HOÀNG TUẤN CÔNG
Sách
“Từ điển thành ngữ-tục ngữ-điển tích Việt
Nam” (Nhóm biên soạn Lê Văn Đức, hiệu đính Lê Ngọc Trụ-NXB Thanh Niên, 2004)
thu thập bản khác, có liên quan đến nghĩa đen: “Sợ cọp chớ ai sợ cứt cọp tng.
Kiêng oai, sợ thế lực của một ông quan hay một ông nhà giàu; chớ cái thứ lính lệ
hay tôi tớ của nhà giàu thì ai mà kiêng, mà sợ!”
Sách
“Từ điển thành ngữ tục ngữ ca dao Việt
Nam” (Thanh Long-Tường Ngọc, NXB Đồng Nai, 2014) cũng thu thập câu “Sợ cọp
chớ ai sợ cứt cọp” và đưa ra lời giảng giống hệt Nhóm biên soạn Lê Văn Đức.
Theo
chúng tôi, các nhà biên soạn từ điển bỏ qua công đoạn tìm hiểu nghĩa đen, nên đưa
ra nghĩa bóng chưa chính xác, đầy đủ, chưa phù hợp với cách dùng trong thực tế. Vì “kẻ
hầu hạ”, “lính lệ hay tôi tớ của nhà giàu” (tức tay chân những kẻ có quyền thế)
cũng đáng sợ lắm chứ! Chúng gắn liền với bộ mặt, uy quyền của nhà quan, chúng cũng được trao quyền nhất định cơ mà! Ví như câu chuyện liên quan đến “gia đồng”, “gia tỳ” của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật dưới đây:
“Có lần
ông sai gia đồng giữ thuyền, tên này bị gia đồng của Quốc phụ (tức Quốc phụ thượng
tể Trần Quốc Chẩn) đánh, có người đến mách. Nhật Duật hỏi: “Có chết không?” Người
đó trả lời: “Chỉ bị thương thôi”. Ông nói: “Không chết thì thôi, mách làm gì!”
Lại có người kiện gia tỳ của ông với Quốc
phụ. Quốc phụ sai gia đồng tới bắt. Người gia tỳ chạy vào trong phủ, người đi bắt
đuổi đến nhà giữa, bắt trói ầm ỹ. Phu nhân khóc lóc nói với ông:
“Ân chúa là tể tướng, Bình chương (tức
Trần Quốc Chẩn-HTC) cũng là tể tướng, vì ân chúa nhân từ, nhu nhược, nên người
ta mới coi khinh đến nước này”.
Nhật Duật vẫn ung dung không nói, chậm
rãi sai người bảo kẻ gia tỳ rằng:
“Mày cứ ra đi, ở đâu cũng đều có phép nước”. (Đại Việt sử ký toàn thư)
Chỉ
là chuyện xích mích giữa tôi tớ của hai nhà cùng làm quan to trong triều mà đã
động lòng chủ nhà đến vậy. Liệu kẻ gây chuyện với tôi tớ nhà quan là dân thường, lại không gặp được người như Trần Nhật Duật, thử hỏi có bảo toàn được tính mạng? Dân gian có câu, “Đánh chó phải ngó mặt chủ
nhà”, “Chim khôn đậu nóc nhà quan” là vậy.
Trở lại với nội dung câu tục ngữ.
Xưa
kia, hổ (hùm) không chỉ là nỗi sợ tột cùng của cư dân vùng rừng núi mà còn lan
truyền xuống tận vùng đồng bằng. Dân gian thêu dệt nên biết bao câu chuyện khiếp
đảm liên quan đến hổ. Người ta sợ hổ, thần thánh hoá hổ đến mức, ngay cả khi hổ
đã chết đi (và chết bởi chính bàn tay của con người), thì các bộ phận trên thân
thể của nó, từ thịt, da, xương, lông, nanh vuốt… vẫn tiềm ẩn một sức mạnh siêu
nhiên. Xương cốt hổ đem lại sức mạnh cho người ăn nó. Da hổ thể hiện uy quyền của
người sở hữu nó. Móng vuốt hổ dù đã rã rời từng chiếc, vẫn có thể mang lại sức
mạnh thần kì, trấn yểm được cả tà ma, quỷ quái, bảo vệ cho người đeo nó. Dân
gian còn truyền tụng, người bị hổ ăn thịt không thoát được kiếp, lại dẫn hổ đi
bắt người khác, sau đó mới được kẻ bị hổ ăn thịt kế tiếp thế chỗ. Vì vậy, những
kẻ giúp người khác làm điều ác gọi là "trành" 倀
(hùm tinh). Thành ngữ "vị hổ tác trành"
為虎作倀 có nghĩa là giúp kẻ
khác làm điều ác là vậy.
Leopold
Cadiere, học giả Pháp trong “Văn hoá,
tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt” (NXB Thuận Hoá-2010) đã ghi
chép rất nhiều câu chuyện về nỗi sợ hổ của người Việt, sợ đến mức không bao giờ
dám gọi thẳng tên “hổ”, mà gọi là “thầy, ông thầy, mệ, ngài”. Leopold Cadiere
viết: “Hổ là con vật có thật, dẫu mang rất
nhiều dấu ấn thần thiêng. (...) Trong con hổ thì cái gì cũng kì bí, thần
thiêng, có những đặc tính diệu kỳ. (...) Râu của nó, như ta đã biết, hoá thành
con thuốc độc. Vì thế khi bắt được hổ, người ta liền thui râu nó để khỏi gây chết
chóc. Beo cũng thế. Nước bọt của hổ rơi xuống đất tạo những con sâu lớn, lông
lá đầy mình, gọi là sâu rọm. Chỉ cần đạp phải là đủ để mang một vết thương vô
phương cứu chữa”.
Khác
với da, xương, lông, nanh, vuốt…hổ, vết chân hùm, hay cứt hùm là dấu hiện chứng
tỏ ác thú đã từng hiện diện ở khu vực này, hoặc hãy còn lẩn quất đâu đây. Ý
nghĩ ấy khiến người ta khiếp đảm, rụng rời chân tay (nỗi sợ này hoàn toàn có lý). Nhưng cũng có thể hổ đã rời
đi từ “bảy đời”!. Lúc này, “cứt hùm” chỉ là “cứt hùm” mà thôi! Tuy nhiên, vì sợ
hùm, nên tất cả những gì liên quan, gợi nhớ đến hùm, kể cả thứ tầm thường, vô hại
nhất là “cứt hùm”, cũng trở nên đáng sợ.
Đây chính là nghĩa đen của câu tục ngữ. Bởi vậy, nghĩa bóng khái quát phải được hiểu là: đã từng phải chịu đựng, nếm trải nỗi đau đớn, sợ hãi nào đó, thì sẽ thành ấn tượng đến mức sợ tất cả những gì liên quan, nhắc nhớ, tưởng tượng đến nó, thậm chí sợ cả cái không có gì đáng sợ.
Đây chính là nghĩa đen của câu tục ngữ. Bởi vậy, nghĩa bóng khái quát phải được hiểu là: đã từng phải chịu đựng, nếm trải nỗi đau đớn, sợ hãi nào đó, thì sẽ thành ấn tượng đến mức sợ tất cả những gì liên quan, nhắc nhớ, tưởng tượng đến nó, thậm chí sợ cả cái không có gì đáng sợ.
Như
vậy, khác với kiểu “sợ bóng, sợ gió” (sợ một cách vu vơ, không có căn cứ, lí do
gì để sợ), “Sợ hùm sợ cả cứt hùm” là nỗi sợ có lý do. Tức là nỗi sợ xuất phát từ
nỗi ám ảnh, khiếp đảm có thật về sức mạnh, sự độc ác đến từ con hổ.
Tục
ngữ “Sợ hùm sợ cả cứt hùm” có khi được dùng với ý chế giễu kẻ yếu bóng vía, thiếu bản lĩnh; ám
chỉ sự ảnh hưởng bởi sức mạnh ghê gớm của thế lực nào đó; hoặc đơn giản chỉ là nhận xét về tâm
lý thông thường của con người ta, hay bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi đã từng phải trải qua. Câu
gần nghĩa: “Rắn quấn ba năm còn sợ dây thừng”; “Con chim bị tên sợ làn cây cong”;
“Sợ ong, thấy chuồn chuồn đã sợ” [Rưởi oong thầy đúm đoóng đà rưởi - Tục ngữ Mường].
Theo đó, tục ngữ “Sợ cọp chớ ai sợ cứt cọp” mà Nhóm biên soạn Lê Văn Đức thu thập, và cách giảng của GS Nguyễn Lân có chăng được dùng làm tiếng chửi, hoặc ám chỉ bọn tôi tớ, lâu la của quan lại
với thái độ mỉa mai, khinh miệt (ví chúng như “cứt hùm”), chứ không phải bọn lính lệ, đầy tớ nhà quan hoàn toàn không có gì đáng sợ. Và dĩ nhiên đó không phải là nghĩa bóng duy nhất của "Sợ hùm sợ cả cứt hùm".
HTC/7/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét