HOÀNG TUẤN PHỔ
Đào Huy Phụng
Hoàng
Tuấn Phổ sinh ở làng Đoài (Quảng Xương-Thanh Hóa) vào đời ở quê gốc huyện Yên
Mỹ (tỉnh Hưng Yên); thăng trầm và trưởng thành ở Thanh Hóa. Cuộc đời ông không
có cái may mắn được đi đó, đi đây như một số người, bù lại trời phú cho ông cái
ý thức ham học rộng (tự học) đọc nhiều và hiểu kỹ từng chữ nghĩa.
Ông sống đơn giản như cây cỏ, bờ tre, mộc mạc chăm chỉ như người quê đất ruộng. Mặc dù đã ngoài lục tuần, nhưng thật ít khi tôi thấy ông dừng bút thăm thú bạn bè hay thư giãn đôi chút với đồng nghiệp xung quanh. Ai chuyện trò xuôi ngược ông cũng mặc, ai quấy phá ông, ông cũng quên. Ông đam mê với công việc đọc và viết-ngày cũng như đêm. Như thế đối với ông, không ai thấy có sự nhàn rỗi. Cái cực của nghề là thế; cái cực của ông là tự đầy đọa để cho đời những trang viết.
Ông sống đơn giản như cây cỏ, bờ tre, mộc mạc chăm chỉ như người quê đất ruộng. Mặc dù đã ngoài lục tuần, nhưng thật ít khi tôi thấy ông dừng bút thăm thú bạn bè hay thư giãn đôi chút với đồng nghiệp xung quanh. Ai chuyện trò xuôi ngược ông cũng mặc, ai quấy phá ông, ông cũng quên. Ông đam mê với công việc đọc và viết-ngày cũng như đêm. Như thế đối với ông, không ai thấy có sự nhàn rỗi. Cái cực của nghề là thế; cái cực của ông là tự đầy đọa để cho đời những trang viết.
Ông viết thật nhiều, và hầu như trong lĩnh vực
văn học nghệ thuật, văn hóa,...thể loại nào ông cũng có tác phẩm, bài viết được
bạn đọc đón nhận, tin cậy. Ở tuổi ông, thường thì người ta ngại xê dịch qua
nhiều lĩnh vực, thể tài để dồn sức vào một mảng việc cụ thể: Hoặc sáng tác,
hoặc là nghiên cứu. Nhưng ông thì không. Ông cứ tung hoành những vốn mà ông có,
giống như con tằm không muốn đề sót một sợi tơ nào trong bụng vậy. Ông thật đa
tài. Tại lễ trao giải thưởng Hội văn nghệ dân gian Việt Nam ở 51 Trần Hưng Đạo
(Hà Nội) ngày 30/12/1998, tác phẩm “Văn hóa ẩm thực làng quê Thanh Hóa”
của Hoàng Tuấn Phổ đạt giải B (không có giải A). Phát biểu tổng kết đánh giá về
giải thưởng năm 1998, Giáo sư Trần Quốc Vượng, Phó chủ tịch Hội đã dành nhiều
lời khen cho tác phẩm “Văn hóa ẩm thực làng quê Thanh Hóa” và
coi đây là hiện tượng độc đáo. Tác phẩm sẽ thuộc về công chúng. Điều đáng nói
là ở mọi lĩnh vực tưởng như ngoài sở trường, sở đoản của ông như chuyện ăn uống
của dân xứ Thanh qua lăng kính và ngòi bút Hoàng Tuấn Phổ đã cho thấy nhiều thú
vị. Chứng tỏ ở trong ông tiềm ẩn một vốn hiểu biết về Thanh Hóa khá phong phú.
Ông
còn tiếp tục khẳng định ngòi bút ở những địa hạt mới lạ, tiếp tục làm việc âm
thầm và lặng lẽ như ông đã từng đi qua và công bố. Thời gian đối với ông không
thuộc về quá khứ mà là thước đo sự từng trải, sự vươn lên chiếm lĩnh và khám
phá những giá trị đích thực của cuộc sống. Ông đã từng vào nghề sư phạm ở Hưng
Yên, dạy học ở Mỹ Văn, nhớ đến tha thiết một cô học sinh xinh đẹp, nết na có
tên là Nâu. Đã từng cầm cày dạn dày mưa nắng ở quê nhà làng Đoài những năm chưa
đến tam thập nhi lập và kết hôn với cô gái nhà bên xinh tươi, chịu khó. Cuộc
đời tưởng rồi sẽ yên bề lúa khoai, an phận đường cày, sá bừa. Nào ngờ cái thiên
chức “học giả” mà ông mơ ước khi còn dạy học ở Hưng Yên (1955) cứ lớn dần, trỗi
dậy thôi thúc ông cầm bút. Ông viết bài phê bình cuốn “Khảo luận Truyện Thúy Kiều” của
học giả uyên bác Đào Duy Anh (đăng trên tập san Nghiên cứu Văn học số tháng 10-1960), tiếp theo là loạt bài nghiên
cứu về Mỵ Châu-Trọng Thủy, tiểu thuyết Ơ-giê-ni Gơ-răng-đê của Ban-giắc, tìm
hiểu nguyên tác Truyện Kiều, Bàn thêm về cuốn giảng văn Đại học sư phạm, góp ý
kiến phương pháp phiên âm và chú giải Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, phê
bình cuốn Giai cấp công nhân Việt Nam của nhà sử học nổi tiếng Trần Văn
Giàu...tập truyện Vũng lầy (NXB Phổ thông 1963) và cuốn Khảo thích truyện Thạch Sanh
(NXB Văn học 1961) của ông cũng được hoàn tất sau những buổi cày. Và từ đồng
chiêm trũng Văn Đoài, ông được điều về phòng văn hóa huyện. Công việc của ông
là chỉ đạo và hướng dẫn phong trào sáng tác văn nghệ huyện Quảng Xương. Mười
năm bom đạn giặc Mỹ là mười năm ông thổi bùng ngọn lửa sáng tác văn nghệ trong
quần chúng công nông, binh huyện nhà. Và ngọn lửa sáng tạo trong ông cũng thêm
điều kiện bùng cao. Một loạt tiểu thuyết, kịch, truyện vừa, truyện ngắn lần
lượt được công bố. Khoảng năm 1979-1980 ông được điều về Hội văn Nghệ Thanh Hóa
công tác, phụ trách mục lý luận phê bình trên Tạp chí. Ông làm việc say sưa cần
mẫn, vừa biên tập vừa góp ý với từng tác giả để nâng cao dần chất lượng bài viết,
nhằm mở rộng sự giao lưu thưởng thức của bạn đọc đối với văn nghệ địa phương.
Thời gian này ông lần lượt cho xuất bản các tiểu thuyết lịch sử: Miếng
võ gia truyền (NXB Kim đồng) Vua Lê Đại Hành, Ngàn nưa, Sóng nước Cổ Khê
(NXB Thanh Hóa) đều là những đề tài liên quan đến Thanh Hóa, trong đó, Ngàn
Nưa đã được in với số lượng 25.000 bản (*)
Sách
của ông xuất bản kể đã nhiều, nhưng số lượng sách chưa công bố và bản thảo còn
lại cũng không phải là ít. Sức làm việc của ông thật nể sợ. Bạn đọc cả nước
từng biết ông là nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, sử học, dân tộc học...Nhưng
chưa thấy ai biết đích xác ông là nhà văn hóa dân gian từ khi nào. Từ những năm
1955-1956, khi còn dạy học ở Mỹ Văn, ông đã tiến hành khảo cứu các truyện dân
gian Mỵ Châu-Trọng Thủy, Tấm Cám...Trong đó ông đã chuyển thể thành kịch một số
truyện, ví dụ như Trương Viên đã được công diễn tại thị xã Hưng Yên, lấy tiền
ủng hộ Angieri kháng chiến chống Pháp. Trở về Thanh Hóa từ 1959 đến nay, ông
vẫn tiếp tục sưu tầm, khảo cứu văn học dân gian.
Và
vùng đất Thanh Hóa với bề dày lịch sử đã giúp ông thu hái nhiều hoa trái trong
vườn dân gian này. Các công trình sưu tầm, khảo cứu công phu truyện Trạng
Quỳnh, Xiển Bột, ca dao dân ca, Bà Chúa Liễu...là những đóng góp không nhỏ của
ông góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn học dân gian địa phương, cũng như
của cả nước.
Có
lần tôi hỏi ông, nghỉ hưu ông sẽ đeo đuổi việc gì. Ông trả lời một cách dứt
khoát là làm thuốc. Nghiệp thuốc vốn là nghề gia truyền của cụ kỵ ông, hơn nữa
Thanh Hóa cây thuốc lại có sẵn, không làm sao đặng. Thật có ít ai như ông trong
đầu bộn bề công việc, dự định. Nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh từng tâm sự “Đêm ngủ
nằm mơ tôi cũng thấy việc”. Phải, những
người có tầm vóc đều vậy chăng ? Đọc “Văn hóa ẩm thực làng quê Thanh Hóa”,
tôi thấy ông rất có lý khi chỉ ra cái hữu dụng trong cái vô dụng, cái giá trị
trong cái tầm thường...Cũng chỉ là củ chuối, củ dong, tàu khoai...vậy thôi, mà
qua bàn tay chế biến của con người, các món ăn trở nên có hồn, lung linh hẳn
lên, giá trị hẳn lên. Và sau mỗi món ăn, bữa ăn bình dị và ấm áp ấy ta thấy
bừng tỏa một bản sắc, một tình cảm của làng quê xứ Thanh trong sáng và thuần
khiết.
20-12-1998
Đ.H.P
(Báo Văn hóa thông tin Thanh Hóa)
(*)
Chưa tính đến những công trình khác như:
Thắng Cảnh Sầm Sơn, Núi Rồng sông Mã, v.v...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét