29 thg 1, 2016

PHIẾM KHỈ PHÚ của Cao Bồi Già

                             CAO BỒI GIÀ

Bài phú vui chào đón năm Khỉ, bác Cao Bồi Già gửi Tuấn Công Thư Phòng và độc giả . Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.

Tiễn biệt cụ Dê;
Nghinh chào anh Khỉ.
Mừng năm mới, kẻ kẻ tươi vui;
Đón Xuân sang, người người hoan hỷ.


Lai rai nhấm nháp:

Hương vị Tết, lắm thú  mê say ;
Chuyện chàng Thân, muôn màu thú vị.
Hẳn tài cán lắm, mới ngồi chung  chiếu lão “Ba Mươi”;
Chắc công lao nhiều, nên đứng sánh vai hàng“thập nhị” ?.(1)

Khỉ nào ai có lạ :

Cả hàng cả họ trèo cây đu nhánh, kẻ kẻ giỏi giang;
Toàn quyến toàn gia bắt chí bới lông, ngày ngày chăm chỉ.
Cũng mày cũng mặt, ngồi ngồi đứng đứng nào khác dáng người;
Nhưng tính nhưng tình, nhảy nhảy đu đu  rõ là trò  khỉ .
Dẫu đôi hàm vẩu,  buồn tủi tênh tênh;
Có cái trôn son,  sướng vui tí tỉ.
Tinh khôn nghịch ngợm như ma;
Ranh mãnh lẹ nhanh tựa quỷ.


Ngẫm chuyện khỉ cũng lắm :

Xưa vài cha ông phát tiết thành gốc tổ loài người;
Nay toàn con cháu trung trinh vẫn y nguyên giống khỉ.
Chả vất vả trên đồng, long đong giữa phố, suốt kiếp tính toan;
Cứ tung tăng trong rú, nhảy nhót đầu cành, một đời dạn dĩ.
Quả ngọt no lòng;
Trái ngon thỏa chí.
Nhàm núi rừng, thỉnh thoảng vào xóm, đùa con trẻ chọc phá dân làng;
Chán hoa quả, lâu lâu xuống đồng, xoáy rau khoai bẻ tha bắp bí.
Món ngon vật lạ ngốn chẳng e dè;
Thức uống đồ ăn xơi không khách khí.
Lưỡng lự  bỏ xoài lấy mít, hoa quả vung vãi hoang tàn ;
Tham lam vào nách ra tay, khoai ngô rớt rơi phung phí.(2)

Ấy chẳng vừa :

Dùng mai bổ cuốc đại tài;
Múa gậy vung cây tuyệt kỹ.
Bắt chước thôi khỏi bình ;
Tò mò cũng hết ý.
Vua săn chuột, ai sành miếng bằng mèo ?;
Chúa dòm nhà, ai nổi danh hơn khỉ   ?(3)
Ca dao thời lắm khúc nga ngâm;
Tục ngữ vốn nhiều câu von ví.
Chó chê lá lông, mặc mồm chó, Khỉ chu mỏ khì khì;(4)
Chuột mỉa hôi hám  , thây mõm chù, Hầu nhe răng há hí .(5)
Nhai phải gừng cay, mồm xoa miệng xuýt, ấy đấy kìa người;
Cắn nhằm ớt hiểm, mày nhó mặt nhăn nào đâu mỗi khỉ.(6)
Vốn giống Hầu chỉ mồm kêu hu kêu hú, mười phân thiệt thòi;
Mà nhà Khỉ chịu tiếng hứa cuội hứa lèo, thập phần phi lý.(7)
Chốn khỉ ho,  giờ người đã trú cùng cư ráo trọi, nào sợ ma thiêng;(8)
Nơi Cò gáy, nay xóm đà lan lẫn mọc tùm lum, hết chê chướng khí.
Thì Mai cũng lên ảnh lên phim;(9)
Thời Khỉ ắt về thành về thị.
Phọt phẹt tài hèn hóa “Quân Vương” “Bá Tước” khuấy đảo “Rạp xiếc rong”;
Cao siêu  võ giỏi như “Đại thánh” “Tề Thiên” múa may “Tây du ký”.
Diện áo đóng quần, làm xiếc cho kẻ kẻ sướng miệng hi ha;
Đi hia đội mão, diễn hề mong người người vỗ tay ầm ĩ.

Đâu phải bỡn:

Suy bộ pháp bầy Khỉ, nhân gian sáng chế Hầu quyền;
Ngẫm thói quen lũ Mai, người thế vẽ bày võ khỉ .
Dùng mưu xỏ ống lừa hầu;(10)
Giở ngón rung cây nhát khỉ.(11)
Nhưng ấy khỉ đừng dại chước  người;
Và xin người chớ làm trò khỉ.

Bởi lẽ:

Nhiều khi sao trông khỉ như người;
Lắm lúc lại thấy người giống khỉ.
Thoắt ẩn thoắt hiện nhân tâm;
Chợt giả chợt lòe nghĩa khí.
Bày cử chỉ tráo trâng;
Giở ý lòng thô bỉ.

Ồ cũng lạ:

Chả bò chả cắp, sao gọi chứng ban cua;
Nào nhảy nào trèo, mà kêu bệnh ban khỉ.
Khỉ gió văng thế buồn sao;
Khỉ khô chửi chi lạ nhỉ?
Người Đà Lạt quen quá Đồi Cù;
Dân Miền Tây lạ chi cầu khỉ.
Này khỉ không kêu khỉ thằng ranh;
Ấy người lại mắng người đồ khỉ.

Năm mới năm me:

Họ nhà Khỉ vào thơ lên báo rộn ràng ;
Hình ảnh Thân   kín lịch tràn bìa ầm ĩ.
Chốn chốn cầu may;
Nơi nơi ước hỉ.
Chúc kẻ kẻ quanh năm hạnh phúc, suốt tháng vui tươi;
Chúc người người vạn sự an lành, muôn điều như ý.
Tào lao chuyện khỉ, vui mấy phút rông dài;
Tán phiếm ngày Xuân, bậy đôi vần giải trí.


Ghi chú:
(1): “Ba Mươi”: Ông Hổ; “Thập Nhị”: 12 con giáp.
(2):: Khỉ xuống ruộng bẻ bắp, có tính tham lam cắp 2 trái bắp vào 2 nách , rồi 2 tay lại giơ lên hái 2 trái nữa. Thế là bắp từ nách lại rơi ra. Cứ tham như thế thành ra khỉ bẻ rất nhiều bắp mà chỉ lấy đi được rất ít. Tương tự hái xoài rồi, thấy mít lớn hơn thì lại tham, bỏ xoài lấy mít…
(3): Tục ngữ có câu: Nuôi khỉ dòm nhà
(4): Tục ngữ có câu: Chó chê khỉ lắm lông.
(5) Ca dao có câu:
Chuột chù chê khỉ rằng hôi
Khỉ lại trả lời cả họ mày thơm
(6) Tục ngữ có câu:  Nhăn nhó như khỉ ăn gừng  và Mặt nhăn như khỉ ăn ớt.
(7) Tục ngữ có câu: Hứa hươu hứa vượn.
(8) Tục ngữ có câu Nơi khỉ ho cò gáy.
(9) Có nơi gọi khỉ là Mai.
(10)Tục ngữ có câu: Khư khư như Đười ươi giữ ống; Khi vào những khu rừng có nhiều Đười Ươi thì người ta thường xỏ tay vào 2 ống tre, Đười Ươi thường nhảy ra bắt người bằng cách nắm chặt 2 cánh tay. Lúc ấy người ta chỉ việc rút tay ra mà chạy.

(11) Tục ngữ có câu : Rung cây nhát khỉ.


27 thg 1, 2016

CON LỢN TRÊN MÂM CỖ TẾT


Cỗ Tết
                                    Ảnh: Sưu tầm
HOÀNG TUẤN PHỔ

Truyện nôm cổ Lục súc tranh công (khuyết danh) kể chuyện sáu con vật nuôi: lợn, gà, trâu, ngựa, dê, chó tranh công đổ lỗi. Lợn bị mấy con vật kia kết tội: ăn no đủn máng, dẫm chuồng, chưa sút bụng đã réo gọi điếc tai hàng xóm, rõ đồ bị thịt vô tích sự! Lợn tuy ngắn cổ nhưng dài mồm, lớn tiếng cãi lại: “Các người không nghe chủ nhà gọi ta là “ông ỉ” chứ có ai gọi ông trâu, ông ngựa, ông dê, ông chó đâu? Ấy vì họ nhà lợn ta chuyên lo việc cúng tế, không có “ông ỉ” thì mâm cao cỗ đầy cũng bất thành cỗ!

23 thg 1, 2016

Nên hiểu câu "CƠM QUANH RÁ, MẠ QUANH BỜ" thế nào cho đúng?

Mạ quanh bờ nông dân không nhổ
Ảnh: Sưu tầm

HOÀNG TUẤN CÔNG

Tục ngữ "Cơm quanh rá, mạ quanh bờ" được hầu hết các sách từ điển sưu tầm và giải thích:
1-"Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam" (GS Nguyễn Lân): "Kinh nghiệm nông dân cho rằng lúa cấy ở ven bờ tốt hơn lúa ở giữa ruộng".

22 thg 1, 2016

VIẾNG CỤ RÙA HỒ GƯƠM


     HOÀNG TUẤN PHỔ










Viếng cụ Rùa Hồ Gươm

Quy sinh tam bách tối vi kỳ
Tuổi Hạc không hơn cũng thứ nhì (*)
Phép bói mai rùa truyền Bắc Quốc (**)
Tổ nghề kiến trúc dạy Man Di (***)
Giận phường ô trọc nhiều mưu mẹo,
Ghét lũ gian tà lắm thị phi.
Nếu có gươm thần đà chẳng thác,
Thương mà chi, tiếc cũng mà chi!

                              21/1/2016

15 thg 1, 2016

Trở lại Am Tiên núi Nưa

HOÀNG TUẤN PHỔ

Na Sơn – Núi Nưa – Ngàn Nưa, một nguồn đề tài hầu như vô tận. Chúng ta đã ngược dòng thời gian tìm hiểu Am Tiên núi Nưa (*), nhưng chưa đủ, cũng nên “Trở lại An Tiên núi Nưa” để biết thêm chuyện xưa, chuyện nay, chuyện xưa cảnh tiên, chuyện nay đền Mẫu.

Các sử sách cổ như Dư địa chí của Phan Huy Chú, Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn,...  đều chép thống nhất sự tích người Tiều phu núi Nưa, cũng như trước đó, Nguyễn Dữ đã kể trong sách Truyền kỳ mạn lục:

11 thg 1, 2016

Thành Tây Đô với hương Đại Lại - làng quê Hồ Quý Ly


           
Một đoạn thành Nhà Hồ
                                             Ảnh: ST
                                                                                        Hoàng Tuấn Phổ

Gia đình Lê Huấn đến ở Đại Lại đã lâu đời. Bấy giờ Đại Lại, đơn vị hành chính gọi là Bái Nại sách, cùng với An Tôn động chung một vùng đất. Đời Tiền Lê hoặc Lý đổi tên trang Bái Nại, tiếp đến nhà Trần mới thành hương Đại Lại. Thế đất Đại Lại đẹp, núi non tầng tầng lớp lớp quây lại như mâm xôi, như âu vàng, chén ngọc, thung lũng bằng phẳng, rộng dài, sông lớn lượn quanh, ôm vòng, tạo nên thành trì bền vững muôn đời. Đồng ruộng tươi tốt, núi non xanh um cây cối, sản vật dồi dào, nổi tiếng đất lành chim đậu, dân cư đông đúc, yên nghiệp làm ăn.

9 thg 1, 2016

"KÍNH" TRONG "CỔ KÍNH" NGHĨA LÀ GÌ?

Thư pháp của Tiếu Chi Nguyễn Hữu Sử

                                                 Nguồn: FB Sử Nguyễn

              Hoàng Tuấn Công

Trong tiếng Việt, "cổ kính" là từ khá thông dụng. Tuy nhiên, việc giải nghĩa từ, từ tố của "cổ kính" trong các sách từ điển tiếng Việt còn thiếu thống nhất.

          Từ điển tiếng Việt (New Era) giải thích: "Cổ kính: Cổ xưa và đáng kính Những truyền thống cổ kính của dân tộc."

Từ điển từ và ngữ Hán Việt (GS Nguyễn Lân): "Cổ kính (cổ: xưa cũ; kính: tôn trọng) Lâu đời rồi, nhưng còn đáng tôn trọng: Những công trình kiến trúc cổ kính của ông cha để lại."

13 thg 12, 2015

Nghĩa đen câu tục ngữ "Bán bò tậu ễnh ương"


Bò cóc, bùng ỏng đít beo
                                            Ảnh: Sưu tầm trên Internet
      HOÀNG TUẤN CÔNG


Tục ngữ Việt Nam có câu "Bán bò tậu ễnh ương". Các sách "Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam" chỉ đưa ra cách hiểu nghĩa bóng, mà không giải thích nghĩa đen. 
-Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam của Nhóm Vũ Dung: "(ễnh ương: một loài ếch nhái có tiếng kêu rất to. Làm ăn không biết tính toán; Bỏ thức tốt để chuốc lấy của không ra gì." 

3 thg 12, 2015

NHIỀU SAI SÓT TRONG "TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT" CỦA NXB TỪ ĐIỂN BÁCH KHOA


      HOÀNG TUẤN CÔNG

Gần đây, việc biên soạn, xuất bản từ điển tiếng Việt có rất nhiều sai sót. Sách “Từ điển tiếng Việt”, (Kim Danh-Ngọc Hằng-NXB Từ điển Bách khoa) là một ví dụ.

Sách biên soạn theo kiểu xào xáo, sao chép từ các cuốn từ điển khác (phần lớn những cái đúng là sao chép "Từ điển tiếng Việt" (TĐTV) do Hoàng Phê chủ biên. Y sao cái đúng đã đành, với những cái sai, Kim Danh-Ngọc Hằng cũng cặm cụi chép lấy. Nhiều từ có 2-3... nghĩa nhưng các soạn giả chỉ giảng một nghĩa, (có khi không phải nghĩa phổ thông), gây khó khăn cho bạn đọc và rất dễ dùng sai khi tra cứu.

19 thg 11, 2015

Một số điểm đáng ngờ của "Mở đoạn bài văn 0 điểm gây tranh cãi"

Bản chụp đoạn văn được cho là của học sinh lớp 7
Ảnh: Vietnamnet
          Hoàng Tuấn Công

Mấy ngày vừa qua, mạng xã hội chia sẻ và tranh luận sôi nổi về bài "Mở đoạn bài văn 0 điểm gây tranh cãi". Hàng chục Báo mạng đăng bản chụp "mở đoạn bài văn" kèm "lời bình" của phóng viên và nhận xét của độc giả.

           Theo Vietnamnet: "Chị Lê Huệ (Hà Nội) vừa chia sẻ bài văn kiểm tra giữa kỳ của con (học sinh lớp 7) bị 0 điểm với phân vân: Vì mở đoạn không đúng văn mẫu, không đúng yêu cầu? Chia sẻ của chị lập tức có tranh luận trái chiều...

16 thg 11, 2015

Thư phòng nói chuyện nhà nông-Kỳ III-BÀN TAY BẨN

                HOÀNG TUẤN CÔNG

Để đạt được mục đích của mình, Nhóm P/v VTV (sau đây gọi tắt VTV) đã dùng tiểu xảo nghề nghiệp, đánh tráo nhiều khái niệm, khiến khán giả không có điều kiện tìm hiểu hết sức phẫn nộ bởi cái gọi là những việc làm "bất thường" của ngành Bảo vệ thực vật  (BVTV) theo cách nói của VTV.

14 thg 11, 2015

Về bài "7 câu thành ngữ, tục ngữ ai cũng quen dùng, nhưng toàn bị sai"

Gà con chưa mọc đuôi tôm luôn sống dưới sự chở che
của  gà mẹ một cách ngoan ngoãn

                         Ảnh: ST 
HOÀNG TUẤN CÔNG

Tuần qua, mạng xã hội chia sẻ, tranh cãi sôi nổi về bài "7 câu thành ngữ tục ngữ ai cũng quen dùng, nhưng toàn bị sai" (Kênh14.vn tham khảo từ sách "101 câu chuyện về chữ nghĩa"-Đỗ Đăng Lưu-NXB Giáo dục-2004, sau đây gọi tắt K14). Nhiều bạn đọc gửi thư, đề nghị chúng tôi đưa ra nhận xét.

Theo chúng tôi, hầu hết các phương án "sửa sai" không có gì mới, ngược lại đã được từ điển (Nhóm Vũ Dung, Nguyễn Như Ý...) ghi nhận từ những năm 1990-1993. Điều đáng nói, cách giải thích của từ điển và K14 chưa hoàn toàn thuyết phục, có câu bò lành đánh bò què.

9 thg 11, 2015

Thư phòng nói chuyện Nhà nông-Kỳ II, VTV vì ai?

         HOÀNG TUẤN CÔNG      
Trên thị trường có nhiều loại thuốc hóa học cực độc
 cần được quản lý để tránh sử dụng sai mục đích
Ảnh: NongNghiep.vn


 1.Sai bản chất vấn đề:

          VTV phản ánh việc một số Công ty, các Đại lý, Cửa hàng bức xúc vì cơ quan Bảo vệ thực vật (BVTV) có công văn hướng dẫn, khuyến cáo cụ thể tên một số sản phẩm (như Prevathon 5SC và  Virtako 40 WG) để phòng trừ sâu đục thân. Tuy nhiên, nguyên nhân nào dẫn đến việc phải khuyến cáo cụ thể như thế, lại không được VTV nói đến và phân tích đúng sai.

8 thg 11, 2015

THƯ PHÒNG NÓI CHUYỆN NHÀ NÔNG (Kỳ I-Nghệ thuật thổi phồng của P/v VTV)

                HOÀNG TUẤN CÔNG


Tôi có xem loạt bài Phóng sự về những "bất thường" trong hướng dẫn sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật ở Phú Thọ và Thái Bình của P/v Bạch Hoàn, Thanh Thảo và Nhóm P/v Đài Truyền hình Việt Nam (phát trên Bản tin Tài chính kinh doanh và Chuyển động 24h bắt đầu từ tháng 9/2015).

7 thg 11, 2015

Nhân xem phim "TÂY DU KÝ"



Cụ Hoàng Tuấn Phổ năm nay đã ở tuổi 80. Với cụ, làm thơ là để giải trí, sau những giờ miệt mài bên trang viết. Nhân về quê chơi, HTC thấy hai bài thơ (không đề tên tác giả) cụ mới làm trong một đêm khó ngủ .
 Xin trân trọng giới thiệu tới độc giả TCTP, cũng là để giải trí cho vui.

                                              TCTP





"XUẤT CUNG" LÀ GÌ?

Thẻ "Xuất cung, Nhập kính"
                     Ảnh: 中華網
HOÀNG TUẤN CÔNG

Bài thơ "Hạn chế" 限制 (Ngục trung nhật ký"-Hồ Chí Minh) có hai câu đầu như sau:
"Một hữu tự do chân thống khổ, 
Xuất cung dã bị nhân chế tài"
(
)
            Nam Trân dịch:
"Đau khổ chi bằng mất tự do,
Đến buồn đi ỉa cũng không cho"
 ("Nhật ký trong tù"-NXB Văn hóa, Viện văn học-1960)

31 thg 10, 2015

Chân dung "tham quan, ô lại" trong "Tình cát"

            
 HOÀNG TUẤN CÔNG


Nguyễn Quang Lập có biệt tài "ký họa" tính cách nhân vật. Điều đó đã được khẳng định qua các thể loại tạp văn, kịch bản phim, truyện ngắn... đặc sắc.  Với "Tình cát", ông vẫn còn nguyên trong tay cây cọ vẽ chân dung bằng ngôn ngữ tài tình. Đáng chú ý là gương mặt của các "tham quan, ô lại" đương thời.

29 thg 10, 2015

XEM "TÌNH CÁT" CỦA NGUYỄN QUANG LẬP

             
                         HOÀNG TUẤN CÔNG

Độc giả từng phát cuồng với những tạp văn đặc sắc của Nguyễn Quang Lập, có thể sẽ thất vọng khi đến với "Tình cát". Bởi "Tình cát" không dễ đọc như tạp văn. Tuy nhiên, nếu biết thưởng thức, "Tình cát" lại hay và hấp dẫn chính ở chỗ không dễ đọc đó.

            Không dễ, bởi người đọc phải động não trước một "Tình cát" có tính khái quát, biểu tượng, ẩn ý cao. Nếu chạy theo cốt truyện, có thể vô tình lướt qua hình ảnh con cú què bay qua liệng lại như nối hiện tại với quá khứ, cất tiếng kêu tựa tiếng nấc oan hồn người dân Xóm Cát. Hay tiếng đàn cò đêm đêm như than, như oán của ông Rúm...Tiếng chim "Đi...soạn cho hết" khắc khoải nhắc nhớ quá khứ đau thương... 

22 thg 10, 2015

BÀ CỜN XỨ NGHỆ RA THANH (Phần cuối)

Đền Cờn Ngoài-Quỳnh Lưu-Nghệ An.
               HOÀNG TUẤN PHỔ

Đền miếu của Tứ Vị Thánh Nương chủ yếu tập trung ở dải đất ven biển, nhất là những làng xã làm nghề cá, thường xuyên ra khơi đánh cá. Đền nào cũng to nhất tuỳ theo khả năng kinh tế địa phương, được gọi bằng cái tên đầy tôn kính: đền Thánh Cả.
          Đầu năm, làng xã tổ chức lễ hội cầu phúc, cầu ngư. Cầu phúc để mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, cầu ngư để sóng yên biển lặng, lắm cá nhiều tôm.

11 thg 10, 2015

BÀ CỜN XỨ NGHỆ RA THANH (Phần II)

Đền Tứ Vị Thánh Nương ở Hậu Lộc.

                                        Ảnh: trên Intetnet
             HOÀNG TUẤN PHỔ 


Xét việc phong tặng thần linh thời Lê đều theo một quy chế chung: tất cả các vị Âm thần từ Bà Trưng, Bà Triệu, phổ biến nhất là “phu nhân” (xưa chỉ vợ các vua chư hầu, hoặc vợ các quan nhất phẩm). “Phu nhân” cũng là tước hiệu vua phong các nữ thần bậc thượng đẳng. Ví dụ: Hai Bà Trưng được phong Trinh Linh nhị phu nhân, Bà Triệu được phong Trinh Nhất phu nhân. 

8 thg 10, 2015

BÀ CỜN XỨ NGHỆ RA THANH (phần I)

Đền Cờn

                                   Ảnh: Du lịch Nghệ An

          HOÀNG TUẤN PHỔ

Bà Cờn đóng “đô phủ” ở Càn Hải xứ Nghệ, quản lĩnh 12 cửa biển trong nước, theo sắc phong vua Trần. Các cửa biển quan yếu của Thanh Hoá: Hiếu Hiền (Ghép), Hội Trào (Hới) Y Bích (Sung) đều thuộc quyền Bà. Những nơi này đều xây dựng “hành cung” to lớn, hơn hẳn các đền miếu chung quanh, để đáp lại công lao của Hoàng hậu nhà Tống, nhưng lại gửi số phận vào nước Nam và hết lòng âm phù người Nam.

6 thg 10, 2015

“Đom” hay “đóm”?

Bệnh lòi đom có thể chữa khỏi bằng các vị thuốc Nam

                                               Ảnh: ST trên Internet

HOÀNG TUẤN CÔNG

Trong bài "Tục ngữ về ốm đau, chữa bệnh"(“Tạp Chí Nghiên cứu văn hóa”-Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) của Hoàng Kim Ngọc có ghi nhận câu tục ngữ "Đóm cháy ăn ra, tim la ăn vào". (Hoàng Kim Ngọc nhấn mạnh-HTC).  “Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương) đưa ra hai dị bản và giải thích rõ ràng: “Đóm ăn ra; tim la ăn vào: Đóm là thứ hay cháy theo hướng từ trong ra: tim la là chứng hay ăn theo hướng từ ngoài vào. Như: Đóm cháy ăn ra, tim la ăn vào.

4 thg 10, 2015

Địa danh một số làng biển Thanh Hóa-Kỳ 4-Làng Đồn Điền (Quảng Xương)

Đền thờ Thành hoàng làng Đồn Điền

Ảnh: báo Dân Trí
HOÀNG TUẤN PHỔ

Đồn Điền là loại hình kinh tế sở hữu nhà nước. Khi chế độ đồn điền bãi bỏ, sở đồn điền này là một trong số ít sở đồn điền trên miền Bắc lấy tên gọi chung của sở làm tên đặt riêng cho làng.

Năm 1470-1471 Lê Thánh tông thân chinh hỏi tội vua Chiêm, đại thắng trở về. Một cánh quân do Tô Chính Đạo và Uông Ngọc Châu chỉ huy, vua sai trở lại Thanh Hoá cùng binh lính làm đồn điền. Tô Chính Đạo giữ chức Đồn Điền Chánh sứ, Uông Ngọc Châu làm Phó sứ. Có lẽ ngoài việc mở mang đồn điền còn kiêm nhiệm vụ phòng thủ duyên hải nên mới chọn mảnh đất khô cằn ven biển Quảng Xương. Dân đồn điền bấy giờ chủ yếu là binh lính, bổ sung thêm một ít tù binh, và thành phần khác.