24 thg 3, 2015

Phải chăng ông Nguyễn Lân Hùng đang bào chữa và cổ vũ cho việc phá hoại cây xanh Thủ đô?

Hoàng Tuấn Công

Ông Nguyễn Lân Hùng-Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam-người nổi tiếng với việc tuyên truyền, hướng dẫn nông dân làm kinh tế phong trào. Ông là tác giả nhiều cuốn sách và tài liệu kỹ thuật nuôi giun, dế, dúi, đến nhím, kỳ đà, ếch nhái, ba ba, rắn mối, cầy hương,...

Ngày 19/3/2015 khi dư luận đang hết sức phẫn nộ bởi việc triệt hạ hàng loạt cây xanh Hà Nội, ông Nguyễn Lân Hùng, với tư cách là một Nhà khoa học đã phát biểu (trên báo An ninh Thủ đô): Thay thế đồng bộ cây xanh: “Tôi tin, Hà Nội làm đúng” :

“Tôi tin, Hà Nội làm đúng, chủ trương là đúng. Nhưng có vẻ cách làm của các cấp, Sở ngành chưa thấu đáo - như Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã nói. Việc tuyên truyền tới người dân chưa tới, nên gây hiểu nhầm và thiếu thông tin. Vì vậy, các Sở, ngành Hà Nội cần thông tin cho người dân hiểu rõ, việc thay thế là thay những cây cong nghiêng, sâu mục không an toàn, những cây không thuộc chủng loại cây đô thị. Việc thay thế này là thay thế xen kẽ, kéo dài từ 2015-2017 chứ không phải chặt hạ đồng bộ trên các tuyến phố như người dân đang hiểu”.

Theo những gì ông Nguyễn Lân Hùng nói thì Hà Nội chỉ mới có chủ trương chặt cây trên giấy tờ, văn bản, “không phải chặt hạ đồng bộ trên các tuyến phố như người dân đang hiểu” (!) "Đang hiểu""hiểu nhầm" do "thiếu thông tin" chứ không phải đang nhìn thấy(?!)

Cứ ngỡ ông Nguyễn Lân Hùng lỡ miệng. Thế nhưng, chiều ngày 23/3/2015 (trên báo Hà Nội mới) ông Hùng vẫn tiếp tục quan điểm:Thay thế cây xanh cho Hà Nội: Phải làm và nên làm" .

 Những gì cơ quan điều tra đang làm, báo chí đang phản ánh có lẽ đã là câu trả lời cho ông Nguyễn Lân Hùng. Tuy nhiên ta thử xem, ngoài những lời ngụy biện, bênh vực cho chính quyền Hà Nội, trình độ chuyên môn, hiểu biết và thông tin của ông đến đâu.

ĐÁNH TRÁO KHÁI NIỆM:

Ông lặp lại quan điểm lần phát biểu trước:việc chặt hay thay cây là việc làm bình thường với bất cứ đô thị nào. Sự phản ứng vừa qua từ công luận là do người dân chưa được tuyên truyền để hiểu rõ lý do tại sao lại phải chặt bỏ, thay thế những loại cây đó cũng như giá trị, vẻ đẹp, tác dụng… của những loại cây được trồng mới”.

Điều kỳ lạ, ông Nguyễn Lân Hùng cố tình đánh tráo khái niệm, phớt lờ thực tế: Hà Nội đã chặt, thay thế hàng loạt cây cổ thụ đang xanh tốt, khỏe mạnh một cách rất vội vã, bất thường chứ không phải thay thế “những cây cong nghiêng, sâu mục không an toàn”, càng không phải “thay thế xen kẽ, kéo dài từ 2015-2017” như ông “tin” chính quyền Hà Nội. 

Điều nguy hiểm ở chỗ ông liệt cây xà cừ vào danh sách những cây "không thuộc chủng loại cây đô thị", đặt ngang hàng chúng với những cây "cong nghiêng, sâu mục không an toàn" cần phải loại bỏ: "Việc thay thế là thay những cây cong nghiêng, sâu mục không an toàn, những cây không thuộc chủng loại cây đô thị". Tuy nhiên, ông lý giải thế nào về những hàng cây xà cừ cổ thụ, đều tăm tắp trên đường Hà Nội-Hà Đông? Nếu “gẫy đổ la liệt” thì giờ đây đâu cần phải “nhọc công” chặt hạ, thay thế? Có dịp lên Am Tiên (núi Nưa-Thanh Hóa) ông lý giải ra sao về hàng xà cừ đại thụ gần thế kỷ qua vẫn đứng dàn hàng, sừng sững qua bao mùa bão tố dữ dội của miền Trung? 

Hàng xà cừ cổ thụ trồng từ 1928
trên đường lên Am Tiên núi Nưa Thanh Hoá
Ảnh: cập nhật của HTC


Ngay như việt chặt hạ, thay thế đối với những loại "cây cong, nghiêng" cũng phải hết sức thận trọng. Bởi cây cong không hẳn là xấu, ngược lại có thể tạo nên vẻ đẹp độc đáo. Với cây nghiêng, nếu là cây quý cũng nên dựng, trồng lại. Không nên máy móc, cứ thấy "cong, nghiêng" là đánh dấu X vào và hạ sát.

PHI KHOA HỌC:

Ông Nguyễn Lân Hùng là nhà khoa học hẳn phải biết rõ, cây đô thị bật gốc, gãy đổ do rất nhiều nguyên nhân: tầng đất canh tác mỏng (phía dưới nhiều gạch ngói, bê tông của lớp kiến trúc trước, khiến rễ cây không thể mọc sâu, vươn xa), do đào bới đường, vỉa hè nhiều lần (rễ của cây bị chặt đứt); do tán cây quá cao, quá nặng (vì không được chăm sóc, tạo tán); do mưa ngập khiến đất nhão ra, cộng bão lớn hoặc đúng luồng gió lớn; do khi trồng cây, kích thước hố đào không đúng tiêu chuẩn (hố quá nhỏ, nông)...Sao chỉ quan sát gốc rễ của những cây bị đổ mà không nhìn thấy bộ rễ vĩ đại của những cây đứng vững ngót thế kỷ bị đốn hạ, đào bới? Một cây xà cừ nếu được định kỳ tỉa cành, tạo tán, chăm sóc để cây không vươn quá cao, tán không quá nặng sẽ không dễ bị bão tố quật ngã. Sao Hà Nội không dùng kinh phí gần 36 triệu đồng cho việc triệt hạ một cây xà cừ, để chăm sóc, điều khiển, tạo tán cho cây? Nếu cây mỡ thực sự là cây đẹp, tốt, phù hợp, sao không bắt đầu bằng việc trồng ở những khu đô thị mới của Hà Nội?

TIỀN HẬU BẤT NHẤT:

Quan điểm thay thế cây cho Hà Nội của ông Nguyễn Lân Hùng cũng rất phi khoa học, tùy tiện, tiền hậu bất nhất, thiếu tính nhân văn:

-Ông cho rằng cần loại bỏ những cây “không thuộc chủng loại cây đô thị” như “xà cừ dễ bật gốc, lim xẹt dễ gãy cành…” thế nhưng ông Hùng lại khuyên nên trồng cây chò chỉ: “mỗi con đường, tuyến phố nên trồng từng loại cây khác nhau, có ý nghĩa riêng như đường Bắc Sơn trồng hàng cây hoa ban, đường Hùng Vương, Trần Phú trồng cây chò chỉ…”

Vậy xin hỏi ông Nguyễn Lân Hùng, căn cứ nào để xếp cây chò chỉ vào loại cây đô thị, nên trồng thay thế ở đường Hùng Vương, Trần Phú? Theo tài liệu của Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam, chò chỉ là loài cây lấy gỗ và là cây gỗ lớn, cao 30-40m (cây ở rừng Cúc Phương cao tới 60m), đường kính có thể đạt 150-200cm, thân tròn thẳng, sống trong rừng tự nhiên, phù hợp với rừng hỗn giao, thảm thực vật nhiều tầng, nhiều tán, “nơi ven khe suối, chân hoặc sườn núi, ẩm, ở độ cao £700 m so với mực nước biển và thích hợp với các loại đất như Feralit đỏ nâu hoặc vàng đỏ phát triển trên các loại đá mẹ Phiến thạch sét, Granit, Phiến thạch mica, có tầng dày, tơi xốp, thành phần chủ yếu là sét pha thịt”.

Với đặc điểm sinh học như vậy, ai bảo chò chỉ phù hợp với cây xanh đường phố Thủ đô?

-Ông nói “người dân chưa được tuyên truyền để hiểu rõ lý do tại sao lại phải chặt bỏ, thay thế những loại cây đó cũng như giá trị, vẻ đẹp, tác dụng… của những loại cây được trồng mới”. Vậy nếu bây giờ được tuyên truyền, theo ông, cây mỡ được trồng mới thay thế xà cừ ở đường Nguyễn Chí Thanh có “giá trị, vẻ đẹp, tác dụngnhư thế nào? Nó có thuộc chủng loại "cây đô thị" như cây chò chỉ do ông đề xuất không?

 Trồng cây xanh cho Thủ đô (đúng như ông Nguyễn Lân Hùng đã nói, phải tính đến cả trăm năm”) đâu phải chuyện nay nuôi dế mèn, nuôi ếch thất bại, mai chuyển sang nuôi nhím; nuôi nhím phá sản lại chuyển sang rắn mối, cầy hương... như cách ông hướng dẫn nông dân làm kinh tế phong trào?

-Ông Nguyễn Lân Hùng đưa ra ý kiến: “một số loại cây như cây bàng, theo tôi cũng không phù hợp là cây đô thị, bàng về mùa đông rụng lá, nhìn rất xấu”. Do đó, theo ý ông “việc thay thế cây xanh của Hà Nội nên được làm quy củ (...) tốt nhất nên chọn cây đẹp, cho bóng mát và xanh quanh năm”.

Vâng, không rụng lá theo mùa mà phải “xanh quanh năm”! Vậy “cây hoa ban” ông khuyên nên trồng ở “đường Bắc Sơn” là cây thế nào? Nó chính là cây rụng lá theo mùa đó thưa ông! Trong mấy tháng mùa khô (trùng với thời gian từ cuối thu sang đông) nếu nhìn cây hoa ban, người ta sẽ ngỡ cây đã chết queo từ lâu. Sang xuân độ tháng 2, tháng 3, hoa ban mới đổ lộc ra hoa tưng bừng. Vậy, bây giờ Hà Nội có nên trồng cây hoa ban rụng lá vào mùa đông nữa không, thưa ông?

Ông Nguyễn Lân Hùng là nhà khoa học sao lại phát biểu ý kiến thiếu khoa học, tùy tiện, tiền hậu bất nhất, mâu thuẫn đến vậy?

GIẢN ĐƠN, TRẦN TRỤI VỀ THẨM MỸ:

-Trở lại câu chuyện “một số loại cây như cây bàng, theo tôi cũng không phù hợp là cây đô thị, bàng về mùa đông rụng lá, nhìn rất xấu” và “nên chọn cây đẹp, cho bóng mát và xanh quanh năm của ông Nguyễn Lân Hùng.

Thưa ông, nếu kể về loại cây “mùa đông rụng lá, nhìn rất xấu” không "cho bóng mát và xanh quanh năm thì Hà Nội không chỉ có bàng mà còn rất nhiều loại khác như cây sưa, phượng vĩ, lộc vừng, bằng lăng, cây cơm nguội, liễu rủ,v.v...Vậy, những loại cây mang lại vẻ đẹp quyến rũ cho Hà Nội này hẳn cũng nên thay thế một cách có “quy củ” hoặc không nên trồng nữa sao? Cây ở Hà Nội rụng lá vào cuối thu sang đông. Đây là khoảng thời gian Hà Nội không còn nắng, nhu cầu bóng mát đâu phải chuyện bức xúc? Tại sao dứt khoát phải thay thế hoặc trồng mới bằng loại cây "cho bóng mát và xanh quanh năm"? Vả lại, từ lúc "cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ"(*) cho đến khi chúng trút lá ngủ đông, chỉ còn thân cành khẳng khiu, đứng âm thầm như sắp lụi tàn trong màn sương giá rét của Hà Nội cũng có vẻ đẹp và cảm xúc riêng của nó, sao lại "nhìn rất xấu" được? Là dân Thủ đô mà ông chưa từng thấy vẻ đẹp của những "cây bàng mồ côi mùa đông" (*), những phượng vĩ, lộc vừng, liễu rủ ven hồ...mùa trút lá vàng đã đi vào thơ ca, nhạc họa, nhiếp ảnh... và cảm xúc của người Hà Nội, du khách bốn phương thế nào sao?

Vẻ đẹp của cây bàng mùa đông Hà Nội


            Cây rụng lá mùa đông, sang xuân bỗng tưng bừng chồi non lộc biếc, thành phố cây xanh như được khoác một tấm áo mới non tơ, mơn mởn, đầy sức sống, không phải là nét đẹp từng có và mãi mãi cần có của Hà Nội hay sao? Nếu Hà Nội thay thế, hoặc trồng mới toàn bộ bằng loại cây "cho bóng mát và xanh quanh năm" như đề xuất của ông, khi ấy, sẽ không còn mùa thu Hà Nội, không còn mùa xuân của thiên nhiên đất trời nữa. Vậy, ông nghĩ sao về một Hà Nội tự đánh mất bản sắc như vậy trong tương lai? Chẳng nhẽ ông nghĩ rằng, tình yêu với cây xanh Thủ đô, vẻ đẹp của Hà Nội chỉ ở một lẽ giản đơn là cây đem lại "bóng mát quanh năm" sao? Rõ ràng, chuyện lựa chọn cây xanh cho Hà Nội không đơn giản chỉ là rụng lá theo mùa, hay "bóng mát quanh năm" như ông Nguyễn Lân Hùng khuyên bảo mà còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nữa. 

Vẻ đẹp của bàng mùa đổ lộc
Ảnh: ST



            -Ông nói “mỗi con đường, tuyến phố nên trồng từng loại cây khác nhau". Đúng vậy. Tuy nhiên, đó chỉ là việc nên làm, nên quy hoạch cho những khu đô thị mới hiện đại, tuyến  phố dài, thẳng tắp, không nên áp dụng chung cho việc "chặt bỏ, thay thế cây xanh" của Hà Nội. Vì sao? Vì có nhiều loại cây, nhiều thế hệ cây trên một tuyến phố, con đường hay ven hồ chính là dấu ấn của một thành phố có bề dày lịch sử, văn hóa, được hình thành, xây dựng, phát triển qua nhiều thời kỳ. Những "lớp văn hóa cây xanh" đầy bản sắc đó cần phải được bảo tồn, lưu giữ. Mặt khác, cây trồng thuần loại, đồng bộ trên mỗi tuyến phố đem lại vẻ đẹp của một thành phố hiện đại, nhưng ai dám bảo rằng, những "cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau" (*) không mang vẻ đẹp của hội họa, nhân văn đặc sắc cho một thành phố cổ? Ấy là chưa kể đến lợi ích của đa dạng sinh học do cây xanh mang lại cho môi trường Thủ đô, cho chính những loài cây khi được trồng xen kẽ bên nhau.

Vẻ đẹp của cây rụng lá  theo mùa ở Hà Nội

PHÁN BỪA:

-Về cây lim xẹt, không biết căn cứ vào đâu, ông Nguyễn Lân Hùng cho rằng cũng không nên trồng vì “xà cừ dễ bật gốc, lim xẹt dễ gãy cành…” ?

Tuy nhiên, lim xẹt là loại cây đẹp "được trồng rộng rãi làm cây cảnh (do cây có tán tròn đều và hoa nở rộ rất đẹp) và che bóng trên đường phố, công viên, công sở, trường học. Hiện một số thành phố lớn ở Việt Nam như Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh... Lim xẹt là một trong các loài cây chủ lực chiếm cơ cấu cao trong hệ thống cây xanh đô thị. TP Đà Nẵng đã đưa cây lim xẹt vào trong 5 loài cây chủ lực của TP" (Theo Wikipedia). 

Có đúng lim xẹt dễ gãy cành hay không, chưa thấy tài liệu nào nói đến. Nhưng dẫu có thì lý do "lim xẹt dễ gãy cành" không nên trồng của ông Nguyễn Lân Hùng cũng không chính đáng. Vì chính đặc điểm "dễ gãy cành" mà nhiều loại cây rất ít bị đổ do mưa bão. Bởi hàng năm, chúng được tự nhiên tỉa bớt cành lá, chấp nhận trơ trụi trong cơn bão tố để giữ vững gốc rễ, sau đó thân cành lại tái sinh tươi tốt. Bởi vậy, đặc tính dễ gãy cành của lim xẹt (nếu có) cũng  phải được nhìn nhận là một cách sinh tồn của  loài cây trong tự nhiên, ưu điểm của một loài cây khó bị đổ ngã. Tuy nhiên, theo rất nhiều tài liệu, lim xẹt được xếp vào loại cây xanh đường phố với nhiều ưu điểm: chịu khô hạn, nắng nóng, tán xanh mát, hoa đẹp, bộ rễ ăn sâu, thân gốc vững... mà Wkipedia đã ghi nhận một phần. Thành phố Thanh Hóa cũng có loại lim xẹt này, được trồng cách đây 20 năm, hiện cho bóng mát rất tốt.

Lim xẹt (còn gọi Phượng vàng) ông Nguyễn Lân Hùng
khuyên không nên trồng vì dễ bị gãy cành.

Báo chí hoặc chính quyền phỏng vấn các nhà khoa học là để nhận được những ý kiến đánh giá xác đáng, thận trọng, khoa học, có tính thuyết phục, không phải là những lời phán bừa như của ông Nguyễn Lân Hùng. Đáng lưu ý, cả hai bài cổ vũ, bào chữa cho việc "chặt bỏ và thay thế cây xanh" của ông Nguyễn Lân Hùng đều xuất hiện trên hai tờ báo của Hà Nội (trong Video clip phỏng vấn ông Nguyễn Lân Hùng của báo Hà Nội Mới còn có cả đoạn phê phán, chê bai một số tuyến phố trồng quá nhiều chủng loại cây).

 Ai dám chắc đến một ngày nào đó, chính quyền Hà Nội (sau khi đã "hỏi ý kiến các nhà khoa học") không triệt hạ tất cả các loại cây không đem lại bóng mát quanh năm cho thành phố? Những con phố Hà Nội có hàng cây phượng vĩ, bàng, lộc vừng, cơm nguội, me, sấu... đứng chen chân bên nhau không bị chặt phá, nhường chỗ cho cây chò chỉ, hay duy nhất một loại cây xanh quanh năm nào đó theo đề xuất "phải làm và nên làm" của ông Nguyễn Lân Hùng?

Không rõ do thiếu thông tin, hiểu biết, quan niệm giản đơn, trần trụi về cái đẹp, hay còn lý do nào khác để ông Nguyễn Lân Hùng bào chữa, cổ vũ cho tội ác "chặt bỏ, thay thế cây xanh" hàng loạt của chính quyền Hà Nội.

                                                     HTC/Thanh Hóa ngày 24/3/2015

 

Chú thích:

(*) Lời các bài hát ngợi ca Hà Nội

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét