3 thg 7, 2014

NGUỒN GỐC Ý NGHĨA TANG LỄ NGƯỜI VIỆT (kỳ I)

  
       Hoàng Tuấn Phổ

TCTP: Thời gian vừa qua, nhiều bạn đọc ngỏ ý muốn tìm mua sách đã xuất bản của Hoàng Tuấn Phổ. Tuy nhiên, điều này có thể nói là rất khó. Bởi với những tác phẩm đã xuất bản mấy chục năm trước có lẽ giờ may ra tìm thấy trong các thư viện. Nhiều cuốn, bản thân tác giả cũng không còn lưu được (do cho mượn rồi thất lạc). 
Ví dụ các cuốn: Sóng nước Cổ Khê (Truyện lịch sử) Miếng võ gia truyền (Truyện thiếu nhi-NXB Kim Đồng)...Một số cuốn chỉ còn độc bản như: Vua Lê Đại Hành, Thắng Cảnh Sầm Sơn, Vũng lầy,... Sách in gần đây như: Thanh Hóa ngàn xưa lưu dấu (NXB trẻ), Những làng cổ tiêu biểu Thanh Hóa (NXB Dân Trí), Văn hóa đánh bắt chim thú tôm cá ở Thanh Hóa (NXB Khoa học xã hội)...các nhà xuất bản chỉ biếu lại tác giả 10 cuốn, còn lại họ tự phát hành với số lượng không lớn (vì loại sách nghiên cứu đối tượng độc giả rất hạn chế). Loại sách Địa phương chí do Hoàng Tuấn Phổ chủ biên hoặc biên soạn (đều trên dưới 1000 trang) cũng đều do các huyện tự in, số lượng chỉ đủ phát hành nội bộ. Trên thị trường sách vì vậy cũng rất hiếm gặp hoặc không có. Được sự đồng ý của tác giả Hoàng Tuấn Phổ, trước tiên, Tuấn Công thư phòng xin trích đăng từng phần nội dung sách “Nguồn gốc ý nghĩa tang lễ người Việt” (NXB Thanh Hóa). Đây là cuốn sách do UBND tỉnh Thanh Hóa cấp kinh phí phát hành tới các làng xã Thanh Hóa, phục vụ phong trào xây dựng làng văn hóa và nông thôn mới. Chúng tôi tin rằng sách “Nguồn gốc ý nghĩa tang lễ người Việt” sẽ bổ ích đối với bạn đọc quan tâm tới vấn đề này. Các kỳ đăng sẽ được lưu trong mục Thường thức)
Trân trọng kính báo tới độc giả của Tuấn Công thư phòng.

                                  Phần I
I. TANG CHẾ XƯA VÀ NAY
(Thay lời nói đầu)
Tang chế là gì?
Là những quy định, thể chế, chuẩn hóa về hình thức và nội dung trong việc đưa tiễn người thân về nơi an nghỉ cuối cùng. Nói cách khác tang chế là chế độ, nghi thức về lễ tang hay tang lễ.
 Người Việt ta từ ngàn xưa chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Đặc biệt vấn đề Tang lễ theo quy chế cổ rất phức tạp, gây phiền nhiễu và tác hại cho người sống, những người rồi chính họ cũng ra đi, để gánh nặng ma chay đè nặng lên vai con cháu.
Kinh lễ hay Lễ kinh là pho sách Nho học thời phong kiến thuộc bộ Ngũ kinh (Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân thu), đã là học trò thì ai cũng phải nghiền thuộc. Trong Lễ kinh, nói rộng ra là Lễ truyện, Lễ ký đều có những chương, mục bàn về tang lễ được người Việt tiếp thụ đem ra áp dụng, nhưng không phải tất cả ý kiến mang giá trị nhân văn, thực chất bên cạnh yếu tố tích cực, không khỏi ít nhiều tiêu cực. Ví dụ: Chương “Vấn tang”, Lễ kinh nói: Khi cha mẹ mới chết, người con có hiếu phải đầu trần, chân đất, tóc xỏa, áo hở, tay đấm ngực, miệng gào khóc, mình lăn ra dãy dụa, thậm chí không được đốt lửa nấu ăn suốt trong ba ngày, chỉ nhờ chút nước cháo cầm hơi của hàng xóm đem cho... Như thế mới tỏ rõ được nỗi đau thương vô tận của người con chí hiếu!
Những chuyện ấy, thời xưa nhà nho rất coi trọng, và thời nay vẫn còn số ít người muốn khôi phục, tất nhiên chỉ về mặt hình thức. Họ không biết đó chẳng phải là lời dạy của đức Khổng tử, bậc thầy lớn về chữ Hiếu, về chữ Lễ của nhà nho. Theo Khổng tử: “Người con có hiếu là biết nuôi nấng cha mẹ, biết noi theo chí hướng tốt của cha mẹ”. Phát triển lời dạy của thánh sư, đồ đệ giỏi Tăng tử nói: Làm con cư xử không trang nghiêm không phải là hiếu. Thờ vua không trung thành không phải là hiếu. Bằng hữu mà thiếu tin tưởng nhau không phải là hiếu. Đánh trận mà không dũng cảm cũng không phải là hiếu...
Về chữ “Lễ” trong Tang ma, Khổng tử dạy rằng: Cha mẹ chết, con tất phải lo tang ma tế lễ. Nhưng tế lễ chỉ nên giản tiện (giản dị và tiện lợi) không bày vẽ thêm. Con tế lễ cha mẹ, quan trọng nhất là tấm lòng thành kính, không phải do lễ vật cúng tế. (Chương “Tế thống” - Lễ kinh).
Những lời dạy quý báu ấy phù hợp với đức tính truyền thống của người Việt ta ưa chuộng sự giản dị, tiện lợi, ghét giả dối, không thích phô trương, được đúc kết thành ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Cần có lễ vật nhưng không lấy lễ vật làm đầu, mượn tiếng cúng tế ông bà, cha mẹ để ăn uống lãng phí:
Bà chết cháu được ăn xôi,
Hai tay hai nắm bà ôi là bà!
Họ tôn trọng tục lệ thờ cúng tổ tiên để bày tỏ tấm lòng biết, nhớ công ơn tổ tiên: “Bắt thiếu giỗ không ai bắt cỗ lưng”. Họ phê phán kẻ không phụng dưỡng cha mẹ lúc sống, đến khi chết lại bày trò báo hiếu trả ân, chẳng qua để che miệng thế gian, và để: “Trước cúng cha sau va vô miệng”! v.v...
Tuy nhiên, những quan niệm tiến bộ của người Việt về tang ma trong thuần phong mỹ tục không đủ sức chống lại áp đặt của hệ ý thức tư tưởng phong kiến về luân lý lễ giáo. Triều đình phong kiến nước ta khuyến khích việc chuẩn hóa quy chế tang lễ theo quan điểm tiêu cực của Nho giáo, một số nhà nho biên soạn sách “Gia lễ” với vô số lễ tiết cầu kỳ, rườm rà, phức tạp về tang ma. Người ta có thể theo Hồ thượng thư gia lễ của Hồ Sĩ Dương, hoặc Gia lễ tiệp kính của Ngô Doãn hay Thanh thuận gia lễ của Lê Quý Đôn,... Vấn đề tang ma vốn đã phức tạp càng thêm rối loạn. Trước tình hình ấy, một nhà nho khác, ông Hồ Sĩ Tân biên soạn Thọ Mai gia lễ chú ý tham khảo, vận dụng trong giới hạn tư duy chủ quan đối với phong tục tập quán xã hội nước nhà. Do có ít nhiều tiến bộ so với các tập sách trước nó, Thọ Mai gia lễ nhanh chóng được dân gian tiếp nhận và lưu truyền. Đặc biệt dưới triều Nguyễn, Thọ Mai gia lễ được sử dụng như một thứ luật lệ về tang ma do chế độ nhà Nguyễn quy định.
Cuốn Thọ Mai gia lễ đương thời bị nhà nho Phạm Đình Hổ (1768-1839) tác giả sách Vũ trung tùy bút nổi tiếng - đả kích kịch liệt nội dung quê mùa, dốt nát, đưa ra những cách thức lạ kỳ chưa từng thấy, soạn giả thu thập, nhặt nhạnh những điều vớ vẩn, bỏ cái này, chọn cái kia, loạn sị ngậu... Phạm Đình Hổ chỉ trích đích danh Hồ Sĩ Tân soạn Thọ Mai gia lễ, khắc in phát hành nhằm thu lợi, có người đã muốn đem sách trình vào phủ chúa Trịnh, Bồi tụng Trần Công Xán phải lựa lời nói mãi mới thôi. Thành ra sách cứ lưu hành ở đời, chốn thôn dã bởi dân tình thiếu cẩn thận nên dễ bán. Người ta tranh nhau mua, Hồ Sĩ Tân thu được lợi lớn. Nhưng chỉ dùng riêng ở thôn quê, các bậc thức giả đa phần coi thường. (Theo Trần Thị Kim Anh). Cần nói rõ hơn, quan điểm của Phạm Đình Hổ, một nho gia xem Gia lễ của Chu tử là kim chỉ nam, không thể đề cao các sách Gia lễ của Hồ Sĩ Dương, Ngô Doãn,... Bản thân Phạm Đình Hổ trong sách Vũ trung tùy bút (Bản dịch Trần Thị Kim Anh) cũng viết mấy bài về tang ma, tuy có đưa ra một số ý kiến, nhưng đại để là biện luận theo thuyết này hay thuyết kia, cốt yếu vẫn là trên tinh thần Chu gia lễ. Ví dụ:
Phạm Đình Hổ viết ở mục Cư tang: Khi người xưa nào đang lúc có đại tang mà thê thiếp có thai thì phạm lệ cấm. Từ khi ông Nguyễn Toàn An vì lệ cấm mà đến nỗi bị phạp tự (không con trai thờ cúng) mới bỏ lệ cấm ấy đi, đó cũng là lòng nhân đạo thương người, muốn khoan dung để cho mở rộng đường hiếu vậy. Song đó là vì đối với những kẻ chưa có con thừa tự mà rộng đường nhân. Còn những kẻ đã có con thừa tự (con thờ cúng) mà cũng mạo muội (phạm lệ cấm) làm theo thì thực là quái lạ! Như vậy, quan điểm Phạm Đình Hổ ở đây tưởng có cái nhìn tiến bộ, hóa ra chẳng có gì đổi khác.
Phạm Đình Hổ kịch liệt phê phán thói tục nhà có tang bày ra ăn uống linh đình, quên mất cả lòng báo hiếu... “Lại còn những nơi làng xóm thôn quê cứ theo hủ tục gặp một nhà có tang thì kéo đến hội họp từng lũ để ăn uống từ lúc mới mất cho đến lúc chôn, nếu có điều gì không được như ý thì viện lệ làng ra để hạch sách, làm cho người ta phải bán cả vườn ruộng để cúng vào cái mồm, cái bụng của những kẻ hạch ăn. Thói ấy đã nhiều lần sức cấm mà vẫn không đổi hết được, thực cũng lạ thay!”. Thái độ phẫn nộ hết sức đúng đắn của Phạm Đình Hổ, ngày nay chúng ta đọc lại tưởng như ông đả phá những hiện tượng tiêu cực đang diễn ra chung quanh mình. Thế mới biết có những hủ tục, không dễ bài trừ!
Những “lệ làng” đến “phép vua” cũng phải “thua”! (Câu “Phép vua thua lệ làng” bị hiểu lầm là tinh thần tự do, dân chủ nơi thôn xã thời phong kiến). Sự thực, “lệ làng” sở dĩ tồn tại do không vi phạm luật pháp của triều đình, không chống lại lợi ích của gia cấp thống trị. Ngay như bản “Hương ước” do làng soạn ra cũng vậy, phải được quan trên xem xét, nếu không phạm đến phép vua luật nước, mới phê duyệt cho thi hành.
Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa mới của Đảng nhanh chóng được nhân dân hưởng ứng thành phong trào rộng khắp, kiên quyết bài trừ hủ tục, chống xa hoa lãng phí, thực hành tiết kiệm. Nhưng do nền kinh tế thị trường tác động, có cả mặt tích cực và tiêu cực, “Phú quý sinh lễ nghĩa” mà không phú quý cũng đua đòi “sinh lễ nghĩa”, tạo điều kiện cho hủ tục phục hồi và Thọ mai gia lễ có cơ hội hồi sinh. Thực chất nội dung tư tưởng Thọ Mai gia lễ về căn bản đã lạc hậu. Mặc dù ở thời kỳ rạng rỡ nhất trong thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, Thọ Mai gia lễ cũng đã bộc lộ sự bất ổn bởi soạn giả với tất cả hạn chế của một nhà nho không vượt thoát nổi vòng xiềng xích tiêu cực của Nho giáo. Ví dụ: Khi linh cữu người thân còn quàn ở nhà, con cháu phải ngày mấy bữa dâng cúng cơm canh y như đang sống, nghi lễ “điểm thực” “điểm trà” rất phiền toái, đến nỗi dân gian từng mỉa mai, đả kích:
Chết thời điểm thực, điểm trà,
Sống xin một tý nước cà, không cho!
Cả cái nghi lễ văn cúng cũng vậy, mỗi lần dâng cúng là một lần đọc văn tế:
Lúc sống thì chẳng cho ăn,
Đến khi chết xuống, làm văn tế ruồi!
Trong việc biên soạn Quy ước nếp sống văn hóa mới của làng xã, tham khảo các “gia lễ” thời xưa cũ là cần thiết để gạn đục khơi trong, đãi cát tìm vàng, góp phần xây dựng tang chế văn minh, tiến bộ trên nền tảng thuần phong mỹ tục cổ truyền và dưới ánh sáng văn hóa Cách mạng. Mọi sự đề cao một chiều “gia lễ” đều sai lầm, không phải là phát huy truyền thống cha ông hay giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Bộ Văn hóa thực hiện chủ trương Chỉ thị của Đảng và Chính phủ, tiến hành nhiều cuộc tuyên truyền vận động toàn dân xây dựng Nếp sống văn hóa mới. Nhưng thực tiễn cuộc sống vốn muôn màu ngàn vẻ, vấn đề không chỉ là câu chuyện sách vở mà còn là phong tục, tập quán, một lĩnh vực khá nhạy cảm và hết sức phức tạp, khiến cuộc vận động thực hành quy ước Nếp sống văn hóa mới không dễ, đặc biệt về tang lễ.
Bàn về “Nguồn gốc, ý nghĩa tang lễ người Việt”, tác giả mong được góp một tiếng nói vào cuộc tuyên truyền, vận động ấy.
                                                      Hoàng Tuấn Phổ 
(Hết phần I-Đón đọc phần II "Hồn phách và sinh tử")



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét