17 thg 10, 2013

VỀ CHỮ “HỒNG” TRONG BÀI THƠ “MỘ” CỦA HỒ CHÍ MINH

                        Hoàng Tuấn Công
Bên bếp lửa hồng (nguồn Báo Hòa Bình)
Trên tạp chí Ngôn ngữ học-Viện ngôn ngữ học Việt Nam, số 6-2007 có bài “Thiết kế thử nghiệm bài học ngữ văn” đối với bài thơ “Mộ (Trích ngục trung nhật ký, Hồ Chí Minh, Ngữ văn 12, tập 1)” của Th.S Vũ Thị Sao Chi (*) Bài viết  thể hiện sự đầu tư công phu khi đưa ra cách giảng dạy bài thơ “Mộ” (Chiều tối). 

Đặc biệt đã có sự so sánh khá kỹ giữa bản phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ để hướng dẫn giáo viên phân tích, cảm thụ cái hay, cái đẹp của bải thơ. 

Tuy nhiên, khi phân tích hai câu thơ cuối:

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.
Nam Trân dịch:
 Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết lò than đã rực hồng.

ThS. V.T.S.C chỉ căn cứ vào chữ “hồng” qua bản dịch thơ của Nam Trân mà không tìm hiểu chữ “hồng” trong nguyên tác chữ Hán nên dẫn đến sự nhầm lẫn. Cụ thể V.T.S.C luôn bám vào hai từ “rực hồng” của người dịch để hướng dẫn giáo viên phân tích, cảm thụ bài thơ.
 Khi đọc nguyên tác chữ Hán của bài thơ “Mộ” chúng ta sẽ thấy rằng, chữ “hồng” () trong câu cuối bài thơ “Mộ” có bộ hoả(1). Chữ “hồng” có bộ hoả,  tác giả bài thơ dùng với nghĩa, cháy lên, nhóm lửa lên chứ không phải chữ “hồng” có bộ mịch () là mầu hồng- sắc mầu của ngọn lửa “rực hồng”. Có nghĩa, chữ “hồng” () trong câu thơ là một động từ (cháy lên, đốt lên, nhóm lửa lên) chứ không phải chữ “hồng” (tính từ (chỉ màu sắc lửa hồng).

Đây không phải là sự ngẫu nhiên. Ta có thể so sánh cách dùng một số chữ “hồng”khác có trong tập thơ Ngục trung nhật ký. Để chỉ màu hồng của mặt trời, của ánh sáng xua tan bóng đêm trong bài Tảo giải (Giải đi sớm) tác giả đã dùng chữ “hồng” có bộ mịch (). Chữ "hồng" có bộ mịch () với nghĩa mầu sắc (của ánh sáng) xua tan bóng đêm-hoàn toàn khác với chữ “hồng” có bộ hoả () nghĩa là cháy lên, đốt lên trong bài “Mộ”:

“Đông phương bạch sắc dĩ thành hồng
U ám tàn dư tảo nhất không”
Dịch nghĩa:
Màu trắng ở phương đông đã thành màu hồng
Bóng đêm rơi rớt đã bị quét sạch.(2)

Hoặc chữ “hồng” (), cũng chỉ mầu sắc như vậy trong bài “Triêu cảnh” (Cảnh buổi sớm):

Thái dương mỗi tảo tòng sơn thượng
Chiếu đắc toàn sơn xứ xứ hồng
Dịch nghĩa:
Mỗi buổi sớm, mặt trời từ đỉnh núi mọc lên
Núi non, xứ xứ đều rực ánh hồng (3)

Trở lại bài thơ “Mộ”. Do không hiểu đúng nghĩa nguyên tác chữ “hồng” ()  lại bám vào chữ “rực hồng” của Nam Trân dịch nên người thiết kế thử nghiệm bài học ngữ văn cho giáo viên đã sa vào suy diễn, gán ghép,  “tán” ý thơ mà không ít nhà phê bình đã từng lầm tưởng: 
“Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh “lò than rực hồng”. Đây là tín hiệu đa tầng ý nghĩa”;...  “Hình ảnh lò than rực hồng còn là một nét vẽ tương phản trên nền bóng đêm đen, nó cân lại bức tranh của núi rừng chiều tối, làm sáng lên và ấm lại khung cảnh hoang lạnh tối tăm. Nghệ thuật thơ Đường gọi những hình ảnh như thế là “thi nhãn” (mắt thơ). Ánh sáng lung linh, sức sống ấm áp, niềm tin yêu cuộc đời đã toả ra từ ngọn lửa-con mắt thơ rực rỡ ấy. Từ sức bật của hình tượng thơ (rực hồng) phả ra một nguồn ánh sáng, một nguồn nhiệt lượng mạnh mẽ để tiếp cho con người hơi ấm...”...  “Hình ảnh lò than rực hồng cuối bài thơ chính là một biểu hiện của nhãn quan nghệ thuật ấy.”v.v...

Từ sự nhầm lẫn đó, Vũ Thị Sao Chi đã chê Nam Trân khi dịch câu: “Cô em xóm núi xay ngô tối”: 
“Bản dịch đã thêm vào chữ tối làm mất đi dấu hiệu nghệ thuật độc đáo (trở nên lộ liễu) vì nguyên bản không nói tối mà vẫn gợi được tối, nhờ ánh sáng của lò than rực hồng-nghệ thuật lấy sáng để gợi tối.” và “Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh lò than rực hồng. Đây là một tín hiệu nghệ thuật đa tầng ý nghĩa. Trước hết hình tượng thơ gợi bước đi của thời gian. Thời gian vận động từ chiều sang tối hẳn. Nguyên bản câu cuối không có chữ tối mà cả bóng tối bịt bùng của núi rừng đã được mở ra khi “lò than rực hồng” của cô gái xóm núi bừng sáng (khi mặt trời tắt, rừng núi mịt mùng thì tự nhiên ta có thể nhìn rõ nơi có ánh sáng) Lấy ánh sáng gợi tối chính là một thủ pháp độc đáo của ý thơ này.” (HTC nhấn mạnh)

Tất cả những bóng đêm Vũ Thị Sao Chi tưởng tượng ra như: “nét vẽ tương phản trên nền bóng đêm đen”, “hoang lạnh tối tăm”, “bóng tối bịt bùng của rừng núi đã được mở ra” đều thể hiện sự lạc lối bắt đầu từ chữ “hồng”. Vũ Thị Sao Chi quên rằng, bài thơ tả cảnh chiều tà, chiều muộn, gần tối chứ không phải trời đã tối. Tính thời gian (hay giới hạn thời gian) tác giả bài thơ đã khẳng định ở đầu đề bài thơ là chữ “Mộ” () chứ không phải chữ “Dạ” ().

Nên hiểu rằng, với các dân tộc miền núi cao, bắp ngô là lương thực chính hàng ngày. Ngô làm cơm, làm bánh được xay dùng từng bữa. Xay ngô chiều để chuẩn bị cho bữa tối. (Giống như tiếng chày giã gạo vang lên rộn rã rừng chiều của cư dân vùng thung lũng lúa nước chuẩn bị bữa cơm tối). Do đó, hai câu:

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.
Dịch nghĩa:
Thiếu nữ xóm núi xay ngô,
Ngô xay xong, lò than đã được nhóm/đốt lên.

Công việc đốt lên, nhóm lò lên ở đây được hiểu là chuẩn bị cho bữa cơm tối (lô = lò than, dĩ = đã, được; hồng = đốt lên, nhóm lên ). Bởi vậy khi dịch câu “Ngô xay xong, lò than đã được đốt (cháy rực) lên” thành “Xay hết lò than đã rực hồng” ,Nam Trâm đã có ý thêm chữ “tối” vào câu thơ trước: “Cô em xóm núi xay ngô tối”. Có nghĩa, xay ngô chuẩn bị cho bữa cơm tối, không phải xay ngô khi trời (đã) tối; và hai từ “rực hồng” Nam Trân dịch ở đây, nghĩa đen là bếp lửa nấu cơm chiều, không phải ngọn lửa cháy trong bóng tối, “Thời gian vận động từ chiều sang tối hẳn” như sự suy diễn của V.T.S.C.

Như trên đã nói, chữ “hồng” () trong bài thơ này có nghĩa là đốt lên, nhóm lửa lên, sưởi ấm, không phải chữ “hồng” () là ánh lửa sáng mầu hồng. Vậy, tại sao Hồ Chí Minh lại dùng chữ “hồng” với nghĩa là nhóm lửa lên, mà không dùng chữ “hồng” với nghĩa đơn thuần là ánh lửa sáng mầu hồng trong đêm tối? Chúng ta đều biết, trong khoảng thời gian bị giam cầm, Hồ Chí Minh liên tục bị giải đi hết nhà lao này đến nhà lao khác:

Liễu Châu, Quế Lâm, lại Liễu Châu
Đá qua đá lại, bóng chuyền nhau.
Vô đề(4))

Bài thơ “Mộ” là một trong những bài Hồ Chí Minh làm khi đang trên đường bị giải. Đó là khung cảnh buổi chiều, thời khắc mọi vật dường như đều mệt mỏi sau một ngày dài. Cánh chim mỏi bay về rừng tìm chốn ngủ, chòm mây đơn chiếc cũng trôi chậm lại. Tất cả dường như đều trở về ngôi nhà của riêng mình để nghỉ ngơi. Trong khi người tù vẫn “cất bước trên đường thẳm”(5) và không biết “Giải tới bao giờ, giải tới đâu”(6). Giữa rừng chiều vắng, đói rét, mỏi mệt, ai chẳng mơ về một mái ấm bình dị, nơi có bếp lửa ấm áp và bữa cơm tối đang chuẩn bị. Buổi chiều chính là thời khắc dễ khiến những bước chân tha hương nhớ, nghĩ, mơ về người thân và mái ấm gia đình. Thơ Hồ Chí Minh, cảnh và tình bao giờ cũng rất cụ thể, giản dị và thắm đượm tình người cùng hơi thở cuộc sống. Lò than được đốt lên, nhóm lên sưởi ấm không gian khi một ngày sắp tàn như khẳng định ngọn lửa trong lòng người tù không bao giờ tắt. Nó tiếp tục được nhen lên, cháy lên sau một ngày tưởng chừng trí lực đã cùng kiệt. Câu thơ như thắp lên ngọn lửa ý chí - ngọn lửa sẽ cháy lên để tiếp sức cho một cuộc hành trình gian khổ ngày mai đang đợi phía trước...


Ngoài ra, có nhiều điểm, ThS V.T.S.C cần cẩn trọng hơn khi thiết kế bài giảng cho giáo viên. Ví như câu: “Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ” (Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ). Có lẽ ThS không đọc kỹ nguyên tác nên lầm chữ “túc” (宿với nghĩa tá túc, ngủ lại trong câu thơ thành “túc” () là chân, và dịch nghĩa cho học sinh là: “Chim mỏi bay về rừng tìm chốn dừng chân” (Hoàng Tuấn Công nhấn mạnh). Chim bay bằng cánh nên không thể dùng từ dừng chân. Hơn nữa, chim về rừng tìm chốn (nơi chỗ) ngủ - (“tầm túc thụ”), không phải“dừng chân” (để nghỉ). Nguyên tác cũng không dùng chữ “túc” (宿)với nghĩa này.

Một điều nữa. Hai chữ “cô vân” trong câu “Cô vân mạn mạn độ thiên không” Nam Trân dịch là “chòm mây”. ThS V.T.S.C cho rằng: Bỏ sót một tín hiệu nghệ thuật quan trọng về hình ảnh đám mây, đó là chữ  (một mình) gợi sự lẻ loi, đơn chiếc, trống vắng, hoang lạnh”. Sự thực Nam Trân không kém cỏi tới mức vô tình “bỏ sót tín hiệu nghệ thuật quan trọng” như VTSC nói. Phải thấy rằng, khi dịch thơ, khó chọn từ nào hay hơn “chòm mây” để diễn tả hình ảnh “cô vân”. Thực tế đã chứng minh. Dù chê Nam Trân, nhưng chính VTSC cũng không đưa ra được cách dịch nào hay hơn để không “bỏ sót tín hiệu nghệ thuật quan trọng” của hai từ “cô vân” ấy. Ngược lại, khi đưa ra bản dịch nghĩa của câu thơ này, thậm chí là từ dùng trong bài viết (mặc dù không bị câu thúc về số lượng từ hay niêm luật), VTSC vẫn phải dùng lại hai chữ “chòm mây”  của Nam Trân để diễn tả hai từ “cô vân” !(Một chòm mây chầm chậm trôi giữa không trung). Cũng cần nói thêm, hình ảnh “cô vân”(một đám mây, cụm mây, chòm mây), “mạn mạn” (từ láy Hán Việt: bay, trôi chầm chậm) là những hình ảnh chỉ có được trong một ngày đẹp nắng, hoặc buổi chiều tà đẹp trời. Không thể là cảnh ngày đông bầu trời xám xịt u ám, “hoang lạnh” (chữ của Vũ Thị Sao Chi-HTC). Và theo tôi, “Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ, Chòm mây chầm chậm bay giữa từng không”là những hình ảnh đẹp, gợi vẻ êm ả, thanh bình, trìu mến của bầu trời cảnh vật vùng sơn cước lúc chiều tà, không hẳn “gợi sự lẻ loi, đơn chiếc, trống vắng, hoang lạnh” như cách hiểu của ThS. Bởi điều này không phù hợp với cái nhìn lạc quan trong mọi hoàn cảnh thường thấy trong thơ Hồ Chí Minh, và cụ thể đối với chính bài “Mộ”.

Tóm lại, chữ “hồng” ()  trong bài thơ “Mộ” của Hồ Chí Minh nghĩa là đốt lên, nhóm lên, sưởi ấm, không phải chữ “hồng” () với nghĩa là mầu hồng. Có lẽ, do ngay từ bản dịch nghĩa, Nam Trân đã dịch thoát chữ “hồng” (Ngô xay xong lò than đã đỏ) nên tạo ra sự hiểu nhầm cho không ít người, trong đó có ThS. Vũ Thị Sao Chi. Nhưng khi dịch thơ Nam Trân lại thêm từ “rực” vào : “Xay hết lò than đã rực hồng” (lò than cháy rừng rực). Cách dịch của Nam Trân là chấp nhận được và phải thừa nhận rằng đây là bản dịch hay nhất từ trước tới nay. 

 Dịch nói chung và dịch thơ nói riêng, có trường hợp làm cho bản gốc trở nên hay hơn. Cũng có khi không thể chuyển tải hết ý của nguyên tác. Đó là chuyện thường thấy và phải biết chấp nhận. Hơn nữa khi đã đi sâu vào phân tích, cảm thụ thơ dịch (đặc biệt là thơ chữ Hán) nên tìm hiểu, so sánh với phần nguyên tác. Không nên tìm hiểu qua phần phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ rồi vội nhận xét, phê bình, đặc biệt đối với những bài truyền đạt cho giáo viên, học sinh./.

Thanh Hoá 20/08/2007


Chú thích:
(1)-Tất cả các sách xuất bản có in phần nguyên tác chữ Hán bài thơ “Mộ” của Hồ Chí Minh đều thấy chữ  “hồng”( có bộ hoả này, kể cả bút tích của bài thơ.
(2) (3) (4) (5) (6) –Những câu thơ này đều trích trong “Ngục trung nhật ký-Hồ Chí Minh.

(*) (Hiện là Tiến sĩ - Phó tổng biên tậpTạp chí ngôn ngữ học-Viện ngôn ngữ học Việt Nam).





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét