúc ân ái vợ chồng (cả theo nghĩa hẹp và nghĩa rộng). Thế nên toát lên từ âm điệu và nội dung câu ca: "Vợ chồng hàng xáo chúng ta, Bách niên
giai lão được vài trống canh", chính là lời ngậm ngùi, tự an ủi cho thân phận chịu nhiều thiệt thòi, vất vả của đôi vợ chồng
làm nghề hàng xáo đầu tắt mặt tối: ví thử cùng sống với nhau đến đầu bạc, răng long, nhưng những phút
giây thảnh thơi, ái ân mặn nồng dành cho nhau góp lại cũng chỉ được vài trống
canh (rất ngắn ngủi, rất ít theo cách nói ngoa dụ của dân gian). Hiểu rộng hơn, thành
ngữ chỉ những cặp vợ chồng tuy không phải sống xa nhau về khoảng cách địa lý
(như thành ngữ "Vợ chồng Ngâu"), nhưng đặc điểm nghề nghiệp khiến họ ít khi có điều kiện gần gũi, quan tâm tới nhau sau một ngày lao động. Trong khi nếu làm ruộng đơn thuần, kinh tế có thể không sung túc như hàng xáo, nhưng sau bữa cơm tối là vợ chồng con cái có thể ngắm trăng, hóng mát, đêm về thủ thỉ chuyện trò, đầu gối tay ấp thư thái bên nhau, chung hưởng hạnh phúc ái ân theo lẽ thường phải có.
Có
thể nói, "Vợ chồng hàng xáo"
thuộc nhóm thành ngữ nói về sự vất vả đặc biệt của nghề nghiệp, tương tự như tục ngữ "Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm
đứng". Tiếc rằng, một thành ngữ có ý nghĩa tốt đẹp như vậy, đã bị hiểu sai, dùng sai theo một nghĩa xấu. Nguyên nhân có lẽ từ việc hiểu không đúng câu ca: "Vợ chồng hàng xáo chúng ta, Bách niên giai lão được vài trống canh"(**).
Hoàng Tuấn Công/5/2016
(*) "Nhọc nhằn hàng xáo"-tác giả Hải Thăng. Bài thơ còn có những câu nói về nỗi vất vả của nghề hàng xáo như:
"Chợ đi từ lúc canh ba
Vắt ngang đòn gánh, quả cà dứng cơm
Miệng nhai, chân vội bước dồn
Bán đong trời chửa sáng ngày
Oằn vai về chợ, thúng đầy, dó vơi..."
(**) Câu ca không nói "được vài trống canh" cái gì. Đây là cách nói bỏ lửng, tế nhị, kín đáo, mang tính gợi mở của dân gian.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét