29 thg 3, 2023

“DÙI MÀI” VÀ “MÀI DÙI”

 

Ma chử thành châm
Tranh: ST
HOÀNG TUẤN CÔNG


Trai thời đọc sách ngâm nga,

Dùi mài kinh sử để chờ đại khoa.

(Cdao)

Ba đông đèn sách dùi mài,

Phạm Công nào đã biết ai có tình!

    (Phạm Công Cúc Hoa)

         Vì sao lại nói Dùi mài kinh sử?

Sách Thành ngữ bằng tranh (NXB Kim Đồng - 2020) giải thích: “Dùi mài kinh sửDùi là một dụng cụ nhỏ, học trò ngày xưa thường dùng để đóng sách. Dùi được mài rất công phu, cho nên là biểu hiện của sự cần cù, chăm chỉ”.

Thực ra, “dùi mài” ở đây là “dùi” và “mài”, chứ không phải là mài cái dùi.

Dùi mài” chỉ hai công việc dùi/giồi (khoan cắt, đánh bóng) và “mài” (chà xát cho mòn, cho nhẵn), ý chỉ sự công phu rèn luyện, học tập. Điều này đã được Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức) giảng: “giồi • đt. C/g. Giùi, tô, trét vô rồi chà mạnh cho láng, cho bóng: Giồi bộ ván, giồi phấn. • (B) Trau-tria, ôn-nhuần: Giồi-mài kinh-sử”.

Dùi mài trong tiếng Việt tương tự như thiết tha 切磋 (cắt mài), hoặc trác ma 琢磨 (mài dũa) trong tiếng Hán, ý chỉ sự tu dưỡng đạo đức, nghiên cứu nghĩa lý, học vấn một cách công phu.

Bởi soạn giả sách Thành ngữ bằng tranh hiểu lầm “dùi mài” thành “mài dùi” nên mới giảng “dùi được mài rất công phu”. Tuy nhiên, nếu nói về độ “công phu” thì phải là “mài kim”, chứ không phải “mài dùi”.

Tương truyền, thời niên thiếu, Lý Bạch học hành dở dang, bỏ chuyện trường ốc để đi du ngoạn. Dọc đường Lý Bạch thấy có bà già nọ đang mài một cái chày sắt. Thấy việc lạ lùng, Lý Bạch dừng lại: “Xin hỏi, cụ mài cái chày này làm gì vậy ạ?”. Bà cụ thản nhiên đáp: “Làm cái kim vá quần áo”. Lý Bạch chợt tỉnh ngộ, bèn lập tức quay lại, gắng công học tập và trở thành một đại thi hào đời Đường.

Về sau Ma chử thành châm 磨杵成針 (Mài sắt nên kim) ví với sự gắng sức, kiên trì bền chí thì sẽ thành công (Hán ngữ đại từ điển – La Trúc Phong chủ biên – Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 1993]

 Vì “mài dùi” dễ hơn “mài kim”, nên có câu tục ngữ chế “Có công mài sắt có ngày nên…dùi” là thế. Như vậy, cả dùi mài trong câu Dùi mài kinh sử, Đèn sách dùi mài, đều là động từ, chứ không phải mài là động từ, dùi là danh từ (“dùi được mài rất công phu”) như sách Thành ngữ bằng tranh giải thích. Câu này chỉ việc bỏ nhiều công sức, kiên nhẫn học hành cho tinh thông; tương tự như Nấu sử, xôi kinh (nghiền ngẫm kinh sách) vậy.

                                                   HTC/2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét