Hoàng Tuấn Công
Kỳ 4
Giảng sai về từ vựng, cách hiểu, cách dùng từ Hán-Việt và thành ngữ, tục ngữ Hán-Việt
Các sách “Từ điển từ và ngữ Hán Việt”, “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” và “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” của GS Nguyễn Lân mang đậm dấu ấn cùng tác giả. Đó là: dịch sai, hiểu sai nhiều từ Hán - Việt và thành ngữ, tục ngữ Hán-Việt.
Làm trai cho đáng nên trai, đánh đông đông tĩnh, đánh đoài, đoài tan (Đoài là từ địa phương có nghĩa là phía Tây).
- Không biết “địa phương” mà GS nói là vùng nào, xứ nào? Thưa GS, “Đoài” (兌)không phải là “từ địa phương” mà là một từ Hán-Việt, tên một quẻ trong bát quáiứng với hướng tây (chính Tây), nên người ta còn gọi hướng Tây là hướng Đoài. Xưa, cách đặt tên làng, thôn đơn giản theo phương hướng, vị trí như: xóm Đông, xóm Đoài, làng Đông, làng Đoài, làng Thượng, làng Hạ... Cách đặt tên này có ở nhiều vùng miền. Hoàn toàn không phải mang tính địa phương. Thậm chí cả vùng Sơn Tây rộng lớn được gọi chung là xứ Đoài.
Tham khảo: người ta còn gọi gió tây là gió Đoài, gió mùa thu là gió Đoài (vì mùa thu ứng với hướng tây thuộc hành kim). “Đại Nam quấc âm tự vị” của Huình Tịnh Paulus Của giải thích: “Đoài một dấu trong 8 quẻ chỉ nghĩa là nước núi. Hướng đoài-Hướng tây. Gió đoài, gió tây, gió thu. Xứ Đoài vùng Sơn Tây”. Thơ Quang Dũng: “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm,...” Thơ Nguyễn Bính: “Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông, Cau thôn Đoàinhớ giầu không thôn nào?”
Tiên phong, đạo cốt (Nghĩa đen: Phong thái của người tiên, cốt cách người đạo đức)
- Chữ “đạo” (道)ở đây không phải là “đạo đức” mà là đạo tiên, đạo tu tiên (Đạo giáo-Lão giáo). Trong câu này được hiểu là người tu tiên-đạo sĩ. Nếu xem “đạo” ở đây làđạo đức sẽ không đúng với quy luật cấu trúc từ của thành ngữ tục ngữ dân gian.( “tiên” -tiên là danh từ phải đối với “đạo”-người (tu) tiên-đạo sĩ cũng là danh từ). Mặt khác phạm trù đạo đức rất rộng. Kẻ ăn mày nghèo khổ cũng có đạo đức của mình. Câu thành ngữ đang xét được Đào Duy Anh giải thích: “Tiên phong đạo cốt - Phong thái người tiên, cốt cáchngười đạo = Phẩm cách cao thượng”. Chữ “người đạo” là cách Đào Duy Anh dịch từ“đạo nhân”. Mà hai chữ “đạo nhân” được chính ông giải thích là người tiên (xem kết hợp từ của mục từ “đạo”-Từ điển Hán-Việt-Đào Duy Anh).
Như vậy ý câu thành ngữ là: Từ phong thái đến cốt cách đều giống tiên cả.
Tham khảo: Cái sai này không chỉ mình GS Nguyễn Lân. Cuốn “Từ điển giải thích thành ngữ gốc Hán”-NXB Văn Hóa-1994-Viện ngôn ngữ học- Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành cũng có sự nhầm lẫn từ “đạo” là người tiên với “đạo” là đạo đức: “Tiên phong đạo cốt-Có phong thái, phẩm cách cao thượng của một bậc vĩ nhân, ví như có phong thái của tiên, cốt cách của người có đạo đức. Tiên phong: phong thái của tiên, đạo cốt: cốt cách của người có đạo đức”.
Đa số các câu thành ngữ, tục ngữ gốc Hán phần nghĩa đen của nó thường có điển cố, điển tích cụ thể. Bởi thế, người làm từ điển cần tìm hiểu và dẫn lại điển tích, điển cố để bạn đọc tham khảo, qua đó, hiểu đúng, hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa, cách dùng. Tuy nhiên, với cách làm của GS Nguyễn Lân, chẳng những không đả động gì đến nguồn gốc mà còn giảng sai, hiểu nông cạn, làm sai lệch ý nghĩa câu thành ngữ, tục ngữ:
Bách phát bách trúng (Trăm phát trúng cả trăm) Ý nói: Có tài, đã làm việc gì thì thành công mỹ mãn.
-Giải thích chung chung quá và không đúng về cách dùng. Câu thành ngữ này xuất phát từ tích Dưỡng Do Cơ nước Sở thiện xạ, đứng cách lá cây dương liễu một trăm bước, dương cung bắn, bách phát bách trúng (thế nên còn có dị bản: Bách bộ xuyên dương) Thành ngữ trước tiên nói đến tài nghệ điêu luyện, một công phu, khả năng chính xác siêu việt. Sau mở rộng ra có thể dùng trong các trường hợp mà động tác người thực hiện công việc nào đó có tỉ lệ chính xác trăm phần trăm. Đâu phải cứ “có tài”, làm việc gì “thành công mỹ mãn” là có thể vận dụng được câu thành ngữ này ?
Tham khảo: Thời Xuân Thu có hai thiện xạ nổi tiếng là Dưỡng Do Cơ và Phiên Đảng. Một lần, Dưỡng Do Cơ thấy Phiên Đảng bắn ba mũi tên đều trúng hồng tâm, bèn nói: “Bắn như thế chẳng có gì khó. Ta có thể bách bộ xuyên dương”. Nói đoạn cho người dùng màu đen đánh dấu lên một cái lá dương liễu. Do Cơ đứng cách xa trăm bước, bắn tên xuyên thủng lá dương liễu đã đánh dấu. Phiên Đảng chưa phục, chọn 3 lá cao thấp khác nhau, đánh thứ tự 1,2,3. Thế nhưng Do Cơ vẫn lần lượt bắn không trượt mũi tên nào.
Bán tự vi sư (Nửa chữ cũng là thầy) Nói đến tình nghĩa cao cả giữa thầy và trò.
Thực tế không có ông thầy nào kể công lao hoặc tự nhận, tự xưng “nửa chữ cũng là thầy”. Do đó, không thể nói rằng thành ngữ này nói lên tình nghĩa của đôi bên, cụ thể là “giữa thầy và trò” được. Ngược lại, thành ngữ chỉ nhằm mục đíchtôn xưng, vinh danh nghề thầy, công lao dạy giỗ của thầy, sự biết ơn của trò đối với thầy học mà thôi.
Tham khảo: Nhà sư Tề Kỷ (đời Đường) bên Tàu hay thơ, thơ hay, làm bài “Tảo Mai” (Hoa mai nở sớm) có câu: Vạn mộc đống dục chiết, Cô căn noãn độc hồi. Tiền thôn thâm tuyết lý, Tạc dạ sổ chi khai- Tạm dịch: Vạn cây băng giá chết, Mình cội ấm xuân về, Đầu thôn ngập tuyết trắng, Mấy cành đêm nở hoa...(萬木凍欲折,孤根暖獨迴。前村深雪裏,昨夜數枝開... ) Tề Kỉ nhờ Trịnh Cốc (cũng là một tài thơ đời Đường) chỉ giáo. Trịnh Cốc nhận xét: “Sổ chi phi tảo dã, vị nhược nhất chi giai " (Có tới mấy cành không thể gọi là sớm, chưa hay bằng một cành). Thế là Trịnh Cốc chỉ đổi một chữ (sổ-mấy thành nhất-một) mà toát lên thần thái của toàn bài thơ ! Sư Tề Kỷ mới sửa thành: Tạc dạ nhất chi khai ( 昨夜一枝開-Một cành đêm nở hoa) và nhận Trịnh Cốc làm "nhất tự sư " (thầy dạy một chữ).
Bất học diện tường (Nghĩa đen: không có học như đứng trước bức tường).Chê những người dốt nát không chịu học hành.
Câu này không phải chê “người dốt nát, không chịu học hành” mà nhằm đề cao sự học, tầm quan trọng của học hành nói chung.
Thiên tải nhất thì (Tải có nghĩa đen là chở đi) Có nghĩa: nghìn năm mới có một lần.
- Giải thích nghĩa cả câu thì đúng, nhưng giải nghĩa riêng từ “tải” lại sai hoàn toàn ! Nhà biên soạn từ điển mà không phân biệt được nghĩa đen với nghĩa gốc (từ nguyên) là thế nào cũng là sự lạ ! Nếu “tải có nghĩa đen là chở đi” như lời GS giảng thì “thiên tải” hiểu theo nghĩa đen là ngàn lần chở đi, hiểu theo nghĩa bóng là “ngàn năm mới có một lần” hay sao ? Trong Hán tự có duy nhất một chữ “tải” (載)nghĩa gốc (chứ không phải nghĩa đen) là chất hàng lên xe.Và nghĩa mở rộng là “năm” của chữ “tải” là nghĩa giả táchứ không phải nghĩa bóng. Hán-Việt Tự điển Thiều Chửu giải thích: “Tải - năm, nhà Hạ gọi là Tuế, nhà Thương gọi là Tự, nhà Chu gọi là Niên, nhà Ngô gọi là tải”. Chữ tải với nghĩa là năm ta còn gặp trong một số câu thơ, dân gian cũng như bác học: “Chữ nhân duyênthiên tải nhất thì, Giàu ăn, khó chịu, lo gì mà lo” (Ca dao) hoặc “Nàng rằng thiên tải nhất thì, Cố nhân đã dễ mấy khi bàn hoàn” (Kiều-Nguyễn Du).
Tham khảo: Chữ Hán được tạo thành theo sáu phép, gọi là “Lục thư”: Tượng hình, Chỉ sự, Hộ ý, Hình thanh, Chuyển chú và Giả tá. Chữ “tải” (載) là phép cấu tạo chữ thuộc dạng hình thanh (còn gọi là tượng thanh hay hài thanh) bao gồm chữ “xa” (車) chỉ nghĩa và chữ “tai” (哉-khi ghép bỏ bớt bộ khẩu) chỉ âm đọc hợp thành. Chữ “tải” (đúng ra đọc là “tái”) với nghĩa là “chở”, khi đọc là “tải” được biểu đạt một số nghĩa khác như: năm, tuổi, ghi chép,v.v… gọi là phép giả tá. Vậy phép giả tá là gì ? Ban đầu người ta chỉ căn cứ vào bốn phép tượng hình, chỉ sự, hộ ý và hình thanh để tạo ra văn tự Hán. Tuy nhiên, xã hội phát triển, hiểu biết và nhu cầu biểu đạt của con người ngày càng lớn; nếu cứ có một sự vật, hiện tượng lại tạo ra một tự dạng, một mặt chữ mới thì khó đặt cho đủ chữ được. Vì vậy lối chuyển chú, giả tá ra đời. Hứa Thận giải thích giả tá là “vốn không có chữ, nhờ thanh mà gửi sự”. Ví dụ: chữ “đạo” nghĩa gốc là "dẫn đường" được mượn dùng (giả tá) làm chữ “đạo” là “đạo đức”.
Bách tuế vi kỳ Nói cuộc đời của người ta (Thực ra hiện nay có nhiều người sống quá một trăm tuổi)
Chữ “bách tuế” chỉ mang tính quy ước, không phải quy định kỳ hạn tuổi tác của con người đến 100 tuổi là phải chết, mà là “sinh hữu hạn, tử bất kỳ”. Bởi là con số ước lệ nên dân gian còn gọi khi chết là “trăm tuổi”, cho dù người này có thể thọ 80-90 hoặc hơn 100 tuổi. Việc GS cải chính “thực ra hiện nay có nhiều người sống quá trăm tuổi” để phản biện câu thành ngữ là không cần thiết và có thể khiến người đọc hiểu sai nội dung, ý nghĩa câu thành ngữ.
Có những từ Hán-Việt quan trọng trong câu thành ngữ bị GS bỏ qua khi dịch nghĩa làm mất đi cái hay, cái đẹp, hoặc khiến bản chất câu thành ngữ bị thay đổi:
“Bất nhập hổ huyệt, bất đắc hổ tử (Không vào hang hùm, không bắt được cọp) Ý nói: phải có gan mạo hiểm mới làm được việc khó”.
- GS đã bỏ đi chữ “tử” trong từ “hổ tử” và dịch: “không vào hang hùm, không bắt được cọp”. Nhưng nếu chỉ cần “bắt cọp” nói chung, cần gì phải vào tận hang hổ ? Phải là“bắt hổ con” (hổ tử) mới chính xác ! Hổ con chưa rời hang ổ, chưa tự đi kiếm ăn, đang nằm dưới sự nuôi nấng, bảo vệ của hổ mẹ nên phải vào tận sào huyệt mới bắt được chúng. Mặt khác, lúc nuôi con chính là lúc bản năng hổ mẹ hung dữ nhất, sẵn sàng đương đầu với mọi kẻ thù để bảo vệ con. Do đó, việc bắt hổ con ngay trên lãnh địa, hang ổ của chúng là việc muôn phần nguy hiểm !
Cần dịch đúng: Không vào hang hổ, không thể bắt được hổ con. Ý nói việc làm tuy rất mạo hiểm, nhưng nếu như muốn đạt được mục đích thì không có cách lựa chọn nào khác. Đây còn là một kế sách. Dị bản: “Bất nhập hổ huyệt, yên đắc hổ tử” (Không vào hang hổ, sao bắt được hổ con)
Tham khảo: Thời Đông Hán, Ban Triệu cùng 36 tùy tùng được điều đến Tây Tạng để làm liên lạc. Ban đầu Quốc vương nước này rất niềm nở, nhưng sau bỗng dưng đổi thái độ rất lạnh nhạt. Hỏi ra mới biết quân Hung Nô cũng vừa đến đây không lâu. Ban Triệu thấy tình thế rất nguy cấp. Nếu chẳng may Quốc vương bắt trói giao cho bọn Hung Nô thì coi như chết cả lũ. Bèn nói với quân sĩ, tùy tùng: “Không vào hang hùm không bắt được hùm con. Chỉ còn một cách dùng lửa tấn công trại của bọn Hung Nô thì Quốc vương mới hiểu được lòng thành của ta với Hán triều”. Quả nhiên, việc thành công.
Bóng câu qua cửa sổ (Câu là con ngựa) ý nói: Thời gian đi nhanh quá.
Giải thích “Câu là con ngựa” là chưa rõ, chưa chính xác. Nguyên câu thành ngữ gốc Hán là “Bạch câu quá khích” (Dịch nghĩa đầy đủ là: Bóng con ngựa sắc trắng đương kỳ sung sức vút qua khe cửa). Trong tiếng Hán cổ, “mã” (馬) là ngựa, “câu” (駒)cũng là ngựa, nhưng tại sao thành ngữ không dùng từ “bạch mã” mà lại dùng “bạch câu” ?Khang Hy tự điển giải thích “Mã nhị tuế viết câu” (Ngựa hai tuổi gọi là câu) Hán-Việt Tự điển của Thiều Chửu giải thích: “Ngựa hai tuổi gọi là câu. Phàm ngựa còn non còn khỏe đều gọi là câu cả”. Hán - Việt Từ điển Đào Duy Anh giải thích “câu” là “con ngựa hai tuổi, đương sức mạnh mẽ”.
Chữ “câu” với nghĩa con ngựa hai tuổi rõ ràng rất quan trọng nên khi dịch nôm, người ta không nói “Bóng ngựa qua cửa sổ” mà vẫn nói “Bóng câu qua cửa sổ”. Bởi thế nếu giải nghĩa chữ “câu” cần nói rõ và chính xác hơn: “Câu” là con ngựa non hai tuổi, đương thời kỳ sung sức nhất (nên nó phi rất nhanh, lại sắc trắng khiến chỉ nhìn thấy như bóng chớp loáng qua khe cửa).
Tham khảo: Trong Trang tử có câu: “Nhân sinh thiên địa chi gian, nhược bạch câu quá khích, hốt nhiên nhi dĩ” (Người ta sống ở cõi trời đất, giống như bóng bạch câu lướt qua khe cửa, trong chốc lát mà thôi”.
Điệu hổ ly sơn. (Nghĩa đen: Đưa hổ xa núi) Tìm cách đưa kẻ ác đi xa mình để nó không thể quấy rầy mình được.
Giải thích chưa đúng, chưa đủ nghĩa. Hổ được mệnh danh là chúa sơn lâm. Rừng núi là lãnh địa của chúng. Do đó, muốn tiêu diệt được hổ phải tìm cách dụ chúng ra khỏi hang ổ hoặc nơi nó phát huy được thế mạnh. Đây là một mưu kế làm suy yếu đối phương trong“Tam thập lục kế”. Ví như dụ giặc ra khỏi thành trì kiên cố để dễ bề tiêu diệt, chính là kế“điệu hổ ly sơn”. Trong thực tế thành ngữ “Điệu hổ ly sơn” cũng được dùng với nghĩa: tìm cách đưa đối thủ đi nơi khác để mình dễ bề hành động, hoặc thực hiện ý đồ nào đó được dễ dàng. Nhưng không có nghĩa chính là “ tìm cách đưa kẻ ác đi xa mình”. Và với hiểm hoạ lớn từ con hổ nanh ác, liệu dùng từ “quấy rầy” có phù hợp ?
Vậy câu thành ngữ nên được giải nghĩa bóng là: Tìm cách đưa đối thủ đi khỏi địa bàn của nó để dễ bề tiêu diệt hoặc hành động.
Tang điền thương hải (Nghĩa đen: ruộng dâu biển xanh, xuất phát từ ý cho rằngđôi khi ruộng dâu có thể biến thành biển cả và ngược lại) Ý nói: Những sự thay đổi trong đời không thể biết trước được.
Thưa GS, không phải “xuất phát từ ý cho rằng đôi khi…” mà câu thàng ngữ này có thực tế nghĩa đen: Dâu là cây trồng ở đất bãi phù sa. Hiện tượng bồi lấp hoặc xói lở do tác động của dòng chảy sông ngòi, biển cả khiến cho vùng đất trước kia vốn là đất liền có thể biến thành sông nước, biển cả; hoặc ngược lại, biển cả có thể lùi dần nhường chỗ cho bãi bồi, dâu xanh, đất liền trù phú. Lịch sử hình thành nhiều vùng đất, (đặc biệt là vùng duyên hải) cho thấy trước đây nó vốn là biển cả. Từ hiện tượng tự nhiên này, người Trung Quốc cổ đại cho rằng cứ mấy vạn năm lại diễn ra một lần thay đổi, biển xanh biến thành nương dâu, rồi mấy vạn năm sau nương dâu lại biến thành biển xanh. Cũng cần nói thêm, GS giải thích thành ngữ này là “Những sự thay đổi trong đời không thể biết trước được” là chưa đúng. Chính xác phải là sự thăng trầm, thay đổi lớn trong đời. Thay đổi lớn, hoàn toàn khác với “thay đổi trong đời không thể biết trước được”. ( “Trải qua một cuộc bể dâu, Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”-Kiều- Nguyễn Du).
Tham khảo: Tương truyền thời Đông Hán bên Tàu, người ta hỏi Ma Cô đại tiên bao nhiêu tuổi, Ma Cô nói: “Tôi không thể nhớ nổi, chỉ biết Đông Hải ba lần dâu bể”. Ma Cô nói như vậy ý đã sống lâu lắm rồi, đã chứng kiến nhiều sự thay đổi lớn lao trong trời đất. Trong truyện “Từ Thức lấy vợ tiên” đoạn kể tiệc cưới tổ chức ở gác Giao Quang thuộc động Phù Lai, Tiên nương mặc áo lụa nói: "Chúng ta dạo chơi trong vùng này đã gần tám mươi ngàn năm, biển phía nam đã ba lần biến đổi”. Sự “biến đổi” ở đây chính là nói về “dâu bể” đó thôi.
Thành ngữ, tục ngữ Hán Việt chiếm tỉ lệ không nhiều trong sách “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” của GS Nguyễn Lân. Tuy nhiên, rất hiếm trường hợp có được sự giải thích thấu đáo của GS, kể cả những câu đã trở nên rất thông dụng trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét