20 thg 5, 2023

NGƯỜI "MỔ XẺ" VUA TIẾNG VIỆT: "HẦU NHƯ TÔI CHƯA PHẢN BIỆN...SAI!"

 


Anh Hoàng Tuấn Công, cán bộ khuyến nông ở Thanh Hóa, người đã "bắt lỗi" nhiều chương trình "Vua tiếng Việt" chia sẻ như vậy và cho biết, những phản biện của anh với chương trình không có gì cao siêu…

Khác với hình dung ban đầu của chúng tôi về người gây "ồn ào" cộng đồng mạng bởi việc phát hiện xác đáng những lỗi của chương trình Vua tiếng Việt, ở ngoài đời, anh Hoàng Tuấn Công nói năng nhỏ nhẹ, chậm rãi, tác phong có phần đủng đỉnh. Người đàn ông từng phản biện cả những cây đa, cây đề trong giới nghiên cứu ngôn ngữ với những luận cứ thuyết phục này tự nhận, anh không phải là người… hoạt ngôn.

Trò chuyện cùng phóng viên, anh cười hồn hậu khi đề cập việc ai đó có ý mỉa mai mình với câu nói "tay khuyến nông ấy thì biết cái gì"…

Link gốc: Người mổ xẻ "Vua tiếng Việt" 

Người mổ xẻ Vua tiếng Việt: Hầu như tôi chưa phản biện… sai! - 1

Thưa anh Hoàng Tuấn Công, gần đây anh đã có hàng loạt phản biện với chương trình "Vua tiếng Việt" xung quanh việc sai chính tả hoặc sử dụng chưa phù hợp các từ chậm trễ, xum xuê, xoay xở… và việc giải thích chưa chính xác các thành ngữ "Lộng giả thành chân", "Đá đưa đầu lưỡi"… Cố vấn chương trình sau đó đã thừa nhận, những phản biện của anh đều… đúng. Chúng tôi chỉ băn khoăn, chương trình "Vua tiếng Việt đã có từ năm 2021, nguyên cớ nào khiến anh gần đây quan tâm và liên tục mổ xẻ những sai sót của chương trình?

- Từ lâu tôi không có thói quen xem ti vi, vì công việc nhiều, thời gian buổi tối chủ yếu dành cho viết lách. Tuy nhiên, tôi có nghe loáng thoáng truyền hình mới mở một chuyên mục có tên Vua tiếng Việt, và nghĩ đây là một sân chơi bổ ích. Tôi cũng tin với sự trợ giúp của các chuyên gia, VTV sẽ làm tốt, vì thực ra, tất cả chỉ là những kiến thức phổ thông, chứ không có gì cao siêu…

Hồi tháng 7/2022, theo lời đề nghị của bạn đọc, tôi từng có bài viết "Từ đồng nghĩa với tham lam", đăng trên báo Nông nghiệp Việt Nam, chỉ ra cái sai của cố vấn chương trình khi giải thích về từ này. Tuy nhiên, vẫn nghĩ rằng đây chỉ là lỗi hãn hữu, vì bản thân câu hỏi cũng không hề dễ.

Gần đây, nhân một bài viết tôi đề cập tới lỗi chính tả "ăn trực" trên VTV2, bác Nguyễn Phước Hải, hiện định cư ở Canada, đã có một bình luận đính kèm hình chụp lại lỗi chính tả "chậm chễ" của chương trình Vua tiếng Việt. Ban đầu, tôi nghĩ đây là ảnh "chế", nên đề nghị bác Hải gửi link gốc. Tận mắt thấy thì… giật mình. Vua tiếng Việt đã mắc lỗi chính tả như thế thật.

Xem lướt thêm một vài chương trình, tôi càng kinh ngạc khi thấy có rất nhiều lỗi sơ đẳng. Từ sai chính tả cho đến cách giảng không đúng của các vị cố vấn về nhiều câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao...

Người mổ xẻ Vua tiếng Việt: Hầu như tôi chưa phản biện… sai! - 3

Những sai sót này tác động như thế nào đến khán giả, thưa anh?

- Những sai sót của chương trình dĩ nhiên là rất nguy hại, bởi đây là chương trình có rất nhiều người theo dõi, kể cả người Việt ở hải ngoại. Trong khi đó, có nhiều lỗi sai mà người xem không dễ nhận biết, và cứ thế tin theo.

Ví dụ, bác Nguyễn Phước Hải, người phát hiện ra lỗi chính tả "chậm chễ" chia sẻ: "Cả nhà tôi vẫn quây quần vào bữa ăn tối thứ bảy và xem clip YouTube Vua tiếng Việt mới nhất trên tivi. Dù gì thì Vua tiếng Việt cũng góp phần kết nối, tạo điều kiện tìm hiểu và làm giàu vốn liếng ngôn ngữ cho các thế hệ trẻ người Việt ở nước ngoài.

Tôi cũng thực sự thú vị khi thấy nhiều người ngoại quốc tham gia game show này, mặc dù đa phần họ phải dừng cuộc chơi ngay sau vòng 1 - vòng Phản xạ". 

Cho đến thời điểm này anh đã nhận được phản hồi trực diện nào từ những người tổ chức, cố vấn chương trình?

Tôi chưa nhận được phản hồi trực tiếp nào. Tuy nhiên, có nhận được một comment duy nhất của nhà thơ HV, cố vấn chương trình. Anh thừa nhận đã giảng sai thành ngữ "Đá đưa đầu lưỡi", và có lời xin lỗi khán giả cùng bạn đọc.

Thấy anh cầu thị, nên tôi gửi trực tiếp lỗi sai khác khi anh giải thích câu "Trăm năm bia đá thì mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ", qua tin nhắn, để anh ấy có cơ sở đề xuất với Ban Biên tập chỉnh sửa lại video trên mạng. Tuy nhiên, lần này không biết anh ấy không nhận ra lỗi, hay do… bảo thủ, nhưng đã cho rằng anh giải thích vậy là đúng. Về phần tôi, một khi được xác định là lỗi, có nghĩa đã suy nghĩ, cân nhắc rất kĩ.

Người mổ xẻ Vua tiếng Việt: Hầu như tôi chưa phản biện… sai! - 5

Mới đây, nhà báo Lê Thanh Phong, Báo Lao động đề xuất, chương trình "Vua tiếng Việt" nên mời anh làm cố vấn. Anh nói sao về điều này?

- Tôi nghĩ đó là ý kiến xuất phát từ tâm huyết của người làm báo quan tâm đến chữ nghĩa.

Nếu được mời, anh có nhận lời không?

- Từ trước tới nay, tôi chưa nhận lời làm việc nhóm, hay viết chung, làm chung bất cứ một đề tài nào. Lẽ đơn giản là tôi không chủ động được thời gian.

Nghề chính của tôi là khuyến nông. Muốn làm gì thì cũng phải hoàn thành trước, và hoàn thành tốt công việc cơ quan giao. Việc viết lách chỉ có thể thực hiện vào lúc "nông nhàn", và tôi hoàn thành công việc theo kế hoạch, điều kiện của riêng mình. Tôi làm nhanh hay chậm cũng không ảnh hưởng đến ai.

Người mổ xẻ Vua tiếng Việt: Hầu như tôi chưa phản biện… sai! - 7

Tên chương trình "Vua tiếng Việt" cũng là chủ đề gây tranh luận trên mạng xã hội và cả trên báo chí. "Vua tiếng Việt" - nghe có gì đó hơi kiêu căng, anh có thấy như vậy?

- Thực ra, danh xưng Vua tiếng Việt là dành cho người chơi, chứ không phải bản thân chương trình đó là "vua". Tuy nhiên, hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng thì vua không đồng nghĩa với giỏi.

Vua chỉ là người ở vị cao nhất, có quyền lực, định đoạt mọi thứ, bất chấp ý kiến của thần dân. Bởi thế, ngay cả trao danh hiệu Vua tiếng Việt cho người đoạt giải nhất thì danh xưng này cũng có vẻ không hợp lí.

Vì ngôn ngữ là tài sản chung của dân tộc, của nhân dân. Không ai có thể áp đặt được. Ví dụ một số người đứng về phương diện nhà nước áp đặt dùng "thu giá" thay cho "thu phí", nhưng nhân dân không chấp nhận, thì có "vua" nào dùng quyền lực để áp đặt được?

Nói chung, tên chương trình đó tôi không cho là kiêu ngạo mà là không hợp lí, không khéo.

Người mổ xẻ Vua tiếng Việt: Hầu như tôi chưa phản biện… sai! - 9

Qua cuộc tranh luận về thành ngữ "Lộng giả thành chân" liên quan đến chương trình do anh khơi mào, người ta thấy rằng, nhiều từ điển rất thông dụng hiện nay cũng… sai, thưa anh?

- Từ điển đúng thì tác dụng của nó rất tốt, từ điển sai thì tác hại ghê gớm. Ví dụ, bảy cuốn từ điển tôi có trong tay (đưa ra bức ảnh về 7 cuốn từ điển - PV) không có cuốn nào giảng đúng về "Lộng giả thành chân", mà mỗi cuốn nói một phách. Điều đó cho thấy người biên soạn chỉ đoán nghĩa, chứ không tìm đến cái gốc của nó. Bởi thế, đã xảy ra tình trạng, mỗi người nói mỗi phách, mỗi sách nói mỗi kiểu.

Trong đó, đáng trách nhất là cuốn Từ điển giải thích thành ngữ gốc Hán của Viện Ngôn ngữ, tác giả Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành, NXB Văn hóa, 1994, đáng lẽ ra phải truy tìm "gốc Hán" của câu thành ngữ, nhưng lại cũng chỉ đoán, nên cuối cùng vẫn giải thích sai.

Anh từng phản biện rất nhiều cuốn sách như Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân và các cuốn khác như Từ điển chính tả tiếng Việt, Từ điển chính tả tiếng Việt phổ thông…. Các cuốn từ điển đều do các giáo sư, tiến sĩ, các cây đa, cây đề trong lĩnh vực ngôn ngữ làm nên. Mỗi lần phản biện như vậy, anh có chịu nhiều áp lực không?

- Quá trình viết và công bố cuốn "Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu", tôi nghĩ cụ sai thì đính chính lại cái sai thôi. Và tôi làm theo phương pháp khoa học, viết đến đâu chứng minh đến đấy. Đính chính một cách hoàn toàn khách quan, vô tư.

Người mổ xẻ Vua tiếng Việt: Hầu như tôi chưa phản biện… sai! - 10

Trước khi in sách, tôi công bố một loạt bài đăng trên mạng, nhiều người nhận xét là "bản lĩnh, can đảm". Ban đầu tôi hơi ngạc nhiên, vì không nghĩ đính chính những cái sai, làm một việc hoàn toàn khách quan khoa học, mà lại phải "bản lĩnh, can đảm". Về sau cũng có người nói tôi đụng đến một tượng đài ngôn ngữ, rồi việc này người ta có thể suy luận theo hướng nhạy cảm này nọ...

Tuy nhiên, tôi nghĩ cứ phản biện cho đúng, cho chặt chẽ, thì không ngại gì cả. Tôi chỉ sợ lí lẽ của mình không đủ sức thuyết phục, hoặc trong khi đính chính cái sai, thì mình lại để xảy ra cái sai kiểu khác mà thôi.

Sau những phản biện của anh cũng có những chuyên gia bác lại quan điểm anh nêu lên. Vậy có khi nào anh bắt lỗi không chuẩn xác?

- Hầu như chưa. Bởi vì những cái tôi coi là lỗi sai, bao giờ cũng phải suy nghĩ rất kỹ, truy tìm, đối chiếu tài liệu nọ tài liệu kia, rồi tự mình phản biện mình. Trong quá trình đi tìm tư liệu để chứng minh, nếu chưa đủ sức thuyết phục, hoặc có thể gây tranh cãi, thì tôi loại bỏ cái gọi là "lỗi sai" ấy, không bàn đến nữa…


Người mổ xẻ Vua tiếng Việt: Hầu như tôi chưa phản biện… sai! - 12

Trên các diễn đàn, trên cộng đồng mạng có một câu thỉnh thoảng tôi thấy người ta nhắc lại sau phản biện của anh về vấn đề nào đó - "cái tay khuyến nông xứ Thanh lại lên tiếng". Anh nói gì về điều này?

- Họ gọi thế không có gì sai, vì quả thực tôi đang làm ở một cơ quan khuyến nông, có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hẳn hoi.

Nhiều người quý mến mà gọi như thế. Nhưng đôi khi cũng có người dùng cách gọi như vậy với ý xem thường, thậm chí là miệt thị. Ví dụ, trước đây tôi có phản biện mấy cuốn từ điển chính tả, rồi chuyện đạo văn của một vài vị, thì một số người bảo vệ các tác giả đó, bảo rằng "tay khuyến nông ấy thì biết cái gì". Khi đó, mình cũng thấy bình thường thôi (cười).

Người mổ xẻ Vua tiếng Việt: Hầu như tôi chưa phản biện… sai! - 14

Gọi anh như thế nào thì phù hợp, nhà nghiên cứu, nhà nghiên cứu tự do hay nhà khuyến nông?

- Thực ra thế này, cái "nhà" nhiều khi là sự định danh tương đối thôi. Lâu nay người ta cũng cứ gọi mình là nhà nghiên cứu, nhà phê bình tự do, nhà phê bình từ điển, đại khái vậy. Tôi làm khuyến nông, nên người ta gọi là "anh khuyến nông".

Nhưng khi bàn đến chuyện chữ nghĩa, thì ta phải tạm gác cái danh xưng ấy lại. Bởi vì, khi tranh luận, phản biện, thì chỉ có đúng hoặc sai. Người ta không biết anh già, anh trẻ, hay làm nghề gì, mà căn cứ những gì anh viết ra có đúng hay không mà thôi... Tôi viết sai, thì không ai "chiếu cố" cho vì tôi là anh khuyến nông cả.

Người mổ xẻ Vua tiếng Việt: Hầu như tôi chưa phản biện… sai! - 16

Theo như tôi đọc ở đâu đó, có người nói anh không… hoạt ngôn?

- Quả có thế. Khác với chuyện cầm bút, khi trình bày vấn đề gì đó trên diễn đàn, nói chuyện, diễn thuyết, thì sự huy động vốn từ của tôi khá chậm. Bởi thế, hầu như những việc cần đến khả năng hùng biện, diễn thuyết, thậm chí phát biểu trên truyền hình, tôi thường tránh. Diễn đạt không tốt thì không nên nói, tránh tạo nên sự khó chịu cho người nghe.

Không có mối liên hệ gì giữa Lộng giả thành chân với Bỡn quá hóa thật!

Trở lại với một trong những phản biện của anh với chương trình "Vua tiếng Việtđược nhiều người quan tâm - anh đã phân tích kỹ những sai sót của cố vấn chương trình khi giải thích thành ngữ "Lộng giả thành chân", đồng thời dẫn giải hai nghĩa chính của thành ngữ này là chuyện vốn ban đầu là giả, sau hóa chuyện thật, và biến giả thành thật. Phản biện này của anh đã tạo chia sẻ, lan tỏa rất mạnh trên cộng đồng mạng. Rất nhiều người thấy thú vị bởi sự tìm hiểu kỹ càng của anh, nhưng cũng có những người đưa ra những cách hiểu khác. Vậy anh có nhận xét gì không?

Thực ra, ban đầu tôi nghĩ chỉ cần giải thích như vậy là đủ, nhưng không ngờ sau đó đã nổ ra một cuộc tranh cãi rất sôi nổi.

Trở lại với câu thành ngữ "Lộng giả thành chân". Cố vấn chương trình giải thích rằng, đây là "thành ngữ Hán Việt". Tuy nhiên, phải gọi là thành ngữ gốc Hán mới chính xác. Mà đã gọi là "gốc Hán" - có nguồn gốc, xuất xứ từ Hán ngữ, thì trước tiên phải tìm về cái gốc, xem nó được hiểu và dùng như thế nào. Không thể giải thích theo kiểu suy diễn, chủ quan, mỗi người nói mỗi phách.

          Theo Hán điển, thành ngữ "Lộng giả thành chân" vốn có xuất xứ từ tác phẩm Lộng bút ngâm của Thiệu Ung đời Tống, trong đó có câu "Lộng giả tượng chân, chung thị giả/ Tương cần bổ chuyết tổng thâu cần - 弄假像真終是假, 將勤補拙總輸勤", nghĩa là "Biến giả thành thật, thì cuối cùng cái thật ấy cũng là giả/ Lấy cần cù để bù cho tối dạ, thì kẻ tối dạ sẽ thành thông minh".

Chữ "lộng" trong "Lộng giả thành chân" có nghĩa là làm, khiến cho. Bởi thế trong Hán ngữ còn có các câu như: "Giả tố chân, thời chân diệc giả, chân tố giả thời giả diệc chân 假做真真亦假,真做假假亦", nghĩa là: Biến giả thành thật, thì cái thật ấy cũng là giả; thật làm thành giả, thì cái giả ấy vẫn là thật - Dị bản của câu này là Giả tác chân thời chân diệc giả, chân tác giả thời giả diệc chân 假作真真亦假,真作假假亦. Theo đây, "lộng" 弄, "tố" 做, hay "tác" 作 đều có nghĩa là làm cho, khiến cho.

Với câu "Lộng giả thành chân", Hán ngữ đại từ điển giảng 2 nghĩa: 1 Vốn có nghĩa lấy giả làm thật, sau chỉ việc ban đầu có ý làm giả, kết quả lại hóa thành thật; 2 Chỉ việc biến giả thành thật.

Về nghĩa 1, ban đầu có ý làm giả, sau lại trở thành thật. Hán ngữ minh họa bằng ví dụ: Hai người đóng giả là cặp trai gái yêu nhau, đến chăm sóc, an ủi mẹ già đang bệnh nặng, cuối cùng, lộng giả thành chân, họ trở thành vợ chồng thật - nguyên văn: 他倆本來是假裝男女朋友來安慰病危的母親,最後弄假成真,真的成為夫妻).

Nghĩa 1 này có thể ứng với câu chuyện lộng giả thành chân trong tiếng Việt. Ví như một thanh niên đã nhiều tuổi, nhưng chưa có vợ, chưa có người yêu, bố mẹ giục rất nhiều. Căng quá, Tết đến, anh chàng mới thuê một cô đóng giả người yêu về ra mắt, coi đây là kế hoãn binh. Không ngờ, khi về nhà, bố mẹ anh rất vui mừng và quý mến cô gái. Cô gái sau quá trình tiếp xúc với gia đình cũng mến người, mến cảnh… Rồi chàng thanh niên cũng nảy sinh tình cảm một cách rất tự nhiên với cô gái. Cuối cùng thành ra yêu thật, lấy nhau thật. Tình huống này không phải là đùa, mà nằm trong ý đồ: ban đầu có ý làm giả, sau trở thành thật là vậy.

Với nghĩa 2, chỉ việc biến giả thành thật, Hán ngữ đại từ điển dẫn ngữ liệu trong Tây du ký hồi thứ 95: "Hành Giả túm lấy Công chúa lớn tiếng mắng: "Đồ nghiệt súc! Ngươi lộng giả thành chân, chừng ấy chưa đủ, còn muốn lừa dối cả thầy ta sao!"

Sở dĩ Hành Giả mắng Công chúa là "Đồ nghiệt súc! Ngươi lộng giả thành chân chừng ấy chưa đủ…", là bởi kẻ "nghiệt súc" này vốn là yêu khí, nhưng "biến giả thành thật", đội lốt Công chúa. Và việc quỷ giả làm người đối với Hành Giả đã là quá đáng lắm rồi, giờ còn muốn lừa dối cả thầy Đường Tăng nữa.

Nghĩa này tương đương với câu chuyện "Lộng giả thành chân" - biến giả thành thật, mà báo Lao động ngày 11/8/1999 viết: "Trong những năm gần đây, tệ nạn xuất lậu đồ cổ ra nước ngoài đã làm đau đầu các cơ quan chức năng, thì hiện nay lại có chuyện ngược đời, nạn làm giả đồ cổ. Đồ giả có vẻ thật đến nỗi những nhà chuyên môn thiếu kinh nghiệm không phân biệt nổi. Sự "lộng giả thành chân" làm khó dễ trong việc quản lý sưu tầm loại sản phẩm văn hóa vật thể đặc biệt này". Ngữ liệu do Trung tâm từ điển học Vietlex chia sẻ với tôi.

Như vậy, câu thành ngữ gốc Hán có hai nghĩa, thì cả hai nghĩa mà Hán điển và Hán ngữ đại từ điển giảng, đều được vận dụng giống như trong tiếng Việt.

Với "Đùa/bỡn quá hóa thật", đây lại là câu của người Việt. Ví dụ A và B trêu đùa nhau. A nói đùa thái quá, xúc phạm đến B, khiến B cáu, thế rồi thành ra cãi nhau, đánh nhau thật. Thì Đùa quá hóa thật ở đây là một câu tục ngữ, trong khi Lộng giả thành chân lại là một câu thành ngữ. Chẳng qua vì lầm lẫn nên người ta ngỡ nó là bản đối dịch của Lộng giả thành chân.  Cụ thể, Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam của Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào, thu thập thành ngữ Lộng giả thành chân và hướng dẫn xem Bỡn quá hóa thật. Mục Bỡn quá hóa thật" sách này giảng: "Bỡn quá hóa thật [Đùa quá hóa thật] Đùa quá mức sinh ra mất lòng nhau". Cứ theo cách giảng này, thì chúng ta không thấy có mối liên hệ gì giữa Lộng giả thành chân với Bỡn quá hóa thật.

Người mổ xẻ Vua tiếng Việt: Hầu như tôi chưa phản biện… sai! - 19

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Nội dung: Cấn Cường - Thanh Tùng

Ảnh: Thanh Tùng

Thiết kế: Tuấn Huy

11/05/2023


1 nhận xét:

  1. Mấy ông học chữ, rồi múa chữ cầu cơm thì cũng phải.
    Có điều, mấy ông coi thường đọc giả, luận chữ theo phán xét cá nhân, chẳng dẫn chứng, rồi tự mình cho mình hợp lý. Riết rồi tự nó thành đúng hồii nào không biết. Cái này đúng là “Lộng giả thành chân” rồi.
    Bây giờ mấy ông múa rìu qua mắt [ông] thợ khuyến nông. Ông khuyến nông khuyến mãi cho vài câu, mấy ông cay cú lặn mất. Có điều cái “chưng” giả của mấy ông vẫn còn đó. Trước là hại tiếng Việt, sau là hại văn hoá, rồi hại đời sau.
    —-
    Tui có một thí dụ nè:
    Ở Cần Tho có chợ Cái Răng. Ngày xưa, khoảng năm 1983, khi đang cọc cạch đạp xe từ trên cầu Cái Răng xuống, tui nghe cái bà trên đài phát thanh nói:
    “Có giả thuyết cho là chợ Cái Răng bắt nguồn từ chữ “cà ràng”, tức là cái lò hình con cá của người Khmer, do nói trại riết thành chữ Cái Răng.”
    Nghe tới đó tui tức anh ách sao mà từ chữ cà ràng ra chữ Cái Răng được, không thể hiểu nổi, mà chỉ là một giả thuyết thì nói ra làm gì?
    Vậy mà sau này, ngày càng nhiều giải thích là chợ Cái Răng là chợ Cà Ràng do chợ đó có bán nhiều cà ràng. Nghe mà tức nghẹn cả họng luôn.
    —-
    Tôi không thể đưa ra bằng chứng, nhưng tôi được nghe kể lại từ những người lớn tuổi hơn như sau:
    Nói chữ Cái Răng từ chữ cà ràng là sai 100%, vì ở miền Tây có rất nhiều tên địa danh bắt đầu từ chữ “Cái” như Cái Răng, Cái Tắc, Cái Cui, Cái Sơn, Cái Nhum, Cái Vồn Lớn, Cái Vồn Nhỏ … vậy mấy Cái kia giải thích sao đây.
    Thực ra, chữ “Cái” ở miền Tây có nghĩ là lớn, như đường cái, sông cái, chợ cái…
    Còn những chữ khác là tên người, chưa bao giờ thay đổi. Ngày xưa đất miền Tây do các “ông cả” khai hoang. Có nhiều ông thành công, trong đó có ông cả người Việt, có ông cả khmer. Trong phạm vi đất của mình, các ông cả cho xây chợ, làm đường, làm cầu. Do đó mới có chợ Cái Răng, chợ Cái Tắc, cầu Cái Răng, cầu Cái Tắc, và nhiều cây cầu khác như Cái Cui, Cái Sơn, Cái Nhum, Cái Vồn. Riêng ông Cả Vồn chia đất cho hai người con, nên có hai vùng là Cái Vồn Lớn, rồi Cái Vồn Nhỏ. Chắc không ít người biết có địa danh Cần Thơ Bé trên trên quốc lộ 91 đi Long Xuyên.
    Giống như vậy, ở Sài Gòn có các địa danh Bà Chiểu, Bà Điểm, Bà Quẹo, Bà Hom.
    Tóm lại, nói chữ Cái Răng là từ chữ cà ràng là “Lộng giả thành chân.” đó.
    Mấy ông “Chữ giả” chả biết học tới đâu mà giả chữ, bán chữ giả cầu cơm. Hại thiệt đó.

    Trả lờiXóa