11 thg 11, 2017

TRAO ĐỔI VỚI PHẠM VÕ THANH HÀ, (KỲ I): “HIỂU TIẾNG VIỆT SAO CHO ĐÚNG”?

Cau thường được trồng ở không gian rộng
thoáng đãng, để tạo cảnh đẹp và cho quả
Anh: ST

HOÀNG TUẤN CÔNG

Trên báo “Lao Động” (23/9/2017) có bài “Từ Nguyễn Lân đến Hoàng Tuấn Công – hiểu tiếng Việt sao cho đúng!” của Phạm Võ Thanh Hà (PVTH), góp ý về cuốn “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân-Phê bình và khảo cứu” của Hoàng Tuấn Công.

          Bài viết cũng đăng trên một số tạp chí, trang mạng khác (như tạp chí “Nghiên cứu và Phát triển” số 4 [138], 2017, của Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế”), với phần 2 Xung quanh cuốn sách của Hoàng Tuấn Công - Vài trao đổi về phương pháp luận” (tuy có giới thiệu ở phần cuối của bài đăng trên báo “Lao Động”, nhưng chúng tôi không tìm thấy trên báo này. Không rõ báo này có đăng phần 2 này không).
          Trước tiên, chúng tôi xin cảm ơn tác giả Phạm Võ Thanh Hà và báo Lao Động, cũng như các sách báo, tạp chí khác đã đăng bài góp ý, giúp cuốn sách của chúng tôi "ngày càng hoàn thiện".

Sau đây, chúng tôi  (bút danh Hoàng Tuấn Công) xin lần lượt trao đổi lại 8 điểm mà PVTH đã nêu ra trong bài “Từ Nguyễn Lân đến Hoàng Tuấn Công - hiểu tiếng Việt sao cho đúng!”, với mong muốn làm sáng tỏ thêm vấn đề, thấy được cái hay, cái đẹp của tiếng Việt. Vì bài dài, nên kỳ I, chúng tôi chia làm hai phần. Sau đây là phần đầu của kỳ I:

1.PVTH viết:

“1. “…HTC đúng qua khẳng định: “ngâu tháng bảy không phải tục ngữ, cũng chẳng phải thành ngữ” và “mưa ngâu là mưa dầm dề, dai dẳng chứ không phải mưa rào, ào ào rồi tạnh ngay”. Tuy nhiên, người viết e rằng HTC đã sai khi gọi “Ngâu tháng bảy” là “tên một tiết khí trong năm” (tr.33).
Về “Tiết khí”, theo hiểu biết hạn hẹp của chúng tôi thì lịch một số quốc gia phương đông được chia thành 24 tiết khí. Trong 24 tiết khí này có 8 tiết quan trọng là thời điểm bắt đầu (Lập hạ, Lập thu, Lập đông, Lập xuân) và giữa (Hạ chí, Thu phân, Đông chí, Xuân phân) của 4 mùa, không hề có “tiết khí Ngâu tháng bảy”.

Quả tình, “ngâu” không phải là một trong 24 tiết khí. Tuy nhiên, vì đây là khoảng thời gian mà đặc điểm khí hậu, thời tiết lặp lại (hàng năm) theo quy luật đặc biệt, kéo dài trong một thời gian nhất định (như “mưa dầm sùi sụt”), nên dân gian gọi là “tiết ngâu”, “tiết mưa ngâu” (không gọi “tiết khí ngâu”, hay “tiết khí ngâu tháng bảy”, như PVTH viết). Đây chính là nghĩa 3 của mục “tiết”, mà “Từ điển tiếng Việt” (Vietlex) đã ghi nhận: “tiết: thời tiết, về mặt có đặc điểm không thay đổi nào đó trong khoảng thời gian nhất định trong năm: trời đang tiết xuân ~ tiết trời ấm áp ~ “Thanh minh trong tiết tháng ba, Lễ là Tảo mộ, hội là Đạp thanh.” (TKiều). Theo đó, mục “ngâu”, từ điển này đã giảng như sau: “ngâu • t. [thời gian] có mưa ngâu: tháng ngâu (tháng 7 âm lịch) ~ tiết ngâu”.


Tham khảo:
Bài thơ “Tiết ngâu” của Vũ Lập:
“Vời vợi dáng em trong tiết ngâu
Để dạ héo hon tình thêm sầu
Ô thước bao giờ cầu nối nhịp
Đôi bờ hai kẻ đứng trông nhau”
Hay:
“Mồng bảy tháng bảy, tiết mưa ngâu 
Chạnh nhớ chàng Ngưu và ả Chức” 
(Tế Hanh)

          Như vậy, “tiết” trong “tiết ngâu” ở đây nghĩa là “tiết khí” (“tiết khí: tiết trời và khí hậu” [“Từ điển Việt Nam phổ thông”-Đào Văn Tập]). 
       “Lập thu” (tiết lập thu), “ngâu” (tiết ngâu). Theo đó, “ngâu” (tiết ngâu) không phải là một trong 24 tiết khí (phân chia theo phép làm lịch của người xưa, được “Từ điển tiếng Việt” [Vietlex] ghi nhận ở nghĩa 1 của mục "tiết": “ngày cách nhau nửa tháng trong năm, ứng với một trong hai mươi bốn vị trí của Mặt Trời trên đường hoàng đạo, được đưa vào lịch cổ truyền của Trung Quốc nhằm xác định khí hậu, thời vụ cho phù hợp với điều kiện tự nhiên: tiết xuân phân ~ tiết thanh minh ~ tiết đông chí. Đn: ngày tiết.”), nhưng nó là “cữ” thời tiết, liên quan đến “tiết khí” (tiết trời và khí hậu) trong năm (theo cách gọi của dân gian, được Từ điển Vietlex ghi nhận ở nghĩa 3 của mục "tiết" mà chúng tôi đã trình bày ở trên).


          2.PVTH viết:
“2. Một ví dụ khác là từ “lãng công” (tr.341). HTC đã sửa sai cho NL khi thay “lãng công” bằng “lãn công” và khẳng định: lãn là lười (có thể minh họa bằng câu “đại lãn chờ sung” - lười nhác chờ sung rụng). Tuy vậy, nếu hiểu lãn công “là làm cầm chừng, làm không đủ công, khiến cho năng suất lao động giảm” như HTC thì không hoàn toàn đúng. Nói cách khác, HTC chỉ đúng ở hai ý: “làm cầm chừng” và “năng suất lao động giảm” và sai ở cách giải thích “làm không đủ công”.

Nghĩa “đủ công” thường được hiểu là đủ “một ngày” hoặc “một ca”. Chẳng hạn như quy định của nhà máy, công nhân nếu làm cả thứ bảy thì trung bình 1 tháng phải lao động 26 ngày mới được tính là “đủ công”. Vì lý do nào đấy mà về sớm hay “cắt phép” sẽ “thiếu công” (so với định mức). “Một công thợ” sẽ được trả bằng nọ, bằng kia tiền nếu đủ định mức thời gian (thường là 8 tiếng). Do đó, “làm không đủ công” là không đủ ngày, không đủ thời lượng chứ không phải “lãn công” (lười)”.

          Thực ra, khi chúng tôi viết “làm cầm chừng, làm không đủ công, khiến cho năng suất lao động giảm”, thì “không đủ công” nhằm chỉ rõ hệ quả của “làm cầm chừng”. Nghĩa là đáng ra đủ một công phải làm việc 8 tiếng/ngày, nhưng vì “lãn công”, làm cầm chừng, cố tình vừa làm vừa nghỉ, làm không hết sức, nên có khi chỉ đạt 4-6 tiếng/ngày. Như thế, tuy người công nhân không nghỉ hẳn (vẫn có mặt ở xưởng máy cả ngày), nhưng thực chất thời gian, năng suất lao động cộng lại, chỉ bằng nửa ngày công, hoặc không đủ một ngày công đúng nghĩa. Bởi vậy, “không đủ công” trong ngữ cảnh này phải hiểu là làm không hết sức, không đủ thời gian theo quy định (của một công) đáng ra phải làm trong ngày.
         
          3.PVTH viết:
“3. Tương tự như vậy, ở phần giải thích cho câu “tức như bò đá” (tr.429), NL cho rằng “bò không thể đá được”, HTC phủ nhận: “Tuy không ra được những cú song phi uy lực, dứt khoát như ngựa, nhưng bò vẫn đá theo kiểu của bò”, người bị bò đá “đã đau, lại bị một phen giật mình, hồn vía lên mây”.

Theo đó, PVTH đưa ra “ba điểm cần trao đổi”. Chúng tôi xin lần lượt trao đổi về ba điểm đó như sau:

a-Điểm thứ nhất: sau khi phân tích ý nghĩa của đòn “song phi” trong một số phái võ như Taekwondo, Karate, Kungfu…, PVTH cho rằng (lược trích): “Để mô tả pha “song phi” thì có thể chưa có sự đồng nhất về ngôn từ nhưng về đại thể, đó là đòn đánh mà chủ nhân tung cả hai chân (song) lên không trung (phi - “bay lên”) (…) Con ngựa, giả dụ có chồm về phía trước, đập/đạp vào đối phương thì đó là “cú đập cùng lúc của cả hai chân” nên không thể nói ngựa tung ra “những cú song phi uy lực, dứt khoát” như HTC nói được. Thêm nữa, sở trường của ngựa là “đá hậu” (phía sau) nhưng cũng không thể xem đó là “song phi” của ngựa”.
 
Ngựa đá song phi
Ảnh: ST
          Thực ra chúng tôi rất hiểu, ngựa, hay bò, đều không đá bằng chân trước. Khi ngựa chồm hai chân trước lên, thì gọi là ngựa “chờm” (“Đại Nam quốc âm tự vị” (Huình Tịnh Paulus Của): “Chờm: nhảy dựng, nhảy xơm mà chụp... Ngựa chờm - ngựa dựng lên mà chụp”; tục ngữ có câu “Đừng chờm mà có ngày chấn móng” là vậy).
Ngựa vằn đá vỡ hàm sư tử
Ảnh: ST

Khi đá hậu, có khi ngựa đá bằng một chân (đá hất ra phía sau); cũng có khi ngựa đá bằng cách tung cùng lúc cả hai chân sau cực nhanh và mạnh vào đối phương (nhiều con ngựa sử dụng đòn song phi này để chống lại hổ và sư tử). 
 “Từ điển tiếng Việt” (Văn Tân chủ biên) giảng: “song phi • đg. 1.Nói cặp chim (trống và mái) bay ngang với nhau. 2 Nói đá hai chân cùng giơ lên.”; “Từ điển tiếng Việt” (Vietlex): “song phi • 雙飛 đg. nhảy lên đá một chân này rồi tiếp liền theo đá chân kia: đá song phi ~ ra một cú song phi”.
Gà đá song phi
Ảnh: ST

Đá "song phi" có nghĩa là đá bằng hai chân cùng lúc. Thế nên, dân chọi gà vẫn gọi cú đá cùng lúc cả hai chân của gà chọi là cú/miếng “song phi”. Vậy, ngựa đá hậu bằng hai chân cùng lúc, tại sao lại “không thể xem đó là ‘song phi’ của ngựa” (như PVHT khẳng định)? Không có sách vở, từ điển nào giới hạn từ “song phi” chỉ dùng cho người. 

Có thể lấy ví dụ thêm. Từ “đấm”, được “Từ điển tiếng Việt” (Vietlex) giảng nghĩa 1: “đấm • đg. 1 đưa nắm tay thẳng tới cho tác động mạnh vào: đấm vào vai bạn ~ đấm cửa. Đn: thụi”. Theo đây, thì "đấm" chỉ dùng cho động tác của người (vì dùng "nắm tay"). Thế nhưng, dân gian còn dùng “đấm” với nghĩa rộng hơn. Đó là trường hợp những con chó tinh khôn, thấy người lạ vào nhà, có khi nó không cắn, mà chỉ "cảnh cáo" bằng cách dùng mõm thúc vào bắp chân người ta một cái. Dân gian gọi là nó chỉ mới “đấm” doạ, chứ chưa “cắn”. Trong trường hợp này, không thể cứ đem định nghĩa của “đấm” trong từ điển ra, để cho rằng viết “chó đấm” là sai. Ấy là chưa nói đến chuyện khi viết “phê bình, khảo cứu”, thì người cầm bút vẫn có quyền được sử dụng ngôn từ một cách sinh động, giàu hình ảnh như bao nhà văn, nhà thơ khác. Bởi vậy, chọn cách diễn đạt ngắn gọn, gợi tả “cú song phi của con ngựa, thay cho cách viết dài dòng và khô cứng: “cú đá bằng cả hai chân cùng lúc…” là chuyện hoàn toàn bình thường.

b-Điểm thứ hai, PVTH viết:

-“HTC khẳng định: Bò “không ra được những cú song phi uy lực, dứt khoát như ngựa” nghĩa là những cú “đá theo kiểu của bò” - không mạnh, không có nhiều uy lực. Vậy mà nạn nhân của con bò “đã đau, lại bị một phen giật mình, hồn vía lên mây” thì kể cũng lạ”.

Điều này không có gì mâu thuẫn, hay “kể cũng lạ”. Vì, bò đá “không mạnh không có nhiều uy lực” bằng ngựa, hoàn toàn không có nghĩa bò đá không đau. Cũng giống như nói “Một cú đá bằng ba cú đấm” (đấm không mạnh bằng đá; đá mạnh gấp 3 lần đấm), không có nghĩa chỉ đá mới đau, đấm không đau; ong mật đốt không sợ bằng ong vò vẽ, không có nghĩa ong mật đốt không hề hấn gì; bò yếu hơn trâu, không có nghĩa bò không khoẻ,v.v...

-PVTH viết tiếp: “Chưa kể “hồn vía lên mây” thường chỉ trạng thái lo lắng, sợ hãi đến mức mất hết tinh thần - sợ mất vía, còn khi cơ thể phải chịu những tác động như đánh, đập, đấm, đá… thì hệ quả tất yếu là đau đớn, bầm dập. Rất hiếm khi thể xác đau đớn đến mức “hồn vía lên mây”, lại càng hiếm khả năng “một phen giật mình” vì cú đá của con bò mà “hồn vía lên mây”.

Điều này hoàn toàn không có gì khó hiểu. Bởi vì, có tình huống bị đau, nhưng người ta không hoảng sợ (ví như bị vấp ngã, hay đứt tay); có những tình huống không hề bị đau, nhưng vẫn hoảng sợ, hết hồn hết vía (ví như bất ngờ bị con chó nó xồ ra, bất thình lình nghe tiếng nổ rung trời). Ở đây, vì bị bò đá bất ngờ, nên vừa bị đau, vừa “một phen giật mình”, nên hồn vía mới “lên mây” là vậy (“hoảng hồn”, “hết hồn hết vía”, “sợ mất vía”, hay “hồn vía lên mây” chỉ là cách diễn đạt sinh động của giật mình, hoảng sợ mà thôi).

c-Điểm thứ ba, PVTH băn khoăn:
           “HTC khái quát đặc tính của bò là “nhút nhát, hiền lành, chậm chạp đến độ bị coi ngu như bò”. Bò “hiền lành, chậm chạp” có thể đúng, nhưng nói bò “nhút nhát” thì chưa thỏa đáng. Đành rằng bò bị xem là ngu (ngu như bò), lơ ngơ (lơ ngơ như bò đội nón) nhưng không ai nói “nhút nhát như bò” mà chỉ ví “nhát như cáy”, “nhát như thỏ đế” mà thôi”.
         
          Ở đây cần phân biệt nghĩa diễn đạt trong một cụm từ tự do, với nghĩa được đúc kết của thành ngữ.

Khi ta viết: “Trâu là con vật chậm chạp, nặng nề…”, không vì thế mà cho rằng sai (với lí do người ta chỉ ví “chậm như rùa”, “chậm như sên”, chứ không ai nói “chậm như trâu”). Hoặc khi viết “Trâu rất gan lì, sẵn sàng chống lại hổ báo…”, cũng không vì thế mà nói rằng sai (với lí do chỉ có thành ngữ “gan như cóc tía”, “gan lì tướng quân”, chứ không ai nói “gan như trâu”). Khi viết “Dê là con vật nhanh nhẹn, leo trèo rất giỏi….”, cũng không thể đem lí do dân gian chỉ ví “nhanh như sóc”, “nhanh như ngựa”, “nhanh như cắt”…, chứ không ai nói “nhanh như dê”, để nói rằng sai. Thậm chí, dù đã ví von “ngu như chó”, nhưng khi mô tả về loài vật này, người ta vẫn được phép viết “Chó là con vật tinh khôn…” 
Thực tế, bò không phải là con vật điển hình cho sự nhút nhát, nhưng so với trâu và ngựa, nó vẫn là con vật nhút nhát, hay hoảng sợ, nên có thành ngữ "Sợ như bò thấy nhà táng". Nghĩa đen thành ngữ “Sợ như bò thấy nhà táng” liên quan gì đến sự nhút nhát của bò, chúng tôi sẽ cùng bạn đọc phân tích, tìm hiểu vào một dịp khác. 
Như vậy, nhận xét về đặc điểm, tập tính (chậm chạp, gan lì, nhanh nhẹn, hay nhút nhát…) ở một loài vật nào đó, không có nghĩa là ta đã biến nhận xét đó thành một thành ngữ; hay cụm từ tự do đó tương đương với chức năng của một thành ngữ. Ta chỉ sai trong trường hợp tuỳ tiện đặt ra thành ngữ “chậm như trâu”, “nhát như bò”, “gan như trâu”,.v.v…trong khi cái chậm, nhát, gan, ấy chỉ là nhận xét chủ quan, trong phạm vi hẹp, nhận xét khi quan sát sự vật dưới nhiều góc độ, chứ không mang tính biểu tượng, điển hình, chưa được cộng đồng thừa nhận như đúc kết của thành ngữ, tục ngữ.

          4.PVTH viết:
“4. Một dẫn chứng khác nữa là việc giải nghĩa từ “liên quân” (tr.198). HTC chỉ ra sai lầm trong cách giải thích của NL (“quân đội gồm binh lính của nhiều nước họp lại để theo đuổi một mục đích chung”), rằng: đó là “đội quân” chứ không phải “quân đội” nhưng anh không đề cập đến yếu tố “của nhiều nước” – quốc gia.
Chúng tôi cho rằng “liên quân” không nhất thiết phải là đội quân “của nhiều nước” mà hai lực lượng trong cùng một quốc gia vẫn có thể gọi là “liên quân” khi hợp sức với nhau, theo đuổi một mục đích chung. Chẳng phải có người từng viết: Không đương nổi sức mạnh của liên quân Trịnh Tùng – Bùi Văn Khuêthế trận của quân Mạc tan vỡ từng mảng rồi sụp đổ hoàn toàn” (Quỳnh Cư, Tình sử Việt Nam, Nxb Thuận Hóa, 2003, tr.63) sao? Trong trường hợp này, liên quân Trịnh Tùng – Bùi Văn Khuê, thậm chí cả những ai theo phò nhà Mạc đều là “người trong một nước”, có điều họ “chẳng thương nhau cùng” mà thôi. Chưa nói đến, ở thời điểm hiện tại, lực lượng của 2 bộ, ban, ngành trở lên phối hợp với nhau cũng được gọi là “liên quân” (liên ngành, liên bộ)”.
Thực ra, ở mục từ “liên quân” chúng tôi chỉ dừng ở chỗ góp ý về cách giảng từ “liên quân” với nghĩa chính, mà “Từ điển tiếng Việt” (Vietlex) giảng và lấy ví dụ cụ thể: “liên quân 聯軍 d. đội quân gồm nhiều đơn vị thuộc quân đội các nước khác nhau hợp thành: liên quân Anh-Mĩ”, chứ không nói đến “liên quân” với nghĩa rộng (như “liên quân” trong “liên quân Trịnh Tùng-Bùi VĂn Khuê” [mà PVTH lấy ví dụ], có nghĩa là hai cánh quân, hai lực lượng riêng biệt, độc lập phối hợp [hợp đồng tác chiến] với nhau trong một trận đánh cụ thể nào đó); hay “liên quân” với nghĩa là các cầu thủ của hai câu lạc bộ bóng đá nào đó được chọn ra, lập thành một đội bóng, để đá với một câu lạc bộ khác.
          Ở đây, chúng tôi không nêu thêm nghĩa rộng, nghĩa phái sinh của “liên quân”, không có nghĩa là chúng tôi đã sai. Vì nếu cứ một mục từ nào mà GS. Nguyễn Lân giảng đang còn thiếu nghĩa, nhưng chúng tôi không góp ý, bổ sung, không phát hiện ra, có nghĩa chúng tôi sai, thì hẳn (chúng tôi) sẽ (đã) sai khá nhiều. Vì thực tế hãy còn nhiều sai sót trong từ điển của GS. Nguyễn Lân, mà chúng tôi chưa thể nêu hết. 
         Như vậy, nội dung trao đổi ở mục "liên quân", PVTH nên tập hợp và đưa vào bài riêng, góp ý cho những sai sót trong từ điển của GS. Nguyễn Lân, thì đúng hơn.
5.PVTH viết:
“5. Về từ “đĩ đực” (tr.294), NL giải thích: “từ dùng để chỉ bọn đàn ông lẳng lơ”, HTC cho rằng đấy là “cách giải thích thiếu chính xác, thiếu nghĩa”. HTC trích dẫn một số sách từ điển và đưa ra kiến giải: “Trước kia có từ đĩ trai, chỉ loại đàn ông hay làm dáng, hay ve vãn đàn bà con gái. Gần đây, đĩ đực chỉ hạng đàn ông đi bán dâm (còn gọi là “mại dâm nam”), tức hạng đàn ông làm nghề thỏa mãn thú nhục dục của đàn bà, để được trả tiền, hoặc nam giới đồng tính”. 
HTC đúng hay sai (?) khi xem làm đĩ là một “nghề” (nghề thỏa mãn thú nhục dục của đàn bà) thì tạm thời chưa bàn đến nhưng việc anh xem “nam giới đồng tính” (vế câu tương đương với vế trước vì đặt sau chữ “hoặc”) là “đĩ đực” thì quả là thiếu cân nhắc, nếu không muốn nói anh áp đặt cái nhìn của hiện tại vì ngày xưa làm gì đã có “mại dâm nam”. 
Chỗ này, chúng tôi không rõ ý của PVTH ra sao. Vì chính PVTH đã viết: “HTC giới hạn khung thời gian là “gần đây” (tức không phải quá xa xưa, xa lạ với mọi người)”. Có nghĩa, chúng tôi nói đến “mại dâm nam” là nói “gần đây”, chứ đâu nói “ngày xưa”?
PVTH viết: “Thêm nữa, trong số nam giới đồng tính có không ít người bán dâm nhưng không phải tất cả nam giới đồng tính đều là "đĩ đực" (PVTH nhấn mạnh)”.
Đúng vậy! Chúng tôi không nói “tất cả nam giới đồng tính đều là "đĩ đực"? Xin đọc lại câu này: “Gần đây, đĩ đực chỉ hạng đàn ông đi bán dâm (còn gọi là “mại dâm nam”), tức hạng đàn ông làm nghề thỏa mãn thú nhục dục của đàn bà, để được trả tiền, hoặc nam giới đồng tính”. 
“…hoặc nam giới đồng tính”, ở đây có nghĩa: ngoài thoả mãn thú nhục dục của đàn bà (để được trả tiền), thì “đĩ đực” còn chỉ cả người chuyên thoả mãn nhục dục của đàn ông đồng tính nữa. Sở dĩ chúng tôi viết “để được trả tiền” ngay sau ý “làm nghề thoả mãn thú nhục dục của đàn bà”, là muốn lưu ý: người đứng ra mua dâm, trả tiền là đàn bà chứ không phải đàn ông (trong khi trước đây không có chuyện ấy, hay nói cách khác là ngược lại). Theo đó, khi chuyển vị trí của cụm từ “để được trả tiền” về cuối câu, thì vấn đề sẽ trở nên hoàn toàn dễ hiểu “Gần đây, đĩ đực chỉ hạng đàn ông đi bán dâm (còn gọi là “mại dâm nam”), tức hạng đàn ông làm nghề thỏa mãn thú nhục dục của đàn bà, hoặc nam giới đồng tính, để được trả tiền”. 
Trong thực tế, mọi người đều hiểu, hai kẻ nam (hay nữ) giới đồng tính đến với nhau (để thoả mãn nhục dục của nhau, không ai trả tiền cho ai), thì không thể gọi là “đĩ đực”, hay “mại dâm” được.

                                                                   HTC/11/2017

(Hết phần đầu của kỳ I. Mời bạn đọc đón xem phần hai, của kỳ I vào ngày 14/11/2017)







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét